Thứ Hai 08/07/2024 , 17:43 (GMT+7)

Nơi làm ra sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của Sơn La

Thứ Hai 08/07/2024 , 17:43 (GMT+7)

HTX Bích Thao là nơi đầu tiên ở Sơn La có sản phẩm OCOP 5 sao, đó là cà phê bột nguyên chất được làm từ hạt cà phê chè đặc sản.

 

Sơn La hiện nay có gần 21.000ha trồng cây cà phê. Đặc biệt, khác với thế mạnh phổ biến của Việt Nam là cà phê vối (robusta), ở Sơn La đa phần chỉ trồng cà phê chè (arabica), có hương vị độc đáo và giá trị kinh tế cao hơn so với cà phê vối. Nguyên nhân là từ hàng chục năm trước, người Pháp đã nghiên cứu khí hậu, địa chất và lựa chọn Sơn La là nơi phát triển giống cà phê chất lượng cao này.

 

Trong số 5.072ha trồng cà phê chè của thành phố Sơn La, HTX Cà phê Bích Thao có khoảng 150ha, bao gồm cả diện tích của thành viên HTX cũng như lượng liên kết với người dân. Nằm ở bản Hoàng Văn Thụ, nhà xưởng chế biến của HTX lọt thỏm giữa những cánh đồng cà phê trải dài trên cả những sườn đồi và vùng thung lũng bằng phẳng phía Tây Nam thành phố Sơn La. Xung quanh nhà xưởng là vùng nguyên liệu với những cây cà phê chè cao chỉ ngang ngực người, đang kỳ ra quả.

 

Khởi nghiệp với nghề cơ khí nhưng lại thành công với cà phê, Giám đốc HTX Nguyễn Xuân Thao (SN 1962) là người rất tâm huyết với cây trồng đặc biệt này, ông có thể ngồi nói chuyện hàng tiếng về cà phê chè. Theo ông Thao, Sơn La có hệ thống núi non trùng điệp, bao quanh các thung lũng, cao nguyên, khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ nên rất thích hợp để trồng và phát triển cà phê chè.

 

Cà phê chè ở Sơn La được trồng trên những vùng đất dốc trước đây chỉ để canh tác một số loại cây ngắn ngày, không còn hiệu quả về kinh tế. Độ cao lý tưởng cho cà phê chè là từ 900 - 1.200m so với mực nước biển. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Sơn La đã tạo nên loại cà phê đặc sản có chứa đến 700 - 800 mùi hương khác nhau, có thể tạo ra từ những công thức rang khác nhau. Đó có thể là mùi mật ong, mùi dâu, mùi hoa quả nhiệt đới, thậm chí đến mùi sầu riêng cũng có thể rang ra được.

 

Tính riêng với cà phê chè, hiện nay Sơn La là địa phương có diện tích lớn nhất cả nước và sản lượng ước tính hàng năm vào khoảng trên 35.000 tấn. Tâm huyết với cây cà phê, mong muốn nâng cao giá trị cho nông sản này, năm 2017, ông Nguyễn Xuân Thao cùng với 11 hộ dân của bản Hoàng Văn Thụ liên kết lại, thành lập HTX với quy mô ban đầu chỉ 50ha. Hiện nay, sản phẩm đưa ra thị trường của HTX Bích Thao rất đa dạng, từ cà phê nhân, cà phê hạt đã rang, cà phê bột, cà phê hòa tan và trà vỏ cà phê.

 

Hiệu quả lớn nhất kể từ khi thành lập HTX, theo ông Thao đó là tạo ra được sự đồng đều, nhất quán từ quá trình sản xuất cho đến chế biến, kiểm soát chất lượng hạt cà phê, do vậy mà nâng cao được giá trị sản phẩm. Nhờ cơ duyên với những "người thầy" về cà phê ở nhiều nước trên thế giới, vị giám đốc tuổi ngoài 60 này đã học được cách chế biến những hạt cà phê chè Sơn La theo cách tối ưu nhất.

 

"Nếu như trước đây, bà con làm theo kinh nghiệm, thu hái, lên men không có công thức, không có quy định thì HTX đã giải quyết được vấn đề này. Tùy theo từng thị trường, từng yêu cầu mà chúng tôi có cách lên men khác nhau, thời gian khác nhau để tạo ra sản phẩm chất lượng nhất", ông Nguyễn Xuân Thao chia sẻ. Theo ông, quy trình lên men của cà phê ở HTX Bích Thao được mô phỏng theo chu trình tiêu hóa của con chồn, loài vật tạo ra được loại cà phê đặc sản "cà phê chồn".

 

Không chỉ dừng lại ở phương pháp chế biến, nhận thức sớm yêu cầu về tiêu chuẩn của các thị trường cao cấp như các quốc gia châu Âu, ông Thao đã cùng bà con HTX tổ chức sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ. Quy trình thu hái, sơ chế sau đó cũng có những yêu cầu riêng để có thể đảm bảo được lượng đường tự nhiên cũng như các phẩm chất của cà phê đặc sản. Trong ảnh là những gói cà phê với màng lọc đóng sẵn để xuất khẩu sang thị trường Đức. Theo ông Thao, nếu tính ra tiền Việt Nam, mỗi gói cà phê tương đương 1 cốc này có giá vào khoảng 180.000 đồng.

 

Bên cạnh các loại cà phê thành phẩm, nhờ chăm chỉ tìm tòi, học hỏi, HTX Bích Thao đã sản xuất được loại trà từ vỏ cà phê chè. Đây là sản phẩm phái sinh của quá trình sản xuất cà phê nhưng có nhiều vitamin với vị ngọt tự nhiên và có tác dụng chống lão hóa. Giám đốc HTX cho biết, sau khi chế biến thành trà vỏ cà phê, giá bán là 1,8 triệu đồng/kg.

 

Từ 11 hộ dân ban đầu, đến nay HTX Bích Thao đã mở rộng liên kết đến hơn 800 nông hộ để thu mua, chế biến và kinh doanh cà phê chè đặc sản Sơn La. Trong đó, 97% lượng sản phẩm của HTX được xuất khẩu đi các thị trường cao cấp như Đức, Anh, Mỹ, Nhật Bản..., phần còn lại được tiêu thụ trong nước. Với hướng đi đúng, sau 3 năm thành lập, năm 2020, cà phê của HTX Bích Thao được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh, năm 2022 được chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Thời điểm đó, đây là nông sản duy nhất của tỉnh Sơn La được vinh danh sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Tags:
Tags:

Tin khác

Biến phế phẩm từ quả điều thành đặc sản chay xuất khẩu

Biến phế phẩm từ quả điều thành đặc sản chay xuất khẩu

Tây Ninh Với phương châm đưa thực phẩm chay ra thế giới, Công ty Vương Ngọc Vegan đã biến những quả điều, loại quả được xem như phế phẩm trong nông nghiệp, thành nước mắm chay hảo hạng.

Không gian kết nối  - 19/12/2024
Biến rác hữu cơ thành phân hữu cơ quy mô nông hộ

Biến rác hữu cơ thành phân hữu cơ quy mô nông hộ

Theo các chuyên gia, nếu biết tận dụng lượng chất thải hữu cơ trong sinh hoạt biến thành phân bón hữu cơ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường cho nhiều nông hộ.

Không gian kết nối  - 19/12/2024
Lợi nhuận ‘khủng’, giảm ô nhiễm nhờ đệm lót sinh học

Lợi nhuận ‘khủng’, giảm ô nhiễm nhờ đệm lót sinh học

Bà Rịa - Vũng Tàu Nhờ làm phân hữu cơ từ đệm lót sinh học, Công ty Trang Linh đang chứng minh được hiệu quả kinh tế và sự đúng đắn trong triết lý nông nghiệp tuần hoàn.

Không gian kết nối  - 18/12/2024
Từ phụ phẩm dừa thành hàng xuất khẩu triệu đô

Từ phụ phẩm dừa thành hàng xuất khẩu triệu đô

Than dừa được làm chủ yếu từ gáo dừa - một phụ phẩm của ngành dừa. Xuất khẩu than dừa nói chung đang ngày càng tăng, mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước.

Không gian kết nối  - 18/12/2024
Xơ mướp thành hàng xuất khẩu cao cấp đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao

Xơ mướp thành hàng xuất khẩu cao cấp đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao

Từ xơ mướp, những bạn trẻ Đồng Tháp đã sáng tạo thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao, được thị trường đón nhận, đã xuất khẩu đi nhiều nước như Nhật, Hàn, Mỹ, EU...

Không gian kết nối  - 17/12/2024
Bã sắn cứu cánh ngành chế biến tinh bột

Bã sắn cứu cánh ngành chế biến tinh bột

Từ một phế phẩm tưởng chừng vô giá trị, bã sắn tại Tây Ninh đã trở thành nguồn thu quan trọng cho các doanh nghiệp chế biến tinh bột.

Không gian kết nối  - 17/12/2024