| Hotline: 0983.970.780

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thứ Tư 18/12/2024 , 06:00 (GMT+7)

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) - bà Bùi Hiệp Tư thông tin với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ba người đại diện cho 3 hộ dân đủ điều kiện nhận nhà xây mới viết đơn xin không nhận nhà tái định cư ở Làng Nủ, gồm: chị Nguyễn Thị Sành (sinh năm 2000), là con gái của ông Nguyễn Văn Trần.

Trong đơn, chị Sành cho biết: lý do không nhận nhà vì hộ gia đình ông Nguyễn Văn Trần (cha đẻ Sành) đã chết cả nhà trong vụ sạt lở đất, lũ quét tại Làng Nủ rạng sáng ngày 10/9.

Chị Nguyễn Thị Sành (áo đen), 1 trong 3 người viết đơn xin không nhận nhà tái định cư. Ảnh: Kiên Trung.

Chị Nguyễn Thị Sành (áo đen), 1 trong 3 người viết đơn xin không nhận nhà tái định cư. Ảnh: Kiên Trung.

Hộ thứ hai là gia đình ông Nguyễn Văn Dóng. Anh Nguyễn Xuân Dương (sinh năm 1997, con trai của ông Dóng) trình bày trong đơn, lý do không nhận nhà vì cả gia đình đã bị chết do lũ quét. Anh Dương đã có gia đình, ra ở riêng nên sẽ thờ tự bố mẹ, người thân tại gia đình mình.

Người thứ ba viết đơn là chị Sầm Thị Nhiên (sinh năm 1998, con dâu của ông Nguyễn Văn Sử. Chị Nhiên cho biết, gia đình bố chồng mình đã chết hết cả nhà trong trận lũ quét vừa qua, do đó chị cũng xin không nhận nhà tái định cư.

Bí thư xã Phúc Khánh xúc động cho biết: “Cả ba trường hợp từ chối không nhận nhà vì lý do cả gia đình đã chết hết, mặc dù theo tiêu chuẩn đã được các cấp có thẩm quyền tỉnh Lào Cai họp bàn, thẩm định, cả 3 trường hợp trên đều có tiêu chuẩn nhà tái định cư.

Bí thư xã Phúc Khánh Bùi Hiệp Tư vô cùng bất ngờ và xúc động trước hành động, nghĩa cử của 3 công dân tại địa phương.

Bí thư xã Phúc Khánh Bùi Hiệp Tư vô cùng bất ngờ và xúc động trước hành động, nghĩa cử của 3 công dân tại địa phương.

Với người dân miền núi, ngôi nhà tái định cư vừa được trao tặng là một tài sản lớn, thế nhưng người dân vẫn nhường cơm sẻ áo cho người khác. Đó là tấm lòng rất đáng quý. Ảnh: Kiên Trung.

Với người dân miền núi, ngôi nhà tái định cư vừa được trao tặng là một tài sản lớn, thế nhưng người dân vẫn nhường cơm sẻ áo cho người khác. Đó là tấm lòng rất đáng quý. Ảnh: Kiên Trung.

Dù họ đã chết hết nhưng người thân của họ hoàn toàn có thể được thừa hưởng để hương khói, thờ cúng về sau. Tuy nhiên, các con của họ đã có đơn xin không nhận nhà.

“Tôi vô cùng xúc động khi nghe lý do các cháu trình bày trong đơn. Tuy nhiên, điều đó cho thấy bà con đồng bào mình rất thật thà, tính thảo thơm luôn tràn đầy trong con người họ, không tham lam của cải, vật chất dù với họ, ngôi nhà vừa được hoàn thành tại khu tái định cư Làng Nủ là những ngôi nhà mơ ước. Nó đẹp đẽ, chắc chắn, hiện đại, tiện nghi và giá trị hơn rất nhiều những ngôi nhà cũ mà bà con đang ăn ở sinh hoạt” - bà Tư cho hay.

Sau một thời gian xây dựng, Nhà bia tưởng niệm các nạn nhân vụ sạt lở đất tại Làng Nủ đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Ảnh: Kiên Trung.

Sau một thời gian xây dựng, Nhà bia tưởng niệm các nạn nhân vụ sạt lở đất tại Làng Nủ đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Ảnh: Kiên Trung.

Đây là nơi người dân tưởng nhớ những nạn nhân đã khuất. Ảnh: Kiên Trung.

Đây là nơi người dân tưởng nhớ những nạn nhân đã khuất. Ảnh: Kiên Trung.

Mỗi căn nhà tái định cư có diện tích 96m2, có công trình phụ khép kín; có khoảng không gian, đất trống xung quanh để làm vườn; hạ tầng đường giao thông, đường điện chiếu sáng đồng bộ, khang trang.

Dù không công bố chi phí xây dựng, tuy nhiên, giá trị một căn hộ hoàn thiện như nhà tái định cư ở Làng Nủ ước tính lên tới cả tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh Lào Cai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, mỗi khu đất có diện tích từ 350 - gần 400m2, tùy từng vị trí, địa điểm.

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, chị Nguyễn Thị Sành (một trong 3 người viết Đơn xin không nhận nhà tái định cư) cho biết: “Còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn em, do đó em xin không nhận để nhường ngôi nhà đó cho người khác”.

Sành cho biết thêm, theo phong tục tập quán của người Tày, con gái đi lấy chồng không được đưa bát hương bố mẹ về nhà chồng để thờ cúng. Do đó, khi chính quyền xây dựng Nhà bia tưởng niệm cho những nạn nhân thiệt mạng trong trận lũ quét vừa qua, chị Sành cảm thấy rất mãn nguyện vì bố mẹ, người thân đã có nơi nhang khói.

Khu tạm cư cho 33 hộ dân Làng Nủ trong thời gian khu tái định cư xây dựng. Ảnh: Kiên Trung.

Khu tạm cư cho 33 hộ dân Làng Nủ trong thời gian khu tái định cư xây dựng. Ảnh: Kiên Trung.

“Gia đình em rất biết ơn Đảng, chính quyền các cấp, biết ơn bà con cả nước đã quan tâm, chăm lo cho người dân Làng Nủ, cả người sống và người đã mất. Nhà bia là nơi thờ cúng cho những người xấu số, bà con có chỗ để tới thắp hương tưởng nhớ người thân, điều đó em thấy rất mãn nguyện rồi” - chị Sành chia sẻ.

Khu tái định cư Làng Nủ giai đoạn 1 xây dựng trên mặt bằng diện tích khoảng 10ha, với 40 căn nhà. Hiện tại, có 33 hộ đã bốc thăm nhận nhà, được bàn giao nhà để dọn dẹp đồ đạc đưa vào sử dụng.Với 3 Đơn xin không nhận nhà vừa được gửi, hiện tại, Khu tái định cư Làng Nủ còn dư 7 căn nhà chưa có chủ, và đều chưa được đánh số, ghi tên.

Bà Bùi Hiệp Tư cho biết: “Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ tiếp quản, bảo vệ tài sản 7 công trình trên. Về lâu dài, sẽ xin ý kiến của tỉnh, huyện bố trí nhà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng hoặc các hộ gia đình bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt không thể tiếp tục sinh sống ở nơi ở cũ, phải bố trí tái định cư”.

Đối với 4 dãy nhà tạm cư được xây dựng làm chỗ ăn nghỉ cho các hộ dân Làng Nủ trong thời gian xây dựng khu tái định cư, trưởng thôn Làng Nủ Hoàng Ngọc Diệp cho hay: địa phương có chủ trương sẽ sử dụng trong trường hợp bố trí làm nơi ở cho các gia đình bị ảnh hưởng của thiên tại, lũ lụt, sát lở đất…

Hiện tại, trên địa bàn xã Phúc Khánh còn nhiều khu vực, địa điểm chịu ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét; nhiều công trình nhà dân bị xuống cấp, nứt… rất nguy hiểm.

Xem thêm
Hà Giang có 10 Sở thực hiện hợp nhất

Ngày 17/12, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai, xây dựng phương án sắp xếp các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh này.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Sau đợt mưa lớn, hồ thủy lợi ở Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích

Nhờ đợt mưa lớn vừa qua, các hồ thủy lợi ở tỉnh Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích thiết kế, đảm bảo 100% diện tích kế hoạch sản xuất vụ đông xuân.