| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ phụ nữ trồng cà phê Sơn La thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ Hai 25/03/2024 , 15:16 (GMT+7)

Dự án SURE, được triển khai trong 3 năm, đặt mục tiêu đa dạng nguồn thu nhập, cải thiện quy mô canh tác và tiếp cận thị trường cho người nông dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm vườn cà phê của HTX Bích Thao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm vườn cà phê của HTX Bích Thao.

Cười không ngớt về niên vụ cà phê 2023 - 2024 được mùa được giá, chị Cầm Thị Mòn ở xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết, gia đình cùng bà con trong vùng đã chuyển đổi từ nương trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cà phê từ hàng chục năm nay.

Đến nay, các hộ đã cơ bản thuần thục quá trình canh tác, duy trì mức năng suất trung bình từ 10 - 12 tấn/ha mỗi năm. Đầu vụ này, thương lái vào hỏi mua với giá 10.000 - 11.000 đồng/kg cà phê tại vườn, chị đã rất vui bởi giá cao hơn mùa vụ trước 2.000 - 3.000 đồng/kg. Không ngờ, cà phê tiếp tục tăng giá tới cuối vụ thu hoạch.

Giai đoạn khoảng giữa tháng Chạp (cuối tháng 1/2024), giá cà phê đạt đỉnh 15.000 đồng/kg tươi, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Nhờ vậy, kinh tế của gia đình chị và nhiều hộ canh tác cà phê xung quanh ngày càng khấm khá.

Cà phê được xác định là một trong những nông sản mũi nhọn của Sơn La. Sở NN-PTNT tỉnh thống kê, địa phương hiện có khoảng 20.000ha cà phê, trồng tập trung tại huyện Mai Sơn (hơn 8.500ha) và Thuận Châu (gần 6.000ha), còn lại rải rác ở TP Sơn La, Yên Châu và Sốp Cộp. Sản lượng cà phê nhân của Sơn La ước khoảng 35.000 tấn.

So với Tây Nguyên, cà phê tại Sơn La là loại arabica (cà phê chè), có vị chua nhẹ, không hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước, nhưng có giá trị xuất khẩu cao sang các quốc gia châu Âu.

Sơn La đã xây dựng thành công thương hiệu cà phê bột nguyên chất của HTX Bích Thao. Đây là sản phẩm OCOP 5 sao duy nhất của tỉnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế đón nhận.

Chị Cầm Thị Mòn ở xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn bên vườn cà phê.

Chị Cầm Thị Mòn ở xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn bên vườn cà phê.

Có nhiều tiềm năng nhưng trong các năm qua, hoạt động canh tác cà phê tại Sơn La bị ảnh hưởng nhiều bởi các hiện tượng thời tiết bất thường như nhiệt độ tăng cao, lượng mưa không đều, khiến cho năng suất canh tác và thu nhập của nông hộ phải đối mặt với nhiều diễn biến bất lợi.

Sơn La hiện vẫn là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, ở mức 23,9% (theo Tổng cục Thống kê năm 2022). Bên cạnh đó, 85% dân số Sơn La là người dân tộc thiểu số, với kinh tế phần lớn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.

Xác định được điều này, thông qua chương trình Origin Grants của Quỹ Starbucks, CARE Việt Nam phối hợp Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sơn La triển khai Dự án SURE (Phát triển sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số trồng cà phê tại Sơn La).

Được triển khai trong 36 tháng tại 4 xã thuộc huyện Thuận Châu và Mai Sơn, Dự án SURE sẽ thiết kế các can thiệp nhằm tăng khả năng quyết định của phụ nữ, hướng tới tăng thêm lợi ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng của họ.

Cách tiếp cận này giúp phụ nữ có thêm năng lực quản lý các nguồn lực, tài sản và cơ hội kinh tế một cách bình đẳng, cũng như tạo ra những thay đổi lâu dài về chuẩn mực xã hội và cơ cấu kinh tế.

Bà Kelly Goodejohn, Giám đốc phụ trách các hoạt động Tác động xã hội của Starbucks cho biết: “Chúng tôi mong muốn hỗ trợ phụ nữ trong các cộng đồng trồng cà phê, chè và ca cao, với mục tiêu tạo cơ hội và giúp họ cải thiện cuộc sống. Chúng tôi hiểu rằng, khi đầu tư vào một phụ nữ, khoản đầu tư đó sẽ tạo tác động lan tỏa và kết quả tích cực cho gia đình cô ấy và cộng đồng xung quanh”.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La và CARE Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La và CARE Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác.

Trong 3 năm thực hiện, Dự án SURE đặt mục tiêu tiếp cận và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ cho 1.500 nữ nông dân thuộc các cộng đồng dân tộc ít người tại hai huyện Thuận Châu và Mai Sơn ở tỉnh Sơn La.

Ông Lê Xuân Hiếu, Quản lý Chương trình Nông thôn của CARE Việt Nam cho biết, cách tiếp cận của dự án sẽ tập trung vào 3 khía cạnh: Đa dạng nguồn thu nhập, cải thiện quy mô canh tác và tiếp cận thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Về lâu dài, Dự án SURE hướng tới gia tăng nguồn lực tại chỗ, giúp cộng đồng địa phương, đặc biệt là phụ nữ, có thể thực hiện các hoạt động sinh kế hiệu quả và tự chủ trong môi trường sống của mình”, ông Hiếu bày tỏ.

Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ có vai trò lớn trong kinh tế gia đình. Tuy nhiên, ngoài gánh nặng này, họ phải chịu nhiều tác động khác như chăm sóc gia đình, lấy củi...

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La coi các giải pháp của Dự án SURE như một phần lời giải cho bài toán đa dạng hóa các hoạt động sinh kế, cải thiện khả năng tự lực của cộng đồng trồng cà phê tại địa phương.

“Chúng tôi nhận thức sâu sắc về tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp. Sơn La đã giới thiệu cho người nông dân nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tế. Chúng tôi hoan nghênh Dự án SURE giúp người dân có thêm lựa chọn và phát triển bền vững hơn trong bối cảnh hiện nay", bà nhấn mạnh.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.