Ngành nông nghiệp Ninh Bình chú trọng việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất lúa gạo đồng bộ, tiết kiệm chi phí và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Trước đây, bà con trong HTX nông nghiệp Nam Thành vẫn áp dụng hình thức gieo sạ. Tuy nhiên, đã có thời điểm lúa ma xuất hiện nhiều, gây ảnh hưởng lớn tới năng suất và chất lượng lúa. Vụ Đông Xuân năm nay, HTX đã thay đổi phương thức canh tác, áp dụng phường thức mạ khay, cấy máy trên diện tích 70ha. Cách làm này sẽ giúp bà con hạn chế tối đa sự xuất hiện của lúa ma. Đồng thời giúp giảm chi phí trong sản xuất.
Anh LƯƠNG VĂN QUẢNG
HTX nông nghiệp Nam Thành, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, Ninh Bình
Khi áp dụng thay cho phương thức truyền thống thì có thể tiết kiệm 30% giống, không phải phun thuốc cỏ, thuốc ốc ngoài ra còn tiết kiệm thời gian. Ví dụ như trên 1 sao bắc bộ 350m2 thì khi sử dụng máy cấy chỉ mất khoảng 5 phút.
Ông PHẠM TRỌNG NGUYÊN
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Mô, Ninh Bình
Nếu so sánh chi phí thì cấy máy cao hơn gieo vãi khoảng 100.000 đồng/360m2. Nhưng nêú so với cấy thủ công thì rẻ hơn khoảng 300.000/360m2. Mà hiện nay lao động thủ công đang chuyển dịch rất mạnh sang công nghiệp cho nên lực lượng cấy là rất khó, không đảm bảo được thời vụ sản xuất. Mà 1 máy cấy như hôm nay chúng tôi đang tính toán thì tương đương khoảng 250 lao động/ngày nên là chắc chắn sẽ đảm bảo được tiến độ đề ra.
Nếu như năm 2019 chương trình cơ giới hoá đồng bộ được tỉnh Ninh Bình đưa vào thử nghiệm với quy mô 12 ha. Thì đến hết năm 2022 diện tích này đã lên tới 1.500ha. Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ các loại máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp từ khâu sản xuất lúa, chế biến, tiêu thụ với định mức 50% máy và không quá 150 triệu đồng/máy, mỗi cơ sở hỗ trợ tối đa không quá 3 máy. Theo đó, các HTX được hỗ trợ máy cấy, máy bay phun thuốc BVTV. Còn doanh nghiệp thu mua sản phẩm sẽ hỗ trợ máy sấy, máy sàng,..
Ông ĐINH VĂN KHIÊM
Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình
Với chính sách năm nay mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, sử dụng phương pháp cấy, sẽ nâng lên 50% diện tích sử dụng phương pháp cấy. trong đó có khoảng 5-10% sử dụng máy cấy (năm 2023) và lũy kế tính tiến mỗi năm 10% cho đến năm 2025, trong đó có các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao tỷ lệ diện tích lúa cấy và diện tích sử dụng máy cấy cơ giới hóa đồng bộ của tỉnh lên 30% theo tiêu chí đề án của Bộ NN-PTNT.
Bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá, tỉnh Ninh Bình còn tăng cường sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đã áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến, sử dụng phân bón hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa. Qua đó, thúc đẩy liên kết 4 nhà, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp.
Ông PHÙNG VĂN QUANG
Giám đốc Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang
Trong chương trình 1 chuỗi theo hướng hữu cơ này, có lợi ích thứ nhất là HTX làm dịch vụ, người dân sản xuất thì giá cả cao hơn chương trình không hữu cơ. Thứ 2 là công ty cung ứng giống rất gọn, bởi bộ giống của công ty đưa ra sản xuất theo chương trình 1 chuỗi này thì thương phẩm sẽ tốt hơn.
Ông ĐINH VĂN KHIÊM
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình
Việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất là hướng đi đã được xác định và chính sách của tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ cho những chuỗi liên kết này. Tỉnh xác định phát triển du lịch là trọng điểm thì những sản phẩm nông nghiệp phải đảm bảo truy suất nguồn gốc rõ ràng, canh tác an toàn để đảm bảo môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường để nội tiêu và phục vụ du lịch. Vừa đảm bảo lợi ích kinh tế môi trường,.
Tỉnh Ninh Bình xác định, việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất lúa gạo đồng bộ là hết sức cần thiết nhằm phát huy tối đa lợi thế và tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, khi thực hiện liên kết theo chuỗi, các tổ chức nông dân sẽ từng bước được xây dựng theo hướng chuyên môn hóa ngay tại địa phương. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị trên đơn vị canh tác lúa./.