| Hotline: 0983.970.780

'Tròng' chính sách 'thắt' doanh nghiệp thủy nông

[Bài 6] Thủy lợi chuyển sang dịch vụ khó trăm bề

Thứ Hai 23/10/2023 , 10:30 (GMT+7)

Chủ trương chuyển từ cơ chế 'phí' sang 'giá' là bước đột phá nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ thủy lợi nhưng 5 năm thực hiện, Bình Dương vẫn gặp khó.

Nhiều thách thức

Bình Dương là tỉnh công nghiệp, tuy ngành nông nghiệp có tỷ trọng thấp, nhưng đóng góp không nhỏ vào kinh tế chung, trong đó, có vai trò của các công trình thủy lợi.

Các công trình thủy lợi đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế, xã hội tại Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.

Các công trình thủy lợi đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế, xã hội tại Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.

Theo Chi cục Thủy lợi Bình Dương, trên địa bàn tỉnh có 38 công trình thủy lợi, đê điều, hạ tầng kỹ thuật thoát nước với tổng năng lực thiết kế tưới cho 3.891 ha, tiêu thoát nước cho 21.338 ha, gồm: 27 công trình thủy lợi, 3 công trình đê bao và 8 công trình hạ tầng kỹ thuật thoát nước. Các công trình thủy lợi được quản lý vận hành theo đúng quy trình, quy phạm; công tác bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa luôn được quan tâm thực hiện nhằm đảm bảo vận hành an toàn, tưới tiêu theo kế hoạch.

Ông Nguyễn Khánh Trường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết thêm, những năm qua, các công trình luôn hoạt động ổn định và phát huy tốt tác dụng, đáp ứng đủ nhu cầu dùng nước của cây hàng năm cần tưới, đảm bảo ngăn lũ, triều cường theo thiết kế; các công trình tiêu thoát nước phát huy 100% tác dụng, mang lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, ngành thủy lợi địa phương đối mặt nhiều khó khăn, tồn tại, thách thức như phần lớn nhân viên quản lý, vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định Nghị định số 40/2023/NĐ-CP, ngày 27/6/2023 của Chính phủ. Do đặc thù các công trình thủy lợi nằm ở các vùng xa dân cư, trong khi cơ chế, chính sách về tiền lương còn thấp, chưa có chế độ đãi ngộ riêng nên không đảm bảo cuộc sống, không thể thu hút được cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc nên không tuyển dụng được nhân viên đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn để quản lý khai thác các công trình thủy lợi theo quy định. Đội ngũ nhân viên hiện có là những nhân viên đã lớn tuổi, chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, trình độ văn hóa theo yêu cầu.

Do được đầu tư xây dựng từ khá lâu, nên một số hạng mục, hệ thống kênh mương đã xuống cấp, chi phí sửa chữa lớn, hiệu quả công trình không cao. Ảnh: Trần Trung.

Do được đầu tư xây dựng từ khá lâu, nên một số hạng mục, hệ thống kênh mương đã xuống cấp, chi phí sửa chữa lớn, hiệu quả công trình không cao. Ảnh: Trần Trung.

Các công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng khá lâu (20 - 45 năm) nên một số hạng mục, hệ thống kênh mương đã xuống cấp, chi phí sửa chữa lớn, hiệu quả công trình không cao; diện tích sản xuất nông nghiệp giảm dần, các khu tưới nằm rải rác phân tán, gây khó khăn cho việc nâng cấp các tuyến kênh.
Máy móc thiết bị các trạm bơm đã quá niên hạn sử dụng, hết khấu hao đã lâu, chưa được đầu tư sửa chữa lớn dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp. Song song đó, khi xây dựng các công trình không đền bù đất; hiện tại, trong phạm vi bảo vệ công trình (đặc biệt là các hồ chứa nước) có rất nhiều hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có đất ở gây khó khăn trong công tác quản lý phạm vi bảo vệ công trình.

Máy móc thiết bị các trạm bơm đã quá niên hạn sử dụng, hết khấu hao đã lâu, chưa được đầu tư sửa chữa lớn dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp. Ảnh: Trần Trung.

Máy móc thiết bị các trạm bơm đã quá niên hạn sử dụng, hết khấu hao đã lâu, chưa được đầu tư sửa chữa lớn dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp. Ảnh: Trần Trung.

“Đơn cử các công trình thủy lợi tại huyện Bắc Tân Uyên như hồ Dóc Nhàn, hiện công trình đã giảm 50% năng lực tưới thiết kế ban đầu, từ 100 ha hiện xuống còn 40 ha, đối với công trình hồ Đá Bàn kết hợp dòng Suối Sâu và đập dâng hiện chỉ đáp ứng 420/600 ha, các công trình trạm bơm cũng giảm từ 10 – 30% so với năng lực thiết kế. Do xuống cấp khiến quá trình vận hành trạm bơm tiêu hao nhiều nguyên nhiên liệu, áp lực nước lên mặt trên không đảm bảo như ban đầu. Đối với công trình thủy lợi, nhất là hệ thống kênh mương do xuống cấp ảnh hưởng đến tốc độ dòng chảy, giảm lưu lượng và gây thất thoát nguồn nước”, ông Nguyễn Khánh Trường chia sẻ.

Cần tháo gỡ

Theo ông Nguyễn Khánh Trường, nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ thủy lợi, chuyển từ phục vụ sang dịch vụ, chủ trương của Chính phủ là chuyển từ cơ chế thủy lợi phí sang cơ chế giá cho hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi có thể xem là bước đột phá, coi sản phẩm dịch vụ thủy lợi là hàng hóa kinh tế và phải quản lý theo cơ chế giá.

Tuy nhiên sau hơn 5 năm Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2018), việc chuyển từ "phí" sang "giá" gần như không thực hiện được do còn rất nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện tại nhiều địa phương và tỉnh Bình Dương cũng không ngoại lệ.

Việc chuyển từ 'phí' sang 'giá' gần như không thực hiện được do còn rất nhiều vướng mắc, nguồn thu từ bán nước rất hạn chế. Ảnh: Trần Trung.

Việc chuyển từ "phí" sang "giá" gần như không thực hiện được do còn rất nhiều vướng mắc, nguồn thu từ bán nước rất hạn chế. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Khánh Trường chia sẻ, từ năm 2018-2021, Bộ Tài chính quy định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi bằng mức giá quy định tại Nghị định số 67/2012/NĐ-CP, mức giá cách đây 11 năm. Do đó, tiền hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi là quá thấp, không đủ để duy tu, sửa chữa và chi cho hoạt động quản lý khai thác các công trình, hàng năm ngân sách địa phương phải cấp bù với tỷ lệ rất lớn.

Ngoài ra, quy trình xây dựng và ban hành giá cụ thể sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi phức tạp, công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan chưa đồng bộ làm cho thời gian thực hiện các thủ tục thẩm định kéo dài.

Kinh phí đầu tư, nâng cấp sửa chữa các công trình thủy lợi khá lớn, cần kịp thời tháo gỡ cơ chế, góp phần giải quyết thực trạng công trình thủy lợi xuống cấp. Ảnh: Trần Trung.

Kinh phí đầu tư, nâng cấp sửa chữa các công trình thủy lợi khá lớn, cần kịp thời tháo gỡ cơ chế, góp phần giải quyết thực trạng công trình thủy lợi xuống cấp. Ảnh: Trần Trung.

Với phương pháp tính đúng, tính đủ các chi phí cơ bản nhất theo quy định tại Nghị định 96/2018/NĐ-CP và hướng dẫn của Cục Quản lý giá (chi phí quản lý, vận hành, hợp lý khác...) thì kết quả xây dựng phương án giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi giai đoạn 2018-2021 của các đơn vị quản lý khai thác trên địa bàn tỉnh đối với tưới tiêu cao gấp 3,4 lần so với giá tối đa do Bộ Tài chính quy định, nên hiện tại không đảm bảo đủ điều kiện để đặt hàng thực hiện quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP. Hiện nay các đơn vị vẫn thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ, cho nên không phát huy được tính tự chủ, chủ động trong công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi để đạt hiệu quả cao nhất.

Việc thực hiện cơ chế giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi sẽ là cơ sở để xóa bỏ cơ chế "xin - cho", nhằm tạo lập sân chơi mới cho các tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm dịch vụ thủy lợi trong môi trường hoạt động minh bạch, bình đẳng để thu hút, huy động khu vực tư nhân tham gia theo cơ chế thị trường, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai trong thời gian qua đang gặp nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần kịp thời hoàn thiện các văn bản dưới luật, để các chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả.

Cụ thể, kiến nghị Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định thay thế nghị định 96/2018/NĐ-CP. Trong đó: Quy định rõ chủ thể tham gia ký kết hợp đồng, thanh lý hợp đồng đối với bên sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi. Có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về xây dựng giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi”, ông Nguyễn Khánh Trường nhấn mạnh.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.