| Hotline: 0983.970.780

Hành trình làm giàu từ đá của người thương binh già

Chủ Nhật 22/12/2024 , 08:16 (GMT+7)

Trở về từ binh lửa, ông Hưng - thương binh hạng 2/4 đã biến những tảng đá vô tri thành non bộ có giá trị kinh tế và dạy nghề cho nhiều gia đình.

Người thương binh hạng nặng

Từ xa, tôi thấy bóng người cựu chiến binh Nguyễn Cảnh Hưng (xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) đang lúi húi bên mấy gốc lan trong vườn nhà. Tôi ghé thăm ông trong những ngày ông đang an dưỡng tuổi già. Ông lặng lẽ bước đi, giọng trầm ngâm kể về những năm tháng tuổi thơ đầy gian truân và mất mát: “Mười tuổi, tôi đã mồ côi mẹ. Cha đi thêm bước nữa, nhưng niềm an ủi chẳng kéo dài. Đến năm 12 tuổi, tôi theo cha lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề kéo xe lôi. Chưa đầy 13 tuổi, cha qua đời, bỏ lại tôi bơ vơ giữa cuộc đời.”.

Ông Hưng luôn nhớ về thời niên thiếu vất vả mưu sinh. Ảnh: Minh Toàn.

Ông Hưng luôn nhớ về thời niên thiếu vất vả mưu sinh. Ảnh: Minh Toàn.

Về quê xây dựng gia đình, đến năm 1959, trước tiếng gọi của Tổ quốc, ông rời xa gia đình khoác ba lô lên đường. Trong màu áo lính của Trung đoàn 803, Sư đoàn 324, ông vượt Trường Sơn, mang theo cả tình yêu gia đình và khát vọng giải phóng quê hương. “Đó là những năm tháng không thể nào quên,” ông trầm ngâm, ánh mắt như lạc về những ngày khắc nghiệt của tuổi trẻ, nơi gian khổ và hy sinh đã trở thành một phần máu thịt.

Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân Mậu Thân 1968 tại Thừa Thiên - Huế, ông bị thương nặng. Vết thương buộc ông phải cắt bỏ chân trái và một ngón tay, nhưng ý chí kiên cường thì chưa từng khuất phục. Trở ra Bắc, trải qua 6 lần phẫu thuật, ông trở thành thương binh hạng 2/4. Ông được chuyển về công tác tại Ty Thực phẩm Nam Hà (nay là Hà Nam và Nam Định), tiếp tục cống hiến trong một vai trò khác, dù cơ thể mang đầy dấu tích chiến tranh.

Vết thương của ông Hưng sau một trận chống càn. Ảnh: Minh Toàn.

Vết thương của ông Hưng sau một trận chống càn. Ảnh: Minh Toàn.

Xuất ngũ về quê, thương binh Nguyễn Cảnh Hưng lại bước vào một trận chiến mới với gánh nặng cơm áo. Từ “chiến sĩ nơi chiến trường,” ông trở thành “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế,” kiên cường vượt qua những thử thách của đời thường. Chiến tranh đã lùi xa, vết thương năm xưa dần khép lại, nhưng trách nhiệm với gia đình giờ đây lại đè nặng trên đôi vai gầy guộc của người lính năm nào.

Về hưu với sức khỏe hao mòn, ông Hưng vẫn cùng vợ bươn chải nuôi 6 miệng ăn. “Tôi đã làm đủ nghề: nấu rượu, nuôi lợn, tráng bánh, bán hoa... nhưng vẫn chẳng đủ nuôi hơn nửa tiểu đội ăn học,” ông kể. Nỗi lo cơm áo đè nặng, nhiều khi còn nhức nhối hơn cả những vết thương năm xưa mỗi khi trái gió trở trời.

Từ gã khùng phố Động Nhất...

Khi còn ở chiến trường, mỗi lúc rảnh rỗi, ông Nguyễn Cảnh Hưng lại tỉ mỉ sưu tầm đá cảnh, giò phong lan để trang trí, ngụy trang cho hầm hào, ba lô trên đường Nam tiến. Đó là cách ông giúp mình quên đi cái tàn khốc của chiến tranh. Giữa lúc tưởng như tuyệt vọng nhất, hình ảnh cỏ cây, hoa lá nơi Trường Sơn lại hiện về, khơi dậy trong ông niềm hy vọng. Ông chợt nhận ra, khi đời sống ổn định, người dân sẽ tìm đến những thú chơi tao nhã. Và thế là, ông bắt đầu “dấn thân” vào nghề trồng cây, tạc đá, mang theo cả ký ức hào hùng của thời binh lửa.

Ông Nguyễn Cảnh Hưng vẫn giữ thú chơi lan khi nghỉ hưu. Ảnh: Minh Toàn.

Ông Nguyễn Cảnh Hưng vẫn giữ thú chơi lan khi nghỉ hưu. Ảnh: Minh Toàn.

Ý tưởng kinh doanh non bộ đá cảnh của Nguyễn Cảnh Hưng ra đời vào những năm 90, khi đó nhiều người cho rằng ông là “gã khùng”. Những ngày đầu, ông một mình lặn lội, chiếc xe đạp cũ kỹ làm bạn đồng hành, vượt hàng chục cây số vào núi Kim Bảng (Hà Nam) để tìm đá, tìm cây. Vợ ông, bà Hoàng Thị Khang, nhớ lại: “Ông ấy đi bằng ý chí, chứ không phải bằng đôi chân.”.

Ký ức về những lần vấp ngã, rơi chân giả vẫn ám ảnh ông. Ông nhớ lại: “Có lần qua đò, đường đất trơn, xe và đá đổ ập xuống. Tôi gắng sức dựng xe dậy, nhưng vừa đứng lên thì lại loạng choạng, lăn tòm xuống sông giữa chiều cuối năm lạnh giá. Có lần, đi chợ Ba Na bán cây cảnh, đường ngược gió, xe tuột xích, tôi ngã văng cả chiếc chân giả. Không thể gượng dậy, tôi đành ngồi chờ gần một tiếng mới có người qua giúp lắp lại bàn chân giả.”.

“Có những lúc tôi đã khóc, nhưng cứ nghĩ đến thời mưa bom bão đạn khốc liệt, nghĩ về đồng đội tôi lại như được tiếp thêm sức mạnh", ông Hưng bộc bạch.

Dù gian nan vất vả, nhưng khắp các núi rừng từ Thung Mơ, Thung Trứng (Hà Nam) đến Hà Trung (Thanh Hoá), Suối Tép (Hoà Bình)... đâu đâu cũng in dấu chân người lính Bộ đội Cụ Hồ Nguyễn Cảnh Hưng. Trong dòng nhật ký của mình, ông viết: “Vào rừng, nghe tiếng chim hót: ‘bắt - cô - trói - cột’, tôi ngẫm đó là tiếng chim động viên tôi ‘khó - khăn - khắc - phục’. Tiếng chim thôi thúc tôi, dù chân lành hay chân giả, leo lên từng dãy núi, vượt qua mỏm đá để mang về những tảng đá, dò phong lan, cây gỗ lũa ưng ý.”.

Bằng khen 'Cựu chiến binh xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi' do Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng ông Nguyễn Cảnh Hưng. Ảnh: Minh Toàn.

Bằng khen “Cựu chiến binh xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” do Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng ông Nguyễn Cảnh Hưng. Ảnh: Minh Toàn.

Dù gian nan vất vả, nhưng khắp các núi rừng từ Thung Mơ, Thung Trứng (Hà Nam) đến Hà Trung (Thanh Hoá), Suối Tép (Hoà Bình)... đâu đâu cũng in dấu chân người lính Bộ đội Cụ Hồ Nguyễn Cảnh Hưng. Trong dòng nhật ký của mình, ông viết: “Vào rừng, nghe tiếng chim hót: ‘bắt - cô - trói - cột’, tôi ngẫm đó là tiếng chim động viên tôi ‘khó - khăn - khắc - phục’. Tiếng chim thôi thúc tôi, dù chân lành hay chân giả, leo lên từng dãy núi, vượt qua mỏm đá để mang về những tảng đá, dò phong lan, cây gỗ lũa ưng ý.”.

Nhờ nghiên cứu thuật đá bonsai cùng với 9 năm gắn bó với núi rừng Trường Sơn, ông nhanh chóng trở thành một nghệ nhân nổi tiếng trong làng non bộ. Những thế núi Tam Sơn, Nhị Sơn, Phụ Tử, Quân Vương… chính là những ký ức về thời niên thiếu cầm súng bảo vệ Tổ quốc, về Trường Sơn – nơi dấu chân ông và đồng đội đã in đậm.

… đến “ông tổ" nghề đá 

Để tạo nên những hòn đá non bộ giá trị, người chế tác cần có một góc nhìn nghệ thuật tinh tế. Mỗi mảnh đá, muông thú, cỏ cây, tượng người, hay chùa tháp đều phải được “cân đo đong đếm” tỉ mỉ. Suối chảy phải quanh co, đổ xuống từ độ cao 2/3 hòn non bộ, còn chùa, tháp phải vươn lên trên đỉnh núi cao, khuất bóng, tạo nên một cảnh sắc hài hòa.

Non bộ càng giống núi thật, càng có giá trị. Ông tạo rêu cho núi già cỗi, mang dáng vẻ cổ kính bằng cách quét nước cơm đặc lên bề mặt đá, để nơi ít ánh sáng, giữ độ ẩm cho rêu phát triển. Các đường mòn quanh co trên sườn núi luôn có những bụi dương xỉ, những khóm cây cằn cỗi, tạo nên một vẻ đẹp tự nhiên, gần gũi.

Sự độc đáo, cầu kỳ mà vẫn giữ được vẻ tự nhiên khiến sản phẩm của ông Nguyễn Cảnh Hưng nhanh chóng nổi tiếng trong giới chơi non bộ. Hàng trăm cơ quan, đơn vị từ Bắc chí Nam đã tìm đến sản phẩm của ông và từ đó, những tác phẩm của ông bắt đầu tỏa đi khắp Việt Nam, thậm chí vươn ra cả thị trường quốc tế.

Đất và người Động Nhất ngày càng phát triển nhờ nghề đá ông truyền lại. Ảnh: Minh Toàn.

Đất và người Động Nhất ngày càng phát triển nhờ nghề đá ông truyền lại. Ảnh: Minh Toàn.

Năm 1999, ông Nguyễn Cảnh Hưng đã làm nên điều phi thường chưa từng có: xuất khẩu hòn non bộ. Hàng chục container đá non bộ được đưa sang các thị trường Lào, Đức, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan, Hồng Kông,... mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Hơn chục năm gắn bó với đá, cuối cùng, ông cũng được đền đáp. Ông trở thành tỷ phú “đá” đầu tiên của mảnh đất nghèo khó này.

Trở thành tỷ phú đầu tiên trên mảnh đất đồng chiêm, thương binh Nguyễn Cảnh Hưng không đành lòng khi thấy nhiều gia đình quê hương, trong đó có cả những chiến hữu năm xưa, vẫn vật lộn với cuộc sống khó khăn. Ông đã truyền nghề và hỗ trợ vốn cho hơn 40 gia đình cựu chiến binh, giúp họ thay đổi cuộc sống nhờ vào thu nhập từ non bộ. Gần 200 lao động là quân nhân xuất ngũ, con em thương binh, liệt sĩ được nhận vào làm việc trong 4 cơ sở chế tác non bộ của gia đình ông, với thu nhập 40.000 - 50.000 đồng/ngày – một mức thu nhập đáng mơ ước vào những năm 2000.

Hàng năm, ông Nguyễn Cảnh Hưng dành tặng hàng chục triệu đồng cho quỹ khuyến học, giúp đỡ đồng bào bão lũ và nạn nhân chất độc da cam. Ông còn tặng hàng tỷ đồng cùng hàng trăm cây cảnh, bể đá non bộ để trùng tu nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm. Khi nhắc đến người con trai cả đã hy sinh, ông nghẹn ngào: “Nó đã phù hộ cho người cha may mắn sống sót này, để có được ngày hôm nay.”.

Bằng khen được ông Hưng trưng bày trang trọng tại phòng khách. Ảnh: Minh Toàn.

Bằng khen được ông Hưng trưng bày trang trọng tại phòng khách. Ảnh: Minh Toàn.

Ông Nguyễn Cảnh Hưng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Hà Nam, đã góp sức trong nhiều tổ chức quan trọng và nhận được 25 bằng khen, 6 huy chương. Đặc biệt, ông vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, cùng bằng khen "Thương binh vượt khó làm kinh tế giỏi" của Thủ tướng Chính phủ.

Rời phố Động trong khung cảnh sầm uất, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát nhau như một minh chứng về quá trình “thay da đổi thịt" nhờ đá và cây cảnh. Cuộc đời của thương binh Nguyễn Cảnh Hưng giờ đây có cả con đường và thảm hoa. Và đóng góp của ông sẽ như mầm cây, bén rễ và phát triển thành cây đại thụ đưa con người và quê hương ngày càng phát triển đi lên. Ông đã sống và cống hiến như lời chia tay của người bạn chiến đấu năm nào: “Mặc dù mất chân còn tay/Trái tim còn đập còn xây cuộc đời”.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.