Phát triển mô hình trồng cam theo chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ đang giúp người nông dân ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang ‘cứu’ hàng nghìn ha cam bị thoái hóa, sâu bệnh.
Đây là vườn cam canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ rộng 4hcủa gia đình ông Phạm Ngọc Hà, tổ dân phố Cầu Mới, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
Mấy năm nay cam ở Hàm Yên bị thoái hóa, sâu bệnh chết rất nhiều. Để cứu diện tích cam của gia đình, ông Hà thực hiện các biện pháp canh tác theo chuẩn hữu cơ, như lựa chọn giống sạch bệnh, bón phân chuồng… Thế nhưng không ít diện tích cam vẫn kém chất lượng.
Việc canh tác theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tốt tuy vất vả, khó khăn hơn chăm sóc theo hướng thông thường nhưng đã dần giúp vườn cam hồi sinh, phát triển tốt.
Trong khi nhiều hộ trồng cam ở huyện Hàm Yên đã suy cảm diện tích, năng suất, sản lượng, thì vườn cam của gia đình anh Nguyễn Khắc Khương, thị trấn Tân Yên vẫn xanh tốt, cho quả mọng nước, chất lượng đồng đều.
Anh Khương cho biết, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ nên vườn cam của gia đình anh có hệ thống thảm cỏ khá xanh tốt, vừa giữ được độ ẩm cho đất, vừa cân bằng hệ sinh thái để thiên địch có lợi đồng hành cùng anh bảo vệ vườn cam.
Hiện nay, diện tích cam tại thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên là hơn 200ha, giảm khoảng 100ha so với thời kỳ cao điểm.
Bảo vệ sức khỏe của đất và cây trồng, chính quyền thị trấn vận động người dân canh tác theo hướng nông nghiệp tốt gắn với bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng. Thị trấn đã có 30ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Những diện tích này cây sinh trưởng phát triển tốt, cho quả có mã đẹp, độ ngọt đậm, được thị trường đón nhận…
Cây cam là cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế nổi bật cho người nông dân tại các huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Do đó, việc phát triển vùng trồng theo hướng nông nghiệp tốt đang dần giúp hồi sinh những vùng cam đặc sản, bảo đảm nguồn thu ổn định cho người trồng cam ở Tuyên Quang.