| Hotline: 0983.970.780

'Tròng' chính sách 'thắt' doanh nghiệp thủy nông [Bài 2]: Ngày đi làm 50-70km để lấy 130.000 đồng

Thứ Ba 17/10/2023 , 14:18 (GMT+7)

Chị Hảo thở dài thườn thượt khi nhắc đến lương, gần chục năm công tác, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Nhiều lúc muốn bỏ nghề nhưng mãi chưa dứt nổi…

Đi làm tốn kém, bữa trưa tự túc, thu nhập 130.000 đồng/ngày

Trên con đường đang thi công lầy lội, Trạm Quản lý thủy nông Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn) nằm lọt thỏm giữa khu dân cư. Không biển hiệu, nơi gọi là cơ quan này chỉ rộng chừng 15m2. Không gian chật chội này là nơi làm việc của 6 con người trong suốt nhiều năm qua.

“Tiền trả lương cho anh em còn chưa đủ lấy đâu tiền mà thuê chỗ rộng hơn, nhiều năm nay, cũng tính đi mượn, đi thuê chỗ khác khang trang để anh em có chỗ làm việc và nghỉ ngơi nhưng vấn đề lớn nhất là không có tiền”, anh Lương Tiến Trung (Trạm trưởng) mở đầu câu chuyện.

Chị Hảo (ngoài cùng bên trái) anh Trung và cán bộ Trạm Quản lý thủy nông Chợ Mới. Ảnh: Ngọc Tú. 

Chị Hảo (ngoài cùng bên trái) anh Trung và cán bộ Trạm Quản lý thủy nông Chợ Mới. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ở một góc làm việc khác, chị Hảo rộ rõ vẻ mệt mỏi, năm học mới, nào tiền mua sách vở, tiền học và nhiều khoản khác cho con đi học. Với thu nhập ít ỏi, chỉ 4 triệu đồng/tháng, năm nào chị Hảo cũng phải cân lên, tính xuống mỗi khi tháng 9 về. Công tác tại Trạm Quản lý thủy nông Chợ Mới đã hơn 9 năm, trong khi vật giá tăng theo cấp số nhân thì thu nhập của chị vẫn giậm chân tại chỗ.

Bài liên quan

“Nhà ở tận thị trấn Đu, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) cách chỗ làm việc 25km, mỗi lần vừa đi vừa về 50 km, đến cơ quan còn phải đi kiểm tra công trình. Tính ra một ngày đi nhiều cũng 70 đến 80km. Đi lại tốn kém, bữa trưa tự túc, với đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống nhiều lúc cũng rất nản”, chị Lương Thị Thanh Hảo, cán bộ Trạm Thủy nông Chợ Mới nói trong tâm trạng buồn rầu.

Với chị Hảo, nghiệp đã gắn vào người, nói đến lương ai cũng nản, nhưng đã làm nghề nhiều năm, cuộc sống đã gắn với đồng ruộng, kênh mương nên cố gắng, mong tương lai sẽ khá hơn.

Trong căn phòng làm việc này, nỗi niềm chị Hảo cũng là thực tế của 5 cán bộ đang công tác tại Trạm Quản lý thủy nông Chợ Mới suốt nhiều năm qua. Là trạm trưởng, gắn bó với ngành đã hơn 12 năm, thu nhập của anh Lương Tiến Trung cũng chỉ vẻn vẹn 5 triệu đồng/tháng. Nếu không bươn chải làm thêm nghề tay trái có lẽ anh Trung cũng đã bỏ nghề từ lâu.

Trong mạch câu chuyện, trạm trưởng Trung bảo, mình lương cao nhất rồi, còn anh em thủy nông viên trung bình chỉ 4 triệu, có người chỉ 3,7 triệu/tháng. Những ngày êm đềm không sao, mỗi khi gia đình ai có việc gì cần tiền đột xuất thì cả trạm lại chạy đôn chạy đáo.

Trạm trưởng Lương Tiến Trung (Trạm Quản lý thủy nông Chợ Mới) kiểm tra công trình dẫn nước. Ảnh: Ngọc Tú. 

Trạm trưởng Lương Tiến Trung (Trạm Quản lý thủy nông Chợ Mới) kiểm tra công trình dẫn nước. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hiện nay, tiền được cấp hàng năm tính theo diện tích sử dụng nước. Diện tích đất nông nghiệp thì chỉ giảm chứ không tăng, trong khi giá dịch vụ thủy lợi hàng chục năm qua không thay đổi nên lương cơ sở tăng thì thu nhập thực nhận của cán bộ thủy nông còn thấp đi thêm vì phải đóng bảo hiểm cao hơn.

Với tình hình hiện tại, để giữ chân được anh em không phải chuyện dễ, nếu trạm có ai bỏ việc, công cuộc tìm người mới thay thế không khác gì mò kim đáy bể, anh Trung nói trong lo lắng.

Gần trưa, anh Trung cùng một nữ thủy nông viên dẫn chúng tôi đi thăm một vài công trình thủy lợi do trạm quản lý. Trời nắng oi ả, giữa cánh đồng không một bóng người, thủy nông viên viễn miệt mài rảo bước.

Nắng nóng thế này mà không có nước, cây trồng sao mà sống nổi !

Lương cơ sở tăng, thu nhập không tăng

Nỗi niềm của những thủy nông viên cơ sở như chị Hảo, anh Trung ở Trạm Quản lý thủy nông Chợ Mới cũng là thực trạng chung tại tỉnh Bắc Kạn. Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bắc Kạn (gọi tắt là công ty) quản lý 390 công trình (33 hồ chứa, 342 đập kênh và 15 trạm bơm), tổng số cán bộ, nhân viên 59 người. Đây cũng là doanh nghiệp nhà nước lớn và duy nhất quản lý công trình thủy lợi tại Bắc Kạn.

Công trình thủy lợi ở Bắc Kạn chủ yếu quy mô nhỏ, việc cho thuê phát triển dịch vụ rất hạn chế. Ảnh: Ngọc Tú. 

Công trình thủy lợi ở Bắc Kạn chủ yếu quy mô nhỏ, việc cho thuê phát triển dịch vụ rất hạn chế. Ảnh: Ngọc Tú. 

Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm doanh thu của công ty đạt hơn 10 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn thu dịch vụ công ích thủy lợi. Số tiền này dùng để chi tiền lương, các khoản phải nộp tính theo lương, chi phí quản lý doanh nghiệp, quản lý vận hành bảo dưỡng thiết bị máy móc, bảo trì sửa chữa công trình…

Suốt từ năm 2012 đến nay, nguồn thu của công ty không tăng do giá dịch vụ công ích thủy lợi chưa điều chỉnh. Với nguồn thu ít ỏi này, công ty chỉ đảm bảo chi lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, 3.070.000 đồng/tháng đối với các đơn vị hoạt động tại các huyện (vùng IV) và 3.430.000 đồng/tháng đối với đơn vị hoạt động tại khu vực thành phố (vùng III).

Bà Đào Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bắc Kạn cho biết, thu nhập trung bình của thủy nông viên chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng. Từ 1/7/2023, mức lương cơ sở tăng nhưng thu nhập của họ không tăng thậm chí còn thấp đi do tiền đóng bảo hiểm cao hơn trong khi tổng quỹ lương không đổi.

Với thực trạng này, thu nhập của nhân viên trong công ty rất thấp, chưa đảm bảo mức sống cơ bản, tâm lý anh em dao động, chưa yên tâm công tác. Khó khăn này nếu kéo dài quá lâu khó mà giữ chân người lao động.

Trước năm 2012, công ty có hơn 90 lao động thì đến nay chỉ còn 59 người, một số chuyển sang đơn vị khác, một số đã bỏ việc do thu nhập quá thấp trong khi công việc nhiều, địa bàn quản lý rộng, đi lại khó khăn.

“Từ khi thành lập công ty (năm 2016) đến nay, đơn vị vẫn chưa được tỉnh bố trí vốn đầu tư trang thiết bị, vốn lưu động. Trụ sở công ty và các trạm quản lý thủy nông tại các huyện, ô tô đi kiểm tra công trình phòng chống lụt bão vẫn phải đi thuê”, bà Nguyệt chia sẻ thêm.

Trở lại câu chuyện của thủy nông viên cơ sở ở Trạm Quản lý thủy nông Chợ Mới, với đặc thù miền núi, địa bàn rộng, địa hình chia cắt, việc đi lại rất khó khăn, chị Hảo nhẩm tính, tiền xăng xe, tiền ăn trưa mỗi tháng hết 2 triệu, mùa mưa bão, đi kiểm tra, phòng chống lũ nhiều hơn chi phí sẽ đội lên. Với mức lương 4 triệu đồng/tháng, gần như chị không có tiền để phụ giúp gia đình.

Còn với anh Trung, bản thân là trạm trưởng, biết nhân viên rất vất vả, thu nhập thấp, có những tháng, lương đã ít lại còn chậm nhưng anh cũng không còn cách nào khắc phục. Các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện quy mô nhỏ, hồ chứa chủ yếu ở trên núi nên không thể cho thuê dịch vụ. Không có nguồn thu, ngoài lương, nhân viên cũng không có khoản thu nhập nào thêm. Chuyện thưởng, hỗ trợ cho nhân viên chỉ là ước mơ xa vời.

Kinh phí hạn hẹp khiến cho lương thủy nông viên thấp, ngoài ra việc vận hành quản lý công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Kinh phí hạn hẹp khiến cho lương thủy nông viên thấp, ngoài ra việc vận hành quản lý công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Rong ruổi ở miền sơn cước này, tận thấy những cánh đồng bát ngát, kênh mương đầy ắp nước, mùa màng bội thu chúng tôi thầm cảm ơn những giọt mồ hôi, những bước chân thầm lặng của những người thủy nông cơ sở. Năm nay hạn hán nhiều, họ lại càng vất vả hơn.

Nhưng ở đâu đó, chúng tôi cũng thấy những ánh mắt đượm buồn khi đối diện với cuộc sống mưu sinh. Trong hành trình tuy không dài, chúng tôi cũng được gặp gỡ những cựu thủy nông viên, giờ đây đang làm thợ xây, làm công nhân, hay chị bán hàng tạp hóa… nhưng ẩn sâu trong tâm hồn họ vẫn còn nặng lòng với nghề.

Ở đó chúng tôi cũng thấy, những người đã làm đến giám đốc, phó giám đốc trăn trở, nặng tình với nỗi vất vả của những người làm công tác thủy nông ở cơ sở nhưng đành lực bất tòng tâm.

Nhưng hơn cả, chúng tôi vẫn thấy bóng dáng thủy nông viên miệt mài trên những cánh đồng. Còn những bước chân ấy, chắc hẳn vụ này bà con chưa lo thiếu nước!

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL

ĐBSCL Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.