Chính quyền và người dân địa phương đã nỗ lực trong việc thu gom rác thải, đến nay môi trường nuôi biển tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã được cải thiện rõ rệt.
Thu gom rác thải, bảo vệ môi trường vùng nuôi thủy sản lồng bè
Bằng sự nỗ lực của chính quyền địa phương và chính từ người dân nuôi biển trong việc thu gom rác thải, đến nay môi trường nước tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã được cải thiện rõ rệt.
Xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa là địa phương phát triển mạnh ngành nuôi thủy sản lồng bè với 2 đối tượng chính gồm tôm hùm và cá biển, với tổng cộng 941 bè và 35.000 ô lồng.
Thời gian qua, nghề nuôi thủy sản lồng bè này đã cải thiện đời sống của người dân và giải quyết lao động tại địa phương rất lớn. Tuy nhiên do phát triển ồ ạt, trong đó cũng có người dân từ tỉnh Phú Yên vào thả nuôi đã khiến vùng nuôi dày đặc lồng bè, từ đó lượng rác thải xử lý không đảm bảo, gây ra áp lực ô nhiễm môi trường rất lớn.
Ông ĐẶNG KHẮC ĐỘ, Xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên
Trước khi UBND xã ra quyết định thu gom rác, nguồn nước ít sạch sẽ lắm. Trên mặt nước có những bao, túi rác trôi nổi, cái nào nổi được thì nổi, cái nào chìm được thì chìm. Thời gian nhiều ngày, nhiều tháng rác gom lại, nói chung không được sạch sẽ như bây giờ. Bây giờ UBND xã ra quyết định cứ 2-3 ngày sẽ thu gom rác, bảo ngư dân thu gom lại tại bè rồi đến ngày sẽ tới thu gom.
Trước thực trạng rác thải vứt bữa bãi trên biển, ông Trần Thiện Toàn, ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh đã xin cơ chế của chính quyền địa phương, đứng ra tổ chức thu gom rác để bảo vệ môi trường.
Ngoài thu gom rác trên bờ, ông có 3 chiếc ghe thay nhau thu gom rác tại 4 khu vực nuôi trồng lồng bè trên địa bàn xã gồm Đầm Môn, Bãi Giếng, Mũi Me và Hòn Ông. Mỗi ngày lượng rác được thu gom tại các bè khoảng 3 tấn. Rác được thu gom đưa về cảng Đầm Môn, sau đó có xe chở đến nơi tập kết để xử lý theo quy định.
Ông TRẦN THIỆN TOÀN, Thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa
Qua đề án xin từ địa phương, với sự chấp thuận của địa phương, mình cũng tổ chức nhóm anh em triển khai mô hình thí điểm thu gom rác, kinh phí từ nguồn vận động các bè để có nguồn kinh phí thu gom. Hàng ngày, có ba chiếc ghe, các ghe được chia theo từng khu vực, mỗi ngày lấy một khu vực, rác thải được bà con gom vào bao rồi các anh em thu gọn đem về bãi tập kết để xử lý.
Để bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, xã Vạn Thạnh đã tuyên truyền, vận động người nuôi thu gom rác sinh hoạt, thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi tôm cá vào bờ xử lý theo quy định. Đồng thời, địa phương cho chủ trương để một đơn vị trên địa bàn xã thực hiện xã hội hóa thu gom rác trên biển tại vùng nuôi thủy sản lồng bè.
Ông NGUYỄN XUÂN KHOA, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa
Xã cũng tuyên truyền bà con đem rác thải túi nilon vào bờ để có xe vận chuyển tới bãi rác và tổ chức phương án thu gom trên biển, có thu gom nhưng cũng có một số bà con không ủng hộ với vấn đề này. Bởi các đơn vị thu gom rác phải có kinh phí, việc đóng góp kinh phí một số bà con không chịu.
Hiện nay có một đơn vị họ xin được chở các loại vỏ sò, vỏ ốc có thể thái chế lại để làm vôi. Hiện nay bà con tập kết trên bè sẽ có đơn vị tới chở đi, việc bảo vệ môi trường cũng tương đối.
Nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc thu gom rác thải cũng như người dân nuôi trồng đã ý thức được việc bảo vệ môi trường nước vùng nuôi, đến nay lượng rác thải trên biển đã được cải thiện rất đáng kể, vùng nước được sạch sẽ hơn, từ đó người nuôi yên tâm sản xuất.