| Hotline: 0983.970.780

Cà phê Sơn La được mùa, giá cao chưa từng thấy

Thứ Hai 26/02/2024 , 08:55 (GMT+7)

Tới cuối mùa thu hoạch, giá cà phê chè ở Mai Sơn (Sơn La) đạt đỉnh 15.000 đồng/kg tươi, tăng gần gấp 2 lần so với niên vụ năm 2022 - 2023.

Ông Lò Văn Khánh ở bản Lam, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn (Sơn La) kể, trồng cà phê từ năm 2008 nhưng chưa thấy khi nào thấy cà phê được mùa, được giá như niên vụ 2023 - 2024 mới đây. Đầu vụ bán được 10.000 - 11.000 đồng/kg cà phê tại vườn, ông Khánh đã rất vui vì giá cao hơn mùa vụ trước 2.000 - 3.000 đồng/kg. Không ngờ, giá cà phê tiếp tục tăng đều đặn, tới cuối mùa thu hoạch (30/1/2024) đạt đỉnh 15.000 đồng/kg tươi, tăng gần gấp 2 lần so với niên vụ năm 2022 - 2023.

Người dân Sơn La phấn khởi nhờ cà phê được mùa, được giá. Ảnh: Hải Tiến.

Người dân Sơn La phấn khởi nhờ cà phê được mùa, được giá. Ảnh: Hải Tiến.

Vụ vừa rồi, ông Khánh cũng có 1ha cà phê cho thu hoạch gần 20 tấn quả, bán được 230 triệu đồng, cao hơn vụ cà phê năm trước 7 tấn quả về năng suất và 70.000 triệu đồng về trị giá sản lượng. Nhờ đó, ông có dư tiền sang tận xã Chiềng Nơi cách nhà 50km để thuê đồi trồng thêm 2ha cà phê. Theo ông Khánh, so với cây sắn và cây lúa, trồng cà phê luôn cho thu nhập cao gấp nhiều lần.

Ông Khánh cho biết, để trồng cà phê cho năng suất quả cao, ông phải chọn những khu đồi không quá dốc, tầng canh tác dày, đất có màu vàng đỏ, thuận tiện cho thiết kế đường đồng mức để đi lại trồng, chăm sóc và thu hái cà phê. Đặc biệt, vùng trồng cà phê phải có điều kiện thời tiết tương tự như xã Chiềng Chung và chọn trồng giống cà phê chè TN2 đầu dòng, chăm bón bằng các loại phân tổng hợp giàu canxi (vôi) và magie (MgO) như NPK Văn Điển, vì đất đồi ở đây thường có độ chua khá cao.

Cùng xã Chiềng Chung, ông Lò Văn Khải trồng 1,5ha cà phê, thu hoạch được 36 tấn quả, doanh thu 450 triệu đồng, lãi 230 triệu đồng. Ông Khải cho biết, trồng cà phê cơ bản chỉ tốn công chăm sóc và thu hái, bao tiêu đã có thương lái đến mua tận vườn. Ông Khải cũng rất muốn mở rộng diện tích trồng cà phê, nhưng quỹ đất của gia đình và tại địa phương không còn, đi thuê nơi khác thì chưa sắm được xe ô tô nên phải đẩy mạnh thâm canh vườn cà phê đang có và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thu nhập.

Ông Hà Văn Phấn, Trưởng bản Lam (xã Chiềng Chung) cho biết, cây cà phê được trồng ở đây từ hơn nửa thế kỷ trước nên hầu như hộ nào tại địa phương nào cũng có đồi cà phê, tổng diện tích cà phê toàn xã ước đạt trên 700ha. Ngoài ra, các hộ vẫn có ruộng gieo cấy lúa và trồng kinh doanh rau xanh các loại. Nhờ vậy, không ít gia đình trong xã đã mua được ô tô làm dịch vụ vận tải hoặc chở khách du lịch, kết hợp thuê, nhượng thêm đất cho trồng cà phê ở những xã vùng sâu, xa hơn.

Vườn cà phê của ông Lò Văn Khánh (bản Lam, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn) cây nào quả cũng sai trĩu cành. Ảnh: Hải Tiến.

Vườn cà phê của ông Lò Văn Khánh (bản Lam, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn) cây nào quả cũng sai trĩu cành. Ảnh: Hải Tiến.

Sở dĩ cây cà phê chè (Arabica) trồng ở huyện Mai Sơn có thể cho thu hoạch muộn đến hết tháng 1/2024 ở xã Chiềng Chung và một số địa phương khác có độ cao trung bình khoảng 1.200m so mặt nước biển, địa hình có nhiều núi và khe suối, tạo cho nhiệt độ không khí trung bình ở đây thấp hơn chừng 5 độ C so với những xã nằm trên cao nguyên Nà Sản (ven Quốc lộ 6), do vậy cà phê trồng trong khu vực này thường ra hoa, đậu quả và kết thúc mùa vụ thu hoạch muộn hơn cà phê trồng ở các địa phương khác. Qua đó đã giúp rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch cà phê trên địa bàn, giảm áp lực thị trường, tăng giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất.

Mặt khác, mặc dù có đặc điểm khí hậu nhiệt đới và thời tiết 4 mùa, nhưng lượng mưa ở Chiềng Chung và một số xã trong khu vực lại chia thành 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 4 đến 9, mùa khô tháng 10 đến tháng 3 năm sau, chênh lệch nhiệt độ không khí ngày đêm cũng khá cao (khoảng 12 - 15 độ C) nên cây cà phê thường tăng trọng quả vào mùa mưa, không cần tưới nước trái vẫn to, hạt mẩy đều, tỷ lệ hạt khô/quả tươi đạt 30%, tỷ lệ này ở các xã trồng cà phê ở khu vực cao nguyên Nà Sản chỉ đạt 23%.

Cùng với đó, việc thu hoạch cà phê vào mùa khô rất thuận lợi cho thu hái và phơi sấy. Đây là những lợi thế riêng cho cây cà phê chè trồng ở những khu vùng đồi cao như xã Chiềng Chung nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung. Đó cũng là lý do ông Khánh phải kén chọn những khu vực có đặc điểm thời tiết như Chiềng Chung để thuê đất mở rộng diện tích trồng thâm canh cây cà phê.

Cà phê cho thu hoạch vào mùa khô rất thuận tiện cho phơi khô ngoài nắng gió. Ảnh: Hải Tiến.

Cà phê cho thu hoạch vào mùa khô rất thuận tiện cho phơi khô ngoài nắng gió. Ảnh: Hải Tiến.

Theo Sở NN-PTNT Sơn La, toàn tỉnh hiện có gần 21.000ha cà phê chè trồng tại huyện Mai Sơn (hơn 8.500ha), Thuận Châu (gần 6.000ha), còn lại ở các huyện Yên Châu, Sốp Cộp và TP Sơn La. Trong đó có khoảng 19.000ha cà phê đang thời kỳ khai thác kinh doanh, sản lượng cà phê nhân đạt 34.345 tấn.

Từ nhiều năm nay, Sơn La đã hình thành được các mô hình liên kết sản xuất và chế biến cà phê tinh chất. Có 4 sản phẩm cà phê đã được UBND tỉnh Sơn La cấp chứng nhận OCOP (1 sản phẩm cà phê bột nguyên chất 5 sao, 3 sản phẩm 4 sao là Aratay Coffee, Coffee Arabica Minh Trí và Trà quả cà phê.

Tỉnh Sơn La đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH-CN) bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê từ năm 2017. Cà phê chè Sơn La có vị chua nhẹ, không hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước, nhưng có giá trị xuất khẩu rất cao sang các quốc gia châu Âu vì phù hợp khẩu vị.

Tới đây, cà phê Sơn La sẽ cho năng suất, chất lượng cao hơn nữa nhờ các ngành chuyên môn tỉnh này đang cùng các nhà nông trên địa bàn đẩy nhanh tốc độ cải tạo, tái canh bằng các giống mới thay thế giống cà phê chè Catimor đã già cỗi, chất lượng thành phẩm không cao sang trồng cây cà phê chè đầu dòng Arabica L, kết hợp với tăng cường thâm canh theo hướng bền vững,

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.