Công trình thủy lợi dẫn nước từ khe núi giúp làm tăng diện tích cấy lúa 2 vụ ở Mù Cang Chải, góp phần đảm bảo an ninh lương thực ở huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái.
Mù Cang Chải có gần 1800 ha lúa 2 vụ nhờ thủy lợi nhỏ
Công trình thủy lợi dẫn nước từ khe núi giúp làm tăng diện tích cấy lúa 2 vụ ở Mù Cang Chải, góp phần đảm bảo an ninh lương thực ở huyện vùng cao này.
Gia đình anh Giàng A Tủa ở xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có hơn 5 sào ruộng, vụ xuân này chỉ gieo cấy được hơn 3 sào lúa nước bởi hệ thống thủy lợi nhỏ dẫn nước từ khe núi không đủ nước tưới sản xuất cho toàn bộ diện tích. Đến vụ mùa sẽ gieo cấy hết diện tích vì có nguồn nước mưa.
Theo anh Tủa, canh tác trên hệ thống ruộng bậc thang nên việc lấy nước được bà con trong bản rất chú trọng. Từ trước vụ cấy, mọi người đã cùng nhau lấy đá đắp bờ để tích trữ nguồn nước chảy từ khe núi, vệ sinh, phát cỏ hệ thống mương dẫn nước, kiểm tra, lắp đặt lại hệ thống ống nhựa để đảm bảo không thất thoát nước tưới. Với 3 sào ruộng nếu được mùa sẽ thu được khoảng 20 bao, khoảng 6 tạ thóc, đủ cung cấp cho 6 thành viên trong gia đình trong 4 tháng.
PB Anh GIÀNG A TỦA, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái: “Ở đây vùng cao nên nước tưới để cấy lúa khó khăn, nhiều khi cấy xong trời nắng hạn kéo dài không có nước làm lúa chết. Các thửa ruộng chúng tôi phải làm bờ to, chắc chắn để giữ nước. Tại các kheo suối chúng tôi lấy đá để chăn dòng giữ nước và dẫn về các thửa ruộng.”
Người dân ở Mù Cang Chải đã canh tác ruộng bậc thang từ nhiều đời nay, nguồn nước tưới chủ yếu từ tự nhiên nên đa phân chỉ gieo cấy một vụ trong năm. Theo kinh nghiệm của đồng bào mông nơi đây, yếu tố đầu tiên mà họ quan tâm là chọn mảnh đồi có nguồn nước mạch, hoặc gần nguồn nước mạch có thể đào rãnh dẫn nước tới ruộng. Nước mạch thường chảy ra từ các sườn núi, khe núi, nước suối, nước mưa.
Để dẫn nước về ruộng bậc thang, người dân phá đá, đào rãnh tạo dòng chảy dẫn nước từ cao xuống thấp, nước chảy từ khe núi, dẫn qua những ống nhựa (thay cho ống tre nứa) rồi đổ từ bậc ruộng này sang bậc ruộng khác, tạo ra hệ thống thủy lợi phức tạp. Vào mùa vụ, ruộng của nhà nào ở đầu nguồn thì mở cửa cho nước vào nhỏ, ruộng càng ở phía cuối nguồn thì càng được mở cho nước vào nhiều. Người ở ruộng trên cấy xong, thả nước vào mương phụ cho người bên dưới, mọi người cùng chia sẻ nguồn nước để canh tác, đảm bảo các thửa ruộng đủ nước.
PB Ông VŨ ĐỨC THÀNH, Phó giám đốc chi nhánh Mù Cang Chải – Công ty TNHH Tân Phú: “Để tiết kiệm nước tưới, đơn vị quản lý thủy nông đã hướng dẫn bà con tích trữ nước ở trong ruộng, không cày ải, phơi khô như ở vùng thấp. Việc be bờ ruộng cũng được thực hiện cẩn thận bằng cách lót bạt hoặc nilon trước khi đắp bờ, như vậy giúp cho thửa ruộng giữ được nước lâu hơn, không bị rò rỉ thất thoát nước. Trong quá trình phân bổ nước tưới thì đoàn kết, chia sẻ để đảm bảo ruộng nhà nào cũng đủ nước tưới”
Hiện nay, toàn huyện Mù Cang Chải có gần 700 công trình thủy lợi đang hoạt động với tổng chiều dài hơn 1.000 km mương dẫn, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho gần 4.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó gần 1.800 ha gieo cấy 2 vụ/năm. Do địa hình có độ dốc lớn nên đa phần là các công trình thủy lợi ở đây có quy mô nhỏ, nhiều công trình chỉ phục vụ tưới tiêu cho 0,5 - 1 ha đất nông nghiệp. Nhiều diện tích lúa chỉ gieo cấy 1 vụ do phải trông chờ nguồn nước tự nhiên, nhưng nay có thể gieo cấy 2 vụ, sản lượng lương thực hàng năm của huyện đạt gần 50.000 tấn, đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương.