| Hotline: 0983.970.780

Giữa tâm điểm hạn mặn - Những công trình phát huy tác dụng

Cống Nguyễn Tấn Thành bảo vệ nguồn nước ngọt cho 1,1 triệu người

Thứ Bảy 23/03/2024 , 17:47 (GMT+7)

TIỀN GIANG Cống âu Nguyễn Tấn Thành ngăn mặn trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho hơn 1,1 triệu người ở hai tỉnh Tiền Giang và Long An.

Cống Nguyễn Tấn Thành giúp 1,1 triệu người ở hai tỉnh Tiền Giang và Long An hưởng lợi. Ảnh: Minh Đảm.

Cống Nguyễn Tấn Thành giúp 1,1 triệu người ở hai tỉnh Tiền Giang và Long An hưởng lợi. Ảnh: Minh Đảm.

Cùng với các công trình thủy lợi dọc sông Tiền, cống âu Nguyễn Tấn Thành do Bộ NN-PTNT đầu tư đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ nước ngọt, bảo vệ sản xuất cho 80.000 ha đất nông nghiệp và cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hơn 1,1 triệu người tại hai tỉnh Tiền Giang và Long An.    

Vận hành khẩn cấp, ngăn nước mặn xâm nhập sâu

Nửa cuối tháng 3, thời tiết oi bức, nắng nóng hơn, ĐBSCL bước vào đỉnh điểm mùa khô 2024. Nước mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông Cửu Long. Các cống ngăn mặn đã được đóng kín. Cống Nguyễn Tấn Thành tại đầu kênh thuộc địa phận xã Bình Đức và Song Thuận (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã thi công được 80% cũng được vận hành khẩn cấp, ngăn nước mặn từ sông Tiền xâm nhập sâu.

Hơn 20 ngày qua, nắng nóng làm mực nước trong các mương vườn của bà con nông dân dự trữ mau chóng cạn kiệt. Những ngày này, nhờ nguồn nước trong kênh còn dồi dào và độ mặn đảm bảo nên nhiều bà con nông dân dọc kênh Nguyễn Tấn Thành đã dùng máy bơm để bơm chuyền vào chứa trong các mương vườn và cứu khát cho cây.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (áo trắng) kiểm tra tiến độ thi công cống Nguyễn Tấn Thành vào tháng 3/2024. Ảnh: Minh Đảm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (áo trắng) kiểm tra tiến độ thi công cống Nguyễn Tấn Thành vào tháng 3/2024. Ảnh: Minh Đảm.

Hơn một tuần nay, ông Cao Thanh Sơn, một hộ dân làm nghề bơm bùn đáy ao ở ấp Đông Hòa, xã Song Thuận vận hành máy bơm nước thuê cho nhiều hộ dân địa phương. Đội bơm nước thuê của ông Sơn có 4 người vận hành hai máy bơm. Ông tính phí theo giờ, hai giờ đầu 150.000 đồng/giờ. Các giờ tiếp theo mỗi giờ 80.000 đồng. Bơm đến khi nào chủ vườn cảm thấy đủ thì nghỉ.

“Mấy ngày nay, người ta gọi bơm nước nhiều lắm. Đa số là các hộ ở xa kênh vài trăm mét họ không có điều kiện mới thuê mình. Có bữa tôi thu được cả triệu mấy, còn ngày thường cũng 500 - 600 trăm ngàn đồng. Nước trong kênh đầy, bơm thoải mái, độ mặn thì đảm bảo”, ông Cao Thanh Sơn chia sẻ.

Cách đó mấy trăm mét, ông Lê Văn Bảy đang cặm cụi vét mương chuẩn bị thuê máy bơm nước tưới cho gần 3 công dừa. Theo ông Bảy, trước đó ông đã chuẩn bị nước đầy trong mương nhưng nắng nóng kéo dài phải tưới nhiều nên mau hết. Bây giờ, nước cạn gần lép xép mặt mương, nếu tưới mạnh thì chắc ba bốn ngày nữa cạn tới đáy.

“Nước ngoài kênh thì vẫn rất nhiều, chỉ là vườn của tôi cách kênh hơi xa nên bơm có hơi cực. Mình phải ráng thôi, không còn cách nào khác”, ông Bảy nói.

Ông Cao Thanh Sơn bơm nước ngọt dưới kênh vào vườn cho người dân có nhu cầu. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Cao Thanh Sơn bơm nước ngọt dưới kênh vào vườn cho người dân có nhu cầu. Ảnh: Minh Đảm.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Chủ tịch UBND xã Song Thuận cho biết, diện tích sản xuất nông nghiệp của xã là hơn 519ha, trồng chủ yếu là dừa và cây sapo (hồng xiêm). Đây là những loại cây trồng chịu được độ mặn khá. Độ mặn đầu kênh Nguyễn Tấn Thành ngày 19/3 là 2,35‰, bên trong cống là 0,59‰, vẫn đảm bảo nhu cầu tưới cây của bà con.

Mùa khô nên người dân sử dụng nước nhiều, mực nước mau xuống thấp. Cống Nguyễn Tấn Thành đi vào vận hành đảm bảo nguồn nước sản xuất, sinh hoạt cho bà con nhân dân trong vùng.

Thời gian tới, xã tiếp tục theo dõi tình hình hạn mặn trên đầu các tuyến kênh để thông báo cho người dân nắm, tuyên truyền nạo vét kênh mương, trữ nước ngọt. Người dân tuyệt đối không vứt rác xuống kênh, xịt thuốc cỏ gây ô nhiễm môi trường.

“Bước đầu thấy vận hành công trình rất hiệu quả, đảm bảo các kênh trên địa bàn xã chúng tôi có nước sạch. Đến nay, chưa ghi nhận người dân thắc mắc khiếu nại về nguồn nước”, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến cho biết thêm.

Ông Lê Văn Bảy vét mương bồi gốc dừa và chuẩn bị thuê máy bơm trữ nước ngọt tưới cây. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Văn Bảy vét mương bồi gốc dừa và chuẩn bị thuê máy bơm trữ nước ngọt tưới cây. Ảnh: Minh Đảm.

Kênh Nguyễn Tấn Thành thuộc địa bàn huyện Châu Thành có điểm đầu nối với sông Tiền và điểm cuối nối với trục kênh Nguyễn Văn Tiếp. Tổng chiều dài tuyến kênh khoảng 19km, chiều rộng bình quân mặt cắt khoảng 65m.

Đây là trục cấp nước chính cho hệ thống thủy lợi Bảo Định (phía bờ Đông), vùng sản xuất nông nghiệp của huyện Châu Thành, huyện Tân Phước (phía bờ Tây) với diện tích gần 80.000 ha và tạo nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt cho trên 800.000 dân thuộc một phần huyện Châu Thành, thành phố Mỹ Tho và các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang (Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, thị xã Gò Công). Đồng thời, góp phần giữ ngọt và tạo nguồn nước sinh hoạt phục vụ cho khoảng 300.000 người dân tỉnh Long An.

Bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho hơn 1 triệu người

Theo bà Ngô Thị Còn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà máy nước BOO Đồng Tâm (xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang), công ty chuyên cung cấp nước cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là ở thành phố Mỹ Tho và các huyện vùng ngọt hóa Gò Công, cù lao Tân Phú Đông với công suất khoảng 65.000m3/ngày đêm. Trong đó, vùng phía Đông khoảng 60.000m3/ngày đêm.

Ao dự trữ nguồn nước thô của Nhà máy nước Đồng Tâm. Ảnh: Minh Đảm.

Ao dự trữ nguồn nước thô của Nhà máy nước Đồng Tâm. Ảnh: Minh Đảm.

Bà Ngô Thị Còn cho biết: “Mỗi ngày công ty bơm trực tiếp từ kênh Sáu Ầu (liên thông với kênh Nguyễn Tấn Thành) khoảng 40.000m3, vận hành các giếng khoan được khoảng 10.000m3 và bơm lấy gạn từ sông Tiền (canh nước sông khi độ mặn giảm để bơm) khoảng hơn 10.000m3. Thời gian tới, công ty chủ yếu vẫn vận hành theo phương án này”.

Tại huyện Tân Phú Đông, trước đây địa phương thường xuyên bị thiếu nước ngọt vào mùa hạn mặn. Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực mang nước sạch đến với người dân vùng cù lao này. Nguồn nước chủ yếu từ Nhà máy nước BOO Đồng Tâm “chia lửa” với địa phương.

Ông Huỳnh Văn Cẩm, ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, phấn khởi: “Nước sinh hoạt từ nguồn ở Đồng Tâm về, chất lượng đảm bảo. Trước lấy nước ao ở trên Tân Thới thì không đảm bảo, bây giờ nước ở Đồng Tâm lấy về tốt rồi. Ngoài ra, tôi trữ được 4 hồ 10 lu nhỏ. Nấu ăn vẫn xài nước máy bình thường”.

Nguồn nước trên kênh Nguyễn Tấn Thành đang dồi dào, độ mặn đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Ảnh: Minh Đảm.

Nguồn nước trên kênh Nguyễn Tấn Thành đang dồi dào, độ mặn đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Ngọc Sang, cán bộ nông nghiệp – địa chính xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông cũng cho hay: “Xã có 2.224 hộ với 8.110 nhân khẩu. Chất lượng nước sinh hoạt ở đây rất tốt”.

Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang: Đến thời điểm này, cống âu Nguyễn Tấn Thành cơ bản đảm bảo ngăn mặn giữ ngọt, giúp địa phương chủ động nguồn nước thô đảm bảo cho 2 nhà máy nước Đồng Tâm và Bình Đức. Đồng thời, nước trên kênh trục và kênh cấp 1 vẫn còn nên việc sử dụng nước cho khu vực phía Đông vẫn đảm bảo.

Thời gian tới, để đảm bảo nước sinh hoạt, ngành tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo công ty cấp nước triển khai các giải pháp cấp nước kịp thời cho người dân. Thứ hai, trường hợp thiếu nguồn thì phải chở và bơm bổ cấp không để người dân thiếu nước trong mùa khô 2024.

Thi công vượt tiến độ

Cống âu Nguyễn Tấn Thành được khởi công vào tháng 11/2022 ở đầu kênh Nguyễn Tấn Thành, cách sông Tiền 420m, thuộc địa bàn hai xã Song Thuận, Bình Đức (huyện Châu Thành, Tiền Giang). Dự kiến hoàn thành sau 24 tháng, tuy nhiên công trình đang vượt tiến độ và dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2024. Cống được đầu tư giúp tỉnh Tiền Giang tiết kiệm trên 10 tỷ đồng để xây dựng đập tạm bằng thép ngăn mặn mỗi khi mùa khô đến.

Ông Bùi Duy Liệu, Phó trưởng Ban điều hành Công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10, Bộ NN-PTNT cho biết: “Đến nay, tiến độ dự án đã đạt hơn 80%, dự kiến đến cuối tháng 7/2024 hoàn thành cơ bản. Đến tháng 8/2024, vận hành thử, tập huấn cho đơn vị điều hành và tiến hành bàn giao. Hiện nay, đang thi công 2 đầu âu để hoàn thành âu thuyền, tường kè, mang cống. Cống đóng ngăn mặn từ ngày 1/3, dự kiến sẽ mở lại vào ngày 12/4. Nếu diễn biến khác có thể mở sớm hoặc muộn hơn, theo nhu cầu của địa phương”.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.