Đam mê nông nghiệp tuần hoàn
Chúng tôi đến trang trại Sản Việt, nhìn vườn cây ăn quả xanh tốt mênh mông trải dài từ thung lũng đến các sườn đồi, cho đến khu chăn nuôi, ao thủy lợi được quy hoạch bài bản trên vùng đất vốn khô cằn, sỏi đá, mới thấy được chủ trang trại đã dành nhiều tâm huyết để gây dựng.
Vốn làm nghề chụp ảnh nhưng anh Nguyễn Minh Thành, sinh năm 1980, chủ trang trại Sản Việt lại đam mê nông nghiệp. Khi đi du lịch tại một số nước, trong đó có Trung Quốc, được đến tham quan mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, nhận thấy đây là xu thế tất yếu khiến anh quyết định lập nghiệp với nông nghiệp.
Chính vì vậy, năm 2019, trang trại Sản Việt ra đời với diện tích ban đầu khoảng 8ha, sau đó dần dần mở rộng gần 130ha. Đó là chia sẻ của chủ trang trại về câu chuyện bén duyên với nghề nông.
“Bước đầu do từ tay ngang chuyển sang nông nghiệp nên tôi phát triển trồng trọt gặp nhiều khó khăn. Nhiều cây trồng không phù hợp bị chết hoặc kém hiệu quả”, anh Thành kể.
Tuy nhiên sau khi tham quan, học tập kinh nghiệm những mô hình hay, cùng với các chuyên gia nông nghiệp tư vấn, anh đã tập trung phát triển một số cây trồng đặc trưng, đặc hữu tại địa phương như xoài Úc, dừa xiêm Ninh Đa theo hướng hàng hóa, quy mô lớn.
Đưa chúng tôi tham quan một vòng vườn cây ăn quả bằng ô tô, anh Thành giới thiệu hiện trang trại có 60ha xoài gồm 10.000 cây xoài Úc và 3.000 cây xoài các loại như Cát Hòa Lộc, Tứ Quý và Đài Loan. Vườn xoài được đầu tư hệ thống tưới phun mưa đến từng gốc và trồng theo hướng hữu cơ. Chính vì vậy, cỏ trong vườn được anh giữ tự nhiên nhằm che phủ, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, rửa trôi, cũng là nguồn thức ăn bổ sung cho chăn nuôi. Năm vừa qua, một số diện tích xoài Úc đã bắt đầu cho quả bói, anh thu được hàng chục tấn.
Trang trại còn có khoảng 2.500 cây dừa, chủ yếu giống dừa xiêm Ninh Đa (thị xã Ninh Hòa) - một trong những loại quả đặc sản ở tỉnh Khánh Hòa được người tiêu dùng ưa chuộng bởi vị nước ngon ngọt, cơm mỏng vừa, da xanh. Hầu hết diện tích dừa đã bắt đầu thu hoạch.
Ngoài ra, trang trại còn 10ha vườn tạp trồng nhiều loại cây ăn quả 3 miền và 6 sào trồng, bảo tồn các loại rau bản địa như cải trời, gạc nai, nút áo và rau rịa… Đặc biệt, tại đây có khoảng 30ha rừng tái sinh đang được anh khoanh nuôi phục hồi và bảo tồn nhằm mục đích giữ mạch nước ngầm, duy tri đa dạng sinh học, cũng như "chờ" tín chỉ carbon sau này.
Để phục vụ tưới tiêu cho cây trồng, trang trại dành 5ha đào nhiều ao, hồ để tích nước, có kết hợp thả nhiều loại cá nước ngọt. Trong đó, 1 hồ có diện tích 2,5ha nằm tại trung tâm trang trại với 3 tác dụng vừa giải quyết thủy lợi, vừa tạo sinh quyển tốt cho nuôi chim yến, đồng thời sẽ tạo điểm nhấn sau này khi kết hợp du lịch.
Tiếp tục dẫn chúng tôi qua khu chăn nuôi nằm cách xa khu trung tâm trang trại, hiện anh quy hoạch với diện tích 10ha. Bước đầu, tại đây đang nuôi 150 con bò sinh sản và bò thịt với giống chủ lực là 3B và bò lai Sind. Bên cạnh đó, anh cũng nuôi khoảng 1.000 con gà kiến và gà chín cựa thả vườn; 300 con lợn rừng lai sinh sản và thịt.
Chưa hết, trang trại anh còn nuôi yến, chim bồ câu, dúi, chồn hương, tắc kè, dế, ruồi lính đen, sâu canxi và chuẩn bị nuôi thêm thỏ, dê, rắn mối. Ngoài ra, anh đang nuôi hàng trăm tổ ong vú dưới tán rừng và dừa.
Do chú trọng vệ sinh thú y, sát trùng chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ cho gia súc, gia cầm nên vật nuôi ít dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo anh Thành, năm vừa qua, trang trại thu gom khoảng 1.000 tấn phân từ chăn nuôi. Sau đó, phân này được xử lý ủ hoai trước khi bón cho cây trồng. Thức ăn phục vụ chăn nuôi được tận dụng tối đa các phụ phẩm nông nghiệp tại trang trại, hạn chế mua thức ăn từ bên ngoài. Chẳng hạn như rau, cỏ trong vườn cây, dưới tán rừng, thân cây chuối đều làm thức ăn cho bò, lợn, gà và nuôi dế.
Đối với nuôi sâu canxi, anh làm thức ăn cho gà, còn dế làm thức ăn tắc kè, chim bồ câu và gà. Từ đó giúp anh tiết kiệm nhiều chi phí đáng kể nhờ giảm lượng thức ăn công nghiệp.
“Hiện tôi nuôi sâu canxi, dế với chi phí đầu tư thấp, không mất nhiều công chăm sóc, lại tận dụng được chất thải trong nông nghiệp. Nguồn thức ăn của sâu là phân động vật, các loại rau, củ, quả bị hỏng”, anh Thành chia sẻ và cho biết thêm, loại sâu này rất giàu dinh dưỡng, giúp vật nuôi nhanh lớn, tăng sức đề kháng. Do đó, hiện anh đang mở rộng quy mô nuôi sâu canxi, dế, từ đó nhân rộng đàn gà lên 4.000 con, đàn tắc kè lên 10.000 con nhằm tăng thu nhập.
Hướng đến kết hợp du lịch
Theo anh Thành, hiện vườn cây ăn quả của anh bắt đầu cho thu hoạch và chăn nuôi đã bắt đầu có lời. Năm vừa qua, trang trại Sản Việt đã cho doanh thu gần 2 tỷ đồng. Tuy nhiên thời gian tới, khi trồng trọt, chăn nuôi hình thành sản xuất quy mô tập trung, hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cũng theo anh Thành, với quy mô sản xuất hiện nay, trang trại đang tạo công ăn việc làm cho 30 lao động địa phương, với mức lương bình quân 6 - 7 triệu đồng/người. Trong đó, có 4 kỹ sư nông nghiệp phụ trách các quy trình canh tác, phương pháp trồng trọt, chăn nuôi và quản lý tài nguyên trong sản xuất nông nghiệp tại trang trại.
Để tiếp tục khai thác tiềm năng, hiện trang trại đang hướng đến kết hợp du lịch để khai thác đa giá trị, cũng như tăng thu nhập cho người làm nông nghiệp.
“Dự kiến, chúng tôi sẽ khai thác du lịch vào năm tới. Bước đầu, trang trại sẽ đón các đoàn học sinh và khách đoàn của các sở, ban ngành trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Khi du khách đến đây, ngoài việc được tận tay thu hoạch hoa quả, rau màu, tổ yến, câu cá…còn được thưởng thức các món ăn từ dân dã cho đến đặc sản như lợn rừng, gà, dế, tắc kè, rắn mối, bồ câu, cá, rau rừng… Hiện trang trại cũng dành 1ha để trồng gạo nếp, gạo đặc sản. Chúng tôi sẽ chủ động cung ứng lương thực, thực phẩm tại chỗ lên đến 80 - 90%”, anh Thành chia sẻ.
Hiện nay, trang trại đầu tư trồng dưa lưới trong nhà màng để đa dạng sản phẩm; cũng như làm nhà kính sấy măng, chuối, xoài... để du khách có thêm trải nghiệm, cũng như mua các sản phẩm sản xuất tại trang trại như tổ yến, rượu truyền thống…
Theo bà Vương Thị Thu Chung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), trang trại Sản Việt đi theo hướng nông nghiệp tuần hoàn được cho là xu thế tất yếu trong việc phát triển nông nghiệp bền vững. Trang trại đã tận dụng mọi phế thải trong nông nghiệp để trở thành nguồn nguyên liệu tiềm năng cho trồng trọt, chăn nuôi. Khi trang trại tiếp tục kết hợp du lịch sẽ càng đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, cũng như tạo công ăn việc làm nhiều hơn nữa cho lao động địa phương.