Những ngôi làng du lịch cộng đồng Bana ở Kon Tum không chỉ giúp người dân cải thiện thu nhập mà còn quảng bá được những giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Những ngôi làng du lịch cộng đồng của người Bana
Bên dòng sông Đăk Bla thơ mộng, cộng đồng người Bana tại các làng Kon Kơ Tu, Kon Jơ Dri và Kon Klor đã và đang trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch cộng đồng của TP. Kon Tum. Đến đây, du khách không chỉ được hòa mình vào đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân, làm quen với các nhạc cụ truyền thống, tìm hiểu về các lễ hội văn hóa, thưởng thức các món ẩm thực mà còn rất nhiều các hoạt động trải nghiệm thú vị và hấp dẫn khác như chèo thuyền độc mộc trên sông, chiêm ngưỡng nghề dệt thổ cẩm đặc trưng của người dân địa phương.
Phỏng vấn bà Hồ Thị Ngọc Quỳnh – Du Khách
Chúng tôi đến trải nghiệm làng du lịch cộng đồng, trước hết khám phá tìm hiểu văn hóa đặc sắc của Kon Tum, nhất là nghề dệt thổ cẩm. Trước hết tôi cảm nhận ngôi làng này rất bình yên, rất đẹp, con người ở đây rất thân thiện. Khi quan sát mọi người dệt thổ cẩm,tôi cảm nhận tâm huyết, khéo léo, họ đổ tâm sức vào đường kim mũi chỉ, cách dệt vải. Tôi rất tâm đắc.
Đến với những ngôi làng du lịch cộng đồng, du khách không những được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên thiên, mà còn cảm nhận được sự mến khách và cách làm du lịch của bà con cộng đồng người Bana nơi đây. Bà con không còn làm du lịch theo kiểu tự phát mà đã biết liên kết, hình thành các nhóm trình diễn dệt thổ cẩm, đan lát, ẩm thực, chèo thuyền.
Phỏng vấn bà Bang, làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum
Xưa trong làng dệt tập trung. Rồi tới lễ hội ai cũng mặc đồ truyền thống nên thấy đẹp nên truyền cho nhau học dệt nhiều. Trước khi lấy chồng phải học dệt. Giờ Nhà nước tạo điều kiện cho chị em tập trung trao đổi với nhau để làm tốt hơn.Mong muốn du lịch phát triển tốt, chị em tập trung học hỏi truyền đạt với nhau.
Du lịch cộng đồng không chỉ giúp bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế, mà còn giúp người đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng mô hình khởi nghiệp. Sự định hướng và giúp đỡ từ địa phương đã tạo đòn bẩy làm nên sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài tỉnh. Bước đầu, những ngôi làng du lịch cộng đồng đã có được những thành công, vừa tạo thêm thu nhập cho người dân vừa quảng bá được các sản phẩm đặc trưng ở địa phương.
Phỏng vấn bà Lê Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyềnthông TP. Kon Tum
Trong thời gian qua, TP. Kon Tum rất quan tâm bảo tồn gìn giữ văn hóa truyền thống các dân tộc, không chỉ lưu giữ một ngành nghề, mà còn phục vụ du lịch cộng đồng các làng xã trên địa bàn TP Kon Tum, như làng Kon Kơ Tu, làng Kon Jơ Dri. Thời gian tới Trung tâm Văn hóa sẽ tham mưu tỉnh đẩy mạnh du lịch cộng đồng, bảo tồn văn hóa. Hiện qua các lớp đào tạo, ngành dạy các lớp dệt thổ cẩm. Các trường học tổ chức cho các em học hàng tuần, sinh hoạt múa cồng chiêng.
Những ngôi làng du lịch cộng đồng đang góp phần tạo ra động lực giúp cộng đồng người Bana bảo tồn, gìn giữ và quảng bá những giá trị văn hóa, sản phẩm đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung.