Giữ an toàn cho sản xuất nông nghiệp
Nằm ở hạ nguồn sông Hậu, huyện Kế Sách được biết đến là vùng ngọt của tỉnh Sóc Trăng, với thế mạnh về sản xuất lúa và cây ăn trái. Thế nhưng từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 2 lần xâm nhập mặn gay gắt. Nhất là vào mùa khô 2023 - 2024, độ mặn cao nhất xâm nhập đến vàm Nhơn Mỹ là 6,7‰ và tại thị trấn Kế Sách là 5,1‰.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện chưa có hệ thống cống ngăn mặn từ các con sông giáp với sông Hậu. Cứ khoảng 30 - 50ha sản xuất, địa phương xây dựng một bờ bao giúp người dân giữ nước ngọt. Hệ thống thủy lợi hở này khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng trong mùa khô.
Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ các xã, thị trấn trong huyện Kế Sách ứng phó với xâm nhập mặn. Người dân địa phương nơi đây rất quan tâm và chú trọng các phương pháp tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước, chủ động tích trữ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thiệt ở xã Thới An Hội, canh tác 18 công (1 công tương đương 1.300m2) các loại cây ăn trái như ổi, vú sữa hoàng kim, vú sữa bơ hồng, đu đủ.
Nếu như trước đây, mỗi năm nước mặn chỉ lên khoảng 1 - 2 đợt, ông Thiệt có thể chủ động canh đúng thời điểm để lấy nước ngọt tích trữ, thì từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã 3 lần ghi nhận nước mặn tăng cao. Trong khi đó hệ thống kênh mương trong vườn chỉ đủ khả năng giữ nước từ 10 - 15 ngày.
Trước tình thế này, ông Thiệt phải đầu tư hệ thống tưới tự động. Tuy chi phí ban đầu khá cao, nhưng giúp gia đình tiết kiệm nguồn nước và hạn chế tình trạng phân bón bị trôi.
“Mỗi lần nước mặn dâng cao gây thiệt hại cho cây trái rất nhiều. Mong chờ lớn nhất của người dân địa phương là có một hệ thống thủy lợi lớn đưa vào vận hành. Như vậy bà con rất mừng vì nguồn nước được điều tiết, ngăn mặn tốt”, ông Thiệt bộc bạch.
Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 600 cống thủy lợi. Tuy nhiên thực tế các công trình này đã được xây dựng lâu đời, từ những năm 1990. Do công nghệ tương đối cũ, cần phải được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên.
Đặc biệt, các cửa cống tự động hiện không đáp ứng được nhu cầu lấy nước khi ranh mặn thay đổi thường xuyên. Việc thay đổi từ cửa cống tự động sang cửa cống cưỡng bức là cần thiết, vừa tạo điều kiện cho việc điều tiết nguồn nước, vừa phục vụ giao thông thủy cho người dân.
Nằm trên hệ thống bờ Nam Sông Hậu, vài năm gần đây, người dân huyện Long Phú đã bớt nhọc nhằn khi vác từng bao lúa qua khỏi cống Cái Quanh vào mùa khô hạn. Giữa mùa hạn mặn, hệ thống cống này vẫn được mở để hỗ trợ nhu cầu giao thông thủy cho các ghe thu mua lúa. Được biết đây là công trình cửa cưỡng bức do Bộ NN-PTNT đầu tư cho tỉnh Sóc Trăng với nguồn vốn trên 8 tỷ đồng.
Chứng kiến rõ những đổi thay từ khi cửa cưỡng bức cống Cái Quanh hoạt động, nông dân Trang Đắc Kỷ ở xã Tân Thạnh, huyện Long Phú bồi hồi kể lại, ngày trước các phương tiện thủy muốn lưu thông qua lại rất khó khăn. Bà con sản xuất lúa trong vùng phải thuê người chuyền lúa qua cống rồi đưa xuống ghe, với chi phí khoảng 200.000 đồng/tấn. Bởi phải đợi có nước ngọt bên ngoài cống, cửa cống mở ra, mới có thể di chuyển qua lại. Hiện tại, khi mực nước bên trong và ngoài cống ở ngưỡng thích hợp, dòng nước không chảy xiết, cửa cưỡng bức sẽ được mở từ 45 - 60 phút để phương tiện di chuyển mà vẫn đảm bảo nước mặn không tràn vào nội đồng.
Tại cống Bà Xẩm đặt trên địa bàn xã Long Đức, huyện Long Phú, một trong những công trình cấp nước cho vùng thủy lợi khép kín Long Phú - Tiếp Nhựt do Bộ NN-PTNT đầu tư cũng đang phát huy nhiều hiệu quả. Trạm bơm với công suất 10.000m3/giờ được lắp đặt ngay tại cống, giúp tiếp thêm lượng nước ngọt lớn cho vùng trong mùa khô.
Đi sâu vào những cánh đồng đang canh tác vụ đông xuân muộn ở huyện Long Phú và Trần Đề, hai địa phương có nhiều diện tích lúa nguy cơ bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập, đồng ruộng đang được tiếp nước sau thời gian dài độ mặn ở ngưỡng cao. Những diện tích lúa bị ảnh hưởng nhẹ đã được phục hồi.
Khoảng 10 ngày nữa ruộng lúa của ông Dương Thanh Tùng ở thị trấn Long Phú sẽ được thu hoạch, ước tính năng suất đạt từ 5 - 5,5 tấn lúa tươi/ha. Ông Tùng nhận định, mức độ ảnh hưởng trên trà lúa đông xuân muộn của gia đình chỉ ở mức khoảng 15 - 20%, nhờ hệ thống thủy lợi trong vùng điều tiết nước. So với nhiều năm trước, ở ngưỡng độ mặn hiện tại vụ này xem như gia đình ông mất trắng.
Mong chờ công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh vận hành cuối năm
Thời gian qua, âu thuyền Ninh Quới đặt tại tỉnh Bạc Liêu được Bộ NN-PTNT đầu tư, đang phát huy hiệu quả rất tốt, đảm bảo an toàn cho vùng sản xuất lúa sạch ở các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị và một phần thị xã Ngã Năm của tỉnh Sóc Trăng.
Để khép kín hệ thống thủy lợi toàn tỉnh, vừa qua Bộ NN-PTNT đã phê duyệt đầu tư hệ thống công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam Sông Hậu. Đây là hệ thống công trình được đánh giá có quy mô lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng, bao gồm 5 cống lớn (Mương Khai 2, Trà Ếch, Cái Trưng, Cau Trường và Trà Quýt) và âu thuyền Rạch Mọp.
Riêng công trình âu thuyền Rạch Mọp nằm giáp ranh giữa huyện Long Phú và Kế Sách. Có 2 khoang cống, mỗi khoang 35m cửa và 1 khoang âu thuyền rộng 15m cửa, tổng kinh phí đầu tư khoảng 550 tỷ đồng.
Ông Kiều Văn Công, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10, Trưởng ban điều hành dự án cho biết, với sự hỗ trợ, phối hợp nhịp nhàng của các địa phương, đến nay công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đã hoàn thành. Tiến độ thi công đạt trên 65% khối lượng công việc thực hiện.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sóc Trăng, UBND huyện Kế Sách và Long Phú lên kế hoạch đáp ứng nhu cầu giao thông thủy cho bà con khu vực”, ông Công cho biết thêm.
Dự kiến, trước mùa khô năm 2024 - 2025 công trình âu thuyền Rạch Mọp sẽ kiểm soát được nước mặn cho diện tích phục vụ trực tiếp của dự án là 19.200ha. Đồng thời, tạo nguồn nước ngọt phục vụ 36.100ha sản xuất nông nghiệp của người dân các huyện Long Phú, Kế Sách, Châu Thành và một phần TP Sóc Trăng.
Âu thuyền Rạch Mọp khi đi vào hoạt động kết hợp với một số công trình khác đã xây dựng sẽ kiểm soát được toàn bộ nguồn nước ở vùng Nam Sông Hậu. Làm thay đổi bộ mặt vùng sản xuất cây ăn trái, lúa của tỉnh Sóc Trăng và đang được người dân rất mong chờ.
Tuy nhiên, từ khi chưa xây dựng công trình, tại một số vị trí trên bờ kênh đã xảy ra tình trạng sạt lở. Để gia cố, bảo vệ bờ sông từ âu thuyền ra sông Hậu, ông Công đã kiến nghị UBND tỉnh Sóc Trăng xin chủ trương từ Bộ NN-PTNT, tiếp tục xây dựng kè bảo vệ, bảo đảm an toàn cho người dân trong khu vực.
Tổng thể các giải pháp từ phi công trình đến công trình, cộng với sự đồng lòng giữa người dân và chính quyền địa phương, những công trình thủy lợi do Trung ương và địa phương đầu tư phát huy tác dụng. Đến thời điểm này, người dân Sóc Trăng tự tin giữ an toàn cho sản xuất nông nghiệp.