Sông Tiền và sông Hậu chảy qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp là hai con sông lớn của khu vực ĐBSCL. Với lưu lượng nước dồi dào, chúng không chỉ mang lại nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng mà còn là con đường giao thông chính phục vụ cho đời sống và sản xuất của người dân. Tuy nhiên, sự biến đổi dòng chảy, xói mòn bờ sông và các yếu tố thời tiết cực đoan đã khiến sạt lở bờ sông trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng. Nhiều người cho rằng, sông Tiền, sông Hậu đang giận dữ trước biến đổi khí hậu và những tác động từ con người.
Theo các số liệu thống kê gần đây, sạt lở hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu đang diễn ra với tốc độ gia tăng, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Các khu vực trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp như: Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh, Lấp Vò, Châu Thành và TP Cao Lãnh… liên tục ghi nhận các vụ sạt lở nghiêm trọng, gây ra thiệt hại lớn về tài sản và đe dọa tính mạng người dân sống ven sông.
Các chuyên gia nhận định, hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển một phần do tác động của thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, triều cường, sóng biển, kết cấu và sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển.
Các hoạt động dân sinh như lấn chiếm, vi phạm xây dựng, công trình không tuân thủ quy hoạch, khai thác cát, sỏi quá mức trên sông gây suy giảm lượng bùn cát về hạ lưu, cộng với tình hình biến đổi khí hậu khiến sụt lún, xói lở, bồi lấp gia tăng.
Gần đây, tại ấp An Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành xảy ra sạt lở một đoạn bờ sông Tiền dài khoảng 91m, ảnh hưởng diện tích trồng cây ăn quả cùng một bè nuôi cá. Theo ngành chức năng, nguyên nhân sạt lở do dòng sông cong, phía bên kia bờ sông Tiền thuộc xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh đang bồi lắng, làm chủ lưu dòng chảy áp sát vào phía bờ sông Tiền thuộc xã An Hiệp, khúc sông co hẹp “thắt cổ chai”, dòng chảy rất xiết kết hợp mưa dai dẳng trong nhiều ngày, nền đất yếu gây sụt lún, sạt trượt.
Chỉ trong phút chốc, vụ sạt lở đã cướp đi hơn 1.000m2 đất trồng dừa đang cho quả của gia đình ông Đặng Văn Đạt ở xã An Hiệp, một đoạn đê bao bị vỡ, khiến nước tràn vào vườn cây. Ông Đạt đã lớn tuổi nên trồng dừa cho bớt công chăm sóc và có thêm thu nhập. Hơn 10 năm qua, khu vực này không bị sạt lở nhiều nhưng năm nay lại xảy ra nghiêm trọng, ông lo lắng sạt lở sẽ còn tiếp diễn.
Hiện nay, sạt lở, sụt lún không chỉ ở ven sông lớn mà còn diễn ra ở một số sông nhỏ, kênh, rạch nội đồng. Điển hình, ven sông Cần Lố đã xảy ra nhiều điểm sạt lở thuộc xã An Bình, Nhị Mỹ, Phương Trà (huyện Cao Lãnh), ảnh hưởng đời sống, kinh doanh và việc lưu thông của nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Ái, ngụ xã Nhị Mỹ cho biết, tuyến đường nhựa trước nhà ông xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng chưa lâu đã xuất hiện nhiều điểm sạt trượt, sụt lún xuống sông Cần Lố. Giờ đây, mặt đường nhỏ hẹp, lưu thông, vận chuyển hàng hóa khó khăn.
Cách đây chưa lâu, tại khu vực bờ sông Nha Mân - Tư Tải (đoạn thuộc ấp Tân Hựu, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) xảy ra vụ sạt lở đất với chiều dài khoảng 30m, "ăn" sâu vào bờ từ 4-5m, uy hiếp tuyến đường ĐT 854 (nối huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp với huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long).
Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng làm kho chứa vật tư nông nghiệp của ông Võ Văn Công và tiệm sửa xe gắn máy của anh Lương Tấn An cùng ngụ tại địa phương bị nhấn chìm xuống kênh. Ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 500 triệu đồng.
Gần sát điểm sạt lở nói trên, ngôi nhà của ông Trần Ngọc Điệp (ngụ xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Ông Điệp chia sẻ: “Thấy tình hình quá nguy hiểm nên ban đêm tôi không dám ngủ ở nhà, phải đi ngủ nhờ nhà người quen. Hoàn cảnh kinh tế của tôi quá khó khăn, rất mong chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ tôi có nơi ở mới an toàn hơn”
Trước đó vài ngày, khu vực bờ sông Cần Lố (đoạn gần Đình thần Trà Bông, thuộc xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh) xảy ra sạt lở, gây thiệt hại về tài sản khoảng 500 triệu đồng. Đoạn sạt lở có chiều dài 40m, lấn vào đất liền từ 3 - 5m, làm hư hỏng nặng 2 ngôi nhà của hộ ông Võ Văn Dũng và Nguyễn Văn Trung, khoảng 160m2 đất sụp xuống sông Cần Lố. Hơn 1 tuần trước đó, cũng tại khu vực bờ sông Cần Lố (đoạn gần chợ Nhị Mỹ ở huyện Cao Lãnh) đã xảy ra sạt lở dài khoảng 30m, “ăn” sâu vào mặt đường bờ Tây sông Cần Lố, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông, nhấn chìm 135m2 đất, uy hiếp 5 căn nhà của người dân.
Sông Cần Lố là một trong những sông lớn, thuộc địa bàn huyện Cao Lãnh do cấp tỉnh quản lý. Những năm gần đây, khu vực bờ sông này xảy ra nhiều vụ sạt lở, gây thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Hiện nay, bờ sông Cần Lố tiếp tục xuất hiện nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh Huỳnh Thanh Sơn cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân tại khu vực sạt lở cũng như có giải pháp hữu hiệu khắc phục sạt lở, thời gian tới, UBND huyện đề nghị Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh phối hợp với các ngành có liên quan xem xét, hỗ trợ địa phương khảo sát thực tế và kinh phí khắc phục sạt lở.
Đặc biệt, thời gian gần đây sạt lở bờ sông Tiền trên địa bàn Đồng Tháp xảy ra nhiều vụ liên tiếp với chiều dài sạt lở 355m, diện tích sạt 8.688m2, trong đó có 1 vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đầu tháng 10/2024, tại khu vực tổ 27, khóm 4, phường 11, TP Cao Lãnh đoạn từ bờ kè Trung đoàn 9 về phía thượng nguồn với chiều dài ảnh hưởng khoảng 130m (trong đó đoạn sạt lở nghiêm trọng có chiều dài 80m ăn sâu đất liền khoảng 20-30m, diện tích sạt lở khoảng 2.000m.
Đoạn còn lại chiều dài 50m (từ giáp đoạn 80m về thượng nguồn nguy cơ sạt lở rất cao). Tại khu vực sạt lở có 5 hộ dân (20 nhân khẩu) đang sinh sống. Rất may vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, chỉ thiệt hại về tài sản.
Ngay sau khi sạt lở xảy ra, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền, khu vực tổ 27, khóm 4, phường 11, thành phố Cao Lãnh.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, phạm vi ảnh hưởng sạt lở bờ sông Tiền trên địa bàn TP Cao Lãnh chiều dài 130m, uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của 23 hộ dân (gồm 66 nhân khẩu) đang sinh sống tại khu vực sạt lở, đe dọa trực tiếp đến công trình kè của Trung đoàn 9. Trong đó, đoạn sạt lở khẩn cấp, nguy hiểm có chiều dài 80m (uy hiếp trực tiếp tính mạng và tài sản của 5 hộ và 20 nhân khẩu), đoạn còn lại chiều dài 50m có nguy cơ sạt lở rất cao.
Các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra gồm: tổ chức xử lý khẩn cấp đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, các khu vực lân cận bị ảnh hưởng, xác định vành đai sạt lở, thực hiện việc cắm biển báo, khoanh vùng khu vực nguy hiểm. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến sạt lở, triển khai ngay các giải pháp, phương án sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ người dân di dời khi phát hiện nguy cơ sạt lở, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và hạn chế tối đa thiệt hại tài sản của người dân.
Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 35 đợt mưa to kèm theo sấm sét, gió mạnh làm chết 2 người (do bị sét đánh), bị thương 2 người, thiệt hại hoàn toàn 7 căn nhà, 1 nhà màng. Trong đó tốc mái, xiêu vẹo 257 nhà dân, 4 phòng học, đổ ngã 7 trụ điện, 1 cổng chào, đổ ngã 874ha lúa, 2,2 ha hoa màu, 32.400 cây chuối và gần 2.000 cây ăn trái…
Chưa dừng lại ở đó, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 27 vụ sạt lở nội đồng với chiều dài sạt lở là 818m, diện tích gần 2.000m2 làm ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục hộ dân. Ngoài ra, còn xảy ra sụt lún mái, chân kè chống xói lở bờ sông Tiền (đoạn thuộc ấp An Thạnh, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò với chiều dài 24 m).
Có 3 điểm sụt lún tại kênh Mương Lớn, phường An Bình A, thành phố Hồng Ngự với tổng chiều dài 306m, độ rộng từ 5-7m, sụp sâu hơn so với hiện trạng bình quân khoảng 0,5m, ảnh hưởng trực tiếp đến 3 hộ dân. Ước tổng thiệt hại toàn tỉnh Đồng Tháp từ đầu năm đến nay do dông lốc và sạt lở 2 bên bờ sông, rạch khoảng 20 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Minh Đường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, nguyên nhân sạt lở trên địa bàn tỉnh chủ yếu là do động lực dòng chảy tác động vào lòng dẫn có cấu tạo nền địa chất mềm yếu. Đồng thời do những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ gây ra. Sạt lở thường diễn ra ở những khu vực các cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định, nơi dòng sông hẹp, thắt “cổ chai” và do các dòng sông bị “đói” phù sa.
Bên cạnh đó còn do các hoạt động của con người như: nuôi thủy sản dọc theo bãi bồi ven sông không theo quy hoạch hoặc không theo hướng dẫn của ngành chức năng, xây dựng nhà ở, công trình ven bờ sông lấn chiếm mặt sông. Ngoài ra, biến đổi khí hậu (sụt lún đất, biến động lượng mưa, ảnh hưởng dòng thấm do mưa đầu vụ…) cũng có những tác động đến quá trình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh.
Hiện tượng sạt lở bờ sông cũng xuất phát từ nguyên nhân khi thi công các công trình nạo vét lòng sông, công tác giải phóng mặt bằng chưa thực hiện đúng hồ sơ thiết kế; còn tình trạng hút bùn, nạo vét lòng sông, kênh, rạch trái phép. Đa số các công trình giao thông nông thôn thường nằm sát bờ sông. Trong khi đó, chưa quản lý chặt tải trọng phương tiện trên đường bộ...
Để phòng, chống sạt lở, chính quyền địa phương và ngành chức năng tỉnh đã tăng cường quản lý việc khai thác cát, xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm sông, kênh, rạch… vì vậy cần áp dụng biện pháp công trình và phi công trình nhằm xử lý các điểm sạt lở nghiêm trọng hiện nay.
Bên cạnh đó, những năm qua từ hỗ trợ của Trung ương, Đồng Tháp đã thực hiện nhiều công trình kè nhằm xử lý tình trạng sạt lở với số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều công trình kè phát huy tác dụng như: kè Hồng Ngự, kè Sa Đéc, kè An Hiệp (huyện Châu Thành). Địa phương đang thực hiện các công trình kè Hổ Cứ (thành phố Cao Lãnh), kè chợ Bình Thành đến vàm Phong Mỹ (thuộc huyện Cao Lãnh và Thanh Bình), kè sông Tiền (đoạn thuộc xã Tân Mỹ và Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò)…
Cùng với giải pháp công trình, Đồng Tháp còn áp dụng biện pháp phi công trình để phòng, chống sạt lở, khuyến khích người dân trồng các loại cây có khả năng giữ đất, bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, nổi bật là cây bần. Đây là loài thực vật thân gỗ, sống và phát triển tốt trong môi trường ngập nước.
Đây là những cây sống dưới nước, chúng có bộ rễ phát triển bám sâu vào bùn đất, hướng lên khỏi mặt nước, rễ mọc thành từng khóm quanh gốc. Để tăng khả năng bảo vệ bờ sông trước sạt lở, nhiều người dân kết hợp biện pháp trồng bần với nuôi thả lục bình, loài cây sống trên mặt nước.
Tuyến kênh Ông Hộ (xã Tân Quy Tây, thành phố Sa Đéc) có nhiều điểm bị sạt lở nên khoảng 8 năm trước, một số người dân nơi đây đã trồng bần. Chủ tịch UBND xã Tân Quy Tây Phan Thanh Vũ cho hay: “Nhìn chung, việc trồng bần để giữ đất là giải pháp hiệu quả. Gần đây, xã đã triển khai trồng thêm cây bần ven kênh Ông Hộ và một số tuyến kênh khác được khoảng 2.400 cây”.
“Việc trồng bần để giữ đất là giải pháp hiệu quả”, ông Phan Thanh Vũ - Chủ tịch UBND xã Tân Quy Tây.
Nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang khẩn trương trồng cây bần để góp phần chống sạt lở. Huyện Cao Lãnh thực hiện dự án trồng 38.000 cây bần, huyện Lai Vung đã trồng 5.000 cây bần dọc các tuyến kênh, rạch có nguy cơ sạt lở. Đây là giải pháp bền vững, ít tốn kém và mang lại hiệu quả rất cao trong việc phòng, chống sạt lở. Riêng trong năm 2024, toàn tỉnh sẽ trồng khoảng 120.000 cây bần.
Phòng chống sạt lở hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu là một thách thức lớn đối với tỉnh Đồng Tháp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác tài nguyên tự nhiên gia tăng. Tuy nhiên, với các biện pháp quyết liệt và định hướng đầu tư lâu dài, tỉnh Đồng Tháp đang nỗ lực bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, hiện nay mực nước khu vực đầu nguồn trên địa bàn tỉnh, khu vực nội đồng Tháp Mười và khu vực phía Nam đều ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2023, khoảng từ 0,1 - 0,6m.
Nhận định, đến cuối tháng 10/2024, nhiều khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và tập trung ở khu vực các tỉnh miền Trung, hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng gây mưa vừa, mưa to ở khu vực trung lưu sông Mekong và tiếp tục bổ sung nước cho vùng hạ lưu, làm cho mực nước khu vực hạ lưu rút chậm trong cuối tháng 10 và tháng 11.
Trong tháng 10, trên địa bàn tỉnh sẽ có các đợt mưa diện rộng, với lượng mưa vượt trung bình nhiều năm, các đợt mưa to thường trùng với kỳ triều cường trong tháng nên sẽ gây nhiều bất lợi trong sản xuất và đời sống của người dân.
Nhìn chung, đỉnh lũ năm 2024 được nhận định ở mức cao hơn năm 2023 khoảng từ 0,1 - 0,3m (khu vực đầu nguồn cao hơn khoảng 0,3m, khu vực nội đồng Tháp Mười cao hơn khoảng 0,2 - 0,3m, khu vực phía Nam cao hơn khoảng 0,1 - 0,2 m).
Mưa bão kết hợp với triều cường xuất hiện năm nay có phần nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước, theo thống kê từ đầu năm đến nay ở Đồng Tháp đã xảy ra 27 vụ sạt lở bờ sông, rạch với chiều dài khoảng 818m, mất đất gần 2.000m2 làm ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân.