Báo NNVN có cuộc trao đổi với TS Châu Minh Khôi – Trưởng Bộ môn Khoa học Đất - Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (NN&SHƯD) trường Đại học Cần Thơ về những lưu ý trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa ở ĐBSCL.
Lợi thế đất phù sa ngọt ở ĐBSCL phù hợp cho nhiều loại cây trồng, tuy nhiên diện tích canh tác vùng này đang bị đe dọa, ông nghĩ sao?
ĐBSCL đang chuyển đổi cơ cấu SX rất mạnh, do điều kiện tự nhiên thay đổi, xâm nhập mặn, nguồn nước sông Mekong… Thực tế thị trường cây ăn trái tốt lên đã hấp dẫn nông dân chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn trái. Việc chuyển đổi này có phần bất lợi, do đất lúa được bồi tụ lâu năm từ đất phù sa vùng hạ lưu. Hạt phù sa là những hạt khoáng, kích thước rất nhỏ, qua canh tác lâu đời lắng tụ xuống làm cho đất nén chặt tầng phía dưới. Thứ hai là đất nghèo hữu cơ và thứ ba trong quá trình hình thành vùng trũng tích lũy sắt, lưu huỳnh thành vật liệu phèn dưới tầng sâu của đất.
Khi canh tác lúa vấn đề phèn không xảy ra, do điều kiện yếm khí không chuyển hóa thành a xít. Nhưng khi nông dân chuyển đổi từ đất ruộng lên đất vườn hay đất liếp trồng rau màu, cây ăn trái đã vô tình đưa đất tầng sét, phèn lên phía trên. Hơn nữa do cách thức làm đất liếp không phù hợp nên tầng đất mặt thay vì giúp cho cây ăn trái phát triển thì lại bị nén chặt, sét cao, chất hữu cơ ít… Đó là trở ngại trong chuyển đổi SX. Một số nông dân thường nghĩ đất có thể trồng bất cứ cây gì, đấy là hiểu sai.
Vậy khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần phải lưu ý những gì?
Hiện có hai chuyện, một là đất vườn lâu năm và đất mới lập vườn trên nền đất lúa. Vườn cây có múi lâu năm có hiện tượng bị suy thoái, cây vàng lá, chết. Nguyên do đất bị nén chặt và mất chất hữu cơ sau thời gian canh tác dài, bón phân vô cơ quá đà. Đối phó tình trạng này, mấy năm qua một số nhà vườn có cách làm mới gọi là lợp đất. Đất tầng dưới khi bị nén chặt, rễ cây phát triển ăn trên mặt liếp nên nông dân lấy đất mặt ruộng lợp lên. Hồi trước nhà vườn thường sên mương nhưng bây giờ do đắp đê nên trong mương không còn nhiều sình, phù sa và họ mua đất ruộng lợp lên. Trong khi đất ruộng sét và độ chua cao, vì vậy sau một thời gian đất bị cứng, bị chua hóa, rễ cây không phát triển.
Một số vườn cây có múi ở ĐBSCL mang sẵn mầm bệnh vàng lá gân xanh (Greening) gặp môi trường thuận lợi có thể chống chịu được ít năm, khi gặp môi trường bất lợi, ẩm ướt, rễ không phát triển, cây không hấp thu được dinh dưỡng, đổ bệnh chết rất nhanh.
Với đất vườn chuyển đổi từ đất ruộng sang trồng cây ăn trái cần có kế hoạch khảo sát đánh giá tính thích nghi. Vùng thuận lợi phát triển vườn cây ăn trái, tầng canh tác dày, tầng phèn sâu, khi lên liếp chỉ cần bổ trợ một phần hữu cơ cho đất. Quan trọng nhất là cải tạo liếp vườn cho cây ăn trái có hữu cơ, vôi… trộn với đất ban đầu tạo nền tảng. Tuy nhiên có nơi nông dân lấy đất sét đắp úp thành mô rồi trồng cây, rễ chỉ ăn cạn xuống một chút thôi vì đất bị nén chặt. Do đó cần phải khảo sát nhận biết được thành phần đất để đưa ra giải pháp hỗ trợ giúp nông dân lập vườn tốt hơn.
Riêng vùng trũng đất thấp nếu lập vườn, tuy ban đầu cây trồng có thể xanh tốt nhưng sau một thời gian do mực thủy cấp cao rất dễ ảnh hưởng đến bộ rễ của cây. Do đó lập vườn cây ăn trái lưu ý mặt đất liếp vườn cần cách mặt nước thủy cấp khoảng 0,5 m thì mới an toàn.
Vùng đất phèn rộng lớn ở Hậu Giang, Kiên Giang hay vùng Đồng Tháp Mười thích hợp cây tràm, mía, khóm… nếu tìm lợi thế cây trồng hiệu quả kinh tế, mô hình canh tác nào thích hợp?
Đây là vấn đề rộng có mối liên quan với thủy lợi, cây trồng và thị trường. Ở Hậu Giang một số nông dân chuyển đổi cây mãng cầu gai khá thành công. Cây dưa hấu trồng trên đất phèn không bị ngập nước vẫn được.
Vừa qua Khoa NN&SHƯD - Đại học Cần Thơ có thực hiện chương trình đánh giá tính thích nghi cây trồng. Khi khảo sát có xác định đất phèn, độ sâu ngập với một số cây tiềm năng và đưa ra chọn lựa tìm loại cây thích nghi nhất. Từ đó chọn cây trồng theo chính sách, quy hoạch phát triển và có thị trường tiêu thụ.
Trong quá trình chuyển đổi cây trồng cùng với yếu tố đất đai còn liên quan đến các vấn đề khác gắn kết trong chính sách phát triển, thị trường, kho chứa, bảo quản sau thu hoạch. Nhà nước cần quan tâm đến chuỗi SX, trong đó đa dạng sản phẩm và bảo quản sau thu hoạch hỗ trợ nông dân là rất cần thiết. Về phía nông dân, HTX, doanh nghiệp, không nên chỉ trông vào thị trường nông sản tươi, nếu không sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn.
Hiện vẫn còn băn khoăn về hệ thống canh tác cây trồng và chuyện đắp đê. Khi chế độ nước sông Mekong thay đổi, phù sa và nước ngọt dần trở nên khan hiếm vào mùa khô, cần ứng phó thế nào, theo ông?
Về chuyện đê đã có nhiều nghiên cứu và tranh cãi trong việc thay đổi phù sa như thế nào. Theo số liệu của Khoa NN&SHƯD, Đại học Cần Thơ, phù sa không quan trọng bằng việc trao đổi nước để rửa độc chất từ trong đất, chẳng hạn như rửa phèn, rửa chua, rửa những hóa chất trong nông nghiệp làm ảnh hưởng hệ vi sinh vật. Khi hệ vi sinh vật không đa dạng, nghèo nàn, cây sẽ bị các loại bệnh tấn công. Chuỗi phân hủy vật chất trong đất trở nên bị hạn chế. Do đó vấn đề trao đổi nước quan trọng hơn vấn đề có hay không có phù sa. Thật ra phù sa chỉ là bổ sung một số khoáng; vấn đề lớn nhất khi có đê là không hỗ trợ trong trao đổi rửa đất khi thâm canh.
Ở An Giang hiện có giải pháp làm đê không khép kín để có thời gian mở đê xả lũ nên có thể giải quyết được vấn đề này. Một số địa phương chủ trương không quá áp lực thâm canh lúa 3 vụ. Như ở Đồng Tháp, Vĩnh Long nông dân làm lúa 2 vụ, bỏ hẳn lúa vụ 3 xả lũ vào làm sinh kế khác như nuôi thủy sản thậm chí để đất nghỉ. Thời gian này là cơ hội làm cho đất phục hồi, cắt đứt chuỗi sâu bệnh hoặc thay vào đó sử dụng giống lúa chất lượng cao, ít sử dụng phân bón theo hướng SX sạch.
Ở vùng ven biển, hàng năm nông dân lo mặn xâm nhập sâu vào nội địa, vậy tìm mô hình SX nào an toàn?
ĐBSCL chia theo vùng sinh thái mặn, ngọt và lợ. Tuy nhiên trong thời gian qua và sắp tới xu hướng dịch chuyển. Mặn sẽ đi sâu vào nội đồng, lợ tiệm cận hơn, do vậy cần có sự chuyển đổi SX để thích ứng.
Hiện nay Khoa NN&SHƯD Đại học Cần Thơ đang thực hiện dự án Asia (Úc), xác định với Bộ NN-PTNT trong 5 năm tới để đánh giá biến động không gian mặn cho vùng ĐBSCL. Dự án có sự phối hợp với các địa phương Sóc Trăng, Hậu Giang, TP Cần Thơ và An Giang, khảo sát theo hướng mặn di chuyển từ biển Đông vào. Qua đó xem xu hướng không gian và quy luật mặn thay đổi ra sao.
Hiện thời vùng mặn đã quy hoạch chuyển đổi sang nuôi thủy sản. Vùng lợ, vùng rủi ro sâu nội đồng cũng đã có giải pháp với nhóm chuyên gia Hà Lan. Đối với vùng lúa 3 vụ nguy cơ rủi ro do mặn đang chuyển một vụ trồng màu, tìm cây màu phù hợp trong thời gian xâm nhập mặn. Song song đó tìm giải pháp quản lý đất để giảm tích lũy mặn trong đất và hỗ trợ rửa mặn vào mùa mưa.