Ngày 15/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam về hợp tác giữa hai bên nhằm gia tăng giá trị cho nông sản Việt Nam, đặc biệt là cà phê.
Ông Binu Jacob cho biết, thị trường Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với Nestlé, đặc biệt trong ngành hàng cà phê. “Khoảng 35% lượng cà phê của tập đoàn đến từ Việt Nam và mỗi năm, Nestlé thu mua khoảng 20-25% tổng số lượng cà phê được trồng tại Việt Nam. Chính vì vậy, sự thành công của Nestlé phụ thuộc vào sự thành công của cà phê Việt Nam”, ông Jacob nhấn mạnh.
Theo đại diện của Nestlé Việt Nam, trong năm qua, công ty đã quyết định mở rộng công suất nhà máy sản xuất cà phê tại Việt Nam, với tổng lượng đầu tư thêm là 132 triệu USD. Việc đầu tư, mở rộng quy mô nhà máy sản xuất đã giúp tăng giá trị của cà phê Việt Nam nhờ xuất khẩu các sản phẩm cà phê bên cạnh hạt cà phê xanh tới các thị trường của Tập đoàn Nestlé trên toàn thế giới.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan hoan nghênh sự đồng hành và sáng kiến của Nestlé đối với cà phê và một số ngành hàng khác. Ông mong muốn Nestlé Việt Nam cùng các đối tác tiếp tục hỗ trợ ngành hàng cà phê nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người nông dân thông qua các sáng kiến toàn cầu.
“Chúng tôi mong muốn thu nhập của người nông dân trồng cà phê tương xứng với công sức họ bỏ ra cho chuỗi ngành hàng này”, Bộ trưởng cho biết và nhấn mạnh rằng tính bền vững của ngành hàng cà phê hay bất kỳ ngành hàng nào khác xuất phát từ những người sản xuất đầu tiên là nông dân, tổ chức nông dân, HTX.
Ông Lê Minh Hoan cũng cho biết việc nâng cao năng lực của người nông dân trong các ngành hàng nhằm tạo ra giá trị, năng suất cao, hướng tới sự tham gia bình đẳng của người nông dân cùng các đối tác khác trong chuỗi giá trị. Song đây là điều vô cùng khó khăn khi sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Vì vậy, Bộ NN-PTNT khuyến khích sự đồng hành của Nestlé trong việc đóng góp nhiều sáng kiến hơn nữa để những tổ chức nông dân, HTX thực sự trở thành một nền tảng trong một chuỗi ngành hàng.
“Chúng tôi mong muốn Nestlé có nhiều sáng kiến hơn nữa về nông nghiệp tuần hoàn đối với các ngành hàng trong đó có cà phê, có thể từ những nghiên cứu của Nestlé kết hợp với các Viện, trường của Bộ NN-PTNT để các phế phẩm từ cà phê có thể trở thành hóa chất sinh học, đầu vào của những ngành hàng khác”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở.
Bộ trưởng cũng đề xuất Nestlé nghiên cứu, hỗ trợ về công nghệ cho các đơn vị HTX, nông hộ nhỏ cùng tham gia vào không gian kinh tế tuần hoàn để tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cho người nông dân, bên cạnh hoạt động thương mại cà phê.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Nestlé phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, và các tổ chức phụ nữ, tổ chức bà con dân tộc thiểu số xây dựng chương trình chính thức, phổ quát nhằm nâng cao năng lực và sự tham gia của phụ nữ và dân tộc thiểu số vào quỹ ngành hàng cà phê, từ đó tăng tính bền vững của cà phê Việt Nam.
Ông Lê Minh Hoan mong muốn Nestlé có thể tham gia vào chương trình cà phê quốc gia để đưa văn hóa cà phê Việt Nam đi xa hơn nữa.
Về phía Nestlé Việt Nam, ông Binu Jacob cho biết, trong năm qua, tổng giá trị thu mua cà phê Việt Nam của công ty đạt 1 tỷ USD, giá trị xuất khẩu với các sản phẩm được chế biến là 150 triệu USD, và năm nay là 200 triệu USD. Dự kiến giá trị sẽ tăng thêm trong các năm tới nhờ đầu tư thêm và hiện đại hóa dây chuyền sản xuất.
Ông cho rằng một trong những ưu tiên mà hai bên nên tập trung vào là làm thế nào để có thể thay đổi hình ảnh của cà phê Việt Nam, chuyển dịch từ xuất khẩu cà phê thô sang gia tăng giá trị của sản phẩm "Made in Vietnam".
Ông Jacob đề xuất hai bên ký một bản ghi nhớ hợp tác MoU nhằm tăng cường hơn nữa vai trò của ngành cà phê, đặc biệt trong khuôn khổ Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV). Hoạt động hợp tác sẽ tập trung vào chuyển giao công nghệ giúp giảm phát thải trong nông nghiệp, hỗ trợ người nông dân chuyển đổi...