Lo lắng El Nino quay trở lại
Cùng với tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận là địa phương nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước. Mùa khô thường bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhưng trên thực tế mùa mưa chỉ tập trung vào 3 tháng gồm 8, 9 và 10. Vì vậy có thể nói mùa khô ở Bình Thuận thường kéo dài dẫn đến nguồn nước mặt trên sông, suối tự nhiên bị cạn kiệt và nguồn nước ngầm bị suy giảm.
Trong khi đó tỉnh Bình Thuận hiện có 49 hồ chứa thủy lợi các loại đang khai thác sử dụng. Tổng dung tích thiết kế chỉ đạt hơn 362 triệu m3 nhưng tổng nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp hàng năm của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030 hơn 1.169 triệu m3/năm. Như vậy chưa đáp ứng yêu cầu tích trữ nguồn nước dự trữ cung ứng phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong các tháng mùa khô.
Điều đáng quan ngại hiện nay của tỉnh Bình Thuận là trong điều kiện ảnh hưởng của El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa ở hầu hết các vùng trên cả nước, phổ biến từ 25 - 50%.
Bên cạnh đó, một số cơ quan khí tượng trên thế giới như Tổ chức Khí tượng Thế giới - WMO, Trung tâm dự báo khí hậu Mỹ - NOAA, Cơ quan khí tượng Nhật Bản - JMA đã cùng đưa ra nhận định El Nino xuất hiện từ các tháng giữa năm 2023.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho rằng, sẽ vô cùng bất lợi đối với tỉnh Bình Thuận trong việc bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Bởi những năm gần đây, khi El Nino xuất hiện đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân.
Điển hình như các năm 2014, có hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, La Gi. Đối với nước sản xuất thì trong vụ đông xuân và vụ hè thu, toàn tỉnh phải cắt giảm không bố trí sản xuất hơn 17.600ha diện tích cây trồng do thiếu hụt nguồn nước.
Tương tự năm 2016, toàn tỉnh có 112.400 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt và cắt giảm không bố trí sản xuất hơn 12.000ha diện tích cây trồng. Còn năm 2021, toàn tỉnh có gần 5.000 hộ thiếu nước sinh hoạt và 600ha cây lâu năm và 380ha lúa bị thiếu hụt nguồn nước, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Lên phương án ứng phó
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Phước, để ứng phó El Nino quay trở lại, bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và phục vụ cho các ngành kinh tế khác, ngành nông nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, chính quyền địa phương các huyện, thị xã, thành phố triển khai các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT.
Theo đó, về giải pháp, kịch bản trước mắt để ứng phó El Nino quay trở lại, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân biết về tình trạng thiếu hụt nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh tại thời điểm hiện nay. Cũng như đưa ra cảnh báo khả năng cao ảnh hưởng của hiện tượng El Nino trong năm 2023 và 2024, nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất tổng thể cho giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025. Các giải pháp ứng phó với các kịch bản khác nhau về khí tượng, thủy văn, nguồn nước do ảnh hưởng của El Nino, bao gồm trường hợp El Nino có mức độ ảnh hưởng mạnh, kéo dài như đã xuất hiện trong các năm 2014, 2016 tại địa phương.
Trong đó cần rà soát, xác định, cảnh báo các vùng chủ động được nguồn nước, vùng có nguy cơ cao bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong thời gian tới. Từ đó xây dựng phương án cân đối phục vụ nước sinh hoạt cho từng cụm dân cư, bảo đảm không để người dân thiếu nước sinh hoạt, cũng như điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích lúa ở vùng, khu vực hạn hán, chưa bảo đảm được nguồn nước sang canh tác cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới, phù hợp với nhu cầu của thị trường; đồng thời bố trí vùng sản xuất có cây trồng cùng khả năng chịu hạn, mặn để thuận tiện cho việc phân phối, điều tiết nước.
Cùng với đó, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp tích, trữ nước gồm xây bể chứa nước, đào ao, giếng, đắp đập tạm trên sông, suối để dành cho sinh hoạt, chăn nuôi, tưới cho cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao; lắp đặt trạm bơm dã chiến để khai thác tối đa nguồn nước mặt; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, chống thất thoát, lãng phí nhằm chủ động ứng phó với nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước kéo dài.
“Chúng tôi đang trung đẩy nhanh tiến độ thi công, tu sửa nâng cấp các công trình thủy lợi, nhất là các tuyến kênh điều tiết chuyển nước lưu vực liên thông các hồ chứa thủy lợi và tận dụng hiệu quả nguồn nước sau thủy điện. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đang rà soát bổ sung đầu tư các hệ thống đường ống chuyển tải nước sinh hoạt đến những khu vực thường hay thiếu nước vào mùa khô. Xây dựng kế hoạch cấp nước từ các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn trong mùa khô và giải pháp đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước thô cấp cho các nhà máy nước hoạt động xuyên suốt khi có nguy cơ hạn hán xảy ra", ông Phước chia sẻ.
Về lâu dài để ứng phó với khô hạn, Sở NN-PTNT kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ tỉnh Bình Thuận kinh phí để đầu tư các hồ chứa nước lớn theo quy hoạch như hồ La Ngà 3 với dung tích trữ trên 400 triệu m3 nước; nâng cấp, tu sửa các hồ chứa thủy lợi hiện bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng còn lại chưa được đầu tư để chủ động trong tích trữ nguồn nước dự trữ phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đồng thời quan tâm hỗ trợ đầu tư nâng công suất nhà máy, mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước tại các hệ thống công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn hiện đang khai thác, sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, trước nguy cơ xảy ra hạn hán do tác động bởi El Nino và tình trạng thiếu hụt nguồn nước tại các hệ thống công trình thủy lợi hiện nay, Sở lưu ý các địa phương tập trung rà soát, xác định, cảnh báo các vùng chủ động được nguồn nước, vùng có nguy cơ cao bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để chỉ đạo bố trí sản xuất cho phù hợp với khả năng về nguồn nước. Đồng thời chủ động điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích lúa ở vùng, khu vực hạn hán, chưa bảo đảm được nguồn nước sang canh tác cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới, phù hợp với nhu cầu của thị trường.