
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (28/2/1939- 1/4/2001).
Trịnh Công Sơn đã chia biệt dương gian ngày 1/4/2001, khuất vào một huyền thoại, chìm vào một bất tử. Không ai có thể phủ nhận, Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ có sức tác động sâu sắc đến đời sống cộng đồng. Trịnh Công Sơn không có công khai phá nền tân nhạc Việt Nam, nhưng lại mở ra cho nền tân nhạc Việt Nam một dòng chảy thẩm mỹ độc đáo.
Trịnh Công Sơn cất lên tiếng hát truy vấn số phận “người vinh quang mơ ước địa đàng, người gian nan mơ ước bình thường, làm sao đến gần hy vọng cuộc vui chung”. Ông không phải nhạc sĩ đồng quê ngọt lạt tích tịch tình tang và bổng trầm hò xừ xang xê cống, nhưng ông tìm thấy giá trị nội tại ở cảnh sắc thiên nhiên lẫn sức sống làng quê. Thời Trịnh Công Sơn tại thế, nước ta chưa du nhập các lý thuyết phê bình phương Tây, để dăm nhà cảm thụ láu lỉnh có thể căn cứ vào các ca khúc “Vườn xưa”, “Rừng xanh xanh mãi”, Ra đồng giữa ngọ”, “Cỏ xót xa đưa”, “Góp lá mùa xuân” hoặc “Có một dòng sông đã qua đời” mà gọi ông là “nhạc sĩ sinh thái”.
Năm 1977, giữa ngổn ngang đất nước mới thống nhất phải chật vật bao cấp, Trịnh Công Sơn đã viết “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” tha thiết “Tôi chọn nắng đầy, chọn cơn mưa tới/ Để lúa reo mừng tựa vẫy tay”. Không phải lúc ấy đi cuốc đất trồng khoai tăng gia sản xuất ở ngoại ô Huế thì Trịnh Công Sơn bất chợt gần gũi môi trường nông thôn, mà nhịp điệu làng quê như một cảm hứng chủ đạo xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của ông. Sau ca khúc đầu tay “Ướt mi” viết năm 1958, thì ca khúc “Bến sông” viết năm 1959 đã thấy sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên: “Bến sông này ngàn năm giấu kín tâm tư/ Người xưa bây giờ còn hoài cổ/ Ai quay về nghe giọng hò hát Nam Ai, Nam Bình/ Nghe rồi buồn vu vơ”.
Chùm ca khúc “Da Vàng” được Trịnh Công Sơn sáng tác trong giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh Việt Nam, đã cho thấy cảnh sắc làng quê không chỉ mang tính hình ảnh để ẩn dụ hoặc mang tính biểu tượng để so sánh, mà là điểm tựa để thương yêu. Năm 1967 “chờ cây thay lá, chờ kết bông hoa”, Trịnh Công Sơn đã mong mỏi “Đêm mai này trời im tiếng súng/ Cho mẹ hát ca dao trên đồng” trong ca khúc “Đêm bây giờ đêm mai”, đã bày tỏ “Ta bước, bước đi, bước bước hoài trên quê hương yêu dấu này/ Ruộng hư cấy lại, nhà tan ta xây, quyết chí sớm tối giữ thơm con người” trong ca khúc “Chưa mòn giấc mơ” và đã giục giã “Người nô lệ da vàng bước đi, bước đi, đi về ruộng nương/ Người nô lệ da vàng bước đi, bước đi, đi về đồi hoang/ Đi nói anh em, đòi cho quê hương thanh bình, dựng xây tương lai Tiên Rồng” trong ca khúc “Đi tìm quê hương”.
Năm 1968, Trịnh Công Sơn khắc khoải “Trên cánh đồng hoà bình này, triệu bàn chân đi khai mùa mới/ Ruộng lúa reo cười, vì cỏ cây cũng đau thương như người” để ngóng đợi “Người đi về như nước lên, nhấp nhô kinh thành/ Mẹ ta cười sau lũy tre, nắng qua đầy sân”. Ông khẳng định trong ca khúc “Dân ta vẫn sống” rằng “Từ ruộng đồng hạt lúa nuôi dân ta/ Mầm hòa bình nở trên đời dân khốn khó”. Ông tin tưởng trong ca khúc “Dựng lại người, dựng lại nhà” bằng ý chí “Ta cùng lên đường, đi xây lại tình thương/ Lòng mẹ ta xưa kia bao la như Thái Bình Dương, những đứa con là sông/ Mừng hôm nay xóa hết căm hờn. Mượn phù sa đắp lên điêu tàn/ Lòng nhân ái lên nụ hồng”. Và ông xác tín “Đôi mắt nào mở ra” bằng mường tượng “Tìm lại con trăng cho cuộc tình mới chớm/ Giọng hò đong đưa đêm đập lúa bên làng/ Tìm bờ ao trong cho một đàn con gái/ Ngồi giặt ban mai treo giọng cười đầu cây”.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua nét vẽ của Lê Sa Long.
Nhiều người cả nghĩ cứ tìm ra cơn cớ nghi ngờ thái độ chính trị không rõ ràng của Trịnh Công Sơn, nhưng ít ai biết ông đã viết “Chính chúng ta phải nói” vào năm 1969 đầy lạc quan: “Trăm con phố bỗng lao xao mừng/ Trăm câu nói bỗng cao như rừng/ Một dòng cuồng lưu, mở đời tự do, nhà tù hò reo”. Gốc rễ tự tình dân tộc trong mỗi xóm thôn, được Trịnh Công Sơn thể hiện qua ba ca khúc viết năm 1972 là “Biết đâu nguồn cội”, “Đóa hoa vô thường” và “Một lần thoáng có”.
Ông lấy tâm trạng “Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội/ Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tôi/ Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội/ Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời” để bày tỏ niềm bâng khuâng “Một chiều em đứng cuối sông/ Gió mùa thu rất ân cần/ Chở lời kinh đến núi non/ Những lời tình em trối trăn/ Một thời yêu dấu đã xa/ Gót hồng em muốn quay về/ Dù trần gian có xót xa/ Cũng đành về với quê nhà” lẫn nỗi trắc ẩn “Một chiều bỗng thấy hoa lan úa tàn/ Vườn chiều vừa mất dáng em/ Một chiều núi bỗng mang thân cánh đồng/ Thì cùng dòng nước khóc dùm”.
Những ngày tháng bom đạn, Trịnh Công Sơn học cách chấp nhận “Đời cho ta thế, cứ hãy sống tới như mọi ai/ Mặc dòng sông kia sẽ cuốn đất cát ra biển khơi” nên non sông hòa bình giúp ông nhanh chóng có được “Con đường mùa xuân” năm 1976: “Nghe trong ta xuân bao la, vĩnh viễn không còn xuân chờ/ Từng cuộc đời vươn tay xa gieo xuống những mùa ấm no/ Ngày mai tiếng hát lên từ hạt cơm trắng không buồn lo” và bắt gặp “Chiều trên quê hương tôi” năm 1980: “Chiều trên quê hương tôi/ Có khi đây một trời mưa bay/ Có nơi kia đồi thông nắng đầy/ Có trên sông bờ xa sương khói”.
Trịnh Công Sơn buồn mà không lụy, thảng thốt mà không oán than. Trịnh Công Sơn xa lìa cuộc đời đã 24 năm, nhưng quan niệm cống hiến “Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống/ Vì đất nước cần một trái tim” vẫn còn ở lại, từng ngày giúp công chúng bớt đi thói quen tầm thường len lỏi những phường giá áo túi cơm.