Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ bảo vệ sức khỏe cho người trồng, người sử dụng mà còn góp phần bảo vệ môi trường, gia tăng hiệu quả kinh tế.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng
Nhận thức được việc sản xuất nông nghiệp quá phụ thuộc vào các loại phân bón hóa học cũng như thuốc bảo vệ thực vật, thiếu sự bền vững và tác động đến môi trường, những năm qua, người dân thôn Xuân Nam, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu chuyển qua canh tác bằng phương pháp hữu cơ đối với cây đậu phụng. Với 2 héc ta sản xuất thử nghiệm thành công vào năm 2016, đến nay, toàn bộ 65 hộ dân ở thôn Xuân Nam đã bỏ cách sản xuất truyền thống để chuyển qua trồng đậu phụng theo phương pháp hữu cơ trên diện tích 14 héc ta. Các sản phẩm làm ra không chỉ đảm bảo an toàn cho người sử dụng mà còn bảo vệ được sức khỏe cho những nông dân trực tiếp gieo trồng. Cùng với đó, hiệu quả kinh tế mang lại từ cây đậu phụng hữu cơ cũng tăng lên đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Xuyến, thôn Phú Xuân, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam
Ban đầu mình cũng vẫn lo, mình sợ nếu như không phun thuốc thì sợ cỏ. Nhưng bắt đầu cơ cấu lại, phát triển lại thì bây giờ con người mình nghe khỏe, không phải lo lắng bất kỳ vấn đề gì nữa hết.
Theo đại diện Hội nông dân xã Đại Thắng, hiện nay, diện tích trồng đậu phụng hữu của bà con trong xã đều được liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp cũng như sự hướng dẫn kỹ thuật của đơn vị có chuyên môn. Tất cả các khâu sản xuất từ chăm sóc đến thu hoạch, người dân đều thực hiện bằng phương pháp thủ công, sử dụng phân bón là các phụ phẩm nông nghiệp và chăn nuôi. Mặc dù phương thức sản xuất này mất nhiều công lao động nhưng bù lại tạo ra sản phẩm sạch, giá thành bán ra cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Minh, thôn Phú Xuân, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam
Sản xuất hữu cơ cho cây đậu phụng thì rất tốt bởi vì không ảnh hưởng sức khỏe của người nông dân và không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở trên cánh đồng. Do đó, sản phẩm làm ra cũng được tiêu thụ và được công nhận.
Cam kết sản xuất sạch, không sử dụng phân bón hóa học cũng như thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm đậu phụng hữu cơ của người dân ở thôn Xuân Nam được doanh nghiệp cam kết thu mua toàn bộ với giá cả cố định ngay từ lúc xuống giống. So với phương thức sản xuất truyền thống trước đây, giá bán của củ đậu phụng của người dân trong thôn cao gấp từ 1,5 đến 2 lần. Nhờ đó, người dân rất phấn khởi.
Ông Trần Công Phụng, Chủ tịch UBND xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam
Để thay đổi phong tục tập quán của nhân dân là cả một quá trình. Ban đầu gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thời gian tổ chức thực hiện và hiệu quả mang lại từ việc tổ chức sản xuất sạch thì ý thức nhân dân được nâng lên rõ rệt. Việc sản xuất đậu phụng sạch và sản xuất đậu phụng thường thì năng suất tương đương nhau. Hiệu quả mang lại là giá thành thu mua rất cao đối với công ty liên kết sản xuất thì từ 30 – 40%. Địa phương xác định đây là mũi nhọn để thay đổi phong tục tập quán của nhân dân từ sản xuất các sản phẩm thường qua sản xuất các sản phẩm sạch.
Với yêu cầu ngày càng cao của thị trường, thì những sản phẩm sạch, chất lượng luôn là tiêu chí được hướng tới. Thôn Xuân Nam, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Nam mà tất cả các hộ dân đều nói không với phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Với năng suất, chất lượng và hiệu quả mang lại qua các mùa vụ mà họ vẫn gắn bó với phương thức này suốt nhiều năm qua. Hy vọng rằng, đây sẽ là mô hình điểm để nhiều địa phương khác học hỏi và làm theo trong thời gian tới.