Thiên tai và biến đổi khí hậu buộc ngành chăn nuôi phải chuyển mình thích ứng

Theo các phân tích của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) trong báo cáo Climate Change 2023 cho thấy, biến đổi khí hậu gây nhiều hậu quả và ảnh hưởng tác động tiêu cực đến mọi mặt. Trong đó, biến đổi khí hậu tác động đến cả 3 khía cạnh chính là môi trường, kinh tế và xã hội trên toàn cầu.

Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến khí hậu. Nhiệt độ trung bình tăng từ 0,5 - 0,7°C/thập kỷ trong 50 năm qua. IPCC dự báo, nền nhiệt của nước ta sẽ tăng 1 - 2°C vào cuối thế kỷ 21.

Mưa trung bình năm ở nước ta cũng đang có xu hướng tăng, nhưng phân bố không đều tại các vùng miền. Trong khi tại miền Bắc, mưa lũ gia tăng, nguy cơ lũ lụt cao hơn thì miền Trung tình trạng khô hạn ngày càng trở nên gay gắt, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Còn miền Nam mực nước biển dâng cao, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

GS.TS Dương Nguyên Khang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học công nghệ, Đại học Nông lâm TP. HCM đánh giá, vấn đề này gây ra những thách thức lớn cho nông nghiệp, an ninh lương thực và cơ sở hạ tầng. Ngành chăn nuôi nói riêng đang là đối tượng chịu tác động rất lớn bởi biến đổi khí hậu với các tác động chính là hạn hán, xâm nhập mặn và nền nhiệt tăng.

“Những tác động này dẫn đến thay đổi tập tính và tính thích nghi của mọi sinh vật sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất các giống vật nuôi. Từ đó, người chăn nuôi bị tác động không nhỏ, kéo theo tâm lý trong việc tái đàn, phát triển đàn hoặc gây ra hệ lụy về kinh tế”, GS.TS Dương Nguyên Khang phân tích.

Cụ thể, nhiệt độ tăng đang ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và năng suất sinh sản của vật nuôi. Stress nhiệt có thể ảnh hưởng đến sự biểu hiện của các gen liên quan đến tăng trưởng, sinh sản, hiệu quả sử dụng thức ăn và khả năng kháng bệnh. Nhiệt độ tăng cao sẽ kéo theo đến việc nguồn nước bị thiếu hụt, xâm nhập mặn diễn ra nhanh hơn. Từ đó, nguồn nước dành cho việc chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

TS Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, nhiệt độ môi trường tăng cao làm suy yếu việc trao đổi chất và sức khỏe vật nuôi, dẫn đến suy giảm khả năng sản xuất. Từ đó, ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa trong việc tăng chi phí kiểm soát bệnh tật và tình trạng kháng thuốc kháng sinh, dư lượng kháng sinh trên đàn vật nuôi.

“Biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi sự phân bố và mức độ phổ biến của các mầm bệnh ảnh hưởng đến vật nuôi như cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi... Nhiệt độ ấm hơn có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các tác nhân gây bệnh, làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh. Mặc khác, khí hậu nóng lên làm giảm khả năng chống chịu của cơ thể vật nuôi trước các bệnh nguy hiểm, từ đó làm tăng chi phí thuốc thú y. Nếu không có phương án thích ứng thì vật nuôi vô cùng mỏng manh trước tác động tiêu cực từ thời tiết cực đoan”, TS Phạm Công Thiếu cho hay.

Dưới tác động đó, người chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong đó, các chi phí sản xuất đều bị ảnh hưởng, làm tăng chi phí chăn nuôi, giảm lợi nhuận cũng như tính bền vững trong ngành chăn nuôi.

Cụ thể, nhiệt độ cao và các đợt nắng nóng kéo dài làm tăng mức tiêu thụ điện do nông dân dựa vào hệ thống thông gió, làm mát và ánh sáng nhân tạo để duy trì điều kiện tối ưu cho vật nuôi. Chi phí năng lượng cao sẽ khiến chi phí sản xuất tăng, giá thành sản xuất cao ảnh hưởng đến lợi nhuận của các trang trại.

Hơn nữa, sự khan hiếm nước, lượng mưa thay đổi và hạn hán có thể hạn chế nguồn nước sẵn có, nước nhiễm mặn, ảnh hưởng đến chất lượng nước, mức tiêu thụ nước của các trang trại, dẫn đến ảnh hưởng sức khoẻ gia cầm và hiệu quả hoạt động tổng thể.

 

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, bão số 3 (bão Yagi) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi nói riêng. Có khoảng hơn 22.800 con, gia cầm hơn 3 triệu con bị chết do ảnh hưởng từ bão số 3. Cùng với đó, nhiều trang trại, máy móc và trang thiết bị hư hỏng do ngập nước... Ước tính tổng thiệt hại cho ngành chăn nuôi khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng vào cuộc để hỗ trợ về con giống, thức ăn, vật tư, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh… để bà con sớm phục hồi sản xuất. Theo dự kiến, các tỉnh khu vực phía Bắc có đủ thời gian để phục hồi, tái đàn và sẽ không gây ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Thế nhưng, phải nhìn nhận thẳng thắn, đây là dịp để ngành chăn nuôi và các địa phương tính toán hướng đi bền vững và chủ động ứng phó trước các biến động tiêu cực của thời tiết. Nhờ đó, bà con có thể yên tâm đầu tư, làm ăn bài bản, áp dụng công nghệ cao để tránh thiệt hại như vừa qua.

TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng, việc xây dựng các chiến lược dài hạn để ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai của nước ta cần nâng lên một vài bậc.

Mùa mưa bão hay hạn hán, xâm nhập mặn của Việt Nam nhìn chung vẫn xảy ra theo quy luật tự nhiên. Tuy mức độ khác nhau, khó lường nhưng nhìn chung là vẫn còn có thể phân tích dự báo được.

“Do đó, theo tôi, bão số 3 vừa qua là cơ hội để ngành chăn nuôi chuyển đổi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo tôi, chúng ta cần phải thực hiện 2 việc: kiên cố hóa chuồng trại và tỉa thưa đàn khi vào mùa mưa bão. Chuồng trại có thể được xây dựng theo dạng tầng, tiêu thoát nước tốt phù hợp với bão lũ tại Việt Nam.

Người chăn nuôi cũng cần chủ động giãn đàn, tỉa thưa lượng vật nuôi trong những tháng này. Thay vào đó, các trang trại có thể bù lại tổng số đàn vào những tháng cao điểm cuối năm, vừa đảm bảo kế hoạch sản xuất, vừa ít bị tác động xấu từ thiên tai”, TS Hạ Thúy Hạnh chia sẻ.

Tại khu vực Nam bộ, tuy ít chịu ảnh hưởng của bão lũ nhưng thời tiết nắng nóng quanh năm cũng khiến đàn vật nuôi dễ bị sốc nhiệt. Đặc biệt, gia cầm là loài dễ bị ảnh hưởng nhất, dẫn đến việc gà, vịt dễ bị bệnh, giảm năng suất và số lượng trứng.

Chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, không có khả năng cơ giới hóa, đầu tư thiết bị chuồng trại là đối tượng dễ chịu tác động nhiều nhất. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế hộ nuôi mà còn kéo theo mất an toàn dịch bệnh của cả vùng nếu để xảy ra dịch.

Để hạn chế tình trạng nắng nóng làm vật nuôi dễ bị bệnh, oi bức, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ cũng có hướng dẫn cách làm mát chuồng nuôi. Theo đó, bà con nông dân có thể lắp đặt hệ thống chống nóng có mái che, hệ thống phun sương liên tục trong những ngày nắng nóng để trực tiếp giảm nhiệt độ chuồng gia súc, gia cầm.

“Đối với vịt, người nuôi có thể dùng vòi tưới để phun trực tiếp trên sân, có kết hợp lưới làm khung che. Điều này làm vịt vừa được làm mát, có nơi trú ngụ, vui chơi kể cả khi nắng nóng. Đối với con gà thì có thể dùng hệ thống phun sương, phun trực tiếp lên mái chuồng để giảm nhiệt độ trực tiếp”, Thạc sĩ Lê Văn Trang, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia cầm Vigova chia sẻ.

Đông Nam bộ là vùng có tổng đàn vật nuôi rất lớn, trong đó có Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh. Chỉ tính riêng tại Đồng Nai, tổng đàn lợn vào khoảng 2,08 triệu con, đàn gà là khoảng 21,71 triệu con, gia súc lớn khoảng 115.000 con, thủy cầm khoảng 3,1 triệu con và 8 triệu con cút.

Mặc dù có tổng đàn lớn là thế nhưng Đồng Nai được đánh giá là địa phương kiểm soát dịch bệnh khá tốt cho vật nuôi. Những năm gần đây, vật nuôi được bảo vệ khá tốt ngay cả trước điều kiện thời tiết "đỏng đảnh". Tình trạng bệnh tật, hao hụt trên cả 2 vật nuôi chính là lợn và gà đều không đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, để duy trì được sự ổn định này cho vật nuôi, phải kể đến sự trợ sức của mô hình chăn nuôi trang trại và công nghệ hiện đại. Tỉ lệ chăn nuôi trang trại của Đồng Nai hiện ở mức khoảng 90%, ở mức khá cao so với các tỉnh, thành khác.

“Hiện nay, phương thức nuôi nhốt hoặc bán chăn thả có kiểm soát đang được ngành chăn nuôi Đồng Nai áp dụng là chủ yếu. Tại hầu hết các trang trại, việc xây dựng hệ thống chuồng mát khép kín với trang thiết bị tự động điều chỉnh các thông số (nhiệt độ, ẩm độ, tốc độ gió…) đang là phương án được khuyến khích áp dụng”, bà Mai thông tin.

Đặc biệt, các cơ sở hạ tầng của Đồng Nai được chú trọng xây dựng có khả năng chống chịu với những biến đổi cực đoan của thời tiết tại khu vực, chẳng hạn như chuồng trại đảm bảo khả năng chống lũ lụt, thủy triều dâng hoặc giảm stress nhiệt.

Tại hệ thống trang trại của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát, chuồng trại được nâng cấp hệ thống thông gió và triển khai các cơ chế làm mát hiệu quả. Nhờ đó, chuồng nuôi có thể giảm bớt căng thẳng về nhiệt cho gia cầm, nâng cao sức khỏe và năng suất.

Theo ông Lê Văn Quyết, Giám đốc hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát, công nghệ cảm biến và bảo trì thường xuyên cũng đóng một vai trò phòng ngừa quan trọng.

Xung quanh chuồng nuôi và trang trại cũng được trồng cây xanh để làm giảm nhiệt độ khu vực chăn nuôi cũng như giảm thiểu tác động không mong muốn của chuồng/trại chăn nuôi. Đây còn là hàng rào, vùng đệm tự nhiên để chuồng nuôi cách ly với các nguồn bệnh.

“Hiện, chúng tôi đang nuôi gà lông trắng cho đối tác để xuất khẩu sang Nhật Bản. Do đó, chăn nuôi không chỉ an toàn dịch bệnh mà phải hạn chế tác động tiêu cực từ thời tiết cực đoan. Chúng tôi cũng đang áp dụng những công nghệ giám sát dịch bệnh có thể giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố do các hiện tượng thời tiết và có thể hỗ trợ hành động sớm chống lại áp lực dịch bệnh”, ông Quyết cho hay.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát cũng là đơn vị đầu tiên trong khu vực Đông Nam bộ áp dụng nuôi gà trên chuồng tầng, kết hợp với dây chuyền thu bắt tự động. Với hệ thống này, dù trang trại bị ngập sâu thì đàn gà cũng được bảo vệ an toàn.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi trong điều kiện thời tiết ngày càng có nhiều yếu tố bất lợi, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ cũng lưu ý một số cải thiện thực hành quản lý trang trại.

Theo đó, các trang trại cần thực hiện các hệ thống tiết kiệm năng lượng, ứng dụng năng lượng mặt trời và các công nghệ tiết kiệm có thể giảm tiêu thụ điện và các chi phí liên quan. Các kỹ thuật quản lý nước, chẳng hạn như thu gom nước mưa và hệ thống tưới tiêu hiệu quả, có thể giúp giảm thiểu tác động của tình trạng khan hiếm nước.

Song song đó, người chăn nuôi cần lưu ý các giải pháp giảm thiểu tác động của mầm bệnh và stress như dùng các chất phụ gia thức ăn có nguồn gốc thực vật để hỗ trợ sức khỏe đường ruột của vật nuôi, tăng cường đáp ứng miễn dịch khi phải đối mặt với các yếu tố gây stress và áp lực mầm bệnh. Việc bổ sung các chất bổ sung này còn giúp giảm phụ thuộc vào kháng sinh và các hóa chất khác, tăng miễn dịch tự nhiên của cơ thể gia súc, gia cầm.

Chiến lược về con giống đang được Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) quan tâm đặc biệt. Vấn đề này cũng được ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh tại sự kiện Vietstock 2024. Đây là một trong những chiến lược nền tảng để ngành chăn nuôi thích ứng và bền vững trước biến đổi khí hậu.

Phân viện Chăn nuôi Nam bộ đang đóng vai trò lớn trong việc nghiên cứu các giống mới nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực phía Nam và cả nước nói chung.

TS Nguyễn Hữu Tỉnh, Giám đốc Phân Viện Chăn nuôi Nam bộ khẳng định, nghiên cứu những giống có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trở thành một trong những điểm nhấn và nhiệm vụ trọng tâm của Phân viện.

Mới đây, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ đã lai tạo thành công nguồn gen lợn cỏ Bình Thuận và Nhật Bản, phù hợp với dạng khí hậu thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt của địa phương. Giống lợn cỏ này cũng phù hợp với định hướng sản phẩm đặc sản cho khu vực chăn nuôi trang trại và nông hộ.

“Sau khi lai tạo nguồn gen lợn cỏ Bình Thuận với 1 gen có nguồn gốc Nhật Bản giống lợn này cho nhiều kết quả ngoài mong đợi. Chúng giảm tỉ lệ mỡ, tăng lạc và thích nghi tốt với điều kiện thời tiết nắng nóng trên 38 độ C, ít bệnh, ăn tạp và kháng bệnh rất tốt”, TS Nguyễn Hữu Tỉnh cho hay.

Hiện, giống lợn này đang được nuôi tại nhiều tỉnh tại khu vực Nam bộ. Phân viện Chăn nuôi Nam bộ mới đây cũng phối hợp, chuyển giao giống lợn này cho một số hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số tại Bình Thuận.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm Vigova (gọi tắt: Trung tâm Vigova) là đơn vị chủ lực của Phân viện Chăn nuôi Nam bộ trong nghiên cứu, lai tạo các giống gia cầm có khả năng thích hợp với biến đổi khí hậu.

TS Hoàng Tuấn Thành, Giám đốc Trung tâm Vigova cho biết, thời gian qua, đơn vị đã chọn lọc cải tiến di truyền để nâng cao khả năng chịu nhiệt, chịu mặn của con giống. Vigova đang sử dụng kỹ thuật chọn lọc dựa trên di truyền số lượng kết hợp di truyền phân tử để phát triển các giống gà, vịt có khả năng chịu nhiệt, chịu mặn.

“Các giống mới này vừa đảm bảo được năng suất trong điều kiện khí hậu nóng lên và tiết kiệm chi phí điện, nước cho các trang trại và có thể thích ứng với các vùng hải đảo, ven biển cũng như các vùng bị xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu”, TS Hoàng Tuấn Thành thông tin.

Cụ thể, thông qua kỹ thuật sinh học phân tử một số gen chỉ thị liên quan khả năng chịu nhiệt (Hsp70, Hsp90…), các gene liên quan đến khả năng sinh sản (Polactin, NPY, Dopamine)… Trung tâm Vigova đã được nghiên cứu và đánh giá tác động của đa hình gen đến năng suất sinh sản, qua đó ứng dụng hỗ trợ cho chọn lọc sớm so với chọn lọc truyền thống.

Bên cạnh đó, phương pháp lai tạo và chọn lọc các dòng, giống dựa trên khả năng di truyền, chọn lọc cá thể qua nhiều thế hệ thông qua kiểu hình và giá trị giống… để tạo ra dòng giống gia cầm có khả năng chịu mặn tốt hơn, thích ứng với vùng nhiễm mặn ở ĐBSCL, vùng biển đảo.

Cũng theo TS Hoàng Tuấn Thành, các giống gia cầm bản địa vốn có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu thời tiết tại các vùng miền trong cả nước. Nhiều giống có sức sống tốt, sức đề kháng cao, có chất lượng thịt, trứng tốt và thích ứng được điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng năng suất không cao.

“Chính vì vậy, Vigova đang nghiên cứu để có thể tận dụng ưu thế các giống địa phương theo 2 hướng: hướng chăn nuôi đặc sản, mở ra thị trường ngách mới cho người chăn nuôi phục vụ cho tiêu dùng nội địa gắn với du lịch sinh thái, lễ hội tại địa phương. Hai là chọn lọc, lai tạo nâng cao năng suất của các giống bản địa có tiềm năng phát triển thành ngành hàng sản xuất mới”, TS Hoàng Tuấn Thành trao đổi thêm.

Ngoài ra, một số giống gia cầm theo hướng chất lượng cao, đặc sản như gà Hắc Phong, gà Mã Đà, vịt trứng xanh, ngan xám... đã bước đầu ứng dụng chọn lọc theo kiểu gen, cho năng suất sinh trưởng và sinh sản cao, thích ứng tốt với điều kiện sinh thái ở miền Nam và đặc biệt phù hợp với xu hướng chăn nuôi đô thị hiện nay.

Vigova đã và đang lai tạo, chọn lọc được các dòng vịt chịu mặn gồm 2 dòng vịt Biển, 6 dòng vịt lai (hướng thịt, kiêm dụng và hướng trứng) đáp ứng được nhu cầu thị trường các vùng sinh thái ven biển, hải đảo và vùng nhiễm mặn. Vigova cũng có các dòng gà hướng thịt lông màu được chọn lọc nâng cao năng suất sinh trưởng, sinh sản và khả năng chống stress nhiệt.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2023 ước đạt 33 tỷ USD, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của cả nước. Chăn nuôi trở thành 1 trong 3 lĩnh vực đóng góp quan trọng vào tăng trưởng 3.83% ngành nông nghiệp để tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng đang đặt ra nhiều thách thức trong bảo vệ môi trường và phát thải nhà kính. Theo thống kê, mỗi năm ngành chăn nuôi Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 61 triệu tấn phân, gần 15 triệu tấn CO2 và hơn 300 triệu m3 nước thải.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Nếu chất thải chăn nuôi không được kiểm soát tốt sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, làm gia tăng hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Cả con người và vật nuôi sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vòng lặp ấy sẽ cứ mãi tiếp diễn nếu không được kiểm soát.

Nhận thức được điều này, Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện chuyển đổi xanh, phấn đấu đạt mục tiêu Net Nero vào năm 2050. Một trong 5 đề án ưu tiên của ngành nông nghiệp cũng chú trọng đến phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi.

Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ: cần phát triển theo quy mô công nghiệp, năng suất cao và sản lượng lớn. Trong đó, cần ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, xử lý chất thải, nước thải không để ảnh hưởng đến môi trường.

Nhiều doanh nghiệp đang tích cực triển khai các mô hình chăn nuôi an bền vững với việc: sử dụng các đệm lót sinh học và xử lý thành phân bón hữu cơ, công nghệ màng Biogill, biến chất thải chăn nuôi thành nguyên liệu sản xuất điện hay hạn chế sử dụng nước cho vật nuôi... Các biện pháp này đang đóng góp đáng kể vào việc giải phát thải ra môi trường mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo GS.TS Dương Nguyên Khang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao khoa học công nghệ, Đại học Nông lâm TP. HCM, việc nghiên cứu các khẩu phần ăn giảm protein thô đang giúp ngành chăn nuôi tăng cường hiệu quả cho vật nuôi và giảm ô nhiễm môi trường. Trong đó, sản phẩm ruồi lính đen là một trong những biện pháp hữu hiệu, không gây hại cho người, xử lý hiệu quả chất thải hữu cơ và là nguồn protein cho vật nuôi.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng đánh giá, đây là hướng đi triển vọng cho ngành chăn nuôi nói riêng, không chỉ cung cấp nguồn thức ăn đủ chất dinh dưỡng, tiết kiệm chi phí mà còn là biện pháp hữu hiệu trong việc giảm thải ô nhiễm môi trường.

Chăn nuôi nông hộ cũng đang là một trong những điểm nghẽn trong nỗ lực giảm phát thải. Ước tính, cả nước có khoảng 8 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu theo dạng tự cung tự cấp. Để chuyển đổi xanh, thay đổi tập tính và ứng dụng chăn nuôi khép kín với trang thiết bị hiện đại tương đối khó với chăn nuôi nông hộ.

Do đó, ngành Chăn nuôi và Khuyến nông tại các địa phương đang khuyến khích các nông hộ phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, khép kín và an toàn dịch bệnh,tận dụng phế phụ phẩm cho các ngành khác.

Mục tiêu của Chính phủ trong phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 không chỉ là lời cam kết trách nhiệm từ Việt Nam với quốc tế mà đó còn là cơ hội, hướng đi bền vững cho nền kinh tế, trong đó có chăn nuôi. Nhờ đó, chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh được đặt lên hàng đầu, gắn liền với những lợi ích lâu dài.

Lê Bình
Trọng Toàn
Lê Bình
Lê Bình