Thay đổi thói quen cũ của nông dân
Sở NN-PTNT TP Cần Thơ phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) ngày 8/6 đã tổ chức lễ khởi động mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ rơm và tham quan cánh đồng thí điểm mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp nhằm triển khai Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Mô hình được thực hiện tại huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ). Sự kiện thu hút hàng trăm nông dân tại địa phương tham dự.
Chia sẻ tại buổi lễ, bà Yvonne Pinto, Tổng Giám đốc IRRI nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới nhưng dễ bị tổn thương do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Vì vậy, IRRI cam kết hợp tác và chia sẻ các giải pháp công nghệ nhằm giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp phát thải thấp, tăng trưởng xanh.
Theo đó, IRRI đã ký kết, bàn giao máy trộn phân hữu cơ tự hành cho HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Thuận tại xã Thạnh An (HTX Tiến Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) để giúp nông dân thực hiện quy trình xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ. Đồng thời tập huấn kỹ thuật sản xuất để xã viên HTX phát triển mô hình kinh doanh phân hữu cơ từ rơm.
Theo chia sẻ của các xã viên HTX Tiến Thuận, địa phương có lợi thế trong việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn vì nguồn rơm rạ rất dồi dào. Tuy nhiên, việc thu gom rơm còn gặp nhiều khó khăn do chi phí thuê nhân công rất cao. Bên cạnh đó, do chưa biết cách xử lý rơm thành phân hữu cơ cũng như chưa được tập huấn kỹ thuật nên nông dân chưa thể tận dụng nguồn phụ phẩm này. Qua thông tin từ các chuyên gia IRRI, nông dân mong muốn sớm được tập huấn để áp dụng quy trình sản xuất phân hữu cơ nhằm tăng thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Tiến Thuận phấn khởi: "Tôi tin tưởng mô hình này sẽ thay đổi những thói quen canh tác cũ của bà con và góp phần cải thiện thu nhập của họ. Đồng thời, thông qua các buổi tập huấn và trình diễn, chúng tôi sẽ được các chuyên gia giải đáp và làm rõ những lợi ích của việc sản xuất phân hữu cơ từ rơm, giúp bà con tự tin tham gia mô hình".
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, ông Trần Thái Nghiêm cho biết, đây là mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm rạ thứ 2 do IRRI hỗ trợ nhằm khắc phục tình trạng nông dân đốt và vùi rơm rạ vào đồng ruộng.
Bên cạnh đó, nông dân có thể ứng dụng cơ giới hóa trong thu gom rơm rạ để trồng nấm rơm, làm thức ăn cho bò, phân bón sinh học, nhựa sinh học và nông nghiệp đô thị, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính.
Theo ông Nghiêm, thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền và thúc đẩy phát triển, nhân rộng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nhất là việc quản lý, khai thác sử dụng tốt nguồn rơm rạ trong sản xuất lúa, tránh việc đốt bỏ rơm rạ trên đồng ruộng.
Đồng thời, tạo điều kiện để nông dân tại các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ nắm bắt thông tin và tiếp cận các công nghệ, thiết bị, máy móc cơ giới trong thu gom và xử lý rơm rạ. Qua đó, nông dân có thể sản xuất phân bón hữu cơ và phục vụ sản xuất nhằm nâng cao thu nhập và giảm phát thải.
"TP Cần Thơ là một trong những địa phương được chọn tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Hiện Đề án đang trong giai đoạn triển khai ban đầu và cần sự góp ý từ các chuyên gia và nhà khoa học. Vì vậy, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia và nhà khoa học của IRRI", ông Nghiêm cho biết thêm.
Công nghệ mới xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ
Theo chuyên gia IRRI, công nghệ mới sản xuất phân hữu cơ từ rơm giúp đảm bảo chất lượng, giá thành rẻ. Phân hữu cơ có tác dụng cải tạo đất, nâng cao chất lượng nông sản và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Một lợi thế khác biệt của công nghệ này là kết hợp giữa cơ khí (hay vật lý) và sinh hóa để tối ưu quá trình phân hủy rơm một cách hiệu quả và chất lượng hữu cơ cao.
Việc dùng rơm ủ phân hữu cơ đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính so với việc chôn vùi rơm sau thu hoạch. Hơn nữa còn tránh được việc đốt rơm ngoài đồng, góp phần tăng thu nhập và bảo vệ môi trường.
Điển hình như HTX New Green Farm tại phường Tân Hưng (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) là một trong những HTX tiên phong thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Nông dân tại HTX trồng lúa theo hướng an toàn, đạt các tiêu chuẩn thị trường và áp dụng cơ giới hóa cũng như các kỹ thuật tiên tiến để giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Rơm rạ được tái chế để trồng nấm và sản xuất phân bón hữu cơ, góp phần giảm đốt rơm trên đồng và bảo vệ môi trường.
Nhờ sự hỗ trợ và hướng dẫn từ Sở NN-PTNT TP Cần Thơ và IRRI, bà con có thể trồng nấm ngoài trời hoặc trong nhà để tối ưu hóa sản xuất và tăng thu nhập.
Đại diện HTX New Green Farm cho biết, trồng nấm rơm trong nhà cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng truyền thống ngoài trời bởi nấm cho năng suất cao và bán được giá cao hơn. Nông dân cũng giảm được chi phí nhân công trong chất rơm và thu hoạch nấm, cũng như chủ động sản xuất được nhiều vụ trong năm.
Cụ thể, trồng nấm rơm trong nhà có thể thực hiện được bình quân khoảng 6 vụ/năm. Đối với mô hình trồng nấm rơm ngoài trời.
Nấm rơm trồng theo mô hình ngoài trời được nông dân tại HTX New Green Farm bán với giá khoảng 60 ngàn đồng/kg, còn nấm rơm trồng trong nhà được bán với giá 75 ngàn đồng/kg (đối với nấm loại 1).
Chuyên gia IRRI cho biết, mỗi năm vùng ĐBSCL tạo ra khoảng 26 - 27 triệu tấn rơm nhưng có đến khoảng 70% bị người dân đốt hoặc vùi vào đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí metan và các khí nhà kính khác. Qua các hoạt động hỗ trợ của IRRI và các cơ quan chức năng, việc áp dụng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn và sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế như rơm rạ để sản xuất phân bón hữu cơ không chỉ giúp cải thiện năng suất cây trồng mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường.
Bà Yvonne Pinto, Tổng Giám đốc IRRI chia sẻ, bà rất ấn tượng với sự nhiệt tình của nông dân khi tham gia các mô hình, không chỉ trong sản xuất lúa mà còn trong nông nghiệp tuần hoàn từ rơm. Ngoài ra, sự kết hợp công nghệ tuyệt vời như công nghệ sạ hàng và bón vùi phân cũng được bà đánh giá cao. Bà tin rằng với sự hỗ trợ của IRRI, giấc mơ tiếp cận với quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp của nông dân đang trở thành hiện thực.