Đất trồng
Cây chanh leo thích hợp nhất là trồng trên đất bazan vàng đỏ hoặc nâu, giàu mùn, giàu dinh dưỡng, tưới tiêu thuận lợi (tránh trồng chanh leo trên các chân đất dễ bị ngập úng và đồi dốc trên 20 độ). Ruộng cần cày sâu 20 - 25cm, lên luống rộng 3,0 - 3,5m, cao 0,2 - 0,25m và thu gom, thiêu huỷ mọi tàn dư thực vật. Sau đào hố giữa luống, dài, rộng và sâu 60cm, đảm bảo mật độ trồng 800 - 1.000 cây/ha. Trồng mặt bầu chanh ngang với mặt luống và kín cổ rễ cây, nén nhẹ, tủ gốc và tưới đẫm nước
Thời vụ
Các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nên trồng chanh leo vào đầu mùa mưa (tháng 5 - 6), những nơi chủ động được nguồn nước tưới có thể trồng quanh năm.
Làm giàn
Có nhiều cách làm giàn cho chanh leo, nhưng đơn giản nhất là làm theo kiểu giàn mướp, dùng cột bê tông hoặc tre, gỗ vững chắc làm trụ. Cột có đường kính 10 - 20cm, dài 2,6 - 2,8m, chôn sâu xuống đất khoảng 60 - 80cm, cách nhau 4 - 5m, các cột góc phải có dây néo về 2 phía để chống đổ cho giàn. Chiều rộng giàn tuỳ theo diện tích trồng chanh. Dùng dây thép đường kính 3 - 4mm buộc nối các đầu cột với nhau. Sau dùng dây thép đường kính 1,5 -2mm giăng ngang, dọc để tạo ra các ô trên giàn có diện tích 0,8 - 1m2.
Khi cây chanh bắt đầu leo giàn, dùng các cọc tre đường kính 4cm chống mỗi cây một cọc, giữ cho giàn chanh chắc chắn. Thời kỳ chanh cho nhiều quả có thể chống thêm cột vào khoảng giữa các cột chính của giàn hoặc tại các vị trí giàn xung yếu.
Phân bón
Phân bón cho 1ha/chu kỳ 16 - 18 tháng gồm: Vôi bột 1.000kg, phân hữu cơ vi sinh 3.000kg, phân lân nung chảy Văn Điển 1.000kg, đạm Urê 550kg, KaliClorua 1.700kg. Bón 100% lượng vôi bột trước khi làm đất; lót hố trước trồng toàn bộ lượng phân hữu cơ vi sinh và phân lân. Bón thúc lần 1 (sau trồng 2 tháng) 50kg Urê + 300kg kali; bón thúc lần 2 (sau trồng 4 tháng) 100kg Urê + 300kg kali; lần 3 (lần cuối) sau trồng khoảng 5 tháng (khi chanh bắt đầu cho quả), bón hết số phân còn lại nhưng chia phân bón làm 2 lần cách nhau 20 ngày.
Cách bón: Đào rãnh cách gốc 1 - 1,2m rồi trộn đều các loại phân với nhau, rải xuống rãnh, lấp kín đất và tưới nước. Lưu ý, bón phân lần sau không được trùng lên vị trí đã bón phân lần trước. Thường xuyên nhổ sạch cỏ dại, tưới nước cho vườn cây khi thời tiết khô hạn. Khi cây chanh leo giàn nên kết hợp bón phân, làm cỏ và cắt tỉa để cây nhanh phân cành, nhanh ra hoa, đậu quả đạt tỷ lệ cao.
Cắt tỉa
Trong sản xuất chanh leo, cắt tỉa, tạo tán là kỹ thuật rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định năng suất quả cao hay thấp. Ở thời kỳ cây chưa lên giàn, cần ngắt bỏ hết chồi nách, chỉ để một thân chính, dùng dây nilon mềm buộc níu cho ngọn cây hướng lên giàn.
Khi cây chanh leo cách đỉnh cột giàn 20 - 25cm, bấm ngọn và dừng tỉa chồi nách để cây phát sinh các cành cấp 1, sau chọn giữ trên mỗi cây 5 - 6 cành cấp 1 khoẻ, không sâu bệnh, phân bố đều ra các hướng mặt giàn. Khi cành cấp 1 vươn dài khoảng 1m, tiếp tục bấm ngọn cho phát sinh các cành cấp 2, 3 và 4. Trong đó, chỉ để trên giàn các cành chính (cấp 1; 2) bám theo dây, cành phụ (cấp 2; 3 và 4) cho thõng xuống phía dưới mặt đất.
Khi cây chanh có quả, chọn để nuôi trên mỗi cành 5 - 6 trái chanh to cân đối, các quả khác cần cắt bỏ cùng các lá già cỗi, lá bị sâu bệnh nặng, lá phát triển quá rậm rạp và cắt tỉa những cành vô hiệu (không quả, không hoa hoặc ra hoa không đậu quả...). Đồng thời cắt bớt những ngọn cành thõng xuống tại vị trí cách quả chanh leo dưới cùng 2 mắt lá. Lần cắt tỉa này tiến hành vào lúc cây bắt đầu cho thu hoạch quả (4 - 5 tháng sau trồng).
Sau mỗi đợt thu hoạch quả, tiếp tục cắt tỉa hết những cành đã lấy quả, cành còi cọc, cành sâu bệnh, cành già, cành thõng sát đất, vị trí cắt cách gốc cành nhánh khoảng 10cm.
Kết thúc mùa thu hoạch quả vào cuối năm, phải đốn hết những cành rủ xuống phía dưới giàn và cành cấp 3, cấp 4 trên mặt giàn tại vị trí sát với điểm phân cành hoặc giàn dây thép để cây ra mầm nhánh mới cho lấy quả vụ kế tiếp. Sau cắt tỉa phải thu gom, thiêu huỷ triệt để tàn dư thực vật vừa cắt bỏ. Chú ý, cây chanh leo sinh trưởng, phát triển rất khoẻ, việc cắt tỉa cần tiến hành định kỳ hàng tuần để kích thích cây ra nhiều nhánh, cho nhiều quả vì chanh ra quả từ các cành nhánh.
Tưới nước
Cây chanh leo cần nhiều nước, nhất là ở giai đoạn ra hoa và mang quả, có điều kiện nên lắp đặt hệ thống tưới phun mưa hay nhỏ giọt cho vườn, nếu tưới rãnh cần để nước thấm đều lên mặt luống, đảm bảo đất vườn luôn đủ ẩm trong suốt quá trình cây sinh trưởng, phát triển. Tuy nhiên, cây chanh leo cũng rất sợ úng ngập, cần theo dõi thoát nước kịp thời cho vườn cây vào mùa mưa, tuyệt đối không để xảy ra úng ngập, gồm cả úng ngập cục bộ.
Phòng trừ sâu bệnh
Cây chanh leo bị khá nhiều loại sâu bệnh hại, trong đó có các bệnh do virus, vi khuẩn, tuyến trùng gây hại như thối rễ, héo rũ, cứng vỏ quả... chưa có thuốc trừ đặc hiệu. Để phòng ngừa, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình quản lý dịch hại tổng hợp – IPM trên cây ăn quả, chú ý chọn trồng cây giống có khả năng chống chịu bệnh tốt, thường xuyên cắt tỉa tạo độ thông thoáng cho giàn chanh, bón đúng và đủ lượng vôi bột, không luân canh, xen canh chanh leo với các cây dây leo thân thảo, phun trừ kịp thời môi giới truyền bệnh virus như rầy rệp, chỉ sử dụng các thuốc BVTV trong danh mục nhà nước cho phép dùng trên rau quả an toàn...
Thu hoạch
Khi vỏ quả chanh leo chuyển tư màu xanh sáng sang phớt hồng thi thu hái, tốt nhất hái quả đã chín sinh lý, vỏ quả mang màu tím. Cây chanh leo sau trồng khoảng 4 - 5 tháng sẽ cho thu hoạch, mỗi năm cho thu hái 6 - 7 lứa quả.
Có thể trồng xen chanh leo với lạc, đậu tương giữa các hàng cọc để tăng thu nhập, vừa cải tạo đất, tăng hiệu quả sản xuất. Áp dụng các giải pháp kỹ thuật này, HTX Ngọc Lương ở huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình đã trồng chanh leo cho năng suất quả đạt 40 tấn/ha, giá trị thu hoạch 480 triệu đồng/ha canh tác.