Đào tạo nghề luôn được doanh nghiệp quan tâm khi tuyển dụng lao động nông thôn. Doanh nhân Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Chanh Việt, khẳng định như vậy. Trước đây, nhiều người vẫn nghĩ làm nông là loại lao động đơn giản, không cần nhiều kiến thức. Bây giờ, hoàn toàn không phải vậy. Ở những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ có nhiều sản phẩm đòi hỏi một trình độ nhất định ở mỗi người lao động. Vì vậy, nếu không nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thì thị trường lao động nông thôn sẽ gặp khó khăn trong việc giải quyết việc làm.
Doanh nhân Nguyễn Văn Hiển bày tỏ quan niệm tuyển dụng: “Tinh thần hợp tác và kỹ năng chuyên nghiệp là hai khâu yếu nhất của lao động nông thôn hiện nay. Thực trạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại một số nơi chỉ mang tính phong trào, nên không đúng và không trúng với nhu cầu doanh nghiệp”.
Một ví dụ được doanh nhân Nguyễn Văn Hiển đưa ra, bây giờ mô hình du lịch sinh thái đang nở rộ ở khu vực nông thôn, nhưng hầu như lại thiếu vắng nguồn nhân lực được đào tạo nghề, dù mức lương rất hấp dẫn và đối đãi rất trọng thị. Hầu hết lao động nông thôn đều chưa có kiến thức và cũng chưa có thói quen giao tiếp để đáp ứng các vị trí việc làm trong một khu du lịch. Dẫu chưa có thống kê chính xác, nhưng hiện tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đang cần khoảng 100 nghìn lao động được đào tạo nghề du lịch, từ hướng dẫn viên, lễ tân đến tiếp thị, đầu bếp, bartender, quản lý sự kiện…
Cho nên, công tác đào tạo nghề ở mỗi địa phương phải chú trọng đến khâu khảo sát một cách qui mô và tỉ mỉ. Đối với khụ vực nông thôn, không thể đào tạo nghề theo sự chủ quan của đơn vị giáo dục và cũng không thể đào tạo nghề theo sở thích riêng của người lao động, mà phải hướng đến nhu cầu từng địa phương, nhu cầu từng cơ sở sản xuất, nhu cầu từng giai đoạn kinh tế.
Một trong những yêu cầu để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho nông dân là huy động các nguồn lực xã hội hóa, ngoài hệ thống những trường trung cấp. Doanh nhân Nguyễn Văn Hiển cho rằng, đào tạo nghề ngắn hạn rất cần sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để thực tế hóa từ lý thuyết đến thực hành.
Đặc biệt, xu thế tăng trưởng của nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp thuận thiên, thì mỗi doanh nghiệp đều có đòi hỏi riêng, tiêu chí riêng. Nếu có được đội ngũ lao động được đào tạo nghề, thị doanh nghiệp khu vực nông thôn có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho ngành nông nghiệp, thì việc đào tạo nghề cũng phải chấp nhận chủ trương “ly nông không ly hương”. Nghĩa là cần mở rộng đào tạo nghề cho những người dân sinh sống ở nông thôn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thương mại khác. Một trong những vướng mắc đang tồn tại là việc hỗ trợ vốn cho lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề.
Doanh nhân Nguyễn Văn Hiển chia sẻ: “Có những người dân nông thôn sau khi được đào tạo nghề lại rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội. Cho nên, cần phải có cơ chế hỗ trợ tài chính cho những người trẻ khởi nghiệp ở nông thôn. Tôi đã từng gặp nhiều trường hợp sau khi đào tạo nghề có ý tưởng khởi nghiệp rất tốt, nhưng không có điều kiện để phát huy. Tôi cho rằng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, không chỉ tạo ra những người làm thuê mà phải tạo ra những người làm chủ, thì mới giúp đời sống nông dân khá giả hơn”.