| Hotline: 0983.970.780

Đi tìm hào quang cho chanh leo [Bài cuối]: Cấp thiết củng cố, tổ chức liên kết sản xuất

Thứ Sáu 10/11/2023 , 06:00 (GMT+7)

GIA LAI Củng cố, tổ chức lại liên kết sản xuất là yêu cầu cấp thiết để chấm dứt tình trạng trồi sụt, mạnh ai nấy làm, đưa cây chanh leo vào quỹ đạo phát triển vững.

Những vườn chanh leo được đầu tư bàn bản, tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp vẫn chưa nhiều. Ảnh: Tuấn Anh.

Những vườn chanh leo được đầu tư bàn bản, tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp vẫn chưa nhiều. Ảnh: Tuấn Anh.

Nafoods - điểm sáng hiếm hoi trong liên kết sản xuất

Bài liên quan

Trong khi rất nhiều vườn chanh leo (chanh dây) bị phá bỏ do giá cả xuống thấp, dịch bệnh hoành hành thì đâu đó vẫn còn những vườn chanh được trồng bài bản, liên kết theo chuỗi giá trị với mục tiêu hướng đến xuất khẩu.

Được người bạn giới thiệu, chúng tôi có dịp được tham quan vườn chanh leo 1,6ha của gia đình anh Bùi Văn Toại (làng Thông Ngó, xã Ia Kênh, TP Pleiku, Gia Lai). Thoạt nhìn vườn chanh leo của anh Toại cứ ngỡ là khu du lịch sinh thái với không gian thiết kế rất bắt mắt. Vườn chanh leo được trồng ngay hàng thẳng lối, đều tăm tắp từ trên xuống dưới, trong ra ngoài. Trong khi đó, giàn khung vườn chanh được anh Toại gia cố bằng các trụ bê tông có thể sử dụng bền lâu theo thời gian. Phía dưới vườn chanh là hệ thống tưới phun mưa tận gốc được anh Toại đầu tư rất bài bản.

Hơn 4 năm trồng chanh leo, anh Toại đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm. Anh hiểu rằng, muốn chanh leo có thể xuất khẩu sang thị trường châu Âu, không còn cách nào khác phải trồng theo hướng hữu cơ.

Anh Toại cho biết, trước đây khi bắt đầu bước vào trồng chanh leo, gia đình anh tìm hiểu rất kỹ về các loại giống cũng như quy trình chăm sóc. Lúc đầu anh còn bỡ ngỡ, sau đó anh quyết định liên kết với Công ty Cổ phần Nafoods Group (Nafoods) để được hướng dẫn về quy trình chăm sóc cũng như việc lựa chọn cây giống.

Vườn chanh leo được chăm sóc bài bản của gia đình anh Bùi Văn Toại (làng Thông Ngó, xã Ia Kênh, TP Pleiku, Gia Lai). Ảnh: Tuấn Anh.

Vườn chanh leo được chăm sóc bài bản của gia đình anh Bùi Văn Toại (làng Thông Ngó, xã Ia Kênh, TP Pleiku, Gia Lai). Ảnh: Tuấn Anh.

Bài liên quan

“Thời điểm cuối năm ngoái, vườn chanh của gia đình có hơn 70% đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Có những ngày, gia đình thu hái được 1 tấn chanh thì chỉ có khoảng 40kg không đạt, còn lại đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu”, anh Toại nói và cho biết, để đạt yếu tố này, quy trình chăm sóc là yếu tố quan trọng nhất.

Nafoods là một trong những đơn vị tiên phong trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở "thủ phủ" chanh leo Gia Lai. Theo đó, Công ty đã đầu tư cơ sở sản xuất cây giống chanh leo với dây chuyền công nghệ hiện đại, có phòng kiểm định chất lượng cây giống trước khi đưa ra thị trường để trực tiếp cung ứng cho các đơn vị, HTX, nông dân liên kết sản xuất. Đồng thời hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật chọn

Bài liên quan

giống, quy trình chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm khi thu hoạch để phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Ông Hồ Hải Quân, Giám đốc vùng trồng Tây Nguyên thuộc Nafoods cho biết, tính đến hiện tại, đơn vị đã liên kết trồng chanh leo với 28 HTX, 2.000 nông hộ với hơn 2.200ha. Mục tiêu đến năm 2028, Nafoods sẽ mở rộng vùng chanh leo tại 4 tỉnh trọng điểm ở Tây Nguyên là Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với diện tích hơn 10.000ha.

Theo ông Quân, bà con nông dân hiện nay trồng chanh leo chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của mình mà am hiểu bài bản về kiến thức khọc kỹ thuật trong canh tác. Nafoods xác định đây cũng là cơ hội để giúp bà con nông dân xây dựng và áp dụng được quy trình kỹ thuật chuẩn trong sản xuất. Qua đó giúp người dân canh tác chanh leo bền vững, giảm thiểu được rủi ro do thiên tai dịch bệnh, cho năng suất ngày càng cao, chất lượng tốt, đặc biệt có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhà máy chế biến cũng như xuất khẩu quả tươi sang các thị trường có giá trị cao.

Chanh leo được chăm sóc bài bản sẽ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu và hiện vẫn được thu mua với giá khá cao. Ảnh: Tuấn Anh.

Chanh leo được chăm sóc bài bản sẽ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu và hiện vẫn được thu mua với giá khá cao. Ảnh: Tuấn Anh.

Bài liên quan

Theo đó, đội ngũ kỹ thuật của Nafoods sẽ tư vấn cho người dân cách trồng, chăm sóc và có thể dự báo được thời điểm có nguy cơ xảy ra các dịch bệnh, cách thức thu hái để cây chanh leo mang lại hiệu quả cao nhất. Khi đó, giá chanh leo có xuống thấp thì người dân cũng không bị thiệt hại nhiều, dẫn đến thua lỗ.

“Đối với các thị trường xuất khẩu như châu Âu, Mỹ rất khắt khe về chất lượng, nếu bà con kiểm soát tốt vùng trồng, nhất là đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì có thể đa dạng hóa kênh tiêu thụ sản phẩm chanh leo. Trên cơ sở đó, người dân mới có sự ổn định về giá cả và tiêu thụ, yên tâm gắn bó với cây chanh leo”, ông Quân chia sẻ.

Để hỗ trợ người dân trồng chanh leo sản xuất ổn định, bền vững, ngành nông nghiệp Gia Lai đã đẩy mạnh công tác khuyến nông, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, người dân dân thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chanh dây xuất khẩu, tạo mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Dân bỏ trồng, nhà máy có cũng như không!

Ông Nguyễn Tấn Công, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) cho rằng, có 2 vấn đề khiến chanh leo rớt. Thứ nhất, nông dân trồng chanh leo không theo quy hoạch, tăng diện tích quá nhanh trong thời gian ngắn dẫn đến sản lượng tăng vọt và dư thừa. Thứ hai, hệ thống nhà máy chế biến sâu, chiết dịch hay thành phẩm vẫn chưa đủ lớn để đáp ứng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhất là khi tỉ lệ chanh leo không đạt yêu cầu để xuất khẩu quả tươi và phải dồn sang cho chế biến rất lớn.

Nafoods đang liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến chanh leo tại các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh.

Nafoods đang liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến chanh leo tại các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh.

Bài liên quan

“Thời gian tới, chúng ta cần phải quy hoạch lại vùng trồng một cách rõ ràng, cụ thể. Những vùng nào thích hợp trồng chanh leo, cho năng suất, chất lượng ổn định thì khuyến khích bà con làm, không nên phát triển nóng về diện tích. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng hệ thống logistics, cũng như xây dựng nhà máy chế biến sâu với công suất đủ lớn để đáp ứng được sản lượng chanh dây của người dân. Có như vậy mới giải quyết được bài toán dư thừa chanh dây, cũng như việc giá cả lên xuống phập phù như hiện nay”, ông Công chia sẻ.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai thì đánh giá, việc phát triển các vùng chanh leo chưa đồng đều, cộng với việc liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ là nguyên nhân dẫn đến giá cả không ổn định.

Chính vì vậy, để phát triển bềnh vững cây chanh leo, yếu tố quan trọng nhất là thị trường. Việc này chỉ có các doanh nghiệp mới có thể nhận định được thông tin để định hướng cho người dân sản xuất. Tuy nhiên, yếu tố thị trường lâu nay vẫn đang còn yếu.  

Bên cạnh đó, ngành hàng chanh leo cần phải được tổ chức một cách chặt chẽ, bền vững hơn nữa về mối quan hệ sản xuất. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp trong phát triển vùng nguyên liệu là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải xác định nếu đã có thị trường ổn định thì phải xây dựng vùng trồng đạt chuẩn, tạo ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu. Nếu không, chính doanh nghiệp sẽ bị khủng hoảng về nguồn nguyên liệu.

Để chanh leo phát triển bền vững, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải tổ chức, củng cố lại mối liên kết sản xuất. Ảnh: Tuấn Anh.

Để chanh leo phát triển bền vững, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải tổ chức, củng cố lại mối liên kết sản xuất. Ảnh: Tuấn Anh.

“Doanh nghiệp cần phải liên kết với người dân thông qua HTX, với sự đồng hành của chính quyền, cơ quan chuyên ngành về nông nghiệp để sản xuất chanh leo được quản lý tốt về mã số vùng trồng, đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng mà doanh nghiệp đang cần. Phía cơ quan nhà nước sẽ hỗ trợ các hoạt động chứng nhận để từ đó chuẩn hóa được vùng trồng, kiểm soát được giống, vật tư đầu vào, thuốc bảo vệ thực vật… nhằm giúp cây chanh leo phát triển, cho chất lượng và năng suất tốt nhất”, ông Nghĩa chia sẻ.

Cũng theo ông Nghĩa, nếu khắc phục được những vấn đề trên, cơ quan nhà nước cùng với doanh nghiệp sẽ có thông tin đầy đủ hơn để định hướng phát triển vùng chanh leo bền vững.

Trong tháng 11/2023, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp tổ chức Diễn đàn “Nhận diện thực trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu chanh leo và giải pháp phát triển ngành hàng chanh leo bền vững”. Trong khuôn khổ Diễn đàn, sẽ ra mắt Ban Vận động Hiệp hội Chanh leo tỉnh Gia Lai. Diễn đàn diễn ra trực tiếp tại tỉnh Gia Lai và trực tuyến đến khoảng 500 điểm cầu trong cả nước. 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.