Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng, triển khai nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân vùng ven biển Trần Đề.
MC: Bên cạnh nguồn nước được cấp từ Trạm cấp nước tập trung do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý; một bộn phận người dân sinh sống ở khu vực nông thôn tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng hiện vẫn còn tận dụng nước từ ao, hồ hoặc từ giếng khoan để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, do các trạm cấp nước luôn trong tình trạng thiếu hụt nước vì vậy đang diễn ra khá trầm trọng tại nhiều khu vực trên địa bàn huyện. Nhiều phương án hiện đang được huyện tích cực triển khai nhằm nỗ lực đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân địa phương . Sau đây mời quý vị cùng theo dõi phóng sự do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân vùng ven biển Trần Đề
Huyện Trần Đề hiện có 23 công trình cấp nước tập trung do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, vận hành, với tổng công suất được cấp giấy phép là 12.119 m3/ngày đêm, tổng chiều dài tuyến ống mạng cấp nước gần 433 ngàn mét.
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 kết hợp cùng hiện tượng El Nino khiến mực nước tại một số trạm giảm từ 20 – 30 mét, công suất cấp nước tại một số khu vực vì vậy chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng tăng cao của người dân trong mùa nắng nóng.
Ông HÀ HÙNG KIỆT - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng: (Tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra tại hầu hết các xã. Qua tiến hành khảo sát huyện cũng đề xuất lãnh đạo xem xét lại các Trạm chưa khai thác hết công suất thiết kế cũng nên tạo một cơ chế đặc thù để cho phép các Trạm này nâng lượng nước khai thác nhằm giải quyết khẩn cấp tình trạng thiếu nước cho bà con trong những tháng mùa khô này).
Nhiều hộ dân sinh sống tại các khu vực thiếu hụt nước đã được hưởng lợi từ chương trình cấp nước sạch miễn phí do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng triển khai. Đây là điều mong chờ của rất nhiều người dân nông thôn, đặc biệt là ở các ấp nằm cách xa khu dân cư tập trung, chưa được lắp đặt đường ống dẫn nước.
Chị CHAO THỊ GIẢNG – Xã Tài Văn, Huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng: “Hồi đó mình làm cây nước mấy triệu mà hư hoài, giờ được trung tâm nước sạch làm đường ống nước tôi mừng lắm…”
Ông NGUYỄN THÀNH ĐƯỢC - Phó giám đốc, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng: “Trong thời gian qua chúng tôi đã xây dựng đề án giai đoạn 2023-2030 định hướng 2045, mục tiêu giải quyết nước sạch cho 54.000 hộ dân có nước sạch….”
Ngoài ra, một số địa phương trong huyện Trần Đề còn phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng huy động sự tham gia, đồng hành của các doanh nghiệp để hỗ trợ thiết bị lọc nước, trữ nước cho bà con.
Ông TRẦN THANH DŨNG - Ấp Thanh Nhàn, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng: “Mùa hạn hạn rất khó khăn mỗi lần xài nước không có nước xài rất khó khăn nên khi được hỗ trợ bồn đựng nước tôi rất là mừng”
Ông PHAN VĂN HẬU – Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng: “Vận động các mạnh thường quân hỗ trợ các bồn chưa nước, nước sinh hoạt đã được người dân nhiệt liệt hưởng ứng và rất phấn khởi.”
Toàn huyện Trần Đề hiện còn khoảng 6.500 hộ dân bị thiếu hụt nước dù có tuyến ống dẫn nước đi qua. Riêng khu vực chưa có đường ống dẫn nước, số hộ thiếu nước sinh hoạt là khoảng 1.462 hộ, tập trung chủ yếu tại các xã: Thạnh Thới An, Lịch Hội Thượng, Liêu Tú, Trung Bình.
Với đặc điểm địa tầng, huyện Trần Đề có đến 6 xã không thể khoan giếng nước ngầm, đây là áp lực rất lớn đối với chính quyền địa phương và ngành chuyên môn mỗi khi mùa hạn về.
Năm nay hạn mặn gay gắt, nước mặt trên sông rạch cạn kiệt, những ao mương người dân chủ động trữ ngọt cũng dần trơ đáy.
MC: Thưa quý vị!
Những giải pháp hỗ trợ cấp bách đã và đang được huyện Trần Đề và các cơ quan chuyên môn trong tỉnh Sóc Trăng tiếp tục triển khai. Dù chưa giải quyết triệt để vấn đề nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác dân sinh, từng bước giúp người dân tiếp cận được với nguồn nước chất lượng, hợp vệ sinh; đặc biệt là đối với địa bàn các xã mà người dân không thể chủ động được nguồn nước sinh hoạt.
Đến đây phóng sự do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện xin được khép lại, cám ơn quý vị đã quan tâm theo dõi, xin kính chào và hẹn gặp lại.