Hội nghị Quản lý và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi với sự tham dự hơn 150 đại biểu trong và ngoài nước
Hội nghị nhằm chia sẻ các thông tin khoa học về các nguồn vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh (KS) ở người và quá trình làm nảy sinh vi khuẩn kháng thuốc. Đồng thời thảo luận về các mảng chuyên đề chính cần xem xét khi xây dựng lộ trình “Sử dụng thuốc KS và chất KS trong chăn nuôi của VN một cách an toàn và có chiến lược”.
Khó loại bỏ
Ông Đỗ Trọng Minh, phòng Quản lý thuốc (Cục Thú y) cho biết: Việc gia tăng tiếp cận với KS đồng thời cũng đem lại một hậu quả là kháng KS. Nếu không quản lý và nâng cao kiến thức sử dụng thì KS sẽ tràn lan trên thị trường, được sử dụng tùy tiện, bừa bãi. Khi đó, những loại KS đắt tiền cũng sẽ không có hiệu quả. Hơn nữa, những chủng kháng thuốc từ động vật có thể lây truyền sang người, tạo thành gánh nặng cho ngành y tế, cho cộng đồng, gây tổn thất lớn cho người dân.
Theo thống kê của Cục Thú y, hiện có gần 9.000 sản phẩm thuốc thú y đã được đăng ký lưu hành, trong đó SX trong nước hơn 6.000 sản phẩm (gần 4.000 sản phẩm có chứa hoạt chất KS), nhập khẩu được phép lưu hành hơn 3.000 sản phẩm (trong đó gần 2.000 có chứa hoạt chất KS).
Từ năm 2005-2012, Cục Thú y đã lấy 2.463 mẫu thuốc thú y để kiểm tra và phát hiện 379 mẫu không đạt chất lượng và đã xử lý nghiêm theo quy định. Các kết quả phân tích cho thấy dư lượng KS vượt quá giới hạn cho phép, thậm chí phát hiện dư lượng KS cấm sử dụng trong thủy sản nuôi, thịt lợn, gà...
Theo bà Hoàng Hương Giang, Phó phòng TĂCN (Cục Chăn nuôi), kể từ năm 2001 đến nay, TĂCN nhập khẩu được quản lý theo danh mục. Danh mục TĂCN nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 26/2012/TT-BNNPTNT ngày 25/6/2015. Theo đó có 43 loại KS, hóa chất dưới dạng premix đăng ký được phép lưu hành tại VN để làm thức ăn bổ sung cho gia súc, gia cầm nhằm kích thích sinh trưởng vật nuôi. Từ 2012 đến nay, có khoảng 24 loại KS, hóa chất trong tổng số 43 loại nêu trên, đang nhập khẩu vào VN.
“Về quy định sử dụng KS để phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm, hằng năm Cục Thú y ban hành danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại VN. Về quy định tồn dư thuốc thú y trong thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành quy định mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm (kèm theo theo Thông tư số 24/2013/TT-BYT ngày 14/8/2013). Thông tư này quy định hàm lượng tồn dư tối đa trong thực phẩm của 59 loại hóa dược KS, trong đó có 9 loại hóa dược KS là đang được sử dụng trong TĂCN để kích thích sinh trưởng vật nuôi”, bà Giang cho hay.
Tại hội thảo, TS Jobke van Hout, chuyên gia Hà Lan chia sẻ, quá trình cắt giảm sử dụng KS trong chăn nuôi ở Hà Lan được thực hiện từ từ. Cụ thể năm 2008, Chính phủ thành lập Đội đặc nhiệm để xây dựng quá trình làm thế nào giảm KS. Hà Lan đã đặt ra mục tiêu cụ thể và tiến hành thực hiện. Như năm 2011 lần đầu tiên Hà Lan cắt giảm KS 20% trong chăn nuôi. Để làm được việc này, Hà Lan khuyến khích các trang trại sử dụng một cách có trách nhiệm đối với các loại thuốc thú y. Khi sử dụng yêu cầu phải kê đơn, đặc biệt là thuốc KS. Ở Hà Lan lực lượng thú y chịu trách nhiệm cung cấp kê đơn cho các trang trại.
TĂCN có chứa kháng sinh đang được sử dụng nhiều ở VN
Tiếp đến, giai đoạn 2011-2012, Hà Lan tiến tới điều chỉnh, theo đó xác định nghiêm ngặt loại KS, không cho phép pha trộn các loại thuốc KS, không sử dụng KS để ngăn chặn, phòng ngừa. Đến năm 2013, đề ra mục tiêu cắt giảm 50%, lúc này xây dựng chuẩn bác sỹ thú y và chuẩn cho người chăn nuôi. Đến năm 2015, Hà Lan đề ra mục tiêu cắt giảm 70% sử dụng KS trong chăn nuôi.
Ông Larry Granger, chuyên gia Mỹ, cho biết: Mỹ đang sử dụng KS trong TĂCN, tuy nhiên ở bao bì sản phẩm được ghi rõ ràng các loại KS, thời gian sử dụng ra sao. Các công ty đã loại bỏ chỉ định kích thích tăng trưởng. Ở Mỹ khâu quản lý rất chặt chẽ, những gia súc, gia cầm dư lượng KS trong cơ thể thì được nuôi để phân hủy, sau đó mới giết mổ. Mỹ tiến tới cuối năm 2017 đầu năm 2018 không sử dụng KS trong chăn nuôi.
Hiện Cục Chăn nuôi đã soạn thảo thông tư ban hành danh mục KS, hóa dược được phép sử dụng trong TĂCN tại VN. Theo bản dự thảo này có 12 kháng sinh, hóa dược được phép sử dụng gồm: Bambemycins, BMG, Chlortectracyline, Conlistin sulphate, Diclazuril; Enrammycin, Kitasamycin, Lincommycin hdrochlocinde, Maduaramicin, Monensin, Narasin+Nacarbazin và Neomycin Sulphate. |
Ông Scott Newan, đại diện FAO cho hay, tất cả các quốc gia dùng KS cho động vật SX thực phẩm, không có quốc gia nào loại bỏ hoàn toàn. VN muốn loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng KS năm 2020 có khả thi hay không? Tôi cho rằng, không khả thi và không thể đạt được. Chúng tôi mong muốn VN nên hướng tới mục tiêu loại bỏ sử dụng KS với mục đích là kích thích tăng trưởng.
“VN cần phải giảm một cách chiến lược sử dụng KS trong chăn nuôi, đấy chính là điều cần hướng tới. Như ở Hà Lan đã có những quy định nhiệm vụ bắt buộc trong việc giảm theo lộ trình hàng năm số lượng KS sử dụng TĂ trong chăn nuôi. Và sau đó điều chỉnh các mục đích sử dụng KS trong TĂ để điều trị”, ông Scott Newan nói.
Cần hoàn thiện bộ máy
Tại hội thảo chia ra các nhóm thảo luận nhằm đưa ra kế hoạch hành động sử dụng thuốc KS và chất KS trong chăn nuôi VN. Trong đó có nội dung là cần làm gì để từng bước loại bỏ KS trong TĂCN như chất kích thích tăng trưởng. Có ý kiến cho rằng, phải cấm ngay, không cần lộ trình. Nhưng để làm được việc này cần nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi thay đổi thói quen sử dụng KS trong chăn nuôi, song song với đó đầu tư nghiên cứu các chất thay thế như thảo dược, probiotic…
Liên quan đến việc các bước cần thiết để tăng cường quản lý KS trong chăn nuôi phòng bệnh và chữa bệnh, một chuyên gia cho hay, phải xây dựng lộ trình tăng cường quản lý, rà soát các văn bản liên quan đến SX KS, nhãn mác. Ngoài ra tăng cường nghiên cứu xác định rủi ro cho con người trên thực tế chăn nuôi của VN và nghiên cứu dư lượng KS; tăng cường quản lý, kiểm tra về mua bán, sử dụng và tiêu thụ KS trên thị trường; dừng KS phòng điều trị trong giai đoạn cuối trước xuất chuồng và tăng cường quản lý phát hiện đơn vị không tuân thủ.
Pha chế TĂ cho tôm
Có nhóm đề xuất, để làm tốt công việc thực thi các quy định nên thống nhất việc quản lý KS về một đầu mối, như vậy sẽ hiệu quả hơn. Bên cạnh đó hoàn thiện tổ chức bộ máy và cơ chế phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế nhằm quản lý KS. Đặc biệt xây dựng khung chiến lược quốc gia về kiểm soát KS trong chăn nuôi và y tế. Trong đó thể hiện rõ mục tiêu của từng thời kỳ, bao gồm: Phân tích rủi ro để lựa chọn nhóm KS cho: Người/người, vật nuôi/vật nuôi.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi cho rằng, VN cũng như nhiều nước đang trong lộ trình cắt giảm sử dụng KS trong chăn nuôi. Ở VN có đặc thù riêng, nên những giải pháp từ các nước đưa vào cũng phải được VN hóa để phù hợp hơn với quá trình phát triển và hội nhập.
“Chúng tôi thống nhất sẽ xây dựng khung chiến lược quốc gia về kiểm soát KS trong chăn nuôi. Ở VN khung chiến lược tầm Chính phủ phê duyệt, chúng tôi sẽ báo cáo với Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế. Trong mục tiêu, khung chiến lược sẽ đưa ra các thời kỳ. Tôi xin tiếp thu các kiến nghị, đề xuất, nhất là việc tổ chức bộ máy hoặc cơ chế phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế để quản lý KS hiệu quả”, ông Dương nói.