Theo PGS.TS Vũ Năng Dũng, đất đai là một câu chuyện dài, rất đáng nói, không riêng gì đất nông nghiệp mà tất cả các loại đất đang được dư luận xã hội và Chính phủ quan tâm, có nhiều thuận lợi nhưng cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết.
"Đối với đất sản xuất nông nghiệp, từ năm 1980 trở lại nay diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam tăng hơn hai lần. Theo thống kê hiện nay chúng ta có khoảng 11,6 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu so sánh với mức độ đầu tư, so với tiến bộ khoa học kỹ thuật thì trong vài năm tới đất sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác đến giới hạn, khó có thể khai thác mở rộng thêm được nữa, kể cả những vùng như Tây Nguyên hay Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, một diện tích lớn đất nông nghiệp bị mất đi trong quá trình phát triển công nghiệp, các dự án đô thị… cho nên, để phát triển thêm diện tích đất sản xuất nông nghiệp là việc rất khó", ông Dũng nói.
Khó tăng về diện tích, còn chất lượng, ông đánh giá như thế nào về chất lượng đất sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay?
Tôi khẳng định đất sản xuất nông nghiệp của chúng ta hiện nay đang rất đáng báo động. Có mấy khía cạnh sau: Thứ nhất, về quản lý đất đai nói chung và đất sản xuất nông nghiệp nói riêng vẫn tập trung vào quản lý hành chính, chưa phải là quản trị đất đai nên vấn đề làm sao để vừa sử dụng đất sản xuất vừa nâng cao chất lượng đất đai là chưa làm được.
Ngay trong Luật Đất đai của chúng ta quy định đất nông nghiệp, song ở bên dưới lại chia thành đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, như thế là không hợp lý. Đó là điển hình của việc quản lý hành chính về đất đai, trong thời gian tới nếu được góp ý chúng tôi vẫn kiên quyết đề nghị tách đất sản xuất nông nghiệp riêng và đất lâm nghiệp riêng vì đầu tư khác, vai trò khác.
Mặt khác, về công tác quản lý, có thể thấy đang có một quãng hở giữa Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ NN-PTNT.
Bộ Tài nguyên – Môi trường được phân công quản lý về đất đai, tuy nhiên nghiên cứu về đất đai đối với cây trồng lại không ai làm. Tôi nhớ không nhầm thì gần 20 năm nay hình như không có đề tài nghiên cứu cơ bản nào về đất. Bộ Tài nguyên – Môi trường theo dõi quá trình xói mòn đất, chất lượng đất thường kỳ để đánh giá về mặt quản lý. Còn Bộ NN-PTNT là cơ quan hướng dẫn sử dụng đất, nghiên cứu về đất để có thể sử dụng đất một cách hiệu quả, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp thì cũng chỉ quan tâm đến vấn đề này mới đây thôi.
Thứ hai, phần lớn môi trường đất sản xuất nông nghiệp của chúng ta hiện nay đang bị suy thoái, đang yếu, dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Ví dụ đất bị xói mòn, bị rửa trôi chất dinh dưỡng, bị giảm các vi sinh vật hữu cơ trong đất…
Xói mòn đất biểu hiện rõ nhất ở các khía cạnh như đất bị bí chặt, lý tính của đất bị suy thoái. Ví dụ đất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta dùng cơ giới hóa nhiều, máy gặt đập liên hợp rất nặng, bón toàn phân hóa học nên đất bị dí xuống, độ xốp giảm đi, khả năng giữ nước không còn, cũng không thoát nước được, rễ cây hút dinh dưỡng rất khó… Một diện tích lớn cây ăn quả nhiễm bệnh ở khu vực này cũng xuất phát từ nguyên nhân căn cơ này. Bộ rễ của cây xoài chỉ phát triển được đến khoảng 40cm, không thể “khoan” tiếp do đất bị bí chặt. Điều này dẫn đến việc cây trồng bị nhiễm bệnh.
Một thực trạng nữa, độ pH trong đất, chất hữu cơ trong đất ngày càng giảm khiến đất sản xuất nông nghiệp ngày càng chua. Ngay cả vùng đất sản xuất nông nghiệp tốt nhất là đất bazan ở Tây Nguyên, từ khi trồng cà phê những năm 1980 đến nay, khi tái canh chu kỳ hai đã cho thấy độ chua trong đất tăng lên, chất hữu cơ, mùn trong đất giảm đi và những biểu hiện này ngày càng rõ rệt.
Tốc độ suy thoái đất rõ rệt nhất rơi vào những vùng có địa hình phức tạp như Trung du miền núi phía Bắc hay vùng Tây Nguyên, nơi thâm canh cây công nghiệp và Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu…
Theo ông, nguyên nhân của thực trạng đất sản xuất nông nghiệp đáng báo động là gì? Là do chúng ta chưa quản lý tốt đầu vào vật tư nông nghiệp, thâm canh quá mức hay nguyên nhân nào khác?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, tuy nhiên, một trong những tác động rất lớn chính là việc sử dụng vật tư đầu vào bừa bãi, đặc biệt là phân bón và thuốc BVTV đối với đất sản xuất nông nghiệp. Ví dụ, chúng ta bón quá nhiều phân vô cơ, vượt quá cảnh báo của các nhà khoa học, sử dụng thuốc BVTV hóa học một cách bừa bãi. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường đất mà còn ô nhiễm cả môi trường nước. Thậm chí nhiều nơi ở khu vực Tây Nguyên hiện đã ô nhiễm cả nước mặt lẫn nước ngầm do sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ.
Tôi nghĩ, việc quản lý và sử dụng vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp chưa phù hợp đã làm ảnh hướng đến môi trường đất, làm suy thoái đất sản xuất nông nghiệp nhiều hơn so với những tác động do biến đổi khí hậu gây ra. Biến đổi khí hậu có thể xảy ra rất khốc liệt nhưng lại theo từng vùng, quy mô hẹp, trong khi đó, các yếu tố đầu vào của canh tác nông nghiệp có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Đó là chưa kể biến đổi khí hậu như hạn hán, nhiễm mặn chỉ diễn ra theo mùa, theo năm, còn tác động của vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp diễn ra theo từng vụ, từng tháng và có tính liên tục. Mỗi tháng phun thuốc BVT V 2-3 lần vẫn còn rất phổ biến.
Hệ lụy của thực trạng đất sản xuất nông nghiệp bị suy thoái đến mức báo động như thế là gì, thưa ông?
Đây là vấn đề nghiêm trọng, bởi vì đất không khỏe thì cây không khỏe và người cũng không khỏe được. Chính vì suy thoái môi trường đất cho nên hiện nay các bệnh về rễ trên cây trồng phát triển rất mạnh.
Trong môi trường đất tự nhiên bản thân nó sẽ cân bằng giữa các loại vi khuẩn, nấm có lợi và có hại tương đương nhau. Thậm chí nếu đất tốt thì vi khuẩn, nấm có lợi còn phát triển nhiều hơn, nhờ đó cây trồng được bảo vệ và phát triển. Tuy nhiên, khi môi trường đất bị suy thoái, vi khuẩn, nấm có lợi ít đi sẽ dẫn đến cây bị bệnh tật. Từ thực tiễn trên cây tiêu, cây thanh long, cây cà phê và nhiều loại cây trồng khác có thể thấy mức độ nguy hiểm của thực trạng này. Chúng âm thầm phát triển trong lòng đất nên chúng ta khó đối phó bởi vì không nhìn thấy, phải mất rất nhiều năm mới khắc phục được.
Nếu không chú ý, quan tâm đến đất nông nghiệp thì đất sẽ ngày càng suy thoái, bệnh sẽ ngày càng nhiều nhất là các bệnh về rễ và phải tốn rất nhiều chi phí để xử lý vấn đề này. Ngoài ra, các sản phẩm nông sản cũng bị ảnh hưởng, giảm chất lượng, kém an toàn.
Theo ông, đâu là giải pháp để cải thiện tình trạng báo động của đất sản xuất nông nghiệp hiện nay?
Thứ nhất, về quản lý đất đai cần đi vào thực chất. Hiện nay, chúng ta đã có quản lý hành chính về đất đai nhưng cần liên kết các khâu. Ví dụ như xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai đang rất thiếu và không đồng bộ.
Các bản đồ đo đạc đất đai của thế kỷ trước so với bây giờ đã không còn trùng khớp nên cần phải có bộ cơ sở dữ liệu chuẩn về đất sản xuất nông nghiệp và có tính chất mở, cập nhật thường xuyên, khi có sự thay đổi về chủ đất phải cập nhật ngay, tránh tình trạng mua bán nhiều lần rồi không xác định được ai là chủ đất thực sự.
Thứ hai, phải có chiến lược bổ sung chất hữu cơ cho đất, từ đó sẽ giúp tăng độ pH cho đất, cải thiện lý tính của đất. Khi được cải thiện như vậy, việc sử dụng phân bón cũng có hiệu quả rõ rệt hơn.
Thứ ba, cần có những nghiên cứu cơ bản để đưa ra khuyến cáo cho người dân về việc sử dụng phân bón trong canh tác phù hợp với từng loại đất, từng loại cây.
Ở Việt Nam đang xảy ra tình trạng lãng phí phân bón, mỗi năm dùng từ 11-11,5 triệu tấn phân bón trên toàn quốc nhưng lãng phí từ 10-20%. Nếu có nghiên cứu, hướng dẫn hoàn toàn toàn có thể giúp người nông dân tiết kiệm được phân bón, cải thiện chất lượng đất đai và nông sản. Thực tế ở nhiều nơi nông dân đang bón phân theo khuyến cáo của công ty phân bón chứ không phải trung tâm khuyến nông, cần khắc phục điều này và hướng dẫn để người nông dân sử dụng phân bón đúng cách, hiệu quả hơn.
Về phía các cơ quan quản lý, ngành nông nghiệp cũng cần có những nghiên cứu về phân bón chuyên dùng. Điều này vừa tiết kiệm phân bón, tăng cường được chất lượng nông sản và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường đất.
Hiện nay KHKT phát triển rất nhanh các loại phân bón nano, phân bón chuyên dùng, phân bón chậm tan… nên chúng ta phải nghiên cứu xem đất như thế nào, thành phần ra sao để bổ sung dinh dưỡng phù hợp với các loại cây trồng, từng chu kỳ, từng giai đoạn cây trồng. Phải nghiên cứu để đất có thể giữ phân bón cung cấp dần dần cho bộ rễ của cây trồng, còn chúng ta để đất suy thoái, bón vào không chỉ bị rửa trôi mà còn gây ô nhiễm nguồn nước.
Mặt khác, cần phải quy hoạch rõ ràng, thay đổi cơ cấu trong diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện nay theo tinh thần “đất nào cây đấy”. Nhiều diện tích cây trồng như cà phê, tiêu... hiện nay đã vượt quy hoạch gấp nhiều lần, cần phải rà soát lại trên cơ sở đánh giá sự phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng và nghiên cứu chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Nền nông nghiệp của chúng ta đang chuyển dịch, tái cơ cấu theo hướng hữu cơ, có ý kiến cho rằng muốn làm được hữu cơ cần có thời gian cho đất nghỉ, quan điểm của ông như thế nào?
Tôi cho rằng chủ trương chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ là đúng đắn, tuy nhiên cần theo hai bước. Trước hết cần phải quy hoạch các vùng sản xuất theo hướng hữu cơ, tăng cường sức khỏe cho đất, giúp môi trường đất tốt lên, kiểm soát đất trong vài ba năm, làm sạch đất và chuyển dịch dần. Sau đó mới thiết lập các tiêu chuẩn cho các vùng sản xuất hữu cơ và lan tỏa. Cải tạo đất sản xuất nông nghiệp cần chiến lược lâu dài, muốn làm ngay không được.
"Đất đai không thể đẻ thêm được nên phải đầu tư nhiều hơn vào khoa học kỹ thuật phát triển hơn để có thể sử dụng đất dốc, sử dụng đất quá mặn, quá phèn. Bộ NN-PTNT cần có những công trình nghiên cứu về đất, về dinh dưỡng cây trồng và đất đai thì mới có thể khắc phục được những tình trạng như trong thời gian vừa qua. Phải có chiến lược lâu dài tăng độ pH trong đất sản xuất nông nghiệp, bổ sung chất hữu cơ cho đất, cải thiện lý tính cho đất", PGS.TS Vũ Năng Dũng.