| Hotline: 0983.970.780

------------------------------------------

Chỉ học đến lớp 2, gia tài là 2 bàn tay trắng, nhưng nhìn vào khối tài sản anh đã tạo dựng được hôm nay, khái niệm “trình độ học vấn” không còn ý nghĩa.

------------------------------------------

Đó là anh Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1978, ở xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Lợi học hành chẳng bằng ai, viết chữ còn ngọng nghịu. Nhưng chăn nuôi thì chẳng ai bằng.

Sau 20 năm khởi nghiệp, gia sản của anh là 4 trại bò thịt 1.000 con, đàn dê hơn 300 con, 6 trại gà hơn 100.000 con và hơn 30ha đất. Để có được gia tài như hôm nay, Lợi từng gặp sóng gió lớn, tưởng phải buông xuôi.

Tỷ phú Nguyễn Văn Lợi. Ảnh: Phúc Lập.

Tỷ phú Nguyễn Văn Lợi. Ảnh: Phúc Lập.

Nhờ có anh Phan Thành Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Thuận làm cầu nối, tôi gặp được Lợi. Tôi cũng là người đầu tiên Lợi chấp nhận ngồi tâm sự về cuộc đời, về những thăng trầm anh trải qua trên con đường khởi nghiệp kể từ khi sóng gió ập đến với anh. Nghe anh kể về những sóng gió bản thân từng trải qua, tôi mới hiểu, vì sao chưa từng có tờ báo nào viết về anh, vì sao nhắc đến báo chí là anh sợ.

Tay chăn nuôi số 1

Mới chỉ học hết lớp 2 mà có cơ ngơi hoành tráng thế này, chắc cha mẹ anh cũng có của ăn của để, chia cho anh làm vốn ban đầu kha khá?

Hoàn toàn không! Tôi sinh năm 1978, ở ngay xã Hưng Thuận này, trong một gia đình nghèo, cha mẹ đông con. Chỉ cần nghe nói tôi mới học hết lớp 2 cũng hiểu phần nào về gia cảnh rồi. Có gia đình nào kinh tế khá giả mà để con cái thất học đâu. Ngay từ nhỏ tôi đã phải lăn lộn mưu sinh rồi. Năm 2000, tôi lập gia đình, vốn liếng cha mẹ cho là hơn 2 triệu đồng để ra riêng. Số tiền này vừa đủ để cất cái nhà nhỏ làm nơi tá túc. Tôi tự lập từ đó.

Khoảng năm 2000, tôi bắt đầu mua dê giống về nuôi, ban đầu chỉ mấy con, sau đó nhờ nuôi mát tay, nên đàn dê sinh sôi, phát triển khá tốt. Sau đó, tôi mua thêm bò về nuôi, nhưng thời điểm ấy, thu nhập chính vẫn là từ dê. Một lần, người bạn tôi từ Ninh Thuận vào chơi, gợi ý tôi sao không mang dê giống Ninh Thuận về nuôi thử. Tôi thấy ý cũng hay, nên sau khi ra tận nơi tìm hiểu, thấy dê Ninh Thuận chỉ khác dê trong này đặc tính leo trèo, sống hoang dã nhiều hơn. Nên sau đó, tôi quyết định mua mấy cặp dê giống về nuôi thử.

Thời điểm ấy, tôi là người đầu tiên mang dê Ninh Thuận về nuôi, bà con thấy tôi nuôi tốt nên cũng đến mua giống về nuôi. Toàn bộ số tiền thu được tôi dành tăng đàn. Sau mấy năm, đàn dê của tôi lên đến 500 - 600 con. Có thời điểm 1 con dê giống Ninh Thuận có giá cả chục triệu đồng. Nhờ nuôi dê mà tôi có tiền mua đất. Có đất tôi trồng cỏ làm thức ăn cho dê. Lúc tôi làm ăn phát đạt, báo chí đến phỏng vấn, viết bài ca ngợi dữ lắm. Nhiều cơ quan, đoàn thể cũng tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Đến khi nhiều người đổ xô vào nuôi dê, thì mủ cao su có giá. Lúc đó tôi vừa nuôi dê, bò, vừa trồng cao su trên đất đã mua. Chỉ trong vài năm, cao su cũng giúp gia đình tôi kiếm tiền tỷ. Toàn bộ số tiền kiếm được tôi lo cho gia đình, mua đất xây nhà, và tiếp tục đầu tư mua đất. Sau vài năm thì giá mủ cao su tụt xuống thấp, tôi bắt đầu chuyển sang đầu tư trang trại nuôi gà.

Một dãy chuồng dê của Lợi. Ảnh: Phúc Lập.

Một dãy chuồng dê của Lợi. Ảnh: Phúc Lập.

Có một điều tôi luôn tự hào, đó là hồi đó ở xã Hưng Thuận này, không ai chăn nuôi giỏi bằng tôi. Bằng chứng là khi tôi mang dê giống Ninh Thuận về, nuôi rất tốt, dê sinh đẻ và phát triển không khác gì dê giống ở đây. Nhưng nhiều hộ mua giống từ chỗ tôi về, mặc dù tôi đã chỉ kỹ thuật nuôi tận tình, nhưng họ không nuôi được, cuối cùng phải mang bán lại cho tôi. Hoặc nuôi bò cũng vậy, bò sinh sản nhanh và luôn béo mập hơn bò người ta.

Tỷ phú Nguyễn Văn Lợi

Tôi từng tuyệt vọng, mất lòng tin với tất cả

Anh đã gặp sóng gió gì trong giai đoạn nuôi gà? Có phải đây là lý do khiến anh né tránh tất cả mọi người, từ truyền thông đến chính quyền địa phương?

Năm 2010, khi giá mủ cao su xuống thấp, tôi bắt đầu lên kế hạch xây dựng trang trại nuôi gà. Khi đó, nuôi gà quy mô lớn, bằng công nghệ chuồng lạnh hiện đại thì ở Tây Ninh chưa có. Tôi sang tận Thái Lan mua thiết bị, công nghệ về xây dựng chuồng trại, đảm bảo đáp ứng mọi tiêu chuẩn về môi trường. Đến năm 2012, tôi hoàn thành 2 dãy trại gà, mỗi trại bình quân 26.000 con. Năm 2013, tôi đầu tư thêm 2 dãy chuồng, mỗi dãy như vậy có diện tích 6.000m2. Tất cả dự án xây dựng chuồng trại đều được chính quyền địa phương cấp phép, phê duyệt.

Tỷ phú Nguyễn Văn Lợi: 'Làm giàu nhanh quá chưa chắc đã tốt, có thể khiến người ta ganh ghét, tìm cách phá mình'. Ảnh: Phúc Lập. 

Tỷ phú Nguyễn Văn Lợi: "Làm giàu nhanh quá chưa chắc đã tốt, có thể khiến người ta ganh ghét, tìm cách phá mình". Ảnh: Phúc Lập. 

Năm 2014, tôi tiếp tục xin cấp phép xây dựng thêm 2 dãy chuồng nữa, sau khi dự án được phê duyệt, cơ quan chức năng đã xuống tận nơi kiểm tra, đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Mọi thủ tục hoàn tất, tôi bắt đầu xây dựng. Toàn bộ thiết bị, công nghệ đầu tư hệ thống chuồng trại tôi nhập từ Thái Lan. Chi phí mua thiết bị mỗi dãy trang trại khi đó hết cả chục tỷ đồng.

Sau khi công trình thi công gần hoàn tất thì một người hàng xóm đâm đơn kiện, cho rằng mấy trại gà của tôi gây ô nhiễm, yêu cầu chính quyền ra quyết định đình chỉ công trình đang xây dựng. Thời điểm đó, khu vực tôi xây dựng trại gà đã được tỉnh phê duyệt là vùng chăn nuôi tập trung, nên xung quanh chỉ có chừng chục hộ dân sống, cũng không ở gần trại gà. Lúc đầu tôi rất ngạc nhiên, vì trại gà của tôi có đến 4 dãy, hoạt động hơn 2 năm nay, mọi quy trình tôi đều tuân thủ theo giấy phép chứ có làm ẩu đâu. Sau đó tìm hiểu mới biết, người tố cáo là người ở nơi khác, mới chuyển về đây sống.

Sau khi nhận đơn tố cáo, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh đã về tận nơi kiểm tra. Công trình của tôi ngoài việc có một chút sai lệch về hệ thống xử lý môi trường, tức là vị trí tường xây lệch đi mấy mét so với thiết kế. Cái sai này tôi chỉ cần điều chỉnh lại là được, không nhất thiết phải buộc tháo dỡ toàn bộ công trình trị giá hàng chục tỷ đồng như vậy. Còn các chỉ số khác về nước, không khí, đều bình thường.

Khi đó, ông Trần Minh Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Tây Ninh thông báo trong cuộc họp dân: “Theo báo cáo thì nồng độ ô nhiễm không khí ở hai trại gà không vượt quá quy chuẩn. Tuy nhiên, với việc đo trong vòng 45 phút, lúc gió hướng này, lúc gió hướng khác nên kết quả có thể ở mức chung chung”. Nhưng người khiếu nại nhất quyết không chịu, đòi phải tháo dỡ, ủi hết. Vụ việc sau đó được đưa ra tòa, và phán quyết của tòa là buộc tháo dỡ công trình, nếu không sẽ cưỡng chế.

Khu vực pha chế, chế biến thức ăn cho bò, gà. Ảnh: Phúc Lập.

Khu vực pha chế, chế biến thức ăn cho bò, gà. Ảnh: Phúc Lập.

Điều tôi buồn nhất là khi đó, một số cơ quan truyền thông cũng đến tận nơi, nhưng sau đó, họ đăng nội dung khác hoàn toàn với những gì họ đã thấy, đã hỏi và tôi trả lời. Cho nên, bây giờ nhắc đến báo chí, tôi rất sợ.

Toàn bộ vốn liếng đầu tư hàng chục tỷ đồng mất trắng. Căn nhà này cũng suýt bị thi hành án vì nợ ngoài xã hội. Nhưng đau nhất là chỉ vì quá tin người mà 2 lần tôi phải bán mấy đám đất mới đủ tiền trả nợ. Lần thứ nhất tôi vay 1,6 tỷ ngoài xã hội, đến ngày trả nợ, họ mang sổ đến, cộng thêm 900 tiền lãi là 2 tỷ rưỡi, tôi trả một ít, họ ghi sổ, nhưng không huỷ giấy cũ, họ cứ chồng giấy mới lên giấy cũ, sau đó cộng lại, cuối cùng thành ra gần 6 tỷ.

Thêm vụ nữa là khi vụ kiện ra tòa, có người đến gặp tôi, nói có thể giúp tôi lo vụ kiện. Sau này tôi mới biết những đối tượng này gọi là “cò” chạy án. Khi tôi hỏi lo thế nào thì họ yêu cầu tôi viết 1 tờ giấy nhận nợ mấy trăm triệu. Nhưng tôi không phải đưa tiền, mà khi xong phiên tòa mới đưa. Khi tòa xử tôi thua, họ đến đòi tiền, tôi nói các anh có giúp tôi được đâu mà đòi tiền thì họ nói: “Tui nói lo giúp anh, tới đâu hay tới đó, chứ tui có lãnh thắng đâu?”, rồi chìa ra tờ giấy vay nợ, cộng thêm lãi. Tổng cộng cũng mấy tỷ. Lúc đó mới biết mình bị lừa. Sau đó họ thuê công ty đòi nợ thuê, công ty tài chính gì gì đó, đến gây áp lực. Cuối cùng tôi phải bán mấy đám đất mới trả xong nợ.

Tính cả vụ kiện môi trường, vụ vay nợ, kéo dài hơn 2 năm trời, tôi thiệt hại cả mấy chục tỷ đồng. Sau khi đập bỏ 2 dãy chuồng gà, tôi không đầu tư mở rộng trại gà nữa, phần vì không còn vốn, phần vì quá sợ.

Vỗ béo bò 5 tháng, bỏ túi mỗi con hơn chục triệu đồng

Một trại bò của tỷ phú Nguyễn Văn Lợi. Ảnh: Phúc Lập.

Một trại bò của tỷ phú Nguyễn Văn Lợi. Ảnh: Phúc Lập.

Thời điểm này, thấy anh đã lấy lại “phong độ”, phục hồi kinh tế, và có vẻ còn giàu hơn trước nữa. Vì sao anh lại nhập bò từ Thái Lan về nuôi mà không phải bò Việt Nam? Có bí quyết gì trong quy trình vỗ béo bò để sau 5 tháng anh xuất bán với giá gấp đôi?

Tôi bắt đầu tập trung đầu tư nuôi bò vỗ béo từ hơn 2 năm nay, và luôn duy trì tổng đàn 1.000 con, với 4 trại, mỗi trại 250 con. Đây là nguồn thu nhập lớn. Nhưng ngoài ra, đàn dê của tôi vẫn luôn duy trì ở mức trên dưới 300 con. Gà thì 4 dãy chuồng, mỗi dãy 26 ngàn con.

Nói về kinh nghiệm chăn nuôi, có thể tôi không biết cách trình bày như một kỹ sư, nhưng kinh nghiệm thì có thừa. Riêng công thức pha chế liều lượng thức ăn cho bò, chưa chắc kỹ sư pha chế bằng tôi đâu (cười). Gà tôi nuôi đúng 45 ngày là xuất chuồng, trọng lượng đều tăm tắp. Bò hay dê, tôi nhìn là biết con nào tăng trọng nhiều, con nào ít để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp cho nó. Hoặc khi có triệu chứng bệnh, tôi nhìn là biết chúng bị gì. Vì thế, đàn vật nuôi của tôi rất ít hao hụt.

Tỷ phú Nguyễn Văn Lợi

Tôi đã có kinh nghiệm nuôi bò, vỗ béo bò thịt từ 2 chục năm nay rồi, nhưng khi đó nuôi ít, vài con đến vài chục con là cao. Sau khi 2 trại gà bị tháo dỡ, tôi lâm cảnh khốn đốn, mấy năm trời cạn vốn làm ăn. Đến năm 2018, khi có chút vốn tôi mới bắt đầu nghĩ đến việc nuôi bò thịt vỗ béo.

Tôi không chọn bò Việt Nam vì nhiều lý do. Thứ nhất là số lượng ít, để gom được vài chục con đã khó chứ đừng nói vài trăm con, ngàn con như thế này. Thứ 2 là bò Việt Nam nuôi vỗ béo tăng trưởng chậm hơn bò Thái, kinh nghiệm nhiều năm nuôi bò cho tôi thấy điều đó. Và một yếu tố quan trọng nữa, đó là giá cao. Một con bò Việt Nam cùng tuổi, cùng trọng lượng, giá hơn 30 triệu. Trong khi đó, bò Thái có giá từ 25 - 28 triệu đồng, tính luôn cả phí vận chuyển.

Tôi có một người quen ở Campuchia, anh ta có nguồn cung bò bên Thái giới thiệu. Nên sau khi tìm hiểu kỹ, tôi đặt anh ta cung cấp. Tiếp theo tôi về xây dựng hệ thống chuồng trại. Hoàn thành 4 dãy chuồng, tôi mới chuyển lứa bò đầu tiên về. Xe chở bò qua Lào, Campuchia, rồi mới về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Hóa (Long An). Qua cửa khẩu mỗi nước, lại có thủ tục nhập khác nhau.

Anh thấy đấy, tôi đã có kinh nghiệm “xương máu” trong vấn đề môi trường, nên ngay từ đầu, khi xây dựng hệ thống chuồng trại, tôi đã áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn về xử lý chất thải. Bò nuôi trên đệm lót sinh học. Anh cũng tận mắt nhìn chuồng bò rồi, hoàn toàn không có mùi hôi, chất thải xử lý triệt để. Vừa tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, vừa tiết kiệm được công chăm sóc, công dọn chuồng; tận dụng phân chuồng làm phân bón cho cây; bò tăng trưởng nhanh và sạch sẽ hơn bò nuôi thông thường. Bò phát triển tốt hơn, không bị rụng lông, hạn chế bệnh tật.

Sau 5 tháng vỗ béo thì xuất bán. Một con bò ăn bình quân mỗi ngày hết khoảng 18kg cỏ tươi và khoảng 3kg thức ăn hỗn hợp. Thức ăn hỗn hợp gồm 7 - 8 loại trộn chung như cám gạo, bột bắp, men, cỏ băm nhuyễn... Đây là công thức do tôi tự pha chế sau nhiều năm tích luỹ kinh nghiệm nuôi bò. Sau 5 tháng vỗ béo, nhìn con bò khác hẳn ban đầu. Bình quân một con bò xuất bán giá từ 50 - 55 triệu, trừ chi phí còn lãi hơn chục triệu đồng.

Khu vực dê sinh sản trong trang trại của Lợi. Ảnh: Phúc Lập.

Khu vực dê sinh sản trong trang trại của Lợi. Ảnh: Phúc Lập.

 

Có thể tôi nói anh không tin, nhiều người không tin, nhưng tôi muốn làm để có điều kiện giúp đỡ nhiều người. Không tin anh hỏi anh Tuấn Chủ tịch (Phan Thành Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Thuận) đây thì biết, một năm tôi đóng góp cho xã này bao nhiêu tiền. Ngoài tiền đầu tư làm đường, cầu cống, từ năm 2001 đến nay, tôi vẫn duy trì giúp đỡ, nuôi 3 chục hộ nghèo trong xã. Mỗi tháng cung cấp đủ lương thực cho họ. Hỗ trợ trẻ em nghèo chi phí học hành. Lúc trước con đường trước mặt anh có khúc cua gấp, nhiều vụ va chạm xe xảy ra ngay khúc cua đó, sau khi mua hết khu đất này, tôi cắt mấy trăm mét xuyên qua đất của tôi để nắn cho con đường thẳng như hôm nay, chấp nhận xẻ đôi mảnh đất của mình.

Tóm lại, tôi không tiếc gì nếu thấy ai đó cần giúp đỡ. Hiện nay, trang trại của tôi đang duy trì hơn 20 nhân công, tất cả đều là người địa phương, tôi trả lương cho họ từ 7 - 9 triệu đồng/tháng

Tỷ phú Nguyễn Văn Lợi

 

Bây giờ, tôi kiếm tiền không hẳn vì tiền

Sau 20 năm khởi nghiệp, anh đã trở thành tỷ phú đúng nghĩa, mặc dù từng nếm trải thất bại nặng. Mục tiêu của anh ngày mới khởi nghiệp và bây giờ có khác nhau? Mục tiêu sắp tới của anh là gì?

Một điểm chung là 20 năm trước hay bây giờ cũng vậy, khát khao làm giàu luôn cháy bỏng trong tôi. Còn khác nhau là lúc mới lập nghiệp, tôi không nghĩ được nhiều, mục tiêu phấn đấu cũng đơn giản. Đó là làm sao có một mảnh đất để canh tác, để chăn nuôi, thu nhập ổn định. Bây giờ tôi giàu rồi, tôi vẫn miệt mài kiếm tiền, kiếm nhiều hơn nữa. Nhưng mục tiêu đã khác xưa nhiều, đó là tôi làm không hẳn vì ham tiền, ham giàu. Bởi vì tôi đã giàu rồi, nhiều tiền rồi, ăn sao hết được? Cả nhà tôi 3 người, chỉ cần 150 ngàn, 200 ngàn là đủ ăn một ngày. Đâu cần nhiều!

Nguyễn Văn Lợi: 'Bây giờ tôi giàu rồi, nhưng tôi vẫn tiếp tục làm. Làm không phải vì ham tiền, ham giàu, mà vì đam mê'. Ảnh: Phúc Lập.

Nguyễn Văn Lợi: "Bây giờ tôi giàu rồi, nhưng tôi vẫn tiếp tục làm. Làm không phải vì ham tiền, ham giàu, mà vì đam mê". Ảnh: Phúc Lập.

Nếu bây giờ không làm gì, thì gia đình 3 người chúng tôi vẫn đủ sống sung túc trọn đời. Nhưng tôi vẫn miệt mài làm việc, vì thấy nếu không làm thì lãng phí nhiều thứ, lãng phí cơ hội, lãng phí sức khỏe, thời gian, lãng phí một con người được ông trời ban cho khả năng làm ăn giỏi.

Bây giờ, nếu bỏ đi xứ khác làm ăn, tôi khoẻ lắm. Nhưng tôi không muốn rời xa nơi mình sinh ra, mặc dù nơi đây tôi từng nếm trái đắng. Bây giờ mọi thứ đã tốt hơn xưa rất nhiều. Tôi đang lên kế hoạch đầu tư xây một khu chợ, khách sạn - nhà trọ ở Khu Công nghiệp Phước Đông - Bời Lời (thị xã Trảng Bàng - PV). Riêng phần nhà trọ sẽ ưu tiên cho công nhân thuê với giá rẻ.

Như vừa nói, tôi vẫn đang nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu lớn, đó là hiện đại hóa quy trình chăn nuôi, xây dựng một trang trại quy mô, hiện đại, khép kín, từ thức ăn chăn nuôi đến chế biến. Hiện nay, tôi có hơn 20ha đất trồng cỏ, bắp, gần đủ nguồn thức ăn cho 1.000 con bò và 300 con dê.

Tôi đang lên kế hoạch liên kết với một công ty chế biến thực phẩm, xây dựng một nhà máy giết mổ tại đây. Trước mắt là cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng cho địa phương, sau đó là hướng tới xuất khẩu.

Với số lượng gia súc như của tôi, môt nguồn chất thải cực lớn thải ra mỗi ngày, trong đó phân dê là một trong những loại phân tốt nhất cho cây trồng. Nếu được ủ, chế biến theo quy trình, thì sẽ là một nguồn dinh dưỡng vửa tốt cho cây, lại đảm bảo một trong những quy trình chăm sóc hữu cơ. Nếu như không xảy ra sự cố, buộc tháo dỡ công trình, mất mấy chục tỷ đồng, thì hôm nay chắc tôi đã có một nhà máy phân bón như thế. Và có thể, người vùng này đã có nguồn phân bón chất lượng với giá rẻ hơn giá thị trường. Bởi nguồn nguyên liệu có sẵn mà.

Anh có điều gì muốn chia sẻ với người mới khởi nghiệp, nhất là người trẻ?

Nói chia sẻ thì tôi không dám, vì tôi chỉ là một anh nông dân đúng nghĩa và ít học. Nhưng tôi nghĩ, mỗi người sẽ có một cách riêng để khởi nghiệp, để bước vào đời. Với những người không may mắn được ăn học đầy đủ như tôi, thì cũng đừng tự ti, mà hãy luôn tự tin, tìm cho mình một hướng đi phù hợp khả năng. Nếu vấp ngã thì hãy nghĩ còn nhiều cơ hội để tiếp tục phấn đấu.

Một điều rất quan trọng đối với bất cứ ai, đó là đừng đánh mất mình, đừng để tiền bạc làm lu mờ chữ “tình”. Tôi nghĩ, luật nhân quả luôn song hành với mỗi chúng ta. Có khi lâu nó mới đến, cũng có khi nó đến rất nhanh. Tôi đã thấy và luôn tin điều đó.

Xin cảm ơn anh và chúc anh thành công!

Tin liên quan

'Bệ đỡ' những ý tưởng khởi nghiệp lớn cho ngành nông nghiệp

'Bệ đỡ' những ý tưởng khởi nghiệp lớn cho ngành nông nghiệp

Thông qua “Khởi nghiệp Nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020”, Ban tổ chức mong muốn có những ý tưởng, dự án giải được các bài toán lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam.

9X xứ Nghệ khởi nghiệp trồng dưa lưới

9X xứ Nghệ khởi nghiệp trồng dưa lưới

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo miền Tây xứ Nghệ, anh Võ Văn Hậu (SN 1993) quyết tâm bám trụ nơi đây để khởi nghiệp trồng dưa lưới làm giàu.

Khởi nghiệp Nông nghiệp mùa thứ 6 trở lại bùng nổ

Khởi nghiệp Nông nghiệp mùa thứ 6 trở lại bùng nổ

Khởi nghiệp Nông nghiệp mùa thứ 6 trở lại bùng nổ mở đầu với “Bệ phóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020” diễn ra vào ngày 10/7 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời đại 4.0

Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời đại 4.0

Chương trình "Bệ phóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020" sẽ giúp các bạn sinh viên có những góc nhìn mới, rõ ràng hơn về khởi nghiệp, kinh doanh trong thời đại 4.0.