PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, trường Đại học Cần Thơ, đã trao đổi với PV về vấn đề này.
Xin ông cho biết sạt lở bờ sông ở vùng ĐBSCL do biến đổi khí hậu hay do con người. Nếu đều do các yếu tố trên thì yếu tố nào quan ngại nhất?
Tình trạng sạt lở bờ sông hiện nay ở ĐBSCL có cả hai yếu tố tự nhiên và con người. Mặc dầu yếu tố tự nhiên như sự thay đổi đặc điểm dòng chảy do mưa bất thường và triều cường đang dần dần thể hiện rõ nhưng yếu tố hoạt động của con người là quan ngại nhất, như tăng nhanh khai thác cát, tăng mật độ xây dựng ven sông, tăng lượng phương tiện vận tải đường sông, chặt phá làm giảm diện tích các dải cây hoang dã ven bờ như dừa nước, bần, ô rô, cóc kèn, mái dầm khiến tốc độ sạt lở diễn ra nhanh hơn và rộng hơn.
Đã có những chuyên gia nhận định "cấp phép và khai thác cát tràn lan" đang là nguyên nhân chính, nguy cơ mất đất tại các tỉnh ven sông Tiền và sông Hậu ngày càng gia tăng. Ông có khuyến cáo gì với các nhà quản lý trong việc cấp phép và xử lý nạn "cát tặc"?
Tôi không nắm được hết tình trạng cấp phép khai cát hiện nay, tuy nhiên đi dọc theo sông Tiền và sông Hậu đều dễ dàng bắt gặp nhiều xà lan đang khai thác và vận chuyển cát. Được biết quy trình xin phép khai thác cát về nguyên tắc cũng khá chặt: phải được vào hồ sơ điều tra trữ lượng cát, lập bản báo cáo đánh giá tác động môi trường, làm cam kết, ký quỹ môi trường...
Nhưng một điểm yếu, theo tôi nhận định, là các tỉnh không có hợp tác để đánh giá tác động lũy tích khi nhiều nơi cấp phép một cách riêng rẽ, không xem xét đến ảnh hưởng qua lại.
Tôi lo ngại nhất là các cơ quan chức năng hiện nay không có đủ nhân lực để quản lý sau cấp phép một cách chặt chẽ. Điều này khiến tình trạng khai thác vượt quá phạm vi và quy mô cho phép, khai thác lậu, không nghiêm chỉnh thực hiện cam kết bảo vệ môi trường khiến tốc độ sạt lở gia tăng nghiêm trọng.
Thưa ông, nhu cầu sử dụng cát thì ngày càng lớn, tạo ra mức cầu rất cao thậm chí là mất cân đối ở nguồn cung, liệu với các biện pháp hành chính đơn thuần có giảm thiểu được tình trạng sạt lở đất ven sông?
Tôi chắc chắn là khả năng nguồn cung cát ở ĐBSCL sẽ thấp hơn nhiều so với nhu cầu xây dựng hiện nay và trong tương lai gần. Khi các nước ở thượng nguồn tiếp tục xây đập trên sông Mekong thì vấn đề thiếu hụt cát xây dựng và san lấp sẽ trở nên một vấn đề báo động lớn cho sự ổn định bờ và nền địa chất ở ĐBSCL. Đây là một cảnh báo cần lưu ý. Khi đó, biện pháp hành chính trở nên thiếu hiệu quả.
Dưới góc độ là nhà khoa học, ông có đề xuất gì giúp các tỉnh trong vùng ĐBSCL cân đối cung cầu sử dụng cát, qua đó xác định mức độ khai thác hợp lý để tránh tình trạng: “Biến đổi khí hậu chưa gây hậu quả đáng kể nhưng khai thác cát lại đang là hiểm họa”?
Về tổng thể cho quy mô cả vùng ĐBSCL, khó có thể nói ở mức độ nào là khai thác cát hợp lý cho môi trường, dân sinh và xã hội vì hiện nay chúng ta quá thiếu dữ liệu nền để có thể dự báo nguồn tài nguyên khoáng sản ở dòng sông Mekong trong địa phận Việt Nam. Trong quy hoạch phát triển tổng thể vùng ĐBSCL cũng chưa có bài toán cân đối nguồn cát cho cung và cầu liên quan trong tương lai, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động thủy điện xuyên biên giới đang diễn ra.
Một số giải pháp thay thế khác mà các nhà khoa học cũng cần xem xét cho tương lai phát triển xây dựng ở vùng ĐBSCL là hạn chế dùng cát để san lấp các khu đất trũng, hướng đến xây nhà cao tầng, chọn kiểu kiến trúc nhà sàn, sử dụng vật liệu thay thế bê tông như dùng cấu kiện sắt thép lắp ghép cho công trình nhà công nghiệp, cầu giao thông, siêu thị... Cuối cùng là phải nghĩ đến việc nhập cát từ vùng miền Trung, thậm chí nhập cát từ Campuchia, Malaysia. Bài toán kinh tế và môi trường cần cân nhắc cho các lựa chọn khôn ngoan.
Xin cảm ơn ông!