Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem như một chiến lược quan trọng để phát triển nguồn nhân lực Việt Nam. Năm 2009, Chính phủ đã ra Quyết định số 1956/QĐ-TTg triển khai đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Năm 2012, Ban Bí thư tiếp tục có Chỉ thị số 19-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
Muốn đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, không thể không có những đột phá đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt mở các lớp tập huấn cho bà con nông dân ở những vùng nguyên liệu chủ yếu, mà trường hợp tập đoàn Phúc Sinh vừa triển khai Chương trình phát triển Cà phê bền vững Rainforest Alliance nhằm trang bị kiến thức canh tác và thu hoạch cho nông dân, có thể xem như một ví dụ sinh động.
Từ giữa tháng 6/2024 đến nay, tập đoàn Phúc Sinh đã mời chuyên gia trực tiếp tập huấn tại vùng nguyên liệu thuộc địa bàn Sơn La và Đắk Lắk. Nội dung tập huấn chủ yếu là cung cấp những thông tin đầy đủ và dễ hiểu cho bà con về các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Ngoài ra, các chuyên gia còn hướng dẫn cụ thể về giá trị thảm cỏ và cây che bóng, thu gom rác thải, bảo quản thuốc bảo vệ thực vật sao cho an toàn và tiết kiệm.
Đặc biệt, với tư cách đơn vị đầu tư vùng nguyên liệu, tập đoàn Phúc Sinh cũng thông qua Chương trình phát triển Cà phê bền vững Rainforest Alliance để tạo điều kiện hỗ trợ bà con nông dân làm quen với việc sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất cà phê, kỹ thuật thu hái trái chín, cũng như cách sử dụng mã QR tại nhật ký nông hộ, truy cập vào cơ sở dữ liệu chung.
Tổng giám đốc tập đoàn Phúc Sinh Phan Minh Thông cho biết: “Theo kế hoạch, chúng tôi tiếp tục mở rộng tập huấn cho nhiều khu vực khác trên cả nước. Chúng tôi sẵn sàng vào tận từng buôn làng, tổ chức những lớp tập huấn chỉ chừng vài chục hộ tham gia. Chúng tôi tin rằng, quá trình “tri thức hóa nông dân” sẽ giúp Việt Nam có được những vùng nguyên liệu cà phê trù phú và xây dựng được thị trường cà phê tăng trưởng bền vững, để góp phần cải thiện cuộc sống bà con nông dân”.
Có sự quan tâm kịp thời và sâu sát của nhiều cấp và nhiều ngành, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã và đến nay đã thu được nhiều kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu, không ít đòi hỏi mới đang đặt ra cho lao động nông thôn nhằm đáp ứng sự vận động của chuyển đổi kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tiêu chuẩn quốc tế xanh, sạch và an toàn cho người tiêu dùng.
Hệ thống các trường dạy nghề trên cả nước dù đã có nhiều cải tiến về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ chuyên gia, nhưng vẫn chưa thể nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt là nhiều địa phương đang khan hiếm những chương trình đào tạo nghề ngắn hạn, để lao động nông thôn trực tiếp thực hành các kỹ thuật của nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp thuận thiên.
Theo các chuyên gia nguồn nhân lực, đang có sự dịch chuyển rõ rệt giữa một số lĩnh vực khác sang lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn càng trở nên cấp thiết trong cơ cấu phân bổ việc làm xã hội ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh các cơ sở giáo dục, thì vai trò của doanh nghiệp cũng góp phần quan trọng trong quá trình đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn.