Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Kỹ thuật biến cá 'mềm' thành 'giòn'

Hồng Thủy - Thứ Hai, 28/10/2024 , 10:08 (GMT+7)

Không chỉ chịu khó làm lụng, đôi vợ chồng nông dân còn làm giàu nhờ nắm chắc kỹ thuật, nuôi thành công cá trắm, chép từ 'mềm' sang 'giòn', chất lượng cao, lợi nhuận tốt.

Đó là vợ chồng anh Đinh Văn Điệp và vợ là chị Phạm Thị Tâm, ở thôn 10, xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, hộ duy nhất hiện nay ở huyện này thành công với những ao cá trắm, chép giòn.

Cặp đôi “mê” cá

Những năm gần đây, cá chép “giòn” được khá nhiều hộ dân ở khắp cả 3 miền nuôi thành công. Tuy nhiên, nuôi cá trắm giòn, và nhất là ở vùng Tây Nguyên, thì chưa phổ biến. Vì thế, khi được Hội nông dân tỉnh Đắk Nông giới thiệu mô hình nuôi cá chép giòn thành công của vợ chồng anh Điệp - Tâm, chúng tôi đến thăm và không khỏi thán phục đôi vợ chồng này.

Họ không chỉ cần cù chịu khó, mà còn rất chú trọng tìm hiểu, nắm rõ quy trình, kỹ thuật nuôi cá chép, trắm từ mềm sang giòn. Chị Tâm cho biết, vợ chồng chị nuôi 2 loại cá giòn đã được 5 năm và rất thành công. Sản phẩm cá giòn của vợ chồng anh chị luôn “cháy hàng”, có bao nhiêu là các nhà hàng, thương lái đặt mua hết.

Chị Phạm Thị Tâm vớt cá trắm giòn thành phẩm từ lồng nhốt dưới ao lên cho khách xem. Ảnh: HT.

Anh Điệp cho biết, ngày từ hồi còn trẻ, anh đã có đam mê nuôi cá. “Chẳng biết do ông trời sắp đặt hay sao mà khi gặp bà xã, lại gặp đúng người cũng mê nuôi cá, kinh nghiệm còn hơn cả tôi”, anh Điệp cười, kể về cái duyên của nghề nuôi cá. Có lẽ vì vậy mà từ 2 bàn tay trắng, nay vợ chồng anh Điệp được coi là giàu nhất xã Nam Bình này, và tất cả đều từ con cá.

“Ngày xưa vợ chồng tôi vẫn nuôi cá chép, trắm, nhưng nuôi cá thường chứ không phải giòn như bây giờ. Mỗi năm, dịp cuối năm, giáp Tết, tôi lại mang ra chợ bán. Từ khi chuyển sang nuôi cá giòn thì chỉ vụ đầu là phải đi chào hàng, mang ra chợ, đến năm thứ 2, cá cứ đủ tuổi, đủ trọng lượng là lái hoặc mấy nhà hàng, quán ăn, khách lẻ, họ đặt mua hết tại nhà, không phải mang đi đâu nữa. Nhiều khi Tết giá cao hơn mà chẳng có bán”, chị Tâm nói.

Nói về cơ duyên nuôi cá giòn, chị Tâm cho biết: “Cách đây 6 - 7 năm, vợ chồng tôi về Hải Dương thăm người chú mới thấy ổng nuôi cá chép giòn. Trước đó thì tôi cũng đã nghe về cá chép giòn rồi, nhưng chưa có dịp tìm hiểu, vì nghĩ đó là cá nhập, có giống riêng. Nhưng khi được người chú giới thiệu, chúng tôi mới biết, cá giòn ban đầu cũng là cá bình thường, sau khi trọng lượng chúng đạt từ 1kg trở lên thì chuyển cho ăn duy nhất 1 loại thức ăn là đậu tằm (hay còn gọi là đậu răng ngựa), nhập khẩu từ Hà Lan hoặc Úc.

Cũng hôm đó, lần đầu tiên tôi được ăn món cá chép giòn, thấy rất ngon, rất đặc biệt. Sau khi tìm hiểu kỹ, thấy quy trình, kỹ thuật nuôi chép giòn cũng không có gì đặc biệt, chỉ khó về nguồn đậu tằm. Nên sau khi bàn bạc, chúng tôi vẫn quyết định đầu tư, cải tạo lại ao để nuôi chép giòn. Đến khi tìm được nguồn cung cấp đậu tằm ổn định, tôi quyết định dành 1 ao nuôi thử 200 con cá trắm cỏ chứ không phải chép như nhiều người vẫn nuôi. Ao này trước giờ vẫn nuôi cá chép, trắm. Rồi ăn thử thì thấy giòn”, chị Tâm cười, kể.

Chị Tâm nói về những loại nấm cá trắm giòn thường mắc phải và cách phòng, điều trị như một chuyên gia. Ảnh: BT.

Sau vụ cá đầu tiên thành công, vợ chồng chị Tâm đầu tư nhiều hơn để nuôi 2 loại cá trắm, chép từ mềm sang giòn. Tuy nhiên, do có “thâm niên” nuôi cá lâu nhất ở Nam Bình, cá ngon có tiếng, được nhiều thương lái, nhà hàng biết đến, nên anh chị không muốn bỏ nguồn cung cấp cá trắm, chép loại “mềm”.

“Nhiều người, nhiều khách hàng họ đã đặt mua cá của mình từ nhiều năm nay rồi, họ tin tưởng chất lượng chứ không hẳn vì rẻ hơn ngoài chợ một chút. Đó là lý do ai hỏi mua cá gì tôi bán cá đó, không nhất thiết phải giòn mới bán”, chị Tâm nói.

Điểm đến tham quan, học hỏi

Dẫn tôi ra thăm mấy ao cá nằm dưới một thung lũng rộng, bốn bề là những ngọn đồi cao, chị Tâm cho biết, hiện vợ chồng chị có 6 ao nuôi cá trắm, chép, diện tích mỗi ao từ 1.000 - 1.500m2. Nuôi theo quy trình luân chuyển, ban đầu thả cá nhỏ, nuôi từ 1,5 - 2 năm, cá đạt trọng lượng từ 1,5 - 2kg thì chuyển sang ao khác để cho ăn đậu tằm thêm khoảng 8 tháng là có thể xuất bán.

“Nếu có vốn nhiều và muốn nhanh thu hoạch thì thả loại cá trắm, chép thường trọng lượng từ 1 - 2kg xuống, sau đó chỉ cho cá ăn đậu tằm để “vỗ giòn”. Trước khi cho ăn, đậu tằm được ngâm nước ấm pha ít muối trong khoảng 1 ngày đêm, khi đậu mềm, nứt vỏ, hơi nhú mầm thì vớt lên xay nhỏ rồi mới cho ăn”, chị Tâm nói.

Vợ chồng chị Tâm và cặp cá chép giòn trọng lượng 4kg mỗi con. Ảnh: BT.

Vớt mấy con cá trắm, chép giòn thành phẩm đang nhốt trong “chuồng” lưới dưới ao lên cho chúng tôi xem, anh Điệp nói: “Độ giòn chuẩn của cá là từ 8 độ trở lên, thì thịt cá ăn sẽ vừa dai vừa giòn, thớ thịt khi nấu chín nở to. Nếu có kinh nghiệm, nhìn hình thức bên ngoài con cá là biết độ giòn của nó đạt chuẩn chưa. Đó là màu vảy sậm hơn, thân cá chép thuôn dài hơn, ít dẹt hơn chép thường, sờ vào mình cá cảm nhận rõ nó cứng hơn. Muốn đạt được độ giòn như vậy thì phải nắm rõ số lượng cá trong ao (sau khi trừ hao hụt), từng thời điểm, trọng lượng bình quân mỗi con mấy ký, để cung cấp đủ đậu tằm cho cá ăn”.

Cá trắm, chép thường sau khi nuôi đạt trọng lượng từ 2 - 3kg trở lên là xuất bán, giá trung bình 70 - 80 ngàn đồng 1kg. Lúc này, nếu chuyển sang nuôi giòn thêm 8 tháng, có thể đạt từ 3 - 4kg. Giá 1kg cá giòn khoảng 180 ngàn đồng, cao gấp 2 lần so với cá thường. Năm 2023, vợ chồng anh Điệp đạt sản lượng khoảng 10 tấn cá trắm, chép giòn, doanh thu hơn 1,8 tỷ đồng. Anh Điệp ước tính, chi phí, hao hụt khoảng 1 nửa.

Nói về kinh nghiệm nuôi cá, chị Tâm cho biết, vào mùa khô, nước kém, cần xử lý nước để phòng bệnh cho cá. Do nuôi thời gian lâu gấp 2 cá thường, thậm chí hơn, cá càng to ăn càng nhiều, thức ăn thừa cũng nhiều, nước cũng dễ ô nhiễm hơn. Cá dễ bị nhiễm nấm và ký sinh trùng. Nếu ao nuôi không có nước luân chuyển thì cá chậm lớn, dễ bệnh và hao hụt nhiều hơn, nên phải thường xuyên theo dõi, thay nước ao.

Ngoài ra, vợ chồng chị Tâm còn dùng chế phẩm sinh học để pha vào nước ao, diệt ký sinh trùng. “Tôi ủ men vi sinh gồm men bio-floc gốc cùng với rỉ mật mía và một số phụ gia như muối, đường, viên C để ủ men làm sạch nước ao. Ngoài ra, thả lá xoan xuống ao để trị ký sinh trùng mỏ neo cho cá cũng rất hiệu quả. Nhưng lá xoan thuộc loại lá độc, rất đắng, nên phải tính được lượng nước trong ao là bao nhiêu để thả vừa đủ lượng lá xoan xuống, nếu không có thể cá sẽ chết.

Ngoài ra, dùng vôi để trung hòa độ pH trong nước, cái này cũng phải có công thức, lượng nước bao nhiêu thì rải vôi thế nào cho phù hợp chứ không phải muốn rải thế nào cũng được”, chị Tâm nói.

Cá trắm, chép giòn thành phẩm anh Điệp bắt từ ao mang về nhốt trong hồ tại sân nhà, để khách đến mua có ngay, không phải mất thời gian ra tận ao cách nhà mấy cây số. Ảnh: HT.

Những kiến thức này, ngoài tự mày mò qua sách báo chuyên ngành, tích lũy kinh nghiệm từ thực tế nhiều năm nuôi trồng thủy sản, vợ chồng anh Điệp cũng được tham gia các lớp học chuyển giao kiến thức từ các chuyên gia, kỹ sư ngành nông nghiệp.

Nhiều năm qua, cặp vợ chồng Tâm - Điệp khá nổi tiếng ở Nam Bình, không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, mô hình nuôi cá chép giòn duy nhất ở xã mà còn là một trong những mô hình tiêu biểu của huyện Đắk Song, trở thành điểm đến tham quan, học hỏi, được ngành nông nghiệp huyện giới thiệu cho nhiều hộ dân trong vùng.

“Thả cá to thì ít hao hụt, thời gian nuôi ngắn, nhưng chi phí vốn cao, thịt cá cũng không ngọt bằng cá mình nuôi từ nhỏ. Vì thế vợ chồng tôi chỉ thả cá con, cỡ ngón tay. Thả cá nhỏ nếu không có kinh nghiệm thì có thể hao hụt nhiều, vì cá nhỏ dễ bị tổn thương, thời gian nuôi lâu, từ hơn 2 năm trở lên. Nhưng bù lại, thịt cá ngon hơn, vì nuôi theo quy trình của mình, từ nguồn nước đến thức ăn”, chị Phạm Thị Tâm chia sẻ.

Hồng Thủy
Tin khác
Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia
Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia

THỪA THIÊN - HUẾ Nghề làm bún Vân Cù (thị xã Hương Trà) và lễ hội điện Huệ Nam (thành phố Huế) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 12/2024.

Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM
Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật: Ngành Nông nghiệp, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, sẽ tiếp tục phối hợp tốt trong triển khai quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM.

Trên 47.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể tham gia chương trình IPHM
Trên 47.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể tham gia chương trình IPHM

Trình bày và đề xuất của đại diện Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về lực lượng khuyến nông tham gia triển khai chương trình IPHM.

Cách thành phố Cần Thơ triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái
Cách thành phố Cần Thơ triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ giới thiệu cách triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái và cảnh quan.

Cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phân bón 'chuyên dụng'
Cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phân bón 'chuyên dụng'

Theo GS.TS Trần Văn Hâu, nguyên Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ, những cây trồng có yêu cầu kỹ thuật, giá trị kinh tế cao cần có phân bón 'chuyên dụng'.

Lợi ích từ áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM
Lợi ích từ áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Chia sẻ của ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật về những lợi ích trong áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM, đảm bảo an toàn sản xuất và xuất khẩu.

Phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng BiO
Phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng BiO

Ông Lê Văn Hải, Tổng Giám đốc BiOWISH Việt Nam trình bày về dòng phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng hữu hiệu (BIO EFF).

Mỗi năm Syngenta Việt Nam đào tạo cho 1 triệu nông dân sử dụng thuốc BVTV
Mỗi năm Syngenta Việt Nam đào tạo cho 1 triệu nông dân sử dụng thuốc BVTV

Mỗi năm Syngenta Việt Nam tiếp cận, tập huấn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả cho hơn 1 triệu nông dân. Có 250.000 nông dân được tập huấn theo chuyên đề 4 đúng, 5 nguyên tắc vàng, sử dụng thuốc và thu gom bao gói sau sử dụng có trách nhiệm.

Ứng dụng cây trồng cải tiến trong thực hành IPHM
Ứng dụng cây trồng cải tiến trong thực hành IPHM

Bà Đào Thu Vinh, Điều phối viên tổ chức Croplife Việt Nam cho biết các giống cây trồng cải tiến, kháng sâu bệnh hại giúp cây trồng khỏe mạnh hơn, có khả năng chống chịu lại các yếu tố bất lợi của môi trường và dịch hại. Đây luôn là một cấu phần quan trọng trong chương trình IPHM và IPM.

Các sinh vật gây hại mới nổi và biện pháp phòng ngừa
Các sinh vật gây hại mới nổi và biện pháp phòng ngừa

GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, chia sẻ, nhiều sinh vật gây hại bùng phát mạnh trong điều kiện biến đổi khí hậu, cần phòng ngừa bằng tổng hợp nhiều giải pháp.

Tổng quan đề án IPHM và kết quả triển khai ở các tỉnh
Tổng quan đề án IPHM và kết quả triển khai ở các tỉnh

Ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Cục Bảo vệ thực vật, giới thiệu tổng quan đề án quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM và kết quả triển khai ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Phát triển kit chẩn đoán nhanh giám định sinh vật gây hại
Phát triển kit chẩn đoán nhanh giám định sinh vật gây hại

Ngoài một số bệnh hại sẵn có, cây trồng còn chịu tác động của nhiều sinh vật gây hại mới nổi, sinh vật ngoại lai khiến công tác phòng chống gặp khó khăn.