| Hotline: 0983.970.780

Giữa tâm điểm hạn mặn - Những công trình phát huy tác dụng

Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé: 'Bàn tay khổng lồ' điều phối mặn, ngọt

Thứ Sáu 22/03/2024 , 06:19 (GMT+7)

ĐBSCL Những cánh cửa van cống Cái Lớn và Cái Bé nặng hàng trăm tấn như bàn tay người khổng lồ ngăn dòng biển mặn theo triều lấn sâu vào nội đồng, điều tiết nguồn nước.

Lời tòa soạn: Giữa đỉnh điểm hạn mặn năm 2024 ở ĐBSCL, hệ thống cống, công trình thủy lợi trong vùng đã phát huy hiệu quả rất rõ rệt khi đưa vào sử dụng. Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam vào tâm điểm hạn mặn lắng nghe từng câu chuyện và chứng kiến những đổi thay ngỡ ngàng từ các vùng dự án.

Bảo vệ an toàn vùng hưởng lợi

Cống Cái Lớn điều tiết nguồn nước cho vùng hưởng lợi rộng lớn thuộc 5 tỉnh. Ảnh: Trung Chánh.

Cống Cái Lớn điều tiết nguồn nước cho vùng hưởng lợi rộng lớn thuộc 5 tỉnh. Ảnh: Trung Chánh.

Bài liên quan

Tiếng loa phóng thanh vang lên tại khu vực hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé: “Các phương tiện giao thông thủy chú ý. Chúng tôi đang vận hành cửa giàn cống… yêu cầu phương tiện di chuyển đúng theo biển báo, báo hiệu chỉ dẫn”. Cùng lúc đó, 2 cửa van cống Cái Bé và 11 cửa van cống Cái Lớn lần lượt được hệ thống thủy lực từ từ hạ xuống, chặn ngang tuyến sông Cái Bé và Cái Lớn, ngăn nước mặn từ biển vào.

Trong 4 ngày (từ ngày 14 - 17/3) toàn bộ cửa cống Cái Lớn - Cái Bé được đóng kín, ngăn và cắt đứt đỉnh đợt cao điểm triều cường giữa tháng 3. Những cánh cửa van cống nặng hàng trăm tấn như bàn tay của người khổng lồ chặn ngang sông, ngăn dòng nước biển mặn theo con triều lấn sâu vào nội đồng, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh kinh tế khu vực hưởng lợi rộng lớn thuộc 5 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Giữa cao điểm mùa hạn mặn, tôi rong ruổi xuyên qua vùng hưởng lợi của hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, nằm trải rộng trên diện tích hơn 384.120 ha, chủ yếu là sản xuất lúa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Kiên Giang là tỉnh có diện tích hưởng lợi lớn nhất, với trên 247.400 ha (chiến hơn 64% diện tích) thuộc địa bàn 7 huyện gồm: Châu Thành, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Gò Quao và Giồng Riềng.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé vận hành hiệu quả, đã bảo vệ an toàn vùng hưởng lợi nằm trải rộng trên diện tích hơn 384.120 ha. Ảnh: Trung Chánh.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé vận hành hiệu quả, đã bảo vệ an toàn vùng hưởng lợi nằm trải rộng trên diện tích hơn 384.120 ha. Ảnh: Trung Chánh.

Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, trong vùng hưởng lợi của dự án, 2 trà lúa có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Một là lúa vụ mùa, với diện tích 71.570 ha, bà con nông dân đã thu hoạch xong dứt điểm an toàn, trước khi lấy nước mặn vào để thả nuôi luân canh vụ tôm nước lợ. Hai là 106.000 ha lúa đông xuân, nông dân thu hoạch rộ từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 cho đến nay.

Đang cày phơi ải diện tích hơn 3 ha lúa đông xuân vừa thu hoạch xong, ông Danh Sóc, ở xã Định Hòa, huyện Gò Quao vui mừng cho biết: “Năm nay dù hạn đến sớm nhưng nhờ vận hành hệ thống cống nên vẫn đủ nước ngọt bơm tưới tới cuối vụ, lúa không bị nhiễm mặn nên hạt no mẩy, bông không bị xèo lép. Năng suất thu hoạch gần 8 tấn/ha, bán được giá 7.800 đồng/ha, trừ hết chi phí tôi còn lời được 120 triệu đồng/3ha lúa. Chung quanh đây hộ nào cũng trúng mùa và bán được giá cao”.

Tiếp đến là tỉnh Hậu Giang có vùng hưởng lợi thuộc địa bàn thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ, Vị Thủy. Diện tích xuống giống lúa vụ đông xuân 2023-2024 là 48.774 ha, diện tích gieo trồng màu năm 2024 thực hiện lũy kế đến nay hơn 4.800 ha, vườn cây ăn trái các loại khoảng 12.500 ha và 475 ha nuôi trồng thủy sản.

Giữa tâm điểm hạn mặn, diện tích khóm của hộ nông dân Ngô Văn Léo (xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh) vẫn được bảo vệ an toàn. Ảnh: Trung Chánh.

Giữa tâm điểm hạn mặn, diện tích khóm của hộ nông dân Ngô Văn Léo (xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh) vẫn được bảo vệ an toàn. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Ngô Văn Léo, ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh canh tác hơn 1 ha khóm (dứa) cho biết, mặn đã xâm nhập trên tuyến sông Cái Lớn đến địa bàn khoảng 1 tháng nay nhưng độ mặn năm nay không quá cao. Ở phía ngoài đã đóng cống ngăn mặn, nông dân tranh thủ lấy nước ngọt vào vườn khóm tích trữ và đắp đập để tự bảo vệ vườn.

Theo ông Léo, vùng đất ven sông Cái Lớn thuộc xã Hỏa Tiến trồng lúa kém hiệu quả nhưng trồng khóm lại rất tốt. Loại cây này vừa thích hợp với đất phèn vừa chịu khô hạn tốt, suốt mùa nắng không cần tưới, chỉ cần giữ nước ngọt trong các đường mương để giữ ẩm chân liếp, cũng như có nước để vận chuyển trái khóm khi thu hoạch. Ông Léo vừa thu hoạch xong đợt khóm chính vụ cách đây mấy ngày, hiện giá khóm đang rất cao, 12.000 đồng/trái loại I (từ 1 kg trở lên). Một năm, vườn khóm được nông dân xử lý ra trái rải vụ thành nhiều đợt, thu hoạch khoảng 15.000 - 20.000 trái. Lợi nhuận từ trồng khóm cũng cao hơn nhiều so với cây lúa.

Cá nước ngọt vẫn sống được ở gần cửa cống Kênh Lầu thông ra sông Cái Lớn thuộc địa bàn xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh dù đang đỉnh điểm hạn mặn. Ảnh: Trung Chánh.

Cá nước ngọt vẫn sống được ở gần cửa cống Kênh Lầu thông ra sông Cái Lớn thuộc địa bàn xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh dù đang đỉnh điểm hạn mặn. Ảnh: Trung Chánh.

Ở ngay cửa cống Kênh Lầu thông ra sông Cái Lớn thuộc địa bàn xã Hỏa Tiến, anh Nguyễn Chí Phong đã quá quen với nước mặn xâm nhập vào mùa khô qua từng năm. Anh Phong bảo: “Chỉ cần nhìn vào sự chuyển màu của nước từ màu bạc (nước phù sa) sang màu trong xanh hoặc cây lục bình trên sông héo úa là tôi biết mức độ xâm nhập mặn. Năm nay mặn đến sớm nhưng nhờ vận hành hệ thống công Cái Lớn - Cái Bé, độ mặn không tăng quá cao”.

Nhà ở ven sông, anh Phong vừa đặt lú (dụng cụ đánh bắt) dưới sông để bắt tôm, cá tự nhiên vừa làm dèo nuôi cá điêu hồng ở sông dưới sàn nhà. Theo anh Phong, khi nước mặn vừa xâm nhập, đàn cá nuôi của gia đình bỏ ăn hết mấy ngày do bị sốc nước nhưng sau đó quen dần, ăn lại bình thường. Nhờ độ mặn không quá cao nên cá vẫn sống tốt, không bị thiệt hại.

Phối hợp vận hành hiệu quả công trình

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé gồm cụm cống Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô, được Bộ NN-PTNT giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam quản lý vận hành. Đây là cụm công trình có tác dụng lên khu vực hưởng lợi liên tỉnh, nên cần có sự phối hợp với các địa phương để điều tiết nguồn nước ngọt, mặn, lợ, phục vụ sản xuất và dân sinh kinh tế.

Cống Cái Lớn được vận hành ngăn con triều giữa tháng 3, không cho nước mặn từ biển lấn sâu vào nội đồng. Ảnh: Trung Chánh.

Cống Cái Lớn được vận hành ngăn con triều giữa tháng 3, không cho nước mặn từ biển lấn sâu vào nội đồng. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lê Tự Do, Giám đốc Chi nhánh ĐBSCL Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam cho biết, trong năm 2023 công ty đã ban hành 16 kế hoạch vận hành cụm cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô căn cứ theo Quy trình vận hành tạm thời Hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã được Bộ NN-PTNT quyết định hành hành. Đặc biệt là đã tổ chức 3 đợt vận hành diễn tập (trong tháng 5, tháng 9 và tháng 12/2023) nhằm ứng phó với các kịch bản, tình huống thiên tai tại cụm cống Cái Lớn, Cái Bé và cống âu thuyền Xẻo Rô.

Qúa trình vận hành, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với các Viện, cơ quan chuyên môn, Sở NN-PTNT các địa phương trong vùng hưởng lợi, xây dựng kế hoạch sát với thực tế kế hoạch sản xuất, khung thời vụ, diễn biến nguồn nước cũng như chất lượng nguồn nước khu vực các hệ thống cống, đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đời sống dân sinh. Quá trình vận hành đã nâng cao lực lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ, công nhân viên, ứng phó sự cố công trình, góp phần phòng, chống thiên tai hiệu quả.

Theo dự báo, độ mặn cao nhất mùa khô 2023-2024 trên sông Cái Lớn, Cái Bé ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng 3 - 4/2024 và khả năng kết thúc muộn. Trên sông Cái Lớn, độ mặn 4‰ (g/l) khả năng xâm nhập sâu 45 - 47 km, độ mặn 1‰ xâm nhập sâu 55 - 57 km (cầu Cái Tư). Trên sông Cái Bé, độ mặn 4‰ khả năng xâm nhập sâu 25 km (xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng), độ mặn 1‰ xâm nhập sâu 30 km (cầu Long Thạnh); mặn xâm nhập sâu vào các ngày triều cường.

Trước tình hình đó, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý, đơn vị khai thác thủy lợi và địa phương trong vùng hưởng lợi vận hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, cắt đứt đỉnh triều, đảm bảo kiểm soát, điều tiết hiệu quả nguồn nước, giữ nguồn nước ngọt, khống chế độ mặn trên các tuyến sông ở mức hợp lý để phục vụ sản xuất, nhất là nuôi tôm nước lợ hiệu quả.

Trong năm 2023, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã được vận hành hiệu quả, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất an toàn cho các mô hình sinh thái ngọt, ngọt - lợ luân phiên và mặn - lợ. Tổng diện tích sản xuất các vụ lúa trong năm 2023 là 708.942 ha, gồm vụ mùa (lúa trên đất tôm - lúa), đông xuân, hè thu và thu đông, sản lượng thu hoạch ước đạt gần 4,5 triệu tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 302.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm khoảng 166.000 ha, diện tích còn lại nuôi cá và các loại thủy sản khác, sản lượng thu hoạch ước đạt 275.000 tấn, riêng tôm nuôi 99.000 tấn.

Xem thêm
Sắp xếp những cơ quan, tổ chức đã có phương án

Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị quyết định sắp xếp theo thẩm quyền đối với những cơ quan, tổ chức đã có phương án sắp xếp, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 4] Bài học xương máu ở 'vựa' nuôi tôm hùm

Cơn bão số 12 (năm 2017) khiến hàng trăm hộ nuôi tôm hùm ở Nam Trung bộ bỗng chốc trở nên trắng tay, đây là bài học ‘nhớ đời’ của những người nuôi biển hiện nay.