Thưa Thứ trưởng, như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có loạt bài “Giữa tâm điểm hạn mặn – Những công trình phát huy tác dụng”, Thứ trưởng có thể chia sẻ quan điểm, mục tiêu xuyên suốt trong vấn đề đầu tư thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long của Chính phủ, Bộ NN-PTNT là gì và vai trò của các công trình thủy lợi đối với sự phát triển của vùng đất này như thế nào?
Trước hết phải khẳng định, phòng chống hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long là một câu chuyện rất dài. Ở giai đoạn trước đây, đặc biệt vào thời kỳ sau giải phóng chúng ta đã đầu tư xây dựng những công trình rất lớn, tập trung vào mục tiêu chính là thau chua rửa phèn, ngăn mặn giữ ngọt, cải tạo đất và thoát lũ nhanh ra biển... Điển hình như các công trình kênh Trung ương, kênh Vĩnh Tế, hệ thống hơn 30.000km đê, trong đó chủ yếu là đê bao tháng Tám đã cùng với nhiều công trình khác góp phần rất lớn biến Đồng bằng sông Cửu Long thành vùng sản xuất lúa, trái cây lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thực tiễn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới về quy hoạch và đầu tư các công trình thủy lợi nói riêng và hạ tầng nông nghiệp nói chung. Đây là vấn đề rất khó, thách thức đặt ra rất lớn trong bối cảnh những số liệu nghiên cứu cũ đã không còn phù hợp, cùng với đó là những sự biến đổi như đã nói ở trên, đòi hỏi mới của thực tiễn cần thủy lợi để điều tiết mặn ngọt, điều tiết các quy hoạch khác và giải quyết các vấn đề về môi trường, giữ gìn hệ sinh thái của vùng theo đúng tinh thần không hối tiếc chứ không đơn thuần là câu chuyện ngăn mặn giữ ngọt như thời gian trước.
Tư duy mới bắt đầu kể từ khi Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ xác định “lấy nước làm trung tâm cho các quy hoạch khác” và “nước mặn, nước ngọt, nước lợ đều là tài nguyên”. Đây là những quan điểm, tư duy rất mới, rất khác so với trước, chính vì vậy đầu tư hạ tầng thủy lợi nói riêng và hạ tầng nông nghiệp nói chung cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải khác.
Thứ hai, thực tiễn cũng đòi hỏi các công trình thủy lợi hiện nay không chỉ đơn thuần phục vụ sản xuất lúa mà còn phục vụ tất cả các ngành khác như phát triển công nghiệp, đô thị… Cụ thể, khi quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thành 3 vùng thì tất cả các quy hoạch khác phải đi theo quy hoạch thủy lợi theo đúng quan điểm “lấy nước làm trung tâm”. Điều đó có nghĩa vai trò của thủy lợi đòi hỏi phải làm sao để ranh giới nước mặn, nước ngọt, nước lợ của vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển phải có sự ổn định tương đối. Không thể tiếp diễn câu chuyện tự nhiên là năm nay mặn xâm nhập 20km, năm sau 100km, nghiên cứu đầu tư các công trình thủy lợi phải làm sao để điều tiết ranh giới đường biên mặn ngọt ít biến động nhất, để từ đó làm nền tảng cho các quy hoạch khác.
Trên cơ sở tư duy rất mới và rất khác so với trước đây như vậy, thời gian qua Bộ NN-PTNT sớm xác định rõ quan điểm đầu tư và nghiên cứu, tính toán rất kỹ trước khi đầu tư các công trình thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Và cũng chính nhờ yếu tố đó, các công trình thủy lợi đầu tư ở đồng bằng đã thành công, đúng với quan điểm không hối tiếc. Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thể hiện qua loạt bài “Giữa tâm điểm hạn mặn - Những công trình phát huy tác dụng”, những công trình mà chúng ta đã đầu tư như Cái Lớn - Cái Bé, cống âu thuyền Ninh Quới, Vũng Liêm, Bông Bót, Nguyễn Tấn Thành… đã phát huy hiệu quả, hơn ai hết chính quyền và nhân dân hưởng lợi ở các địa phương thấy rõ điều đó. Theo thống kê sơ bộ, chỉ riêng công trình Cái Lớn - Cái Bé giúp bảo vệ hơn 380.000 ha, vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp khoảng 250.000 ha, Nam Mang Thít 220.000 ha, Bắc Bến Tre 100.000 ha, Gò Công - Tiền Giang khoảng 60.000 ha, Bảo Định (Tiền Giang, Long An) khoảng 60.000 ha… Ít nhất hơn 1,1 triệu ha đất trồng lúa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản đã được các công trình thủy lợi điều tiết để bảo vệ.
Vấn đề đặt ra hiện nay là những công trình thủy lợi đã đầu tư xây dựng đang phát huy hiệu quả rồi, làm thế nào để quy trình vận hành phải liên kết với nhau để tạo ra vùng ảnh hưởng rộng hơn. Cùng với đó là nghiên cứu, đầu tư xây dựng các công trình theo quan điểm, tư duy mới để phát huy hiệu quả hơn nữa, đóng góp to lớn hơn nữa vào sự phát triển bền vững của đồng bằng.
Thách thức trong thời gian tới của Đồng bằng sông Cửu Long là gì và thách thức trong quy hoạch, phát triển thủy lợi của vùng ra sao, thưa Thứ trưởng?
Như tôi đã nói, thách thức lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là biến đổi khí hậu. Các vấn đề nước biển dâng, đất sụt lún và mặn sẽ xâm nhập sâu hơn, lụt do triều cường sẽ nhiều hơn, cùng với đó thách thức từ thượng nguồn làm biến động dòng chảy, thay đổi hệ sinh thái đồng bằng.
Và một thách thức rất lớn nữa đến từ nội tại phát triển kinh tế xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long. Khi các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà cửa mọc lên nhiều, dân số tăng lên, đường giao thông và tất cả hạ tầng khác được xây dựng vì mục tiêu phát triển, đồng thời sẽ là những thách thức lớn.
Những thách thức đó đòi hỏi ngành thủy lợi cần giải pháp làm thế nào để các công trình thủy lợi đảm bảo được các mục tiêu nước mặn, nước lợ cũng là tài nguyên; phân ranh mặn ngọt cơ bản ổn định để các ngành khác còn quy hoạch.
Cùng với đó là câu chuyện thủy lợi phải phát huy vai trò đa mục tiêu, ngoài sản xuất nông nghiệp còn phải đóng vai trò cung cấp nước sinh hoạt, đảm bảo giao thông đường thủy, cung cấp nước cho công nghiệp, cho sản xuất các ngành kinh tế khác…
Chưa kể vấn đề nhu cầu các công trình thủy lợi của các tỉnh trong vùng đồng bằng khác nhau, vùng thượng nguồn không bị xâm nhập mặn thì lại sạt lở, vùng giữa cần đảm bảo không bị xâm nhập mặn để bảo vệ lúa, cây ăn trái, các tỉnh ven biển cũng cần phải điều tiết mặn ngọt... Vai trò của các công trình thủy lợi còn phải góp phần giải quyết bài toán môi trường, bảo vệ hệ sinh thái của đồng bằng…
Giải pháp của thủy lợi để giải quyết những thách thức đó ra sao, thưa Thứ trưởng?
Tôi cho rằng trước những thách thức của Đồng bằng sông Cửu Long như đã phân tích thì trước tiên vẫn phải là giải pháp mềm. Thậm chí giải pháp mềm đóng vai trò quyết định trong vấn đề ứng phó thách thức như biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn…
Và giải pháp mềm trước tiên là phải điều chỉnh mùa vụ sản xuất phù hợp với điều kiện hiện nay. Ví dụ trước đây cứ hạn mặn cực đoan thì nguy cơ rất cao là đồng bằng sẽ mất mùa. Đợt hạn mặn năm 2015-2016 đã có khoảng 200.000 ha lúa không thu hoạch được, nhưng qua đợt hạn mặn 2019-2020 cho đến 2023-2024 này có thể thấy rõ hiệu quả của giải pháp mềm.
Thứ nhất từ công tác dự báo, Bộ NN-PTNT cùng với các địa phương đã nghiên cứu, tính toán để điều chỉnh vụ đông xuân năm nay sớm hơn khoảng 1 tháng, khi xâm nhập mặn vào thì đã thu hoạch nên gần như không có thiệt hại. 1,5 triệu ha diện tích lúa đông xuân của cả đồng bằng nhưng năm nay chỉ có một số ít ở các địa phương như Trà Vinh, Sóc Trăng bị ảnh hưởng, có thể vì giá lúa cao bà con cố xuống giống mà không theo hướng dẫn.
Chính vì vậy, giải pháp mềm thứ hai là nâng cao nhận thức của người dân để bà con có thể chủ động sống chung với hạn mặn. Phải xem hạn mặn là quy luật tự nhiên và chúng ta nghiên cứu kỹ để có những giải pháp bình tĩnh ứng phó. Ví dụ như đợt hạn mặn năm 2019-2020, khi có một số diện tích cây ăn trái ở đồng bằng bị ảnh hưởng, chúng tôi đã giao các đơn vị của Bộ NN-PTNT tính toán xem thử 1 ha cây ăn trái cần bao nhiêu nước để có thể vượt qua 2 tháng hạn mặn? Kết quả là 800 m3. Từ đó hướng dẫn người dân đào ao tích trữ, cứ 1 ha đào ao chứa 800 m3 nước và giải pháp này rất hiệu quả. Hạn mặn năm nay không có một ha cây ăn trái nào bị ảnh hưởng cả, kinh phí bỏ ra cũng không đáng bao nhiêu. Đó là nhờ chúng ta chủ động ứng phó, nhận thức của bà con đã được nâng cao.
Giải pháp mềm thứ ba là dự báo. Không chỉ ngắn hạn mà phải dự báo dài hạn, dự báo sớm, ít nhất phải dự báo đúng từ 3 - 6 tháng để có phương án chủ động ứng phó. Tất nhiên là còn nhiều giải pháp mềm khác nhưng tôi cho rằng đây là 3 giải pháp mềm chính mà chúng ta cần tập trung để thích nghi có kiểm soát những thách thức.
Đối với giải pháp phần cứng, đương nhiên là phải đầu tư hạ tầng. Và giải pháp đầu tư hạ tầng cho Đồng bằng sông Cửu Long đầu tiên là phải tính toán xem là các công trình thủy lợi hiện nay đầu tư xây dựng theo hình thức bao trong hay bao ngoài.
Từ trước đến nay các công trình thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu chúng ta đầu tư theo hình thức bao trong, mục tiêu chính là ngăn mặn. Thực tiễn hiện nay đòi hỏi phải nghiên cứu thêm, nghiên cứu kỹ để bao ngoài ở một số vị trí phù hợp. Điển hình như công trình Cái Lớn - Cái Bé là bao ngoài và đã cho thấy hiệu quả rất rõ rệt. Từ đó chúng tôi cũng nghiên cứu, tính toán để xây dựng công trình trên sông Hàm Luông, cũng theo hình thức bao ngoài để phát huy vai trò điều tiết mặn ngọt đối với Bến Tre, Tiền Giang… Cùng với đó là nghiên cứu ngăn các khúc sông để tạo thành các hồ chứa nước trong mùa hạn, mặn. Chúng tôi đang nghiên cứu kỹ để tới đây triển khai các giải pháp này.
Thứ hai, chúng ta đã xác định quan điểm thủy lợi phải phục vụ đa ngành. Đồng bằng sông Cửu Long bây giờ ngoài lúa ra, thủy sản rất quan trọng, giá trị nuôi trồng thủy sản rất lớn. Cho nên bài toán đặt ra đối với giải pháp của các công trình thủy lợi là làm thế nào bà con nuôi tôm không phải sử dụng nhiều nước ngầm, bởi vì nếu sử dụng nước ngầm quá lớn đất sẽ càng sụt lún và nguồn nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã bắt đầu ô nhiễm, nhiều vùng không còn nước ngầm để khoan.
Giải pháp của thủy lợi đối với bài toán này là tiến tới sẽ xây dựng các công trình, hệ thống thủy lợi cấp nước riêng và thoát nước riêng, vừa đảm bảo vấn đề nguồn nước, vừa đảm bảo môi trường sản xuất. Hay ở những vùng tôm - lúa cũng vậy. Giải pháp công trình thủy lợi sẽ điều tiết được lúc nào đưa nước ngọt vào trồng lúa, lúc nào đưa nước mặn, nước lợ vào nuôi tôm… Song song với đó là rà soát lại quy hoạch của toàn vùng, chỉ rõ vùng nào nuôi tôm, vùng nào cây ăn trái, vùng nào trồng lúa… Quy hoạch sản xuất để có các công trình điều tiết thích ứng.
Tóm lại, đối với giải pháp đầu tư hạ tầng thủy lợi, từ thực tiễn thành công của những công trình Cái Lớn - Cái Bé, cống âu thuyền Ninh Quới, cống Vũng Liêm, Tân Phú, Nguyễn Tấn Thành… chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để xem xét đầu tư theo đúng tinh thần đa mục tiêu, thuận theo tự nhiên nhưng có giải pháp kiểm soát và không hối tiếc.
Cùng với đó, các giải pháp công trình thủy lợi đối với Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục nghiên cứu ngoài vai trò cung cấp nguồn nước, điều tiết mặn ngọt còn nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề về môi trường, đảm bảo môi trường. Ví dụ nếu chúng ta nghiên cứu kỹ, các công trình thủy lợi khi vận hành sẽ giải quyết bài toán môi trường ở các dòng sông.
Hiện nay chúng ta đang nói nhiều về cơ chế đặc thù để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, nên chăng cũng cần có cơ chế đặc thù trong vấn đề đầu tư phát triển thủy lợi của vùng, nhất là nhằm mục tiêu vận hành đồng bộ các công trình thủy lợi trong vùng, thưa Thứ trưởng?
Thực ra Đồng bằng sông Cửu Long đã có nghị quyết riêng của Bộ Chính trị, sau đó Chính phủ cũng đã có chương trình hành động. Trong giai đoạn hiện nay, về hạ tầng nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cũng được đầu tư nhiều nhất so với các vùng kinh tế khác. Cùng với đó là các dự án ODA, WB và nhiều chương trình khác cho vùng.
Vốn đầu tư như vậy là đủ, chính vì vậy, nếu cần cơ chế riêng cho Đồng bằng sông Cửu Long, tôi cho rằng cần có cơ chế riêng cho vốn vay. Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu vẫn là các tỉnh nghèo, nếu theo cơ chế “vay lại” như quy định hiện nay thì các tỉnh trong vùng không còn “trần” để vay. Giả sử còn trần thì với 30 - 50% cũng không thể trả được nợ. Cho nên có thể sẽ có một số dự án đặc biệt cần cơ chế Trung ương vay sau đó cấp phát cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng cần phải xác định thêm, khi đầu tư hạ tầng vào Đồng bằng sông Cửu Long thì không phải ngay lập tức có thể thu lại được tiền mà là dài hạn, thậm chí có những công trình phải tính là an sinh xã hội.
Xin cảm ơn Thứ trưởng đã chia sẻ cụ thể, sâu sắc về tư duy thủy lợi mới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long!