Học IPM, nông dân Quảng Ninh sản xuất giỏi, múa hát hay

Nguyễn Thành - Thanh Phương - Thứ Ba, 12/11/2024 , 06:00 (GMT+7)

Bằng lời ca, tiếng hát, nông dân phường Kim Sơn (TP Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã lan tỏa kiến thức, bài học từ chương trình IPM, giúp nâng cao chất lượng đồng ruộng.

Niềm vui từ lớp học IPM

Sau 4 tháng triển khai, lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) về IPM trên cây lúa tại phường Kim Sơn (TP Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã kết thúc. Trong buổi tổng kết lớp học, các học viên đã dẫn dắt đại biểu đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Các học viên trình bày ca khúc tự sáng tác về lớp học IPM trong buổi tổng kết. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trong tà áo dài duyên dáng, chiếc áo trắng được sơ vin chỉnh tề, những người nông dân tự tin cất tiếng hát, lời ca. Điều đặc biệt, những bài hát đều “made in nông dân”.

Trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam, giảng viên đứng lớp Bùi Thị Khanh (Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Ninh) bật mí: “Đây cũng chính là một phần nội dung của lớp học. Các học viên tự sáng tác bài hát về chủ đề IPM, qua đó gửi gắm, lan tỏa thông điệp, ý nghĩa của chương trình IPM trong sản xuất nông nghiệp. Để chuẩn bị cho buổi tổng kết, các bác nông dân đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết để tập luyện các tiết mục”.

Không chỉ gây bất ngờ bởi những tiết mục văn nghệ đặc biệt, các học viên còn tự tin thuyết trình, báo cáo về kết quả học tập trong suốt thời gian vừa qua. Bà Phạm Ngọc Anh (khu Gia Mô, phường Kim Sơn) chia sẻ: “Thông qua lớp học, chúng tôi đã biết cách kiểm soát chuột gây hại, đồng thời sử dụng phương pháp diệt chuột hiệu quả, an toàn. Những kiến thức từ lớp học sẽ được chúng tôi ứng dụng vào thực tế sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới".

Học viên báo cáo kết quả quản lý chuột hại trên cây lúa. Ảnh: Nguyễn Thành.

Với 30 thành viên, lớp học được chia thành 5 nhóm. Trong buổi tổng kết, mỗi nhóm sẽ lên báo cáo kết quả nghiên cứu về một số nội dung như ảnh hưởng của việc cắt lá đối với sinh trưởng và năng suất của cây lúa; khả năng ăn mồi của thiên địch; quản lý chuột hại…

Mỗi người nông dân đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, tự mình đưa ra những nhận xét và rút ra kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cây lúa một cách hiệu quả và bền vững.

Học viên Nguyễn Thị Sồi (khu Gia Mô, phường Kim Sơn) bày tỏ: “Người nông dân chúng tôi chỉ biết lao vào làm, dựa trên kinh nghiệm của bản thân và những người xung quanh. Tuy nhiên, không có khoa học kỹ thuật nên năng suất, chất lượng của lúa trong những năm qua chưa được cao, ổn định”. Sau lớp học, bà Sồi đã biết thế nào là thiên địch của cây, cách chăm sóc cây khoa học, liều lượng và thời gian phun thuốc cho cây và nhận biết một số loại sâu bệnh.

“Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm”, lớp học đã tiến hành theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” và lấy người học làm trung tâm, lấy đồng ruộng làm bài học. Trên đồng ruộng, học viên được tự thực hành, tự kiểm tra kết quả áp dụng tiến bộ khoa học vào cây trồng để thấy được vai trò, lợi ích của thiên địch hay tác hại của việc làm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học đến hệ sinh thái đồng ruộng, sức khỏe con người và chất lượng nông sản.

Phương pháp lấy người học là trung tâm, “đồng ruộng là bài học” đã giúp người nông dân hiểu rõ về việc áp dụng IPM vào trồng trọt. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hằng tuần, các học viên sẽ đều ra đồng để điều tra hệ sinh thái ruộng lúa, quan sát điều kiện thời tiết, đất, nước tại ruộng và chỉ tiêu tăng trưởng, phát triển của cây lúa, điều tra đối tượng dịch hại, mật độ thiên địch. Sau đó, các nhóm sẽ cùng thảo luận, vẽ ra bức tranh về sinh thái và đưa ra các biện pháp cần thiết.

“Chúng tôi đã nắm được kỹ thuật đo đếm các chỉ tiêu quan sát và đưa ra quyết định trên thực tế đồng ruộng, biết được ý nghĩa của phân bón, cách bón phân cùng những hiểu biết cơ bản về thuốc bảo vệ thực vật. Tôi cảm thấy rất vui, rất phấn khởi khi được biết thêm những kiến thức, kinh nghiệm quý báu để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp”, bà Sồi cho biết.

Không chỉ được cung cấp về các kiến thức trong trồng lúa theo IPM, các học viên đã hiểu rõ hơn về tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh.

Đan xen với nội dung học tập, nghiên cứu thực tế, trong mỗi buổi học, học viên còn được hướng dẫn và biểu diễn các tiết mục văn nghệ và sáng tác các bài hát về chủ đề lớp học, về IPM. “Học IPM vui lắm, lợi ích nhân đôi, niềm vui trọn vẹn”, một học viên trong lớp học hào hứng bày tỏ.

Học viên lớp IPM vẽ tranh về hệ sinh thái đồng ruộng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Học đến đâu, tuyên truyền đến đó

Sau lớp học, mỗi học viên đã trở thành một tuyên truyền viên để cùng lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm và lợi ích của IPM đến với những hộ dân xung quanh. Bà Nguyễn Thị Sồi hồ hởi chia sẻ: “Tôi cứ học đến đâu là tuyên truyền đến đó, chị em nông dân ở sát nhau nên chúng tôi còn dẫn ra những ruộng mẫu để xem thực tế và kiểm nghiệm. Mặc dù không được thực tế học nhưng mọi người cũng đã hiểu và vận dụng được vào cây trồng của chính gia đình mình”.

Theo bà Sồi, việc học không chỉ cho riêng bản thân của mình hay cây trồng của nhà mình mà còn là cho những bà con nông dân xung quanh. Tất cả vì mục tiêu tăng năng suất, chất lượng cây trồng để từ đó giúp người nông dân có thêm thu nhập, cuộc sống thêm ổn định, ấm no.

Không chỉ riêng bà Sồi, các học viên khác cũng đã và đang tích cực để hướng dẫn các hộ dân xung quanh cùng thực hiện khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi phương pháp sản xuất truyền thống để tạo nên những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao và bảo vệ sức khỏe cho chính những người sản xuất.

Các học viên phấn khởi khi được nhận giấy chứng nhận, sau khóa học họ sẽ trở thành những tuyên truyền viên IPM. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Nguyễn Khắc Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Ninh, thông tin: “Trong năm 2025, Chi cục sẽ tổ chức thêm nhiều lớp IPM cho cây lúa, cây rau màu… để bà con nông dân có thêm kiến thức để tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích, từ đó nâng cao thu nhập. Tôi mong rằng qua lớp học, người nông dân trước tiên sẽ sản xuất tốt trên đồng ruộng của chính mình, sau đó tuyên truyền cho các hộ nông dân trên địa bàn để lan tỏa ý nghĩa của lớp học”.

Cùng với đó, trong thời gian tới, Sở NN-PTNT Quảng Ninh phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và các địa phương tổ chức các lớp đào tạo nguồn giảng viên chất lượng để hướng dẫn nông dân hiểu và áp dụng IPM trên đồng ruộng. Với sự nỗ lực đó, ngành nông nghiệp tỉnh nhà mong rằng sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững.

Theo báo cáo tổng kết tại các lớp học, Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho người nông dân và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn như giảm số lần phun thuốc trên cây trồng từ 1 - 2 lần và công phun thuốc từ 90.000 - 180.000 đồng/sào/vụ, tương đương 2,4 - 4,9 triệu/ha/vụ; năng suất cây trồng tăng trung bình 5 - 10%; lợi nhuận do áp dụng IPM tăng cao (áp dụng IPM trên lúa tăng lợi nhuận khoảng 4.000.000 đồng/ha, áp dụng IPM trên rau tăng lợi nhuận khoảng 9.300.000 đồng/ha).

Đặc biệt, việc khuyến khích sử dụng thuốc thảo mộc tự ủ trong sản xuất rau đã được người dân tích cực ủng hộ, giúp tiết kiệm kinh phí, tạo ra sản phẩm an toàn và góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, áp dụng quản lý dịch hại trên cây trồng còn giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái do việc giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, từ đó tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người tiêu dùng.

Nguyễn Thành - Thanh Phương
Tin khác
Thôi đốt đồng, nhà nông thêm tiền, bớt ưu phiền sức khỏe
Thôi đốt đồng, nhà nông thêm tiền, bớt ưu phiền sức khỏe

Nhiều nông dân trồng lúa đã từ bỏ thói quen đốt đồng sau khi được hướng dẫn cách xử lý rơm rạ mang lại hiệu quả kinh tế cao và cải thiện sức khỏe.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 5] Ưu tiên tạo tín chỉ carbon, quản lý rừng bền vững
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 5] Ưu tiên tạo tín chỉ carbon, quản lý rừng bền vững

Muốn thích ứng một cách nhanh chóng, bền vững với những quy định mới như CBAM, EUDR…, chủ rừng buộc phải chuẩn hóa ngay từ khâu giống và trồng cây xuống đất.

Dịch vụ khí hậu số trong nông nghiệp: Đã xóa được 'ngờ', cần mô hình bền vững hơn
Dịch vụ khí hậu số trong nông nghiệp: Đã xóa được 'ngờ', cần mô hình bền vững hơn

Dù chứng tỏ được lợi ích trong dự báo thời tiết, sâu bệnh... các dịch vụ số trong nông nghiệp vẫn cần thời gian để bền vững hơn, nhất là trước những thách thức mới.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 4] Cơ hội còn nhiều ở thị trường carbon bắt buộc hơn 900 tỷ USD
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 4] Cơ hội còn nhiều ở thị trường carbon bắt buộc hơn 900 tỷ USD

Thị trường carbon quốc tế đang rất sôi động, với giá trị ước tính có thể lên tới gần 1.000 tỷ USD, đòi hỏi Việt Nam cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 3] Đóng góp thầm lặng từ những mô hình nông lâm kết hợp
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 3] Đóng góp thầm lặng từ những mô hình nông lâm kết hợp

Bên cạnh việc góp phần chuyển đổi hệ thống thực phẩm, đảm bảo sinh kế cho người dân, nông lâm kết hợp còn có ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu trung hòa carbon.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 2] Đặt tên cho rừng bằng mã số
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 2] Đặt tên cho rừng bằng mã số

Nhờ mã số vùng trồng, từng lô rừng được minh định trong cơ sở dữ liệu, giúp các bên thuận tiện theo dõi, giám sát và dễ dàng truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 1] Thách thức tăng gấp 3 lượng carbon hấp thụ từ rừng
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 1] Thách thức tăng gấp 3 lượng carbon hấp thụ từ rừng

Để phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, lĩnh vực lâm nghiệp phải tăng khả năng hấp thụ carbon lên 185 triệu tấn CO2e, trong khi tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định.

Bất ngờ chuyện nuôi ốc hương thành công ở Bạc Liêu
Bất ngờ chuyện nuôi ốc hương thành công ở Bạc Liêu

Anh Ðinh Vũ Hải (49 tuổi, ngụ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) bắt đầu chuyển đổi mô hình nuôi tôm công nghệ cao sang nuôi ốc hương biển, thu hơn tỷ đồng mỗi năm.

Na sầu riêng gai to, trái nặng đến 3kg
Na sầu riêng gai to, trái nặng đến 3kg

Cần Thơ Một nông dân xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ) phát triển cây na sầu riêng mới lạ, trái nặng đến 3kg, giá cao, nông dân thu ‘trái ngọt’ trên vùng lúa kém hiệu quả.

Thương hiệu nhãn Ido Đồng Tâm của lão nông U70
Thương hiệu nhãn Ido Đồng Tâm của lão nông U70

Cần Thơ Hợp tác xã nhãn Ido Đồng Tâm ở TP Cần Thơ đang sản xuất nhãn theo hướng VietGAP, nhằm tạo dựng thương hiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Tận dụng nguồn tài nguyên bản địa xây dựng thương hiệu trà lá ổi túi lọc
Tận dụng nguồn tài nguyên bản địa xây dựng thương hiệu trà lá ổi túi lọc

Đồng Tháp Với hương vị thơm dịu, thanh mát và có công dụng tốt cho sức khỏe, sản phẩm trà lá ổi túi lọc của anh Phan Hồi Hương đã được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.