| Hotline: 0983.970.780

Bỏ cá tra, nuôi cá chép giòn trên sông Tiền kiếm tiền tỷ mỗi năm

Thứ Tư 25/10/2023 , 09:27 (GMT+7)

Cá chép giòn thực chất là loại cá chép thông thường, khi nuôi cá đúng kích cỡ khoảng 1-1,5 kg/con sẽ chuyển sang cho ăn đậu tằm khoảng 1-2 tháng nhằm tạo thịt dai, chắc.

Hiện nay, ông Dũng có 25 lồng bè nuôi cá trên sông Tiền, mỗi năm ông bán ra thị trường khoảng 200 tấn cá chép giòn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay, ông Dũng có 25 lồng bè nuôi cá trên sông Tiền, mỗi năm ông bán ra thị trường khoảng 200 tấn cá chép giòn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Văn Dũng ở ấp 3, xã An Phong, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) được mệnh danh là tỷ phú cá chép giòn ở vùng Đất Sen hồng - Đồng Tháp, bởi mỗi năm xuất bán trên 200 tấn cá, thu về tiền tỷ.

Ông Dũng gắn bó với nghề nuôi cá trên sông Tiền hàng chục năm nay. Bởi thế, ông nắm rõ tập tính các loài cá, dòng chảy của sông nên đạt được thành công có tiếng nhất nhì ở miền Tây. Trước đây, gia đình ông nuôi cá tra ở huyện Hồng Ngự. Thuở nhỏ, ông rong ruổi theo cha và ông nội vớt cá trên sông đem bán. Đến khi trưởng thành, ông gắn bó luôn với nghiệp nuôi cá trên sông.

Ban đầu, ông Dũng nuôi cá tra, tuy nhiên giá cả bấp bênh, thua lỗ kéo dài nên ông tìm giống cá mới để thử nghiệm nuôi lần lượt như cá bống tượng, điêu hồng trên ao đất nhưng vẫn không đạt hiệu quả. Năm 1990, ông đóng bè nuôi cá bống tượng trên sông, nhưng do thiếu kinh nghiệm, cá giống thả bị chết hao hụt rất nhiều. 

Những năm sau đó, ông Dũng tiếp tục thả nuôi thêm cá điêu hồng và thắng lớn. Tuy nhiên, khi mọi người ùn ùn nuôi, nguồn cung vượt cầu, điệp khúc được mùa mất giá xảy ra triền miên. Bởi thế, ông mong muốn tiên phong nuôi các loài cá mới, lạ, ít bị đụng hàng.

Thu hoạch cá bán ra thị trường khắp các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM… Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thu hoạch cá bán ra thị trường khắp các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM… Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chính vì vậy, năm 2011, được người bạn giới thiệu mô hình nuôi cá chép giòn, lại nhận thấy ở miền Tây ít người nuôi, nhu cầu thị trường cao, giá cả ở mức cao bán vào các siêu thị và nhà hàng, ông quyết tâm mua hơn 6.000 con giống về nuôi thử nghiệm trong bè gỗ. Sau một thời gian, thấy hiệu quả khả quan, ông quyết định phát triển mở rộng đến ngày hôm nay.

"Cá chép giòn thực chất là loại cá chép thông thường. Tuy nhiên, khi nuôi cá đúng kích cỡ tiêu chuẩn, đạt trọng lượng khoảng 1-1,5 kg/con thì chuyển từ thức ăn công nghiệp sang cho ăn đậu tằm không sử dụng thêm bất kỳ loại thức nào khác nữa, và tiếp tục nuôi khoảng 1-2 tháng là có thể xuất bán cho thương lái. Sự chuyển hóa thịt của cá chép thành dai, chắc diễn ra nhờ đậu tằm một cách tự nhiên theo liều lượng cho ăn và thời gian. Nếu được ăn đậu tằm, thịt nhiều loại cá khác cũng trở nên giòn và dai, chứ không riêng cá chép", vị tỷ phú chia sẻ.

Ông Dũng lý giải, vì trong hạt đậu tằm có chứa nhiều chất đạm, tinh bột và ít chất béo nên sẽ giúp thịt cá dai và có độ giòn, ăn rất ngon. Cá chép được nuôi bằng hạt đậu tằm đảm bảo an toàn mặt vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng kháng sinh trong thịt cá.

Cá đạt trọng lượng 1,5 kg/con thì cho ăn đậu tằm cho đến lúc thu hoạch để thịt dai và giòn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cá đạt trọng lượng 1,5 kg/con thì cho ăn đậu tằm cho đến lúc thu hoạch để thịt dai và giòn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Dũng chia sẻ kỹ thuật nuôi cá chép giòn, trước khi tiến hành cho cá ăn, đậu tằm phải được ngâm ủ khoảng 24 giờ, những hạt to phải cắt ra làm đôi. Giá đậu tằm trên thị trường vào khoảng 15.000 đồng/kg. Khi cho cá ăn, đậu tằm được bỏ vào thùng, nhấn chìm dưới nước. Cá chép giòn có ưu điểm dễ nuôi, ít bệnh, tăng trưởng nhanh, giá luôn giữ ở mức cao, hút hàng. Thường nuôi cá chép giòn khoảng 9-10 tháng là có thể xuất bán.

Đậu tằm chứa nhiều dưỡng chất giúp thịt cá đạt độ dai, giòn và thơm ngon. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đậu tằm chứa nhiều dưỡng chất giúp thịt cá đạt độ dai, giòn và thơm ngon. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay, ông Dũng có 25 lồng bè nuôi cá trên sông Tiền, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 200 tấn cá chép giòn. Với giá bán từ 80.000 -100.000 đồng/kg, cao gấp đôi so cá chép nuôi bình thường, ông thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm. Thị trường tiêu thụ cá chép giòn của ông Dũng khắp các tỉnh ĐBSCL đến TP. HCM, thậm chí ra tận miền Trung. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Dũng còn tận tình hướng dẫn cho nhiều nông dân địa phương và các tỉnh lân cận về kỹ thuật, kinh nghiệm để cùng nhau phát triển nuôi cá chép giòn. 

Trong thời gian tới, tỷ phú cá chép giòn dự định liên kết với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để vươn ra thị trường quốc tế.

PGS.TS Dương Nhật Long (Trường Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, cá chép giòn được các tỉnh phía Bắc nuôi từ nhiều năm trước. Cá chép giòn không phải là loài cá bị đột biến. Do thành phần đạm có trong hạt đậu tằm đã thay đổi thịt của chúng trở nên dai và giòn, vì vậy con người có thể yên tâm sử dụng.         

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.