| Hotline: 0983.970.780

Xem xét kỷ luật cán bộ thú y liên quan vụ 'tuồn thịt heo bẩn'

Thứ Hai 04/04/2022 , 21:41 (GMT+7)

TP.HCM Hiện các cơ quan chức năng đang xem xét kỷ luật cán bộ thú y, cũng như xem xét rà soát lại toàn bộ quy trình giết mổ trên địa bàn TP.HCM.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: T.N.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: T.N.

Liên quan đến phản ánh của báo chí về đường dây cung cấp thịt heo bẩn lớn nhất phía Nam xuất phát từ các lò mổ tại TP.HCM như Nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), lò mổ tập trung Xuyên Á, và một số lò mổ heo lậu, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết tại buổi họp báo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, phục hồi kinh tế TP.HCM chiều 4/4, khi xảy ra sự việc, UBND TP.HCM đã ngay lập tức có chỉ đạo. Hiện, cơ quan chức năng đang xem xét kỷ luật cán bộ thú y, cũng như xem xét rà soát lại toàn bộ quy trình giết mổ trên địa bàn TP.HCM. "Cá nhân nào vi phạm thì phải xử lý nghiêm khắc", bà Lan nói.

Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP.HCM cho hay, trong 5 hộ kinh doanh cá thể được phản ánh tiêu thụ thịt heo bẩn trên, sau khi kiểm tra có 2 cơ sở hoàn toàn không còn kinh doanh thịt heo; 2 cơ sở tại Hóc Môn đã bị xử phạt 50 triệu đồng và phải tiêu hủy toàn bộ 953kg thịt heo; một cơ sở tại quận Bình Thạnh đã được UBND phường xử lý, xử phạt vì kinh doanh thịt nhưng không trình được giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ. "Đây là bài học cho cơ quan quản lý phải chấn chỉnh lại tình trạng này", bà Lan nói.

Theo bà Lan, từ trước đến nay, công tác giết mổ thịt heo được phân cho Chi cục Chăn nuôi và Thú ý TP.HCM (thuộc Sở NN&PTNT TP.HCM), còn sau khi thịt heo đã được giết mổ thành heo mảnh, đưa ra thị trường tiêu thụ thì mới thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM. 

Tuy nhiên, bà Lan cho rằng, Ban đã báo cáo UBND TP.HCM để có cơ chế cùng nhau giám sát theo dõi việc giết mổ, không thể phó mặc khâu chăn nuôi, giết mổ cho lực lượng ngành nông nghiệp. "Việc chia cắt khiến khâu giám sát không hiệu quả. Nếu những con heo chết, không bảo đảm chất lượng được đưa ra thị trường, thì toàn bộ quá trình phía sau là vô nghĩa", bà Lan nhận định.

Theo Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, từ trước tới nay, cơ quan này vẫn túc trực, kiểm tra thông tin về truy xuất nguồn gốc một cách gián tiếp từng xe heo đưa vào các chợ đầu mối của thành phố. "Hầu như đêm nào cũng có heo không bảo đảm chất lượng, bị bắt tại chỗ và buộc tiêu hủy. Ngoài ra, Ban cũng phân công các đội quản lý ATTP tại các quận huyện phối hợp với lực lượng liên ngành quận huyện thường xuyên kiểm tra nguồn gốc xuất xứ thực phẩm. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới", bà Lan nói.

Tuy nhiên, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, không nên vì một vụ việc mà kết luận thịt heo bẩn đang tràn lan trong thành phố. "Không thể có chuyện thịt heo bẩn bán tràn lan. Việc này đã được chứng minh bằng số lượng mẫu thịt heo Ban ATTP lấy mẫu kiểm tra kiểm soát về độ nhiễm khuẩn, các tiêu chí ATTP thì vẫn ở trong giới hạn cho phép. Chúng tôi không bao giờ để tình trạng thịt heo bẩn bán tràn lan trên thị trường", Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM khẳng định.

Trong dịch bệnh Covid-19, giãn cách xã hội, do thiếu thực phẩm tươi sống, người người nhà nhà buôn bán thực phẩm tràn lan, ngay cả quán cà phê cũng bán thực phẩm. Mặt khác, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, việc thanh kiểm tra ATVSTP hầu như "ngủ đông". 

Một điểm bán thịt heo tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Một điểm bán thịt heo tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Thủy.

"Lâu lâu dọc đường thấy trải thịt heo trên tấm nilong bán. Tất cả việc này tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP rất lớn. Trong một chừng mực nào đó, chúng ta chấp nhận cho người dân mua thực phẩm một cách tự phát thì bây giờ, khi cuộc sống trở lại "bình thường mới", người dân không nên tiếp tục thực hiện mua bán tự phát, nếu tiếp tục sẽ bị phạt", bà Lan nói.

Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo, người dân nên mua thực phẩm, đặc biệt là thịt heo tại các cơ sở kinh doanh hợp pháp, uy tín.

Liên quan đến vụ việc trên, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã có công văn yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để xác minh, làm rõ sai phạm của nhân viên thú y được phân công thực hiện kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ. Nếu phát hiện vi phạm, không được bao che, tiến hành xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, phối hợp cơ quan công an để điều tra, xử lý nghiêm, triệt để các tổ chức, cá nhân hành nghề giết mổ động vật, kinh doanh, chế biến sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm pháp luật về thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại Công văn số 1338; và Công văn số 2072 của UBND TPHCM về tăng cường kiểm tra, xử lý việc buôn bán giết mổ lợn nghi mắc bệnh, lợn bệnh, lợn chết.

Đồng thời, tổ chức tập huấn về quy trình kiểm soát giết mổ động vật và xử lý động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ cho nhân viên được phân công thực hiện kiểm soát giết mổ.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất