Các bản tin cập nhật hiện tượng El Nino của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia và các tổ chức khí tượng trên thế giới đã xác nhận El Nino chính thức xuất hiện từ tháng 6/2023. Tại Việt Nam, tác động của nó đã khiến hàng nghìn héc-ta cây trồng ở miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang… bị khô héo và thiệt hại năng suất.
Chưa bao giờ vào giữa mùa mưa nhưng những roi cát, bãi đá giữa lòng sông Hồng nổi trên mặt nước. Hơn 3.000ha lúa ở huyện Ba Vì (Hà nội) vốn được phục vụ tưới dưỡng từ trạm bơm Trung Hà và hồ Suối Hai. Nhưng nay, trạm bơm đang treo lơ lửng còn hồ thì xuống dưới mực nước chết, không thể lấy nước qua cống.
Tại Trung bộ và Tây Nguyên, thời điểm mùa khô năm 2023, nắng hạn kéo dài khiến hàng chục ngàn ha cà phê, hồ tiêu sống dở chết dở, rụng lá, nhiều vườn thất thu. Chỉ riêng tỉnh Quảng Bình buộc phải giảm gần 7.000ha lúa vụ hè thu so với năm 2022 vì không thể tìm kiếm nguồn nước để gieo cấy.
Thời điểm hiện tại, các hồ chứa nước ở khu vực Bắc Trung bộ và Nam Trung Bộ đang ở mức thấp. Nếu lượng mưa bị thiếu hụt nhiều trong mùa mưa tới, các hồ không có nước để tích thì các diện tích thuộc vùng phục vụ của các hệ thống công trình thủy lợi này khó lòng đảm bảo sản xuất trong năm 2024…
Làm thế nào để thích ứng với El Nino trong giai đoạn tới? Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Tùng Phong – Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) về vấn đề này.
Thưa ông, ngành nông nghiệp nhận định ra sao về những tác động khi El Nino quay trở lại?
Với đặc điểm đặc trưng là thiếu hụt lượng mưa kéo dài trên diện rộng, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn thường xảy ra khi xuất hiện El Nino. Các đợt El Nino điển hình đã xảy ra thời gian gần đây vào các năm 2014 – 2016 và 2018 - 2019, đã gây tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Mặc dù các chuyên gia dự báo khí tượng nhận định rằng El Nino lần này chỉ kéo dài đến năm 2024, nhưng còn quá sớm để có thể khẳng định về mức độ khốc liệt của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Bởi vậy, ngành thủy lợi đã xây dựng phương án để trình Bộ NN-PTNT các kịch bản ứng phó với El Nino trên phạm vi cả nước.
Như đợt El Nino năm 2014 – 2016, tại một số địa phương ghi nhận nhiệt độ gần ngưỡng giá trị lịch sử như Quỳ Hợp (Nghệ An) 42,7 độ C, Ayun Pa (Gia Lai) 41,3 độ C. Dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi khu vực Trung bộ, Tây Nguyên chỉ đạt khoảng 60 – 80% dung tích thiết kế vào đầu vụ đông xuân; vụ hè thu chỉ còn phổ biến từ 30 – 60% dung tích thiết kế.
Đặc biệt năm 2015, có nơi còn khoảng hơn 10% dung tích thiết kế, nhiều hồ nước ở Quảng Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Ninh Thuận cạn. Kéo theo đó, diện tích cây trồng trong diện phục vụ của công trình thủy lợi gần như bị tê liệt, dẫn đến thiệt hại.
Thời điểm đó, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng. Minh chứng cho điều này là 360.000ha cây trồng ở Trung bộ bị hạn hán và thiếu nước, 125.000 ha phải dừng canh tác, 24.000ha phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ có 377.000ha cây trồng bị ảnh hưởng. Và nặng nề nhất là khu vực ĐBSCL với 405.000ha cây trồng bị thiệt hại. Không những vậy, đợt El Nino đã làm tổng cộng khoảng 500.000 hộ dân trên cả nước bị thiếu nước sinh hoạt.
Còn trong mùa khô năm 2019 – 2020, mặc dù ảnh hưởng của El Nino bớt khốc liệt hơn, thời gian ảnh hưởng cũng ngắn hơn nhưng đã làm 73.500ha cây trồng ở Trung bộ bị hạn hán, thiếu nước, 57.000ha phải điều chỉnh giãn, dừng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tại ĐBSCL, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử gây thiệt hại cho khoảng 74.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp.
Sự trở lại của El Nino năm nay được dự báo sẽ kéo dài đến hết năm 2024. Điều rất đáng chú ý, đó là nhiệt độ đo được 44,2 độ C tại "chảo lửa" Tương Dương (Nghệ An) trong ngày 7/5/2023, đã xô đổ kỷ lục nhiệt độ cao nhất đo được tại Việt Nam mới vừa thiết lập trước đó một ngày (6/5/2023) tại trạm đo Hồi Xuân (Thanh Hóa).
Vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua, trên khắp cả nước xảy ra các trận dông lốc, mưa lớn gây lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam bộ. Lũ trên sông Đồng Nai vượt mức Báo động 3, gây ngập lụt cục bộ tại nhiều khu vực. ĐBSCL cũng có hàng trăm ha lúa, hoa màu bị ngập. Một số ý kiến cho rằng, với tình hình mưa như trên thì El Nino lần này sẽ không khốc liệt. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi cho rằng, quan điểm trên có phần cảm tính và chủ quan. Bởi trong thời gian ảnh hưởng của El Nino, các yếu tố khí hậu thường có những biến đổi cực đoan. Điển hình là bão, áp thấp nhiệt đới thường ít hơn về số lượng nhưng thường mang tính chất dị thường về cường độ và quỹ đạo, có thể xuất hiện cường độ rất mạnh.
Bên cạnh đó, El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa ở hầu hết các vùng và kéo dài liên tục trong nhiều tháng, nhưng nó cũng mang lại những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24h ở phạm vi hẹp, như trận mưa lớn vào cuối tháng 7/2015 ở Quảng Ninh (lượng mưa tại trạm Cửa Ông 437mm/ngày) hay trận mưa lớn do bão cuối tháng 9/2020 ở Quảng Nam, Quảng Ngãi (lượng mưa tại trạm Trà Bồng 747mm/ngày).
Do đó, tôi cho rằng, những trận mưa lớn trong thời gian ngắn gây lũ ống, lũ quét, ngập lụt trên nhiều tỉnh, thành cả nước thời gian qua chính là hiện tượng thời tiết điển hình của El Nino. Và đặc biệt, cũng phải nhấn mạnh rằng, dự báo thời điểm El
Vậy bài học kinh nghiệm rút ra được trong chỉ đạo điều hành ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn là gì, thưa ông?
Từ thực tiễn cho thấy, việc cập nhật thường xuyên thông tin dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn trong nước và quốc tế đã đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp ứng phó, nhất là việc cung cấp sớm thông tin từ đầu các vụ sản xuất cực kỳ quan trọng trong việc bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình nguồn nước. Thực tế, giải pháp này rất hiệu quả trong việc ứng phó với xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 – 2020 ở ĐBSCL, qua đó đẩy sớm thời vụ để đảm bảo tránh ảnh hưởng xâm nhập cao điểm cho tổng cộng khoảng 100.000ha ở các tỉnh ven biển.
Từ khuyến cáo của các cơ quan Trung ương, các địa phương khoanh vùng, cắt giảm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giãn tiến độ xuống giống của các diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng, giúp giảm thiểu đáng kể thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Đặc biệt, việc thực hiện gieo cấy tự phát, không theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn đã dẫn đến thiệt hại khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, như 5.300ha diện tích gieo trồng tự phát ngoài kế hoạch của tỉnh Bến Tre đã bị mất trắng do xâm nhập mặn năm 2019 – 2020 (tỉnh đã chỉ đạo không gieo lúa đông xuân do dự báo trước ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn nhưng người dân vẫn canh tác). Vì vậy, các địa phương cần phải có kế hoạch và quản lý chặt chẽ diện tích gieo cấy ngoài vùng công trình thủy lợi để hạn chế thiệt hại.
Trường hợp xảy ra hạn hán, việc điều tiết các hồ chứa thủy điện cần thực hiện đúng quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông. Tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc thứ tự ưu tiên nguồn nước là: cấp nước phục vụ sinh hoạt của người dân, phục vụ nông nghiệp rồi mới đến vận hành phát điện.
Trong sản xuất nông nghiệp, phải cân đối nguồn nước để ưu tiên cấp nước cho chăn nuôi và cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao trước, rồi mới đến cây trồng hàng năm. Bởi, nếu một vườn cây cà phê, sầu riêng bị chết do nắng hạn thì có khi phải tới 10 năm sau người dân mới khôi phục lại được. Còn một vụ lúa bị thiệt hại thì có thể khôi phục ở vụ sau.
Riêng tại ĐBSCL, từ cuối năm 2019 trở lại đây, hàng loạt công trình thủy lợi được đưa vào vận hành như cống âu Ninh Quới, trạm bơm Xuân Hòa; các cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm và 18 cống kiểm soát mặn thuộc dự án Bắc Bến Tre giai đoạn 1; nạo vét kênh Mây Phốp – Ngã Hậu,… Các công trình này đã giúp chủ động trực tiếp kiểm soát và hỗ trợ kiểm soát xâm nhập mặn cho gần 400.000ha đất nông nghiệp, giảm thiểu phần lớn thiệt hại. Hiện nay, công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đưa vào vận hành tạm thời từ tháng 2/2024, đúng thời gian dự báo xâm nhập mặn lên cao.
Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, mặc dù vào giữa mùa mưa nhưng mực nước sông Hồng xuống rất thấp, hàng loạt trạm bơm không thể lấy nước tưới. Vậy giải pháp bảo đảm sản xuất nông nghiệp cho vùng này là ra sao?
Tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, tùy thuộc vào mức độ trữ của các hồ chứa thủy điện khu vực thượng nguồn hệ thống sông Hồng – Thái Bình vào cuối mùa mưa, trong trường hợp lượng nước trữ bị thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến việc xả nước các hồ chứa thủy điện phục vụ lấy nước gieo cấy vụ đông xuân trong khu vực. Nhưng, chúng tôi nhận định rằng sự thiếu hụt nguồn nước tại các hồ Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang sẽ không nhiều lắm.
Nguy hiểm nhất của vùng Trung du và đồng bằng Bắc bộ là tình hình hạ thấp mực nước của sông Hồng vẫn tiếp diễn và khó khăn hơn năm ngoái. Do đó, cần phải rà soát, xác định khả năng vận hành lấy nước của các công trình thủy lợi dọc hạ du hệ thống sông Hồng – Thái Bình trong điều kiện nước sông liên tục hạ thấp. Lắp đặt các trạm bơm dã chiến để hỗ trợ cấp nước cho các công trình lấy nước không hiệu quả. Tranh thủ trữ nước từ nguồn nước trong các đợt tưới dưỡng.
Tuy nhiên năm nay khu vực Bắc bộ phát sinh trạm bơm Trung Hà (huyện Ba Vì, Hà Nội) không thể lấy nước được dù các hồ thủy điện thượng nguồn sông Hồng có xả nước tối đa. Hồ Suối Hai trên địa bàn huyện Ba Vì cũng đang xấp xỉ mực nước chết, nguy cơ không thể phục vụ tưới cho khoảng 3.700ha lúa. Vấn đề này, Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã đề nghị Hà Nội giải quyết, biện pháp cấp bách trước mắt là lắp trạm bơm dã chiến tại khu vực trạm bơm Trung Hà.
Một số địa phương như Hưng Yên và Hải Dương cũng là “điểm nóng” của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, do cống Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) lấy nước ngày càng kém hiệu quả do tác động từ việc mực nước sông Hồng bị hạ thấp. Nhưng đây không phải là vấn đề quá lớn, chỉ một số diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng ở thời điểm tưới dưỡng cho lúa, do nguồn nước Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm, không thể đưa nước vào ruộng cho bà con sản xuất.
Vừa rồi, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp xây dựng phương án điều tiết, duy trì dòng chảy của các dòng sông, hệ thống thuỷ lợi một cách linh hoạt, để "các dòng sông tự làm sạch". Đồng thời xử nghiêm các hành vi xả thải, vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm nguồn nước Bắc Hưng Hải.
Về lâu dài cũng cần nghiên cứu phương án xây dựng một số đập dâng trên sông Hồng, nhưng đây là việc lớn, cần đánh giá tác động một cách thận trọng, nhất là ảnh hưởng đến vùng hạ du và môi trường.
Đối với khu vực miền núi phía Bắc, các công trình thủy lợi thường phục vụ diện tích cục bộ. Hồ nào cạn quá, người dân cũng phải chấp nhận dừng sản xuất hoặc chờ mưa mới xuống giống. Ở một số vùng thiếu nước, người dân đã quen chuyển từ trồng lúa sang trồng ngô và các loại cây trồng cần ít nước.
Tại khu vực Trung bộ, tình hình nguồn nước phụ thuộc rất lớn vào các hồ chứa. Vậy giải pháp nào để thích ứng với El Nino trong thời gian tới?
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lượng mưa ở khu vực Trung bộ và Tây Nguyên vào các tháng chính mùa mưa (tháng 10, 11) thấp hơn trung bình nhiều năm phổ biến từ 10- 25%. Nếu lượng mưa trong mùa mưa năm 2023 đạt từ 1.700 – 2.000mm (khoảng 80 – 90% so với trung bình nhiều năm) và việc vận hành tích nước các hồ chứa được thực hiện tốt, vừa đảm bảo an toàn công trình và tích được lượng nước cao nhất, các hồ thủy lợi có khả năng đạt 100% dung tích thiết kế vào cuối mùa mưa.
Nhưng đó là trên lý thuyết. Thực tế thì vấn đề trữ nước các hồ chứa là bài toán rất khó, không hề đơn giản, bởi nó liên quan đến dự báo thời tiết. Thời điểm nào các hồ bắt đầu tích nước. Nếu tích nước không đúng thời điểm, khi hồ đầy nước mà xảy ra mưa lớn, phải xả lũ khẩn cấp sẽ gây ra những hệ lụy.
Do đó, về nguyên tắc vận hành các công trình thủy lợi, đủ “sức khỏe” mới tích được nước. Còn nếu công trình đã “yếu” rồi thì chẳng có năm nào các địa phương cho tích nước. Ngay từ tháng 3, tháng 4 hàng năm, Bộ NN-PTNT và Thủ tướng Chính phủ đều ban hành các văn bản, Chỉ thị đề nghị các địa phương rà soát, kiểm tra, đánh giá các công trình thủy lợi, hồ đập chứa nước. Công trình nào không đảm bảo an toàn thì phải chấp nhận không tích nước và có giải pháp tìm kiếm nguồn nước thay thế.
Ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ - nơi có diện tích cây công nghiệp, cây lâu năm giá trị kinh tế cao lớn nhất cả nước, nhưng tỷ lệ diện tích được phục vụ tưới của công trình thủy lợi rất thấp, làm thế nào để giảm thiệt hại do nắng nóng, hạn hán và thiếu nước?
Ở hai vùng này, mạng lưới công trình thủy lợi mới đảm bảo tưới cho cây lúa là chính. Còn diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lâu năm được phục vụ tưới là là rất thấp.
Đặc điểm của khu vực Tây Nguyên là mùa khô chỉ kéo dài 4-5 tháng, từ tháng 12 đến hết tháng 4 năm sau. Do đó, khu vực Tây Nguyên chỉ nhạy cảm hạn hán vào thời điểm đầu năm. Trường hợp mùa mưa kết thúc rất sớm (từ tháng 10 – 11) thì toàn bộ mùa khô nếu không có mưa (như kịch bản El Nino năm 2014 – 2016), tình hình hạn khá căng thẳng, nhất là Tây Nguyên có diện tích sản xuất rất lớn.
Khi xảy ra như vậy, giải pháp chủ yếu là người dân phải chủ động trữ nước trong ngắn hạn (đào rãnh, làm bể bạt…). Tuy nhiên, năng lực trữ nước bằng các giải pháp trên hạn chế. Do đó, cần phải đầu tư hệ thống tưới để cấp nước trực tiếp vào gốc cây làm sao đất đủ độ ẩm, đồng thời cắt tỉa cành lá, hạn chế cho ra hoa đậu quả… để cây duy trì sức sống. Khi vượt qua thời kỳ El Nino, bà con mới thực hiện các biện pháp kỹ thuật dưỡng cây để cho ra hoa, phục hồi sản xuất.
Theo ông, mức độ khốc liệt của xâm nhập mặn tại vùng ĐBSCL vào mùa khô cuối năm 2023 đầu năm 2024 so với các đợt xâm nhập mặn năm 2019 – 2020 và 2015 – 2016 sẽ như thế nào?
Hiện nay, theo nhận định của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn và các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chắc chắn ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, khả năng mức độ ảnh hưởng cao nhất tương đương năm 2015-2016. Nhưng đó mới chỉ là nhận định sớm, thông tin dự báo tương đối chính xác thì phải chờ đến tháng 10 (tức là qua thời kỳ đỉnh lũ).
Để chủ động ứng phó, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo xây dựng cả kịch bản hạn hán, xâm nhập mặn tương tự năm 2015-2016 và 2019-2020.
Về dự kiến mức độ ảnh hưởng, trước mắt đối với một số vùng sản xuất một vụ tôm – một vụ lúa ở vùng bán đảo Cà Mau với tổng diện tích 162.000 – 170.000ha (bắt đầu gieo trồng từ tháng 9 và thu hoạch vào tháng 1/2024), bản thân vùng đó không có nguồn nước công trình thủy lợi phục vụ, chủ yếu phụ thuộc vào nước trời. Với dự báo mùa mưa kết thúc sớm, khả năng xảy ra thiếu nước vào cuối vụ đông xuân cho diện tích khoảng 108.000ha, trong đó tại tỉnh Kiên Giang khoảng 68.000ha, Cà Mau khoảng 40.000ha.
Chúng tôi khuyến cáo ở những vùng này, chính quyền địa phương và bà con cần đắp đập tạm sớm hơn để trữ nước trong nội đồng, giữ ngọt cho lúa. Còn đến vụ nuôi tôm lại dùng nước mặn.
Đối với sản xuất vụ đông xuân 2023-2024, thì với hệ thống thủy lợi như hiện nay, vùng sản xuất lúa bị ảnh hưởng chỉ còn 66.000ha. Cách tốt nhất để né mặn, là bà con đẩy sớm vụ lúa đông xuân để phấn đấu đến tháng 2 thu hoạch. Vừa rồi Cục Thủy lợi đã làm việc với Cục Trồng trọt để bàn phương án sản bố trí thời vụ vụ đông xuân phù hợp nhất theo điều kiện nguồn nước.
Bên cạnh đó, để ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, cần tổ chức vận hành công trình thủy lợi hợp lý để trữ nước. Đào ao phân tán theo quy mô hộ/nhóm hộ gia đình, bảo đảm chủ động cung cấp đủ nhu cầu nước tối thiểu cho sinh hoạt, chăn nuôi, trồng cây lâu năm khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam!
Về giải pháp lâu dài, để phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã được Bộ NN-PTTN xây dựng trong Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó đề án An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước cũng đang được Bộ tổ chức hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới, bao gồm các giải pháp ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn.