Thủy lợi Nam Nghệ An có quy mô trải rộng hơn 82.400ha, bao gồm diện tích của các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò.
Hệ thống này có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 24.400ha đất canh tác nông nghiệp. Tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, phát triển công nghiệp, du lịch. Đồng thời tiêu thoát lũ cho gần 71.500ha đất tự nhiên, cũng như giảm thiểu đáng kể mức độ càn quét của thiên tai cho 5 huyện, thị vùng hưởng lợi.
Hòa theo dòng chảy của xu thế, hệ thống thủy lợi Nam đang được gửi gắm một trọng trách mới với tầm nhìn thời đại, thể hiện qua việc áp dụng kỹ thuật hoạt động giảm phát thải khí mê tan, được hiểu là kỹ năng điều tiết tưới ngập, khô xen kẽ, hay còn gọi là “nông - lộ - phơi” trên ruộng lúa.
Phương pháp này giúp giảm thiểu tối đa lượng nước sử dụng, tăng năng suất, chất lượng trên ruộng đồng, cùng lúc đảm bảo song song 2 tiêu chí cốt lõi. Khí mê tan phát thải giảm là cơ sở để phát hành tín chỉ carbon, từ đó làm lợi trực tiếp cho nông dân.
Theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, năm 2024 vùng này đã manh nha tiếp cận sân chơi lớn với quy mô bước đầu khoảng 6.000ha, chiếm 1/2 diện tích toàn tỉnh. Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, chắc chắn con số này sẽ nhảy vọt trong thời gian tới.
Nhìn nhận vai trò và vị thế của đại công trình thủy nông, ông Nguyễn Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An khẳng định: “Hệ thống Thủy lợi Nam Nghệ An là một trong hai công trình thủy lợi lớn nhất trên địa bàn, phục vụ tưới, tiêu hiệu quả cho hàng chục ngàn ha diện tích nông nghiệp, tăng khả năng chống hạn cho khu vực Nam - Hưng - Nghi vào mùa kiệt.
Công trình góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên hệ thống công trình xây dựng đã lâu, đến nay cơ bản đã xuống cấp thấy rõ. Mặt khác, ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu kéo theo mực nước sông Lam rút xuống thấp, đồng nghĩa máy móc, trang thiết của thủy lợi Nam khó vận hành, vô hình trung chưa phát huy được tối đa giá trị…”.
Ông Tạ Duy Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy lợi Nam Nghệ An nhấn mạnh, không như các hệ thống công trình thủy lợi “tự chảy” khác trên địa bàn, cơ bản trong phạm vi quản lý 100% phải sử dụng bơm điện mới vận hành, hoạt động được.
“Công ty quản lý 44 trạm bơm điện, trên 150 máy bơm, tổ hợp bơm. Do phụ thuộc hoàn toàn vào con nước của sông Lam nên phải thường xuyên nắm bắt diễn biến để bố trí nhân lực, tranh thủ tích trữ đủ nước phục vụ nông nghiệp và đời sống dân sinh. Lúc cao điểm, đặc biệt là vụ hè thu anh em công nhân phải túc trực 24/24, phân bổ 3 ca/ngày thay phiên nhau quán xuyến, vận hành hệ thống. Xuất phát từ tính chất công việc đặc thù, mọi người phải đi đêm về hôm rất vất vả, bất tiện, nhất là chị em phụ nữ, biết đó nhưng chẳng thể thoái thác”, ông Hiền tâm tư.
Nhìn vào thực trạng “ăn đong” hơn chục năm rồi quả thực không cố không xong. Chẳng hề giấu giếm, trực tiếp lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam thừa nhận quá trình vận hành, kinh doanh không thuận, áp lực tứ bề tạo nên gánh nặng ngàn cân.
Thật đáng quan ngại khi tổng doanh thu mỗi năm của đơn vị này chỉ trên dưới 45 tỷ đồng, trong khi kinh phí hoạt động ngốn đến 75 tỷ đồng, riêng tiền điện thôi đã mất đứt 11 tỷ rồi. Thực trạng thu không đủ bù chi kéo dài mải miết làm đảo lộn mọi toan tính, đồng thời làm xáo trộn nặng nề tâm lý của số đông. Ban lãnh đạo công ty thừa hiểu điều đó nhưng lực bất tòng tâm khi chính sách hiện hành là rào cản quá lớn, như thể tầng tầng thành lũy cao ngút đang án ngữ trước mặt.
“Thủy lợi phí” luôn là nỗi lo muôn thuở các công ty thủy nông trên địa bàn Nghệ An. Đành rằng Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2018/NĐ-CP “Quy định chi tiết về sản phẩm, giá dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi” thay thế Nghị định 67/2012 với nhiều điểm mới mẻ, tuy nhiên nội dung thiết yếu nhất vẫn “cũ mèm”.
“Sau 13 năm giá thủy lợi phí không đổi trong khi vật giá không ngừng leo thang, gia tăng với tốc độ phi mã. Nói có sách mách có chứng, lương cơ bản đến nay tăng gấp 3 lần, tiền điện tăng 2,5 - 3 lần, các chi phí khác cũng tương tự. Đầu ra không mảy may xê dịch nhưng đầu vào cứ tịnh tiến không ngừng, thành thử quá khó để tự cân đối”, Phó Giám đốc Tạ Duy Hiền nói rõ quan điểm.
Tại Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An, trăm cái khó đổ lên đầu, mang tiếng quản lý diện tích hàng chục ngàn ha nhưng chẳng sung sướng gì cho cam. Trong bối cảnh phải cậy nhờ UBND tỉnh Nghệ An “gánh” tận 30 tỷ đồng/năm, dĩ nhiên đơn vị này phải “thắt lưng buộc bụng” tính toán chi li, so đo từng đồng cho từng đầu mục, dù rằng đa phần đều mang tính cấp bách, ưu tiên.
Như đã nói, phần lớn diện tích của Thủy lợi Nam Nghệ An đều phải dùng máy bơm hoạt động tối đa công suất, hệ quả vừa tốn kém kinh phí lại đẩy nhanh quá trình hao mòn, hỏng hóc. Hơn nữa đa phần hệ thống công trình trên tuyến tuổi thọ đã cao, dao động bình quân 60 - 70 năm, có những hạng mục được xếp vào hàng cụ, kị với tuổi đời mấp mé cả thế kỷ. Qua thời gian dài đằng đẵng, dưới sự tác động liên hồi của thiên tai, bão lũ và chiến tranh phần nhiều đã xuống cấp, rệu rã trông thấy.
Từ thực tiễn đặt ra, việc đầu tư, nâng cấp hệ thống này thực sự cấp thiết, ngặt nỗi thân phận “con nhà nghèo” không cho phép chơi sang, trên thực tế gắng gượng lắm chỉ cáng đáng được một phần rất nhỏ. Tính ra hàng năm tỉnh Nghệ An chỉ điều tiết cho Công ty Thủy lợi Nam chừng dăm tỷ đồng phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng, số tiền này chẳng khác nào… gió thổi vào nhà trống.
Trầy trật suốt bao năm khiến tất thảy đều mỏi mệt, để sớm thoát khỏi tình cảnh ngặt nghèo nhất thiết cần những quyết sách căn cơ, mang tính bước ngoặt: “Mong muốn lớn nhất của các công ty thủy lợi là Nhà nước sớm điều chỉnh mức thủy lợi phí phù hợp với thực tiễn hiện hành. Doanh nghiệp đảm bảo được nguồn thu, qua đó giảm tải gánh nặng cho tỉnh nhà là phương án tối ưu nhất”, ông Hiền chốt lại.
Gian nan riết rồi cũng thành quen, bao năm rồi Công ty TNHH Thủy lợi Nam Nghệ An vẫn động viên nhau “trên dưới một lòng” gắng sức vượt qua khó khăn, thử thách nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra. Để cáng đáng được đòi hỏi phải xây dựng lộ trình, kế hoạch bài bản, sát với tình hình thực tiễn.
Tiềm lực hạn hẹp phải ưu tiên chủ trương phòng hơn chống. Việc đầu tiên là thành lập Ban chỉ huy PCTT-TKCN do ông Bùi Văn Hào, Chủ tịch Hội đồng quản trị làm Trưởng ban. Trước mùa mưa bão đều tiến hành họp bàn, lên kế hoạch “tác chiến”. Năm nay, lường trước đường đi khó lường của thiên tai, Ban chỉ huy đã huy động toàn thể quân số cùng ra quân đồng loạt, quá trình thực hiện ưu tiên khơi thông dòng chảy kênh Lê Xuân Đào, Bara Bến Thuỷ, Bara Nghi Quang…, vốn là những điểm tiêu thoát quan trọng bậc nhất của hệ thống.
“Chưa vơi nỗi lo hạn hán lại quay cuồng lên phương án chống hạn, chung quy chẳng mấy khi anh em được ngơi nghỉ. Đợt rồi ảnh hưởng của bão Yagi và hoàn lưu sao bão số 4 gây mưa lớn trên diện rộng, làm ngập lụt cục bộ một số vùng trong diện quản lý. Nhờ chủ động phương án từ trước nên công tác tiêu thoát diễn tiến rất nhanh, qua đó hạn chế được tối đa thiệt hại cho cây trồng vụ hè thu - mùa 2024 cũng như tài sản của nhân dân. Để có được kết quả trên bộ phận cán bộ thủy nông phải làm việc gấp đôi, gấp ba công suất, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, bản thân ăn chực nằm chờ tại các điểm nóng”, ông Tạ Duy Hiền nhấn mạnh.
Nằm trong hệ thống thủy lợi Nam Nghệ An, trạm bơm 16A thuộc diện khó khăn bậc nhất. Toàn trạm có 11 người nhưng cánh đàn ông chỉ là thiểu số, riêng chị em phụ nữ là 8 người, bao gồm Trạm phó Phạm Thị Hiệp. Chị Hiệp vào ngành thủy lợi đã 12 năm, ngần ấy thời gian đủ hiểu nằm lòng những gian truân, vất vả của nghề:
“Đơn vị chúng tôi quản lý một phần diện tích thuộc các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên và thành phố Vinh. Tùy vào tính chất của từng vùng sẽ bố trí quân số phù hợp để cáng đáng nhiệm vụ chuyên môn, định mức dao động từ 30 - 50 ha/người, thông thường 2 năm sẽ luân chuyển địa bàn một lần.
Trạm 16A nằm ở cuối nguồn nên gặp muôn vàn khó khăn về nguồn nước, nhất là vào mùa hạn. Cao trình tại trạm cao hơn mặt bằng chung khoảng 50cm, kết hợp nguồn nước đổ về không ổn định dẫn đến tình trạng tê liệt trang thiết bị ở nhiều thời điểm. Lắm lúc cũng thấy ái ngại, khó ăn khó nói với đối tác và bà con nông dân nhưng đành chịu, chung quy đã gắng sức tối đa rồi”.
Qua nắm bắt được biết, hệ thống máy móc phục vụ tưới, tiêu ở trạm 16A đã quá cũ kỹ, lỗi thời, có những thiết bị hoạt động từ những năm 65 - 70 của thế kỷ trước, dù hết “date” từ lâu nhưng chưa thể dẹp bỏ, cố đấm ăn xôi nên hiệu quả chỉ ở mức tương đối. Khó khăn càng thêm chất chồng khi phần lớn hệ thống kênh mương, cả chính lẫn phụ đều gặp sự cố rò rỉ, nguy cơ mất an toàn luôn hiển hiện. Thực trạng này đã được đưa ra bàn bạc, mổ xẻ nhiều lần nhưng phương án khắc phục chỉ như muối bỏ bể.
“Máy móc càng xuống cấp thì người làm càng tốn công. Xác định gắn với nghiệp thủy nông là gian nan, đàn bà, phụ nữ theo nghề càng thua thiệt đủ bề. Ở trạm này thu nhập bình quân mỗi người chỉ dao động 5 - 6 triệu/tháng, chừng đó không đủ phục vụ cuộc sống thường nhật. Đồng lương eo hẹp buộc chị em phải tận dụng quỹ thời gian nhàn rỗi để làm thêm, đơn cử như bán hàng online, dù vậy không phải ai cũng làm được”, chị Hiệp nói hộ nỗi lòng đồng nghiệp.
Nhân đây xin đề cập đến trường hợp của chị Lưu Thị Phương, SN 1978, tính đến nay đã công tác trong nghề được 24 năm. Chị Phương chuyên vận hành thiết bị, quản lý các công trình, hệ thống kênh mương. To, nhỏ, việc gì cũng đến tay, lúc thuận thì chớ, khi gặp sự cố thì nhọc nhằn vô cùng, áp lực là thế nhưng hàng tháng chỉ nhận về trên 6 triệu chút đỉnh.
Chẳng nói đâu xa, tại vụ xuân 2024, đúng lúc cao điểm thì 2 máy bơm chủ lực, loại 75 kw của trạm 16A bỗng dưng giở chứng khiến chị Phương và đồng nghiệp đứng ngồi không yên. Thay thế trang thiết bị thì mất nhiều thời gian lại tốn kém kinh phí, cực chẳng đã phải tận dụng 3 máy còn lại chạy hết công suất ròng rã nguyên một tháng trời. Trong khoảng thời gian này phải cắt cử người trực cả ngày lẫn đêm, phòng khi thiết bị có dấu hiệu bất thường thì ngắt tức thì, hoặc áp dụng luân phiên để phòng bất trắc.
“Như tôi thuộc hàng thâm niên nhưng đồng lương còn eo hẹp lắm, nói thế để thấy gia cảnh của cán bộ thủy nông vất vả nhường nào. Chống tôi làm công nhân ở khu công nghiệp, tổng thu nhập của 2 vợ chồng đâu đó 12 - 13 triệu một tháng, chừng này chắc chắn không đủ lo toan. Bản thân tôi phải tăng gia sản xuất, ngoài giờ làm lại tranh thủ làm ruộng, nuôi lợn, nuôi gà, mỗi thứ một chút mới chu toàn được phần nào”, chị Phương nói thật như đếm.
Qua thời gian, hệ thống thuỷ lợi Nam Nghệ An đã xuống cấp trầm trọng, đó là sự thật hiển nhiên. Để tháo gỡ nút thắt tồn tại dai dẳng đòi hỏi một chủ trương đầu tư “đủ lớn” thay vì gắng gượng theo hướng chữa cháy như bao năm rồi, có như thế mới vực dậy và phát tiết hết vai trò, tầm vóc của đại dự án thủy nông tầm cỡ.
Nét hồ hởi hiện rõ trên khuôn mặt, Phó Giám đốc Nguyễn Hào bật mí thông tin: “Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Nam là nội dung mang tính cấp bách, ưu tiên của ngành nông nghiệp Nghệ An. Thời gian qua Sở NN-PTNT đã khâu nối chặt chẽ với các bên liên quan báo cáo UBND tỉnh Nghệ An trình Chính phủ, Bộ NN-PTNT thực hiện 2 dự án trọng điểm liên quan với tổng kinh phí đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. Dự kiến khi hoàn thành sẽ giải quyết triệt để các điểm nghẽn, đồng thời phát huy hết tiềm năng, lợi thế của công trình thủy lợi đa mục tiêu”.
Đầu tiên là Dự án Đập sông Lam (công trình điều tiết và nâng cao mực nước sông Lam kết hợp cầu giao thông) với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước trên sông Cả, cấp nước cho 24.400ha đất canh tác, tăng khả năng chống hạn cho hệ thống thủy lợi Nam - Hưng - Nghi vào mùa kiệt, kết hợp tạo nguồn cấp cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Trong khi đó, trọng tâm sẽ dồn vào Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Nam Nghệ An, còn gọi là JICA 4 có tổng vốn lên đến 3.500 tỷ đồng. Tính toán cơ học, dự án này sẽ nâng cao rõ rệt năng lực khai thác nguồn nước, đảm bảo cấp nước tưới tiêu cho 42.000ha, tăng khả năng chống hạn, nâng cao nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và thành phố Vinh.
Không dừng lại ở đó, dự án còn góp phần chống xâm nhập mặn, giữ ngọt hiệu quả tạo đà thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, dự án kỳ vọng sẽ tác động tích cực, nâng tầm cuộc sống cho 434.000 người trong khu vực, chưa kể tăng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa thông qua bán tín chỉ carbon.
Chủ trương đã được tính đến, kỳ vọng khi khoác lên mình tấm áo mới, hệ thống thủy lợi Nam Nghệ An sẽ nâng tầm rõ rệt vị thế của mình.