Vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường
Chiều 13/12, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tiếp tục làm việc, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp, thực hiện chức năng giám sát, HĐND tỉnh đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất, chăn nuôi xảy ra ở một số địa phương; tình trạng quá tải tại nhiều bãi rác trên địa bàn tỉnh, tiến độ triển khai các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn chậm.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở TN-MT Thanh Hóa cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 671 cơ sở gồm 595 cơ sở sản xuất và 76 trang trại là đối tượng lập hồ sơ môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ TN-MT, UBND tỉnh Thanh Hóa; 1.960 cơ sở sản xuất, chăn nuôi là đối tượng lập hồ sơ môi trường thuộc thẩm quyền cấp huyện; hơn 3.000 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ của hộ gia đình không thuộc đối tượng lập hồ sơ môi trường nhưng có phát sinh tiếng ồn, khí thải, nước thải, có thể gây ô nhiễm môi trường.
Trong năm 2023-2024, các cấp đã nhận và xử lý 147 phản ánh, kiến nghị của cử tri, báo chí về vấn đề môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của một số cơ sở chưa cao, chưa nghiêm túc. Năng lực chuyên môn về môi trường của cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường...
Nói về trách nhiệm của Sở TN-MT về vấn đề bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, ông Nghiêm cho biết: “Công tác tham mưu, thẩm định, phê duyệt, đánh giá tác động môi trường còn chưa lường hết được mức độ phát thải cộng hưởng do nhiều trang trại trên cùng địa bàn hoạt động cùng một lúc. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. Công tác xử lý vi phạm hành chính còn thiếu quyết liệt”.
Lỗi không phải do Sở TN-MT
Tại phiên chất vấn, một số đại biểu đặt vấn đề: Trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng cơ sở chăn nuôi phát tán mùi ra khu vực dân cư và rò rỉ nước thải ra môi trường. Vậy, chất lượng trong việc việc thẩm định báo cáo tác động môi trường và việc chấp hành các quy định pháp luật của các cơ sở chăn nuôi ra sao? Có hay không có việc thẩm định qua loa, bỏ sót các yêu cầu hay do các quy định pháp luật thiếu chặt chẽ chưa phù hợp với thực tế. Trách nhiệm của các cơ quan, nhà đầu tư như thế nào về vấn đề này?
Trả lời vấn đề này, ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở TN-MT Thanh Hóa cho biết, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi khi đi vào hoạt động phải tuân thủ việc đánh giá tác động môi trường và xây dựng hệ thống xử lý môi trường. Tuy nhiên quá trình hoạt động vẫn còn cơ sở, đặc biệt là trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Việc một số trại lợn gây mùi thối ảnh hưởng tới khu dân cư có nguyên nhân từ chủ đầu tư và yếu tố thời tiết.
“Trong quá trình vận hành, cơ sở chăn nuôi không thường xuyên (vận hành hệ thống xử lý chất thải) hoặc sử dụng không liều lượng chế phẩm sinh học, khiến mùi phát tán ra môi trường. Ví dụ trang trại lợn Agri - Vina tại huyện Lang Chánh trong quá trình vận hành, trang trại đã thực hiện đúng theo quy trình bảo vệ môi trường, nhưng do vị trí bất lợi về hướng gió nên vẫn phát tán mùi trong khu dân cư. Ngoài ra, nhiều đơn vị khi đầu tư khu sản xuất không nghiên cứu kỹ địa chất, nên khi đi vào hoạt động, công trình xử lý chất thải bị phá vỡ, gây rò rỉ nước thải ra môi trường”, ông Nghiêm cho biết.
Cũng theo ông Nghiêm, hiện nay, các cơ sở chăn nuôi có quy mô hơn 5.000 con đang đẩy nhanh việc lắp đặt công nghệ mới nhằm xử lý hiệu quả mùi, nhằm giải quyết vấn đề môi trường do hoạt động sản xuất gây ra.
Một số đại biểu khác lo ngại rằng, việc nhiều cơ sở sản xuất (chủ yếu là chế biến lâm sản) đặt cạnh nguồn nước tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Do đó Sở TN-MT cần đưa ra giải pháp quản lý để phòng ngừa rủi ro.
Về việc này, ông Lê Sỹ Nghiêm cho biết, các cơ sở chế biến lâm sản (chủ yếu là sản xuất vàng mã, đũa) đặt cạnh sông Mã phân bố chủ yếu tại huyện Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn. Năm 2021, đoàn liên ngành của tỉnh đã vào cuộc kiểm tra và phát hiện có gần 20 cơ sở chế biến tại huyện Quan Hóa có vi phạm về đất đai, môi trường. Đoàn liên ngành đã yêu cầu các cơ sở này khắc phục vi phạm nêu trên đặc biệt là vấn đề môi trường. Cuối năm 2023, các cơ sở này đã hoàn thiện các thủ tục có liên quan để đi vào hoạt động.
“Các cơ sở sản xuất vàng mã, chế biến lâm sản nằm cạnh sông Mã đã đầu tư hệ thống xử lý môi trường bài bản; tại khu vực xử lý nước thải và vị trí thải ra sông đều lắp đặt camera giám sát. Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi nằm cạnh các con sông đã đảm bảo các điều kiện về môi trường để hoạt động”, ông Nghiêm nói.