Theo nghiên cứu mới do Đại học Michigan (U-M) chủ trì, nhân loại có thể khai thác thêm nguồn thực phẩm từ đại dương để đáp ứng nhu cầu toàn cầu, đồng thời giảm tác động tiêu cực của nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) đối với đa dạng sinh học, tuy nhiên điều này chỉ có thể đạt được nếu ngành này được quản lý cẩn thận.
Deqiang Ma, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trường Môi trường và Bền vững U-M cho biết: “Chúng ta có thể phát triển nuôi biển bền vững. Với chiến lược quy hoạch hợp lý, chúng ta có thể vừa bảo tồn các loài sinh vật biển, vừa đáp ứng nhu cầu mở rộng ngành nuôi biển trên toàn cầu”.

Việc tận dụng những hiểu biết ngày càng sâu rộng từ nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khoa học biến đổi khí hậu, kinh tế đến nuôi biển là vô cùng quan trọng. Ảnh: Vadim Braydov.
Năm 2020, nuôi biển chiếm khoảng 1/5 tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và là nguồn cung cấp protein quan trọng cho hàng tỷ người. Khi nhu cầu tiêu thụ thủy sản ngày càng tăng, sản lượng đang được đẩy mạnh để đáp ứng. Để dự đoán tác động của sự bùng nổ này, Ma và nhóm nghiên cứu quốc tế đã xây dựng một mô hình nhằm đánh giá ảnh hưởng của nuôi biển đối với hơn 20.000 loài sinh vật biển.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng mô hình này để đo lường tác động hiện tại của ngành và dự báo sự thay đổi đến năm 2050, tùy thuộc vào loại thủy sản được nuôi và vị trí nuôi. Mô hình cũng xem xét hai kịch bản khí hậu khác nhau, được gọi là RCP 4.5 và RCP 8.5, giả định các mức độ nóng lên và phát thải khí nhà kính khác nhau. Trong kịch bản tốt nhất, việc xây dựng các trang trại ở những khu vực thân thiện với môi trường nhất mang lại kết quả đầy hứa hẹn cho cả động vật thân mềm và cá nuôi.
“Sản lượng động vật hai mảnh vỏ (như ngao, hàu) có thể tăng 2,36 lần và sản lượng cá nuôi có thể tăng 1,82 lần so với hiện tại - những con số cần thiết để đáp ứng nhu cầu toàn cầu, nhưng tác động của nuôi biển đối với môi trường có thể giảm tới 30,5% trong kịch bản tối ưu nhất”, Ma cho biết.
Ngược lại, kịch bản tồi tệ nhất cũng cho thấy kết quả đáng báo động. Nếu các trang trại mới được xây dựng ở những khu vực có tác động tiêu cực lớn nhất đến đa dạng sinh học, thì hậu quả có thể gấp hơn bốn lần so với việc chọn vị trí ngẫu nhiên.
Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lập kế hoạch chiến lược và sự cần thiết phải hợp tác với các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực để có cái nhìn toàn diện, tác giả cấp cao của nghiên cứu, Neil Carter cho hay.
“Việc tận dụng những hiểu biết ngày càng sâu rộng từ nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khoa học biến đổi khí hậu, kinh tế đến nuôi biển là vô cùng quan trọng. Tất cả những yếu tố này cần được tổng hợp để có thể đưa ra những dự báo chính xác”, Carter nói thêm.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, nghiên cứu này chỉ là bước đầu tiên hướng tới một tương lai bền vững hơn cho nuôi biển. Họ cũng lưu ý rằng mô hình có thể tiếp tục được cải thiện bằng cách bổ sung dữ liệu mới. Ngoài ra, không có một phương án chung áp dụng cho tất cả: Chiến lược phát triển trang trại ở Nam Thái Bình Dương có thể không phù hợp với bờ biển nước Pháp.
Ngay cả trong kịch bản tối ưu nhất, vẫn tồn tại những đánh đổi. Chẳng hạn, sự phát triển của nuôi biển ảnh hưởng tiêu cực đến động vật có vú biển như cá voi, hải cẩu và sư tử biển trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, hiểu rõ những hạn chế và đánh đổi này sẽ giúp các nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách lên kế hoạch tốt hơn và đưa ra quyết định sáng suốt.
“Với những hiểu biết cụ thể, chúng ta có thể thấy rằng sự mở rộng của một ngành chưa chắc đã có tác động tiêu cực tương ứng đến môi trường. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng cần hợp tác để tìm ra cách nuôi biển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực và ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học biển”, Carter nhận định.