Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong ngày 30/10, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, trên khu vực vùng núi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế lũ trên các sông đã xuống nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sạt lở đất ngay cả khi mưa đã giảm.
Nguy cơ xảy ra sạt lở đất tại nhiều huyện: Cẩm Xuyên, Hương Khê, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình); Đa Krông, Hải Lăng, Hướng Hóa (Quảng Trị); A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, các thị xã Hương Thủy, Hương Trà (Thừa Thiên - Huế). Các chuyên gia cảnh báo, cấp độ rủi ro thiên tai sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Trà Mi kết hợp không khí lạnh, trong ngày và đêm 31/10, vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông gió Đông Bắc đến Bắc mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh; sóng biển cao 4,0-6,0m.
Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa), khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Bắc của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2,0-3,5m.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn. Người dân nên chú ý cập nhật các bản tin mới nhất để chủ động phòng tránh.