Mô hình kinh tế trang trại tuần hoàn đầu tiên được xây dựng tại vùng chiêm trũng xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình mang lại lợi ích rõ rệt cả về kinh tế và môi trường cho nông dân địa phương.
MC: Tại Quảng Bình, việc hỗ trợ các mô hình nông nghiệp tuần hoàn sẽ là bước khởi đầu để tiến tới nền nông nghiệp xanh, thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường. Năm 2024, từ nguồn chính sách nông nghiệp, Trung tâm KN- Khuyến ngư tỉnh đã hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng (tại xã xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh), thực hiện mô hình chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là mô hình chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Trên diện tích gần 3 ha vốn là ruộng lầy một vụ lúa kém hiệu quả, gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng đã đưa vào trồng cỏ VA06, đầu tư chuồng trại nuôi 3 ngàn gà ri lai, 28 con bò lai sinh sản, nuôi giun quế, đào ao thả cá nước ngọt… Cỏ được thu hoạch đưa vào máy nghiền và phối trộn làm thức ăn tươi cho bò và cho cá trắm cỏ. Phân bò được gom ủ và đưa vào bể nuôi giun quế. Sau đó, giun quế được khai thác để làm thức ăn cho gà, cá nuôi.
Lượng phân bò còn lại cùng với phân gà (đã ủ hoai mục) và phân giun quế được sử dụng bón cho cây trồng và cỏ VA06. Quá trình sản xuất như vậy, các chất thải được xử lý và sử dụng triệt để, hạn chế phát tán ra môi trường, nâng cao được hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người.
Phỏng vấn ông Lê Viết Dân, ở xã Võ Ninh, lao động tại trang trại
Trang trại chăn nuôi tuần hoàn đã được Trung tâm KN-Khuyến ngư Quảng Bình quan tâm hỗ trợ 50% kinh phí mua giống gà, cá và giun quế, 50% lượng thức ăn bổ sung hàng ngày cho bò, cá và gà giai đoạn từ 1 đến 21 ngày tuổi và lượng thức ăn bổ sung hàng ngày cho gà giai đoạn từ 22 ngày tuổi đến xuất chuồng. Đồng thời được cán bộ trung tâm hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng cho từng loại cây trồng, vật nuôi theo chu trình khép kín, bảo đảm năng suất và hiệu quả.
Phỏng vấn ông Hà Xuân Anh, Phó Giám đốc Trung tâm KN- Khuyến ngư Quảng Bình
Hiện, gà nuôi tại trang trại sau 3,5 tháng là xuất chuồng với trọng lượng từ 1,5-2 kg mỗi con. Khi xuất bán khoảng 1.000 con là trang trại tiếp tục tái thả 1.000 gà giống nhằm đảmbảo gà thương phẩm xuất bán mỗi tháng một lứa. Riêng đàn bò đã sinh sản được bê nghé. Theo tính toán, thu nhập trong năm của mô hình này sau khi trừ chi phí, lãi ước đạt khoảng 400 triệu đồng.
Ở trang trại tuần hoàn này, việc xây dựng khu nuôi gà, bò được tính toán vượt lũ. Khu nuôi gà có sàn cao trên hơn mức đỉnh lũ cao nhất ở đây nên có thể chủ động khi mưa lũ về. Trước mùa lũ, cá nuôi được đưa kéo và đưa về ao nuôi có hệ thống hàng rào kẽm mắt lưới nhỏ để phòng lũ về, cá cũng không bị trôi theo lũ.
Phỏng vấn ông Nguyễn văn Hoàng, chủ trang trại tuần hoàn tại xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình
Xã Võ Ninh là địa phương thuần nông và có nhiều lợi thế về đất đau trong phát triển chăn nuôi. Chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện cho các hộ dân, tổ hợp tác, doanh nghiệp…đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng các mô hình kinh tế để nâng cao nhận thức của người dân về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, hiệu quả và lợi ích mà các mô hình mang lại.
Phỏng vấn ông Phạm Văn Dần, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Ninh, Quảng NInh, Quảng Bình
Từ mô hình kinh tế trang trại tuần hoàn đầu tiên, Quảng bình có điều kiện mở rộng thêm nhiều mô hình khác như kết hợp lúc các mô hình vườn-ao-chuồng-rừng trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng quy trình sản xuất theo chu trình tạo lập các vòng lặp khép kín, môi trường sản xuất bảo đảm an toàn, sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao, giảm chi phí trong quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng bền vững.