| Hotline: 0983.970.780

[Kỳ VII] Chuyện 1 cổ 9 tròng ở Mộc Châu

Anh Vũ Quỳnh Hồng - địa chính xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu (Sơn La) khi được hỏi về các nhiệm vụ của mình liền giơ ngón tay lên đếm, có 9 ngón cả thảy.

Lợn chết dịch chôn không xuể

Mỗi ngón là một nhiệm vụ anh được UBND xã Chiềng Sơn giao cho gồm địa chính, xây dựng, nông lâm nghiệp, khuyến nông, môi trường, khoáng sản, giao thông, thủy lợi và nông thôn mới.

“Cái nào cũng là chính, cũng cần thiết cả khiến việc của tôi chồng chất lên như núi. Riêng tiếp công dân, giải quyết vấn đề đất đai đã chiếm cỡ 50% thời gian bởi từ đầu năm đã có hơn 200 hồ sơ về chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, chỉnh lý sai sót rồi.

Có 8 giờ hành chính nhưng mỗi ngày tôi phải làm 14 giờ mà tối còn ôm hồ sơ về nhà làm tiếp. Hồ sơ xã nông thôn mới dày cả mét rồi bản nông thôn mới dày thêm nửa mét nữa. Thứ bảy, chủ nhật cũng không được nghỉ, chuyện nhà cửa, con cái không rõ thế nào”, anh Hồng phân trần.

Anh Vũ Quỳnh Hồng - địa chính xã Chiềng Sơn xòe cả 2 bàn tay mới đếm hết 9 nhiệm vụ của mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Vũ Quỳnh Hồng - địa chính xã Chiềng Sơn xòe cả 2 bàn tay mới đếm hết 9 nhiệm vụ của mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xã Chiềng Sơn có diện tích gần 10.000ha, tương đương với một huyện cỡ vừa ở đồng bằng, nhiều bản xa trời mưa đi mất cả buổi mới tới. Địa chính quá tải, mọi việc về nông nghiệp giờ đều giao hết cho anh Ngô Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã. Hơn tháng nay cả 16 bản đều có dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy khoảng 60 tấn, rồi hủy 1 tấn trâu bò bị viêm da nổi cục nữa anh đều phải cân, thống kê rồi khiêng đi chôn.

Đầu năm nay anh khuyến nông cơ sở nghỉ, xã có 2 địa chính đã khó kiêm nhiệm thêm nữa là 1 địa chính mới phải chuyển đi. Tổ chức phân công thì tôi phải nhận nhưng dù có cố gắng thì với trình độ như thế này, thời gian không có, chất lượng sẽ không đảm bảo, chỉ làm dân mất lòng tin mà thôi.

Anh Vũ Quỳnh Hồng

“Chính sách như thế này không hợp lý chút nào bởi thứ nhất là làm quá tải cán bộ địa chính cùng Phó chủ tịch phụ trách; thứ hai là không chuyển giao được kịp thời khoa học kỹ thuật cho bà con; thứ ba là không nắm bắt được tình hình sâu bệnh; thứ tư là không báo cáo được đúng hẹn bởi mỗi tháng phải làm 10 - 15 cái", anh Hùng than thở…

Đây cũng chính là bức xúc chung của anh Hoàng Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Sang: “Trước có khuyến nông chuyên trách việc phát hiện sâu bệnh rất kịp thời, từ năm ngoái người này đã bị nghỉ, giờ thì bà con phải tự mày mò. Xã có 2 công chức địa chính nhưng không ai chuyên môn về trồng trọt, thú y để cảnh báo, hướng dẫn cả. Vừa rồi mấy chục ha lúa bị nhiễm rầy nâu nặng rồi thì rệp đỏ ở trên mận, rệp xanh ở trên cam, rệp đen ở trên bơ. Ngay cả xã cũng không nắm được chính xác thông tin nông nghiệp của 11 bản để ước tính thiệt hại bởi địa bàn rộng gần 10.000ha”.

Cân lợn chết ở Chiềng Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cân lợn chết ở Chiềng Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khi tôi hỏi chuyên môn của hai cán bộ địa chính đang phải kiêm nhiệm khuyến nông, anh Hiệp trả lời: “Một người làm xây dựng, một người làm đất đai, nếu chấm điểm cho kết quả làm khuyến nông của họ thì tôi thấy 3 - 4 trên thang điểm 10 vẫn e là hơi phóng tay. Sâu bệnh chẳng biết thế nào để cảnh báo cho bà con cả. Tịt thật rồi!”.   

Mộc Châu là huyện có tổng diện tích đất tự nhiên 107.170ha, tương đương ngang một tỉnh nhỏ ở đồng bằng trong đó phần lớn là đất lâm nghiệp, nông nghiệp đã tạo thành vùng sản xuất hoa, quả nổi tiếng của miền Bắc. Tôi đến Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp - nơi đầu tiên thí điểm sáp nhập các trạm chuyên môn rồi mở rộng ra toàn tỉnh. Theo báo cáo của đơn vị, hiện tổng số khuyến nông viên xã có 13 người trong đó 8 kiêm nhiệm, 5 chuyên trách và 3 xã, thị trấn đang thiếu vì chưa tuyển được hay luân chuyển được.

Những tồn tại là vị trí khuyến nông viên xã không ổn định, khi công chức địa chính nông nghiệp phải luân chuyển thì cũng phải đi theo. Khi khuyến nông viên là lao động hợp đồng phải đi đến địa bàn xã xa nơi cư trú, phụ cấp thấp (2.0 mức lương cơ sở) dẫn đến bỏ việc, trong khi người mới không có kinh nghiệm phải mất thời gian đào tạo. Khuyến nông viên là công chức xã kiêm nhiệm thực hiện nhiều nhiệm vụ nên hầu như không có thời gian làm khuyến nông. Chính sách, cơ chế cho khuyến nông bấp bênh nên không yên tâm làm việc mà thường xuyên có xu hướng bỏ.

Khiêng lợn chết đi chôn ở Chiềng Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khiêng lợn chết đi chôn ở Chiềng Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trạm Quản lý chất lượng là một sáng kiến của Sơn La, khi kết hợp với Trạm Khuyến nông và các Trạm chuyên môn khác, họ lo cho việc chỉ đạo sản xuất với đảm bảo an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Giờ hệ thống này từ xã lên huyện, tỉnh đã bị chặt đứt khiến cho mối lo về sự an toàn thực phẩm của vùng sản xuất hoa quả và nông sản lớn nhất Tây Bắc trở nên thường trực hơn bao giờ hết.

Sự khác biệt giữa cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm

Anh Lê Đăng Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Mộc Châu cho hay năm 2017 đơn vị thành lập từ sự gộp lại của Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt-BVTV, Trạm Chăn nuôi-Thú y, Trạm Quản lý chất lượng, đến năm 2019 thêm Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và nghề nghiệp. Sau khi chuyển đi một số, hiện nhân sự của đơn vị có 1 người được điều sang Ban quản lý chợ, 1 người về UBND thị trấn.

Ngoài đảm nhiệm các nhiệm vụ của các Trạm để lại thì đơn vị còn thêm những nhiệm vụ mới như OCOP, nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển kinh tế trang trại, liên kết chuỗi…Về đội ngũ khuyến nông xã, trước đây mỗi người mỗi năm phải tổ chức từ 5 lớp học trở lên, xây dựng được tối thiểu 3 mô hình khuyến nông tự nguyện. Giờ ai kiêm nhiệm không thực hiện được những hoạt động này đã đành mà còn không ra kiểm tra đồng ruộng được vì bận lo làm địa chính.

Anh Công Xuân Ngọc - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sơn La cho tôi hay tỉnh có 12 huyện, thành phố thì 11 có Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp còn riêng Mộc Châu là Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp. Chỉ đạo trực tiếp các Trung tâm này là UBND huyện còn Trung Tâm Khuyến nông tỉnh chỉ phối hợp về mặt chuyên môn khi làm các chương trình. Anh em hầu hết cũng là quen biết từ trước cả, nhưng nhân sự để triển khai thì phải có sự phân công cụ thể của huyện họ mới làm, không thể chỉ đạo được khi còn là ngành dọc Trạm Khuyến nông như trước.

Anh Công Xuân Ngọc - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sơn La: 'Anh em hầu hết cũng là quen biết từ trước cả, nhưng nhân sự để triển khai thì phải có sự phân công cụ thể của huyện họ mới làm, không thể chỉ đạo được'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Công Xuân Ngọc - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sơn La: "Anh em hầu hết cũng là quen biết từ trước cả, nhưng nhân sự để triển khai thì phải có sự phân công cụ thể của huyện họ mới làm, không thể chỉ đạo được". Ảnh: Dương Đình Tường.

Tỉnh hiện đang kiện toàn đội ngũ khuyến nông xã theo theo hướng với xã có 6 điểm tái định cư trở lên cộng với đặc biệt khó khăn được bố trí 2 người, các xã còn lại được bố trí 1 người, hưởng phụ cấp cố định ở mức 2.0. Tuy nhiên với xã đã có công chức địa chính có chuyên ngành nông nghiệp thì được tính coi như là đã có khuyến nông, phải kiêm nhiệm, còn cán bộ chuyên trách khuyến nông phải chấm dứt hợp đồng. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, Sơn La đã có hơn 200 khuyến nông viên xã phải chấm dứt hợp đồng như vậy nên rất khó khăn trong công tác phối hợp, triển khai các chương trình, mô hình, dự án tại cơ sở.

Trong khi đó công chức địa chính nông nghiệp - xây dựng - môi trường ở xã tuy được giao kiêm nhiệm nhưng do thực hiện nhiệm vụ chính nên hầu như không có thời gian làm khuyến nông đồng thời cũng chưa được tập huấn về kỹ thuật.

Bàn về hướng phát triển của khuyến nông, anh cho hay đoàn của ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa rồi cũng lên khảo sát và dự định chương trình thí điểm khuyến nông cộng đồng với tỉnh trong đó lồng vào đề án phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả của Bộ NN-PTNT. Đây là xu hướng mới, chỉ với lực lượng hiện có chứ không cần tăng thêm biên chế mà khâu nối lại để làm sao có hiệu quả.

Cụ thể, sẽ hình thành những tổ nhóm 4 - 5 người gồm các chuyên môn như trồng trọt, bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng, trong đó có nhân sự của Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhưng nòng cốt vẫn là người của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, cộng với khuyến nông cơ sở ở xã.  

Không có khuyến nông chuyên trách, dịch bệnh trên cây tự bùng phát ở xã Mường Sang, huyện Mộc Châu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không có khuyến nông chuyên trách, dịch bệnh trên cây tự bùng phát ở xã Mường Sang, huyện Mộc Châu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tổ sẽ tư vấn, giám sát cho các hợp tác xã hoặc hộ tiến hành sản xuất những cây trồng theo yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp chế biến. Doanh nghiệp sẽ trả phí để hỗ trợ cho tổ hoạt động cũng chính là giúp cho vùng nguyên liệu của mình được ổn định.

Để đáp ứng cho yêu cầu ngày một nghiêm ngặt hơn, đội ngũ khuyến nông cũng cần phải nâng cao năng lực hơn nữa bởi đã qua rồi cái thời nông dân cái gì cũng không biết mà nhiều người còn giỏi hơn cả cán bộ.

“Qua khảo sát vừa rồi, chúng tôi thấy đó cũng là mong muốn của nông dân và chính quyền địa phương bởi thực tế nhiều cán bộ khuyến nông xã kiêm nhiệm việc chính rất nhiều, rất nặng nên ít có thời gian xuống để hướng dẫn cho dân. Nhưng tổ khuyến nông cộng đồng này phải có năng lực thực sự mới giúp được cho bà con, hợp tác xã sản xuất tốt, đáp ứng yêu cầu của nhà máy chế biến. Ngoài ra họ còn phải tư vấn về kết nối, tiêu thụ sản phẩm hay thành lập tổ nhóm hợp tác. 

Trước mắt, sẽ tập trung vào các vùng nguyên liệu lớn, phục vụ cho các nhà máy chế biến trên địa bàn nên dự kiến thí điểm tại huyện Mai Sơn. Bởi thế, chúng tôi đã đi trực tiếp 2 xã trong đó 1 có khuyến nông chuyên trách là Cò Nòi, đã làm việc từ lâu và 1 có khuyến nông kiêm nhiệm là Hát Lót, người mới. Sự khác biệt là cán bộ chuyên trách với nhiệm vụ chính làm khuyến nông, bên dưới có những câu lạc bộ, nhóm cùng sở thích, nếu biết về kỹ thuật thì hướng dẫn còn không sẽ kết nối với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp để giúp bà con.

Tuy nhiên qua đánh giá của Chủ tịch xã thì năng lực của cán bộ chuyên trách này vẫn còn hạn chế nên chủ yếu là kết nối với huyện để mời cán bộ xuống hướng dẫn. Còn ở xã Hát Lót cán bộ khuyến nông kiêm nhiệm không dành thời gian để làm khuyến nông bởi phải lo địa chính, chưa tham dự lớp tập huấn nào", anh Ngọc chia sẻ.  

Tin liên quan

[Kỳ I] Những quả đồi chuyển từ sắc trắng sang vàng ở huyện Lục Ngạn

[Kỳ I] Những quả đồi chuyển từ sắc trắng sang vàng ở huyện Lục Ngạn

Đội ngũ khuyến nông cấp cơ cơ sở đóng vai trò rất lớn trong sản xuất nông nghiệp, thế nhưng ở nhiều nơi hệ thống này đang đứt gãy, tan rã...

[Kỳ II] Nỗi niềm của ông Chủ tịch xã và ông Chủ tịch huyện

[Kỳ II] Nỗi niềm của ông Chủ tịch xã và ông Chủ tịch huyện

Cả hai ông đều lo lắng trước cái mốc tương lai đang rất gần, khi đội ngũ khuyến nông cơ sở bị xóa sổ thì tình hình phát triển nông nghiệp sẽ ra sao?

[Kỳ III] Chuyện ở Bắc Giang và tâm sự của những người có trình độ

[Kỳ III] Chuyện ở Bắc Giang và tâm sự của những người có trình độ

Để tiếp nhận thông tin đa chiều về chuyện hết năm 2024 Bắc Giang sẽ giải thể đội ngũ khuyến nông cơ sở, tôi đã liên lạc với một số người trong và ngoài cuộc.

[Kỳ V] Trạm Khuyến nông chưa đầy 20 năm phải chuyển chỗ 12 lần

[Kỳ V] Trạm Khuyến nông chưa đầy 20 năm phải chuyển chỗ 12 lần

Kỷ lục không ai mong muốn ấy thuộc về Trạm Khuyến nông huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.