Ông Itamar Rocha, Chủ tịch Hiệp hội nuôi tôm Brazil (ABCC) cho biết, sản lượng tôm của Brazil đạt 180.000 tấn năm 2023, một con số còn khiêm tốn khi so sánh với Ecuador - quốc gia xuất khẩu 1,4 triệu tấn tôm, thu về 6,3 tỷ USD.
Brazil có tiềm năng lớn để phát triển ngành tôm nhờ diện tích rộng gần 8,5 triệu km² và hơn 55.000 km2 mặt nước. Brazil là nền kinh tế lớn nhất ở khu vực Mỹ Latinh và lớn thứ hai ở châu Mỹ, chỉ sau Hoa Kỳ.
Do nhu cầu tiêu thụ nội địa mạnh, Brazil chỉ xuất khẩu chưa đến 1% tổng sản lượng tôm, chủ yếu phục vụ thị trường trong nước. Năm 2023, nước này mới chỉ xuất khẩu 154 tấn tôm, trị giá 2,6 triệu USD.
Mặc dù vậy, Chủ tịch ABCC kỳ vọng, ngành tôm Brazil sẽ mở rộng cả thị trường nội địa lẫn quốc tế. Theo ông, để làm được điều này, ngành công nghiệp tôm nước này cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu, đầu tư vào cơ sở hạ tầng chế biến, xây dựng thêm nhà máy để nâng cao giá trị sản phẩm.
Hiện nay, phần lớn tôm của Brazil được tiêu thụ dưới dạng tươi sống, hạn chế khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu. Ông Rocha nhấn mạnh sự cần thiết của việc đầu tư vào chế biến và phân phối nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các thị trường quan trọng như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu…
Ở thị trường nội địa, rào cản văn hóa và hệ thống phân phối chưa hoàn thiện là những thách thức lớn lớn. Trung bình, một người dân Brazil chỉ tiêu thụ 10kg hải sản/năm, trong đó một nửa là nhập khẩu, thấp hơn nhiều so với mức 57 kg/người/năm của Bồ Đào Nha.
Brazil sở hữu những điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi tôm, bao gồm vùng biển rộng thích hợp cho nuôi trồng thủy sản ngoài khơi tại Ceara, Rio Grande do Norte và các bang khác, cùng công nghệ nuôi tôm tiên tiến. Ông Rocha cho rằng, Brazil cần một chiến dịch tiếp thị toàn cầu nhằm quảng bá lợi ích sức khỏe của tôm, vai trò tạo việc làm và tính bền vững của ngành.
"Brazil có nguồn lực, công nghệ và chuyên môn để dẫn đầu trong lĩnh vực này", ông Rocha khẳng định, đồng thời kêu gọi các bên liên quan hợp tác để biến tiềm năng thành hiện thực. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, đặc biệt tại khu vực đông bắc.
Theo ông Rocha, với các khoản đầu tư đúng đắn và các sáng kiến chiến lược, Brazil có thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng và khẳng định là cường quốc trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bền vững.
Bên cạnh đó, ông cũng cảnh báo nguy cơ dịch bệnh trên tôm, đề xuất kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm từ các quốc gia như Ecuador, Argentina và Peru...
Dữ liệu từ UCN cho thấy, Brazil đã tăng mạnh lượng tôm nhập khẩu trong những năm gần đây, từ 152 tấn, trị giá 1,3 triệu USD năm 2022 lên 882 tấn, trị giá 7 triệu USD năm 2023. Trong 8 tháng đầu năm 2024, con số này tiếp tục tăng gấp đôi, đạt 1.602 tấn, trị giá 12,7 triệu USD.
Bất chấp những khó khăn và thất bại trong quá khứ, ông Rocha tin rằng, bằng việc tổ chức sản xuất tốt hơn và điều chỉnh các chính sách có thể giúp xây dựng vị thế của Brazil là nhà sản xuất và xuất khẩu tôm hàng đầu tại Mỹ Latinh.