| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng Hoàng Trung: Trung thực và lành mạnh để ngành hàng trái cây phát triển bền vững

Thứ Tư 28/08/2024 , 08:00 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT luôn đề cao vấn đề trung thực về mã số vùng trồng và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp liên quan đến tính bền vững của xuất khẩu trái cây.

Những năm trở lại đây, trái cây Việt Nam liên tục mở cửa được các thị trường mới, có giá trị cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Những năm trở lại đây, trái cây Việt Nam liên tục mở cửa được các thị trường mới, có giá trị cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1,1 triệu ha diện tích trồng các loại trái cây tiềm năng, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới. Trong đó phải kể đến như thanh long, xoài, vải, nhãn, sầu riêng, chôm chôm... đem lại giá trị cao.

Về sản lượng, mỗi năm Việt Nam sản xuất được 12 - 14 triệu tấn trái cây. Song song với đó là chất lượng cũng như đặc tính của các loại trái cây nhiệt đới ở Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng, đánh giá cao.

Thứ trưởng Hoàng Trung nói, Bộ NN-PTNT đã rất nỗ lực trong việc phối hợp với các Bộ, ngành khác cũng như chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đàm phán, xử lý các rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường.

Đến nay, các thị trường chính, quan trọng như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, châu Âu đều có sự hiện diện của trái cây Việt Nam, đặc biệt là những loại có diện tích và sản lượng lớn.

"Một minh chứng nữa về sự thành công của xuất khẩu trái cây đó là giá trị năm sau cao hơn năm trước, với khối lượng ngày càng lớn như 2 triệu tấn thanh long; 0,8 triệu tấn xoài... Điều đó cho thấy chất lượng trái cây của chúng ta đã đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của các thị trường lớn.

Sau chất lượng là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hiện chúng ta đã làm khá tốt, đặc biệt là trong chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV hay tuân thủ các quy định kiểm dịch của các nước", Thứ trưởng Hoàng Trung chia sẻ.

Theo ông, hầu hết các thị trường khó tính nhất như Hoa Kỳ, Australia, New Zealand với những rào cản kỹ thuật rất cao thì trái cây Việt Nam đều có thể đáp ứng được tiêu chuẩn để được phép xuất khẩu.

Từ những thị trường này, các sản phẩm trái cây của Việt Nam có nền tảng để tiếp tục đàm phán, xử lý rào cản kỹ thuật ở nhiều quốc gia khác nhằm mở rộng thị phần.

"Điều này cũng chứng tỏ rằng năng lực kỹ thuật của Việt Nam có thể đáp ứng được những biện pháp xử lý có yêu cầu cao từ phía bạn. Do đó, có thể nói lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Việt Nam có cơ sở để phát triển một cách bền vững", Thứ trưởng nhận định thêm.

Năng lực kỹ thuật hiện nay của Việt Nam hoàn toàn đảm bảo được yêu cầu quy định của các nước nhập khẩu. Ảnh: Tùng Đinh.

Năng lực kỹ thuật hiện nay của Việt Nam hoàn toàn đảm bảo được yêu cầu quy định của các nước nhập khẩu. Ảnh: Tùng Đinh.

Sự tham gia của cơ quan quản lý

Chia sẻ về đường hướng trong thời gian tới, đối với cơ quan quản lý nhà nước như Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng khẳng định phải tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng các chiến lược, đề án mà Bộ đã xây dựng rất kỳ công.

Ví dụ như Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó bao gồm đầy đủ các giải pháp kỹ thuật và những đề án thành phần như đề án về cây ăn quả chủ lực, đề án về vùng rau chuyên canh...

Các biện pháp kỹ thuật được xây dựng bài bản, chi tiết từ việc chọn giống cho đến quy trình sản xuất để đảm bảo vừa có năng suất, vừa có chất lượng. Hay cách sử dụng vật tư nông nghiệp làm sao để giảm chi phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo đầu ra.

Liên quan vấn đề này, các viện nghiên cứu của Bộ sẽ phải tham gia, tạo ra những bộ giống mới có chất lượng, vừa thích ứng với thay đổi của thiên nhiên, vừa đáp ứng được thị hiếu mới của người tiêu dùng. Và phải chuẩn bị từ trước, từ sớm để có thể thay thế ngay khi cần.

Cũng theo ông Hoàng Trung, một nhiệm vụ nữa của Bộ NN-PTNT là xử lý các rào cản kỹ thuật để đàm phán mở cửa, đa dạng hóa thị trường. Công tác mở cửa thị trường trong những năm vừa qua có thể nói đang làm rất tốt nhưng một điều quan trọng nữa là phải giữ được thị phần.

Mở rộng ra, ngoài việc chủ động xử lý rào cản kỹ thuật, Bộ NN-PTNT sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Công thương trong các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và kết nối doanh nghiệp.

Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh vấn đề trung thực về mã số vùng trồng với trái cây xuất khẩu. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh vấn đề trung thực về mã số vùng trồng với trái cây xuất khẩu. Ảnh: Tùng Đinh.

Trung thực về mã số vùng trồng

Để giữ được thị phần, hình ảnh của trái cây Việt Nam trên thị trường, ngoài các đơn vị của Bộ NN-PTNT thì các địa phương cũng phải vào cuộc một cách sâu sát, đi vào thực tế, tạo ra chuyển biến từ thực tế chứ không phải trên văn bản.

Cụ thể là tuân thủ đúng các quy trình, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT để chỉ đạo người dân thực hiện theo, từ khâu chọn giống, thời vụ, chăm sóc cho đến khâu thu hoạch.

"Ví dụ, nếu thu hoạch đúng theo khuyến cáo cho từng thị trường thì khi đến tay người tiêu dùng trái cây sẽ đạt chất lượng tốt nhất. Tránh tình trạng chạy theo sản lượng, thu hoạt ồ ạt rồi khi tiêu thụ lại hư hỏng, phải thải loại", lãnh đạo Bộ NN-PTNT phân tích.

Một trong những điều kiện bắt buộc để có thể xuất khẩu trái cây đó là mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng nhưng đâu đó vẫn còn vấn đề và Bộ NN-PTNT liên tục đưa ra khuyến cáo.

Về chuyên môn, các đơn vị của Bộ như Cục BVTV, Cục Trồng trọt liên tục phối hợp với cơ quan của nước nhập khẩu để kiểm tra, cùng với đó là đạo tạo, hướng dẫn cho các địa phương để xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

"Đáng chú ý là sau khi được công nhận và cấp mã số, chúng ta phải duy trì được các điều kiện, quy định của nghị định thư để phát triển bền vững. Chúng ta phải trung thực về mã số vùng trồng, không thể mã số chỉ có 500 tấn nhưng lại cấp cho cả ngàn tấn.

Làm như vậy, chỉ được lợi nhuận cho một số người nhưng kéo cả ngành hàng đi xuống. Khi xảy ra vấn đề, các nước nhập khẩu đóng cửa thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn, ảnh hưởng đến cả người dân, doanh nghiệp, kinh tế địa phương và cả hình ảnh của trái cây Việt Nam", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa các địa phương cần quan tâm đó là khoanh vùng, đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp cho từng vùng, với từng mặt hàng có lợi thế. Ngoài ra, địa phương cũng cần liên hệ chặt chẽ với các địa phương có cửa khẩu để nắm bắt được thông tin, từ đó đưa ra được kế hoạch sản lượng phù hợp, tránh dư thừa.

Các mặt hàng trái cây chỉ tăng giá trị và phát triển bền vững khi có sự chung tay của các doanh nghiệp, hiệp hội. Ảnh: Tùng Đinh.

Các mặt hàng trái cây chỉ tăng giá trị và phát triển bền vững khi có sự chung tay của các doanh nghiệp, hiệp hội. Ảnh: Tùng Đinh.

Cạnh tranh phải lành mạnh

Ở góc độ các doanh nghiệp - một phần của chuỗi giá trị, ông Hoàng Trung cho rằng, cần có sự liên kết chặt chẽ với người sản xuất, cụ thể hóa bằng những hợp đồng kinh doanh rõ ràng, tránh phá giá, bẻ kèo.

Bên cạnh đó, cũng cần có sự quan tâm, đầu tư về kỹ thuật, hỗ trợ về giá thu mua cho người nông dân. Cần có sự điều chỉnh phù hợp với thị trường để có thể chia sẻ lợi ích một cách hài hòa. Có như vậy mới tạo ra được những liên kết bền vững.

Giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý cũng phải có sự kết nối, có trách nhiệm tuân thủ các quy định về xuất khẩu, không được làm ăn gian dối, chạy theo số lượng.

Các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm kết nối với nhau, có cạnh tranh nhưng phải lành mạnh, tránh tình trạng hạ bệ, chơi xấu lẫn nhau. Bên cạnh đó là liên hệ, hợp tác với các đối tác của nước nhập khẩu, tìm được bạn hàng tin cậy.

Ở quy mô lớn hơn, các hiệp hội ngành hàng trong thời gian tới phải nỗ lực tìm kiếm các thị trường tiềm năng, nhạy bén với những thay đổi về quy định để báo cáo, tham mưu cho các cơ quan quản lý.

Một vai trò nữa của các hiệp hội là quy tụ các doanh nghiệp, chung tay hợp tác một cách chân thành vì lợi ích chung.

Khi có được sự tổng hòa từ trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến người sản xuất thì chúng ta sẽ đảm bảo được ngành hàng phát triển bền vững, đem lại lợi nhuận cao.

Nói thêm về vấn đề thương hiệu, Thứ trưởng khẳng định đây là vấn đề các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần lưu ý, chung sức để xây dựng hình ảnh trái cây Việt Nam để rồi sau đó khai thác tiềm năng, lợi thế từ thương hiệu đó.

"Khi đem sản phẩm ra quốc tế, chúng ta phải xác định đó là thương hiệu Việt Nam, chứ không phải nhãn hiệu của từng công ty hay từng địa phương nữa. Do đó, cần nhận thức đúng đắn để xây dựng thương hiệu chung, vì lợi ích lâu dài và bền vững", lãnh đạo Bộ NN-PTNT gợi ý.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Giảm chi phí, tăng năng suất nhờ ứng dụng bản tin thời tiết nông vụ

Sóc Trăng Hơn 291.000 nông dân ĐBSCL đã ứng dụng bản tin thời tiết nông vụ, giúp bà con đưa ra quyết định canh tác phù hợp, giảm rủi ro, tăng năng suất, cải thiện thu nhập.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.