Chọn hướng nắng là yếu tố quyết định
Huyện Mai Sơn những ngày này đang tất bật chuẩn bị cho vụ thanh long trái mùa. Chị Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Ngọc Hoàng, xã Nà Bó cho biết, thanh long chịu ảnh hưởng của quang kỳ, ra hoa trong điều kiện ngày dài. Cây sinh trưởng và phát triển tốt ở nơi có ánh sáng đầy đủ, ngược lại sẽ ốm yếu khi thiếu ánh sáng.
Với khu vực trong Nam, nơi không có mùa đông lạnh, những vựa thanh long như Bình Thuận, Tiền Giang, Long An không gặp vấn đề này. Tuy nhiên, tại khu vực phía Bắc, người dân cần phải tính toán cách đặt trụ sao cho hướng theo ánh nắng mặt trời mọc và lặn sẽ là yếu tố quyết định, tác động tới năng suất, chất lượng sản phẩm.
“Muốn sản xuất thanh long trái vụ, quan trọng nhất là khi bắt đầu trồng phải quan sát xem mặt trời mọc hướng nào, từ đó, điều chỉnh các trụ trồng thanh long theo hướng hội tụ nhiều ánh sáng nhất”, chị Dung chia sẻ và nói thêm, rằng với cách làm này, khi cây thanh long cho ra hoa, nhất là giai đoạn gặp không khí lạnh mùa đông, chồi hoa phải được hấp thụ đầy đủ ánh sáng mới đậu quả.
Để tăng khả năng quang hợp cho thanh long trái vụ, chị Dung cùng bà con HTX cũng tuyệt đối tránh những loại cây có tán rộng, cao để tránh tình trạng che sáng cho thanh long. Ngoài ra, tùy điều kiện thực địa có thể trồng thêm loại cỏ xung quanh gốc thanh long, giúp giữ ẩm, cố định chất đạm cho cây.
Tại Sơn La nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung, nhu cầu thanh long có xu hướng tăng vào các dịp mùng Một, hôm rằm. Vì vậy, vài vụ gần đây, thành viên HTX Ngọc Hoàng đã bàn nhau cách tính để thanh long đậu quả đúng dịp này, giúp tăng thêm giá trị cho sản phẩm. Qua nghiên cứu, từ lúc ra nụ đầu tiên cho đến lúc đậu quả rồi chín mất khoảng thời gian chừng 55 ngày. Trừ lùi đi, bà con có thể chủ động rải vụ để xuất bán sản phẩm theo từng đợt.
Tất nhiên để làm được, thì ngay khi thanh long ra nụ đầu tiên, người dân đã phải ước tính, nếu trái đó chín trước mùng một hoặc rằm, thì bắt buộc phải bẻ nụ đó đi và chỉ để đúng những nụ sẽ ra hoa, đậu quả như dự tính.
Cây thanh long đã bén rễ đất Mai Sơn được hàng chục năm. Từ thuở mới lên đất dốc, cây đã cho thấy sự phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây như có khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất thuận, nhất là chịu hạn, lượng mưa phân bổ đều trong năm. Tuy nhiên, cũng bởi điều này mà một số hộ gặp vấn đề là trái ra nhiều song đa số lại còi cọc, không đảm bảo mẫu mã, khối lượng.
Dần dà, chính những thành viên HTX Ngọc Hoàng truyền nhau kinh nghiệm rằng, mỗi cành chỉ nên để lại 1 - 2 quả. Cả trụ thanh long thay vì để cả trăm quả thì chỉ tập trung nuôi từ 15 - 20 quả, do đó cây có đủ dinh dưỡng, giúp quả đạt kích cỡ, màu sắc, trọng lượng của hàng loại 1, đồng thời từng bước đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chỉ nên bón 1 lần phân chuồng
Cây thanh long cần bám vào trụ nên việc chọn lựa và chuẩn bị trụ là điều hết sức cần thiết. Theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Sơn La, người dân nên xây trụ bằng bê tông, kích thước khoảng 15x15cm, dài 2,1 - 2,3m. Hiện nay, xu hướng là hạ thấp trụ xuống, nghĩa là sau khi chôn trụ xong còn cao trung bình 1,6 - 1,8m. Việc hạ thấp trụ nhằm mục đích giảm chi phí, ngoài ra trụ cao khiến việc chăm sóc trở nên khó khăn hơn, tốn nhiều công hơn. Phía trên trụ có 4 đoạn sắt dài 20 - 30cm được bẻ cong theo 4 hướng dùng làm giá đỡ cho thanh long.
Đặt từ 3 - 4 hom quanh trụ, trước khi dùng dao cắt bỏ túi bầu và đặt hom từ 0 - 5cm để tránh thối gốc do đất ẩm. Khi đặt hom cần đặt áp phần phẳng của hom vào mé trụ để sau này hom ra rễ và bám nhanh vào trụ. Sau khi đặt hom, bà con lưu ý buộc hom vào trụ để gió khỏi làm lung lay lúc đầu vì rễ trên không lúc này chưa phát triển.
Với những vùng thiếu nước, thanh long nên được trồng vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 5 - 6), vùng đất thấp có thể dịch thời vụ sang tháng 10 - 11. Đây là giai đoạn cuối mùa mưa, độ ẩm khá cao giúp cây sinh trưởng phát triển nhanh, đồng thời giúp cây tránh nguy cơ ngập úng.
"Thanh long của chúng tôi không chỉ nổi bật bởi độ ngọt vượt trội mà còn được khách hàng quốc tế yêu thích. Sau khi nếm thử sản phẩm, đa số đều chọn đặt hàng ngay tại chỗ vì quá ấn tượng", chị Nguyễn Thị Dung bày tỏ. Với giá bán tại vườn khoảng 16.000 đồng/kg, trừ hết chi phí một năm khu vườn 2ha của chị Dung cho lãi từ 400 đến 700 triệu đồng.
Thanh long trồng được trên nhiều loại đất khác nhau từ đất cát pha, đất phù sa, đất xám bạc màu, đất phèn, đất đỏ bazan, đất thịt... nhưng tốt nhất là trồng trên đất tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt, pH từ 5 - 7.
Khoảng cách trồng chủ yếu là 3x3m hoặc 3x3,3m, như vậy mật độ sẽ là 1.000 - 1.200 trụ/ha. Do thời gian đầu, cây cần nhiều nước tưới nên với những vùng đất cao, cần đặt vườn thanh long tại nơi có nguồn nước suối hoặc nước ngầm để tưới vào mùa khô. Trước khi đặt hom, phải đào âm xuống một khoảng quanh trụ chừng 20 - 30cm rồi bón lót.
Mỗi trụ tốt nhất là trồng 4 hom, mỗi mặt trụ 1 hom. Người dân có thể sử dụng đa dạng các loại phân để cây nhanh lớn, nhưng riêng phân chuồng thì chỉ cần bón 1 lần sau tỉa cành (khoảng tháng 11) và đây là loại phân quan trọng nhất, đặc biệt đối với các loại đất thiếu chất hữu cơ, giữ ẩm kém.
Là cây chịu hạn tốt, nhưng nắng hạn kéo dài dễ làm cây mất sức và giảm năng suất. Biểu hiện của cây thiếu nước là cành mới hình thành ít và phát triển rất chậm; hoặc cành bị teo lại và chuyển sang màu vàng; tỷ lệ rụng hoa ở các đợt hoa đầu tiên cao đều hơn 80%, quả nhỏ. Vì vậy, tùy theo ẩm độ đất, người dân có thể tưới nước từ 3 - 7 ngày/lần.
Năm thứ 2 sau trồng, bắt đầu tỉa nhẹ để tạo tán hình cây dù. Nếu chăm sóc tốt, đến cuối năm thứ 3, mỗi trụ sẽ có độ 100 cành. Với lượng cành dày đặc như vậy, người sản xuất tập trung tỉa cành, nhất là những cành già, hoặc đã cho trái một số vụ, giúp tán cây thông thoáng để đón nắng và tập trung dinh dưỡng nuôi cành mới.
Nên tập trung thu hoạch thanh long vào những ngày nắng, đặc biệt dụng cụ thu hoạch phải sắc bén, sạch sẽ. Quả sau khi cắt được đựng trong giỏ nhựa, nơi thoáng mát, phân loại sơ bộ và vận chuyển ngay về kho đóng gói, tránh để lâu ngoài vườn. Thời điểm thu hoạch tốt nhất là vào sáng sớm hoặc chiều mát để hạn chế tác động của ánh nắng gay gắt, giữ quả tươi lâu hơn và bảo đảm chất lượng bảo quản.
Khi tới khâu bảo quản, mỗi trái thanh long phải được kiểm tra kỹ lưỡng, bọc bằng bao PE có lỗ thông gió hoặc lưới polystyrene để tránh trầy xước trong quá trình vận chuyển. Mỗi thùng đóng gói phải chắc chắn cách ly hoàn toàn với các hóa chất và vật liệu gây ô nhiễm. Trọng lượng tịnh mỗi thùng đạt khoảng 5 - 5,2kg là đạt yêu cầu.