Thứ Hai 22/04/2024 , 15:55 (GMT+7)

Doveco - Lá cờ đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản

Thứ Hai 22/04/2024 , 15:55 (GMT+7)

Từ thành công của nhà máy tại Ninh Bình và Gia Lai, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã khai trương nhà máy thứ ba tại Sơn La vào tháng 5/2023.

 

Theo ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Doveco, vùng Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng có tiềm năng khổng lồ về rau, quả. Nhờ chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, chất lượng nông sản nơi đây thực sự khác biệt so với các vùng khác. Theo lời ông Khuê, từ cách đây gần chục năm, nhân một lần được thưởng thức xoài và nhãn Sơn La, thấy hương vị tươi ngon, đậm đà, ông ấp ủ giấc mơ lấp khoảng trắng về chế biến nông sản tại khu vực này.

 

Dự án Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La nằm tại vị trí trung tâm của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, có diện tích gần 9ha, với quy mô dự kiến 52.000 tấn sản phẩm/năm. Tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, đây là trung tâm chế biến rau quả khép kín bao gồm từ việc liên kết sản xuất, thu mua nguyên liệu; chế biến tinh, chế biến sâu và hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu.

 

Phát biểu tại buổi thăm và làm việc tại Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) hồi cuối tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến nông sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lao động cũng như nâng cao giá trị đầu tư. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La là một trong những đơn vị điển hình trong việc tiên phong đưa nhà máy chế biến nông sản lên các vùng nguyên liệu lớn.

 

Ban đầu, Doveco dự kiến triển khai 3 dây chuyền, gồm dây chuyền chế biến nước quả cô đặc và puree, công suất thiết kế 20.000 tấn/năm, công nghệ và thiết bị của Italia; dây chuyền chế biến rau quả đông lạnh, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị của Nhật Bản; dây chuyền chế biến rau quả đồ hộp, công suất thiết kế 20.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ, thiết bị của Italia và Đức.

 

Tới nay, công ty lắp đặt thêm dây chuyền chế biến lon sắt, với công suất 300 lon/phút và dây chuyền sấy lạnh nhãn công suất 120 tấn/ngày để phù hợp với vùng nguyên liệu và cơ cấu sản phẩm tại tỉnh Sơn La. Sản phẩm là thành quả của quá trình Doveco nghiên cứu, để góp phần thay đổi bộ mặt, kinh tế nông nghiệp cho đồng bào dân tộc Sơn La, các tỉnh Tây Bắc. Hai là tạo công ăn việc làm cho lao động nông nghiệp cũng như dịch vụ. Ba là thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân.

 

Trước khi đến Sơn La, người Doveco đã lăn lộn vào nhiều vùng đất khó. Những người lớn tuổi hẳn vẫn nhớ câu ca: “Ai qua Quán Cháo, Đồng Giao - Má hồng để lại, xanh xao theo về” để nói về sự khó khăn của vùng nguyên liệu nơi Doveco Ninh Bình đang đứng chân cách đây hơn nửa thế kỷ.

 

Bằng sự chủ động, linh hoạt, dám nghĩ dám làm, từ Nông trường quốc doanh Đồng Giao ban đầu, người Doveco đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang dứa vào thập niên 1970, kế đó là triển khai xây dựng nhà máy đông lạnh IQF đầu tiên vào năm 1978. Hàng nghìn hecta đất đỏ màu mỡ ngày càng được bồi đắp bởi màu xanh của rau, quả và tiếng nói, tiếng cười của lớp lớp thế hệ công nhân viên.

 

Tiếp tục tiến lên, năm 2019, Doveco khánh thành trung tâm chế biến tại Gia Lai, với công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm. Đây là doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tiên xuất hiện trên địa bàn, đồng thời mở ra thời kỳ bùng nổ về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp. Đến nay, 43 nhà máy chế biến đã nối bước Doveco xuất hiện ở Gia Lai, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn, nâng cao cuộc sống cho người dân địa phương.

 

Từ thành công của các nhà máy tại Ninh Bình, Gia Lai và Sơn La, không hề quá khi nói rằng sự có mặt của Doveco giúp thay đổi đáng kể bộ mặt của vùng đất nơi họ đặt chân. Không chỉ tạo công ăn việc làm, Doveco còn góp phần xây dựng, hình thành nền kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy các ngành dịch vụ liên quan, đồng thời thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân theo hướng hàng hóa, quy mô lớn.

 

Để đảm bảo vùng nguyên liệu liên kết sản xuất bền vững, công ty còn đầu tư ban đầu cho bà con tham gia liên kết như: cung cấp giống, phân bón, thuốc BVTV với giá ưu đãi hoặc cho khấu trừ vào sản phẩm khi thu hoạch. Trong quá trình canh tác, đơn vị sẽ cử cán bộ đến trực tiếp giúp đỡ người dân theo dõi, giám sát, hướng dẫn quá trình sản xuất đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm.

 

Do đó, ông Đinh Cao Khuê đã khẳng định: "Ở bất cứ đâu nơi nào đứng chân, dù là Ninh Bình, Gia Lai hay Sơn La, chúng tôi cũng cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm đủ tiêu chuẩn do người dân sản xuất bằng giống của công ty theo giá được ký kết trong hợp đồng. Khi giá thị trường cao hơn giá đã ký kết thì đơn vị sẽ thu mua theo giá thị trường".

Tin khác

Trai '9x' làm giàu nhờ suy nghĩ táo bạo

Trai '9x' làm giàu nhờ suy nghĩ táo bạo

Mỗi năm trang trại tuần hoàn của Ngô Đình Tuấn cho thu nhập hơn 300 triệu đồng. Thanh niên này còn sử dụng hiểu quả mạng xã hội để bán hàng.

Doanh nông  - 26/10/2024
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận với cuốn sách đầu tay 'Tôi & Meet More… more'

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận với cuốn sách đầu tay 'Tôi & Meet More… more'

TP.HCM Cuốn sách kể về quá trình khởi nghiệp của doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận - CEO cà phê nông sản Meet More xuất khẩu sang 12 quốc gia.

Doanh nông  - 23/09/2024
Xâm nhập thị trường Halal bằng tiêu chí dinh dưỡng

Xâm nhập thị trường Halal bằng tiêu chí dinh dưỡng

Việc phát triển các sản phẩm dinh dưỡng từ nông sản Việt Nam không chỉ là chiến lược kinh doanh mà còn là mong muốn khẳng định giá trị của nông sản Việt.

Doanh nông  - 20/09/2024
Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD

Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, với số lượng dân số đông đảo, nhu cầu tiêu dùng sầu riêng đông lạnh cao.

Doanh nông  - 19/09/2024
4 lưu ý đối với doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc

4 lưu ý đối với doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc

Việc thực hiện điểm kiểm soát tới hạn do doanh nghiệp quyết định để đảm bảo sản phẩm sầu riêng đông lạnh đáp ứng yêu cầu.

Doanh nông  - 19/09/2024
Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc: Cần sự minh bạch, hợp tác

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc: Cần sự minh bạch, hợp tác

Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ với nông dân, hợp tác xã, để hướng tới môi trường xuất khẩu lành mạnh.

Doanh nông  - 19/09/2024