Khu "căn cứ địa”
Cái bể xi măng nhỏ này anh trước chuyên bắt ốc bươu vàng thả vào rồi bỏ bả mồi để theo dõi chúng ăn và chết ra sao, cái bể bạt lớn chuyên dùng xử lý giống. Còn phòng lab là một cái tủ kính nhỏ chuyên xử lý vi sinh, chiếc máy trộn nhỏ để xử lý bả ốc. Mọi nghiên cứu của Lương Văn Trường - Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương có địa chỉ ở xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng, Nam Định) đều được thực hiện trong khuôn viên căn nhà này rồi mới thử nghiệm ngoài đồng.
Suốt 6 năm lăn lộn với nông nghiệp, doanh thu hàng năm tới 1,8 tỉ đồng nhưng anh thú thực mãi tận vụ mùa năm 2023 khi giá lúa cao đột biến mới bắt đầu có lãi, trả được 80% nợ.
"Nếu tính riêng sản xuất lúa thì em vẫn có lãi nhưng vì chi cho hoạt động nghiên cứu nhiều mà thành ra lỗ. Lỗ nhất là giai đoạn 2018 - 2019 bởi thời tiết bất thuận, em tham làm trên diện tích lớn, quản trị không hết dẫn đến mất mùa như 27 mẫu ở xã Tân Thịnh huyện Nam Trực không đậu nổi một hạt. Tí nữa em đã bỏ cuộc nếu không tình cờ phát hiện ra công nghệ giống nảy mầm siêu tốc.
Chuyện là, năm 2018 La Nina nên trời mưa suốt, cứ gieo giống xong là chết, gieo giống xong là chết, em phải đổ cho vịt ăn nhiều đến nỗi chúng còn ngán không muốn ăn nữa. Tình cờ khi quét những hạt giống đã nảy mầm bị bỏ khô ở góc tường ra chỗ bị ẩm thấy chúng vẫn mọc mầm trở lại, tuy nhiên khả năng hồi sinh chỉ duy trì được trong 1 tuần.
Khi đang tìm hiểu lý do, em mang hạt giống đi nhờ các thầy cô ở Khoa Nông lâm của trường Đại học Đà Lạt phân tích tất cả các chất dinh dưỡng, các enzim trong hạt thì phát hiện ra một hoạt chất giúp cho mầm có thể tồn tại nhưng chỉ một thời gian vì nội sinh của hoạt chất này trong hạt giống rất ít. Em tăng cường bằng việc bổ sung hoạt chất này từ bên ngoài vào, giúp thời gian bảo quản của hạt giống đã nảy mầm lên 6-12 tháng”.
2018 cũng là năm khủng hoảng của Trường. Vụ lúa đầu lãi được 180 triệu, bằng 2 năm lương của Phó chủ tịch xã ở vùng miền núi theo chế độ thu hút nhưng vụ lúa thứ hai lụt lại mất trắng. Dù công nghệ giống cho giống ngủ rồi nảy mầm siêu tốc chưa mang lại hiệu quả tài chính ngay nhưng tiếp thêm sự tự tin cho anh để không phải bỏ ngang nghề nông…
Đang trò chuyện thì bỗng nhiên một cuộc gọi tới, Trường dừng lại nghe rồi mặt bỗng rạng rỡ hẳn. Chỉ vào những cái ảnh mới nhận qua zalo, anh cho biết một chủ trang trại ở tỉnh Bình Phước vừa thông báo số cây bơ sắp chết nhưng sau hơn 1 tuần phun đạm ốc của anh đã thấy bật chồi. Ngoài 50 ha bơ ở tỉnh Bình Phước đang sử dụng đạm ốc, chế phẩm này còn đang thử nghiệm cho hơn 80 ha thanh long ở tỉnh Bình Thuận, cũng rất hứa hẹn.
Tình cờ nối tiếp tình cờ
Khi trồng lúa Trường vấp phải vấn đề nan giải của nông dân là ốc bươu vàng. Bản thân anh là người rất khỏe nhưng khi xử lý ốc bươu vàng bằng thuốc hóa học, lội xuống ruộng dù đi ủng nhưng chỗ da nào tiếp xúc với nước liền phù nề ngay. Tình cờ trong lần làm việc với một chuyên gia Hà Lan, ông gợi ý trên thế giới có một số đơn vị sản xuất bả diệt ốc sên bằng nguyên liệu hữu cơ, đầu anh bỗng lóe lên một ý tưởng.
Sau khi tìm ra hoạt chất có trong hạt na hay hạt cây bình bát tương tự như chế phẩm của ngoại, anh trộn thành bả diệt ốc bươu vàng theo công thức riêng với cơ chế làm cho chúng ngộ độc rồi chết. Ngoài ra anh còn sáng tạo một loại bả khác sử dụng một hoạt chất cũng rất an toàn dựa trên cơ chế gây tiêu chảy, xuất huyết cho ốc bươu vàng sau 4-5 ngày ăn phải. Cả hai bả thử trên quy mô hàng chục ha của mấy nông trại qua 5 vụ lúa đều hiệu nghiệm.
“Bản thân con ốc chỉ cần ăn một viên bả dù to hay nhỏ cũng sẽ chết, nhưng do máy ép viên nhỏ trị giá tới 1 tỉ đồng nên em đang tận dụng máy ép cám thành ra viên kích thước to. Bởi thế, cần phải rắc 1 kg bả cho 1 sào khi sạ cùng giống hay lúc vừa mới cấy, tính ra mất trên 20.000đ, đắt hơn khoảng 30% so với thuốc trừ ốc hóa học.
Nguyên liệu làm bả toàn những thứ thân thiện, dễ kiếm, giờ vướng mắc nhất chỉ là mua máy ép viên nhỏ hơn, nếu có sẽ hạ giá thành tương đương với thuốc trừ ốc hóa học. Mấy hôm trước em để bả ốc vào một cái xô, bố ở nhà tưởng nhầm là cám cò nên đã cho gà ăn nhưng chẳng con nào chết. Bả đó cho chó, mèo, cá ăn cũng không chết mà chỉ có tác dụng với ốc bươu vàng, ngay cả ốc bươu đen, ốc vặn cũng chẳng bò đến ăn vì không bị dẫn dụ…
Đợt rồi em bảo vệ đề tài khoa học cấp huyện cho bả diệt ốc bươu vàng, mấy anh trong hội đồng bảo nếu nó có tính dẫn dụ tốt như thế thì tại sao lại để ốc chết ngoài ruộng, dẵm vào cho rách chân? Chi bằng gom lại một chỗ mà bắt, mà diệt? Em mới nghĩ, nếu đã gom lại một chỗ rồi thì chế biến ốc bươu vàng thành phân bón sẽ lợi hơn. Thế là loại bả chuyên dẫn dụ ra đời để bắt ốc sống rồi thủy phân thành phân bón ra đời bằng cách loại bỏ độc tố trong bả diệt ốc”.
Liên quan đến việc thử nghiệm thủy phân ốc bươu vàng làm phân bón của Trường cũng lắm chuyện cười ra nước mắt. Số là ốc bươu vàng sau khi dùng bả dẫn dụ, bắt được anh thu gom với giá 2.500đ/kg mang về nhà để ủ với vi sinh nhưng mùi khiếp quá khiến bố chửi nguyên cả một tuần, còn hàng xóm thì khó chịu ra mặt. Ngại quá anh mới quyết định bê những thùng ủ ra bãi rác để thực hiện tiếp.
Ngoài say mê sáng chế anh còn tỏ ra đặc biệt hứng thú với việc bảo tồn những giống cây bản địa. Tôi hỏi tại sao thì anh kể, năm đầu tiên khi làm Phó Chủ tịch xã Lử Thẩn của huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã đưa ngay một công nghệ mới về là trồng nấm sò trên thân và lõi ngô, quy mô nhỏ và sản phẩm đủ cấp cho học sinh nội trú ăn. Sau khi thành công, anh mở rộng ra thì lại thất bại hoàn toàn vì kỹ thuật cao quá nên dân không “với” tới được. Cũng từ việc tham gia chương trình của các tổ chức phi chính phủ mà nhất là Oxfam, anh nhớ mãi một câu là “khai thác tối đa nguồn tài nguyên bản địa”.
Từ đó anh không thử nghiệm một cái gì mới ở xã mà chỉ khai thác và nâng tầm những gì có sẵn ở đấy như cây mận Tả Van chẳng hạn. Bởi thế khi về quê làm nông năm 2017, anh trồng Bắc Thơm số 7, một giống lúa thuần Trung Quốc để làm thương mại mà vẫn trăn trở với những giống lúa bản địa của Việt Nam. Anh về các xã Hải Đường, Hải Toàn, Hải An của huyện Hải Hậu, rồi sang xã Xuân Đài của huyện Xuân Trường sưu tầm giống tám xoan về phục tráng nhưng không thể làm gì được bởi chất lượng gạo quá kém.
Tiếp tục anh nghiên cứu giống dự hạt tròn ở xã Nam Mỹ (TP Nam Định) nhưng rất tiếc nó chỉ hợp ở chân vàn cao, đất pha cát trong khi dưới quê mình là chân trũng, còn giống dự râu xưa thích hợp thì đã mất tích rồi nên muốn nhờ Trung tâm Tài nguyên Thực vật nếu có thì cho xin một ít về trồng.
Anh lại tìm tẻ râu của tỉnh Lai Châu, Séng Cù của tỉnh Lào Cai mất 1-2 năm mà mãi không được. Sực nhớ mình có mạng lưới rất lớn anh em ở các tỉnh trong 2 nhóm gồm dự án 600 Phó chủ tịch xã và đưa 500 tri thức trẻ về xã nên liên hệ thì tìm được ngay. Hồ hởi anh đem tẻ râu về trồng thử nhưng không thành, còn giống Séng Cù trồng trên đất mới thì tuy năng suất cao, ăn ngon nhưng hạt gạo lại trắng như nếp nên tính thương mại khó...
Trường thú thực đag theo đuổi nhiều thứ quá nên phải có thứ tự ưu tiên. Trước hết là công nghệ hạt giống nảy mầm siêu tốc. Thứ hai là cấy lúa không cày bừa. Thứ ba là đạm thủy phân từ ốc bươu vàng. Thứ thứ tư mới là bả diệt ốc hữu cơ nhưng hiện chưa muốn truyền thông, phần chờ bảo vệ bản quyền, phần đang thiếu vốn để mua máy ép viên nhỏ. Đầu xuân, tôi xin chúc cho những ước vọng của chàng trai ngoài 30 tuổi ấy được thành công như đã định.